Kết nối với chúng tôi:

Thế giới

Trung Quốc ‘lội ngược dòng’ chống Covid-19

Đã đăng

 ngày

 
Khi phần còn lại của thế giới đang chật vật đối phó với nCoV, Trung Quốc nói rằng họ đã xoay chuyển được tình thế.

Sau một thời gian trì hoãn đối phó và sau đó thực hiện các biện pháp quyết liệt như phong tỏa thành phố, Trung Quốc tuyên bố họ “về cơ bản đã khống chế được dịch”. Trung Quốc ngày 13/3 chỉ ghi nhận 8 ca nhiễm mới, mức tăng số ca nhiễm thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu công bố số liệu từ 20/1. Trung Quốc đại lục ghi nhận 80.813 ca nhiễm nCoV, 3.176 người tử vong và hơn 64.000 người đã bình phục.

Trung Quốc lội ngược dòng chống Covid-19
Bệnh nhân xuất viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán hồi tháng hai. Ảnh: AFP.

Trung Quốc khởi động chống dịch chậm trễ. Từ ngày 8/12/2019, một số người buôn bán và làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam, nơi cũng bán động vật hoang dã, bắt đầu nhập viện với triệu chứng nhiễm nCoV. Giả thuyết được nhiều nhà khoa học ủng hộ là nCoV bắt nguồn từ loài dơi, đã lây sang động vật hoang dã được bán tại chợ và truyền sang người.

Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về “bệnh nhân 0” của Covid-19. SCMP ngày 13/3 đưa tin họ thu được dữ liệu chính phủ cho thấy ca nhiễm đầu tiên là một người đàn ông 55 tuổi tại Hồ Bắc, được phát hiện ngày 17/11/2019. Trong khi đó, tạp chí y khoa Lancet cuối tháng hai công bố nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc từ bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, nói rằng bệnh nhân đầu tiên được biết đến vào ngày 1/12. Các bác sĩ cho biết ca này không liên quan đến chợ Hoa Nam nhưng chợ là nơi virus đã lây lan diện rộng.

Ngày 31/12/2019, cơ quan y tế Vũ Hán thông báo 27 ca nhiễm liên quan đến chợ này và báo cáo cho WHO. Giới chức Vũ Hán ngày 1/1 đóng cửa và khử trùng chợ. Họ cho biết đã ngăn chặn virus tại ổ dịch, nguy cơ đã được hạn chế, không có bằng chứng virus lây từ người sang người.

Ngày 1/1, 8 người bị khiển trách vì “lan truyền tin đồn thất thiệt” về loại bệnh khi đó còn là ẩn số. Một trong số đó là Lý Văn Lượng, 34 tuổi, bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Anh lo ngại SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch khởi phát tại Trung Quốc năm 2002, có thể đã quay trở lại khi chứng kiến 7 người nhập viện với bệnh viêm phổi bí ẩn.

Số ca nhiễm Vũ Hán tăng lên 44 vào ngày 3/1, các cơ quan y tế ở Hong Kong và Singapore ra khuyến cáo đi lại. Trung Quốc tuyên bố sự tồn tại của một “chủng virus corona mới” vào ngày 9/1 và ghi nhận ca tử vong đầu tiên hai ngày sau đó.

Trong giai đoạn 5-17/1, Trung Quốc không báo cáo ca nhiễm mới, trong khi Nhật Bản và Thái Lan phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên.

Trong thời gian này, thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức họp hội đồng nhân dân. Khi thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng đọc báo cáo thường niên trước hội đồng ngày 7/1, ông không đề cập đến dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, các bác sĩ được lệnh giữ im lặng về nCoV và bằng chứng virus lây từ người sang người, theo Nghệ Phân, một trong những bác sĩ cảnh báo sớm về nCoV.

Bữa đại tiệc với sự tham gia của 40.000 gia đình do chính quyền Vũ Hán tổ chức để phá kỷ lục Guinness vẫn diễn ra vào ngày 18/1. Cùng ngày, Bắc Kinh cử một nhóm chuyên gia đến Vũ Hán để điều tra.

Ngày 20/1, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc xác nhận nCoV lây từ người sang người. Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra tuyên bố đầu tiên về Covid-19 với chỉ đạo ngắn gọn là “dốc toàn lực” để ngăn dịch.

Ngày này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác chống dịch, khi 291 ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc đại lục. Giới chức bắt đầu có hành động quyết liệt. Hoảng loạn bao trùm Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, khi nó bị phong tỏa ngày 23/1. Phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc sau đó cũng bị đặt trong vòng kiềm tỏa.

Các bệnh viện ở Vũ Hán lâm vào tình trạng quá tại và thiếu vật tư. Nhiều người có người thân không được điều trị kịp thời kể những câu chuyện thương tâm trên mạng xã hội. Để giảm gánh nặng lên các cơ sở y tế, Trung Quốc xây dựng thần tốc hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, chuyển đổi các cơ sở như nhà thi đấu, trung tâm triển lãm thành 16 bệnh viện dã chiến khác và trưng dụng khách sạn, ký túc xá đại học làm trung tâm cách ly.

Hàng trăm triệu người đã đi lại trong và ngoài nước vào dịp kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước khi các lệnh hạn chế đi lại được áp đặt. Virus lan ra khắp 31 tỉnh thành Trung Quốc và các nước khác. Ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Từ ngày 1 đến 7/2, số ca nhiễm ở Trung Quốc tăng vọt từ 11.791 lên 31.161, 636 người tử vong. Ngày 7/2, bác sĩ Lý Văn Lượng tử vong vì nCoV, gây ra làn sóng đau buồn và giận dữ.

