Kết nối với chúng tôi:

Sự kiện giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: ‘Sẽ giảm áp lực sổ sách, thi đua với giáo viên’

Đã đăng

 ngày

 

Trước áp lực lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục khẳng định sẽ giảm các cuộc thi nhà giáo, công việc hành chính. Thông báo được đưa ra tại hội nghị ‘Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới’.

Chiều 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với sự tham gia của Sở Giáo dục 63 địa phương, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhà giáo. Một trong hai nhiệm vụ ngành sẽ chú trọng trong năm 2019 là chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới.

“Áp lực công việc của đổi mới chương trình là rất cao. Muốn thầy cô tốt thì chúng ta cũng phải nhìn vào các điều kiện để giáo viên làm tốt nhiệm vụ, có động lực làm việc. Nếu không nhìn vào động lực mà cứ tăng công việc, tăng áp lực thì chính sách sẽ không hiệu quả, thậm chí có tiêu cực”, ông Nhạ nói.

Giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết

Một trong những việc ngành giáo dục kiên quyết thực hiện từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết. Bộ cũng đề nghị địa phương và các bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.

Tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên

Đến tháng 10/2018, toàn quốc có gần 1,2 triệu giáo viên các cấp, trong đó 96,6% thầy cô cấp mầm non và gần 100% các cấp còn lại đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng đây chỉ là con số theo quy chuẩn cũ. Để đáp ứng tiêu chuẩn mới, nhiều giáo viên phải bồi dưỡng thêm.

Các trường sư phạm chủ chốt đã xây dựng chương trình, tài liệu để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Quý I/2019 bắt đầu bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở trung ương, từ quý III sẽ bồi dưỡng giáo viên đại trà ở địa phương. Hình thức tập huấn là trực tiếp và trực tuyến.

Vấn đề thừa thiếu giáo viên khi áp dụng chương trình mới?

Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục địa phương băn khoăn vấn đề thừa thiếu giáo viên khi áp dụng chương trình mới. Bởi chương trình cho phép học sinh lựa chọn môn học, xuất hiện một số môn tích hợp mới đòi hỏi nguồn giáo viên liên môn… Thực tế, ngành đang thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp, riêng THCS – cấp có các môn tích hợp vừa thiếu hơn 10.000, vừa thừa hơn 12.000 người.

“Ngành giáo dục đang tinh giảm biên chế, chúng tôi phải sắp xếp đội ngũ giáo viên thế nào để không thừa, thiếu”, Giám đốc Sở Giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Giang nêu câu hỏi. Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Trường cũng đặt vấn đề biên chế, bồi dưỡng giáo viên ra sao.

Vụ phó Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trả lời:

Ông cho biết, có hai môn tích hợp mới ở cấp THCS khiến thầy cô băn khoăn về đội ngũ giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu là Lịch sử – Địa lý và Khoa học Tự nhiên.

Với Lịch sử và Địa lý, chương trình được thiết kế theo các phần tương đối độc lập. Việc bố trí giáo viên dạy môn này cơ bản không thay đổi so với chương trình hiện hành. Môn Khoa học Tự nhiên cũng có thời lượng tương ứng tổng thời lượng các môn riêng lẻ hiện nay, nên về cơ bản việc bố trí giáo viên không khó khăn. “Sẽ có mã ngành tuyển mới sinh viên các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử – Địa lý. Hiện nay nhiều giáo viên mới ra trường, chúng ta sẽ bổ sung kiến thức để họ dần đảm nhận dạy toàn bộ môn tích hợp”, ông Thành nói.

Bộ trưởng Giáo dục

Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông Hoàng Đức Minh cũng cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới không bỏ môn nào so với hiện nay nên chắc chắn không có việc giáo viên ở một số môn không có việc làm. Toàn bộ thầy cô ở các môn liên quan đến môn học tích hợp mới sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu.

(Tổng hợp theo VnExpress)

Rate this post

Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thỏa thuận hợp tác chấm dứt bạo lực trẻ em

Đã đăng

 ngày

Bởi

Học sinh sẽ được giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực, giúp nhận biết nguy cơ bạo lực, nâng cao năng lực tự vệ bản thân.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi ký kết. Ảnh: Dương Tâm
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi ký kết. Ảnh: Dương Tâm

Hai bên triển khai chương trình tại 14 tỉnh, thành phố gồm Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Nông, TP HCM và Bình Thuận nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đẩy lùi bạo lực thân thể trẻ em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng World Vision sẽ cùng đưa vào nhà trường kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực. Cụ thể, hai bên sẽ biên soạn tài liệu về giáo dục tích cực, giới thiệu phương pháp này cho đội ngũ giáo viên. Đây được đánh giá là cách dạy trẻ hiệu quả, giúp nhận biết và phát huy thái độ, hành vi tích cực mà không cần mắng mỏ hay đòn roi.

Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi được chú trọng để các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và năng lực tự vệ bản thân. Nội dung này được cụ thể hóa trong các hoạt động như hội thảo, tọa đàm về xây dựng gia đình, giá trị sống, kỹ năng sống; hoạt động huy động sự tham gia, sáng kiến của trẻ để chấm dứt bạo lực; chia sẻ, nhân rộng những mô hình tốt…

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng Trưởng đại diện World Vision tại Việt Nam trong buổi ký thỏa thuận. Ảnh: Dương Tâm
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng Trưởng đại diện World Vision tại Việt Nam trong buổi ký thỏa thuận. Ảnh: Dương Tâm

Bà Trần Thu Huyền, trưởng đại diện Tổ chức World Vision tại Việt Nam, cho biết sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” đã được triển khai ở 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Những năm gần đây, người chăm sóc trẻ em ở Việt Nam đã cố gắng tìm kiếm phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức vẫn chưa đầy đủ và đồng đều trên cả nước. Vì vậy, chúng tôi muốn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp giáo viên, học sinh có cách tốt nhất ngăn chặn bạo lực trong trường học.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định thỏa thuận này là quan trọng để giảm thiểu tác hại của bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng. “Bạo lực trẻ em là vấn đề toàn cầu. Việc đẩy lùi phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng”, bà Nghĩa nhấn mạnh và hy vọng thỏa thuận sẽ giúp trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, từ đó phát triển thể chất và tinh thần.

World Vision là tổ chức cứu trợ và nhân đạo Cơ đốc, hoạt động thông qua các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu. Tổ chức này có mặt ở Việt Nam từ năm 1988 với nhiều hoạt động cứu trợ khẩn cấp.

Dương Tâm – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Hà Tĩnh: Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia – món quà quý kỷ niệm 19 năm thành lập Trường

Đã đăng

 ngày

Bởi

Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vừa tổ chức tuyên dương em Lê Thị Vân (lớp 12A7) đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa Lý năm 2019.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng học sinh Lê Thị Vân

Đến dự có ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng các giáo viên và học sinh nhà trường.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019, các đội tuyển Hà Tĩnh đã mang về thành công rực rỡ với 88/99 thí sinh tham gia dự thi đoạt giải (chiếm tỷ lệ 88,88%), trong đó có 4 giải nhất (3 giải nhất môn Lịch sử và 1 giải nhất ở bộ môn Toán), 30 giải nhì, 29 giải ba và 25 giải khuyến khích.

Trong số 30 giải Nhì toàn tỉnh, Trường THPT Hà Huy Tập vinh dự có em Lê Thị Vân (lớp 12A7) đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa Lý. Đánh dấu sau 19 năm xây dựng và phát triển, trường có một học sinh duy nhất đạt giải Nhì, giải cao nhất của Kỳ thi cấp quốc gia.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên dạy Địa Lý.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên dạy Địa Lý.

Tại lễ tuyên dương, cô Phạm Thị Phương – Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Trường có bề dày lịch sử dạy và học. Đến nay, thành tích của đội ngũ giáo viên, học sinh không chỉ dừng lại ở cấp ngành, cấp tỉnh mà đã vươn tới nhiều thành tích xuất sắc cấp quốc gia. Tạo tiếng vang lớn và khẳng định vị thế của ngành giáo dục tỉnh nhà.

“Tiêu biểu cho thành tích đó, khi nhà trường đón nhận tin vui từ kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019. Em Lê Thị Vân đã đạt giải Nhì quốc gia môn Địa Lý. Điều này đã làm cho niềm hân hoan, niềm tự hào của nhà trường nhân lên gấp bội” – cô Phương xúc động nói.

Để đạt được thành tích đó là sự nỗ lực cố gắng của em, là sự tận tụy của cô giáo Trần Thị Thu Hà – Giáo viên địa lý trường THPT Hà Huy Tập người đã phát hiện, bồi dưỡng và thổi vào em niềm đam mê bộ môn địa lý. Cô giáo Trần Tố Uyên – chủ trì đội tuyển Quốc gia môn Địa lý đã luôn giúp đỡ và động viên em trong thời gian học tập cùng đội tuyển và sự quan tâm tạo điều kiện của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Tĩnh; Ban giám hiệu trường THPT Hà Huy Tập, trường Chuyên Hà Tĩnh và sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè.

Được biết, Vân sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên). Ước ao lớn nhất của cô gái này là được cắp sách đến trường như bao bạn bè khác. Gia đình khó khăn, chị gái đầu không có cơ hội đến giảng đường đại học, nên Vân quyết tâm chăm chỉ học tập để một ngày trở thành một luật sư kinh tế giỏi.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở GD&ĐT ông Trần Trung Dũng biểu dương kết quả mà em Lê Thị Vân đã đạt được. Đây không chỉ là niềm tự hào của bản thân, gia đình, mà còn mang niềm vui, hạnh phúc cho các thầy, cô giáo và ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh.

Trương Hoa / GD&TĐ

 

Rate this post

Đọc tiếp

Sự kiện giáo dục

Hà Nội: Công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT

Đã đăng

 ngày

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn số 802/SGDĐT-QLT gửi các đơn vị, công bố về môn thi vào lớp 10 THPT. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 2-3/6 với 4 môn thi bắt buộc, độc lập bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Công văn Sở GD&ĐT Hà Nội gửi các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, thông báo các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020.

Cụ thể, với bài thi Ngoại ngữ thí sinh được chọn để đăng ký dự thi một trong các tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang được học trong trường THCS).

Các bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi Ngoại ngữ theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận, thời gian làm bài là 60 phút.

Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 2-3/6 với 4 môn thi bắt buộc, độc lập bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo hai nguyên tắc: Hai thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phầm mềm máy tính.

Đề thi gồm các câu hỏi theo chuẩn kiến thức kĩ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi Toán, Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đề thi Ngoại ngữ, Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng thấp.

Theo công bố trước đó của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019-2020, toàn thành phố có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước.

Kì thi năm nay, không áp dụng việc không cộng điểm khuyến khích cho các thành tích học sinh đạt được từ kì thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, chứng chỉ nghề. (Ảnh: Mỹ Hà)

Điểm mới ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2019 – 2020 đó là: thay vì hình thức tuyển sinh cũ là kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ thì năm 2019, việc xét kết quả công nhận trúng tuyển sẽ chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh.

Kì thi năm nay, không áp dụng việc không cộng điểm khuyến khích cho các thành tích học sinh đạt được từ kì thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, chứng chỉ nghề…, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Khoảng 60-62% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 20% vào cấp III tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX, số còn lại tham gia học nghề.

Để chuẩn bị cho kì tuyển sinh vào lớp 10, trước đó, từ ngày 19/2- 28/2, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra quyết định số 227/QĐ-SGDĐT, thành lập ba đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn. Đây là việc làm thường niên của Sở trước mỗi mùa tuyển sinh.

(Theo Mỹ Hà, báo Dân Trí)

Rate this post

Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.