Vài ngày sau, 4 quan chức địa phương cao cấp bị bãi nhiệm để xoa dịu dư luận, bao gồm các bí thư thành ủy Vũ Hán và bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Hồ Bắc ngày 13/2 ghi nhận bước nhảy vọt lớn, tăng 14.840 ca nhiễm chỉ trong một ngày do thay đổi tiêu chí thống kê. Thay đổi này bị đảo ngược một tuần sau, đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu Trung Quốc công bố.

Cho đến thời điểm này, ông Tập khá ít xuất hiện. Truyền thông quốc tế đánh giá vai trò của ông trong cuộc chiến chống dịch khá mờ nhạt. Tuy nhiên, ngày 15/2, Bắc Kinh công bố một bài phát biểu nội bộ của ông Tập trong cuộc họp với các quan chức đảng. Ông cho biết đã yêu cầu quan chức tập trung chống nCoV vào ngày 7/1, hai tuần trước khi ông phát biểu công khai về dịch.

Giới chuyên gia đánh giá đây là một động thái hiếm thấy từ lãnh đạo Trung Quốc. “Có vẻ như ông ấy đang tự bênh vực cho mình, giải thích ông đã làm mọi thứ trong khả năng để lãnh đạo công tác phòng chống dịch”, nhà phân tích chính trị Wu Qiang tại Bắc Kinh nói.

Cuối tháng hai và đầu tháng ba, số ca nhiễm mới ở Hồ Bắc và các khu vực khác của Trung Quốc giảm dần trong khi dịch bùng phát mạnh ở Italy, Iran và Hàn Quốc. WHO ngày 11/3 tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Dịch xuất hiện ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 130.000 người nhiễm, hơn 5.000 người tử vong và hơn 70.000 người bình phục.

Hồi cuối tháng hai, phái đoàn gồm 13 chuyên gia nước ngoài và 12 nhà khoa học Trung Quốc do WHO sắp xếp đã công bố báo cáo, chỉ ra các biện pháp giúp Trung Quốc xoay chuyển tình thế.

Biện pháp khắc nghiệt và gây tranh cãi nhất là phong tỏa hàng chục địa phương. Một số người nghi ngờ tính cần thiết của biện pháp này, đặc biệt tại những nơi cách xa Hồ Bắc và có khá ít ca bệnh, cũng như lo ngại về quyền tự do của người dân. Hơn 780 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Trung Quốc, bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, báo cáo của phái đoàn WHO đánh giá chúng “phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh di chuyển tới những khu vực khác trên đất nước”.

Nhiều biện pháp “cách ly xã hội” cứng rắn khác cũng được thực hiện trên toàn quốc, bao gồm hủy các sự kiện thể thao, đóng cửa những tụ điểm tập trung đông người, kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc cho làm từ xa. Bất cứ ai ra ngoài đều phải đeo khẩu trang.

Các quan chức Vũ Hán nói rằng việc phong tỏa tất cả khu dân cư từ ngày 11/2 là biện pháp quan trọng để kiềm chế lây lan, nhưng một số chuyên gia tin rằng nó dẫn đến nhiều ca lây nhiễm chéo trong hộ gia đình.

Mặc dù đánh giá những biện pháp này “hiệu quả”, báo cáo của WHO cũng thừa nhận “hệ quả là cuộc sống của người dân vô cùng bó buộc”, khiến công chúng tức giận với chính quyền. Khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan thị sát Vũ Hán ngày 5/3, người dân thét lên qua những ô cửa sổ: “Giả dối!”.

Câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có thể học kinh nghiệm từ Trung Quốc, hoặc nếu các quốc gia khác áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng và giám sát điện tử như Trung Quốc, liệu họ có đạt hiệu quả tương tự hay không.

Adam Kamradt-Scott, phó giáo sư Đại học Sydney, chuyên gia an ninh y tế toàn cầu, cho rằng chính phủ các nước nên cố gắng ngăn chặn sự lây lan, nhưng biện pháp cần phù hợp với tính chất riêng của đợt bùng phát. “Có rất nhiều lựa chọn, bạn có thể đưa ra các biện pháp rất mạnh tay và ngăn chặn lây nhiễm một cách nhanh chóng, nhưng nó cũng gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng”, ông nói.

“Chính phủ các nước có thể học tập cách giải quyết của Trung Quốc, nhưng những biện pháp này cũng làm dấy lên lo ngại về nhân quyền. Các nước có cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này”, ông nói thêm.

Bruce Aylward, nhà dịch tễ học người Canada dẫn đầu phái đoàn của WHO, đánh giá bài học lớn nhất từ Trung Quốc là tốc độ xử lý. “Bạn càng phát hiện, cách ly và nắm bắt lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân nhanh bao nhiêu, việc phòng chống càng thành công bấy nhiêu. Trung Quốc đã chứng minh rằng bất chấp tình hình lây nhiễm nghiêm trọng, nếu bình tĩnh xắn tay áo tìm kiếm và theo dõi có hệ thống, bạn chắc chắn có thể thay đổi cục diện”, ông nói.

Sau khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, hơn 42.000 nhân viên y tế khắp Trung Quốc đã được huy động đến tỉnh Hồ Bắc. Tình hình sức khỏe của người dân được theo dõi sát sao. Các hệ thống giám sát điện tử được triển khai.

Theo Aylward, để có thể tăng tốc độ ứng phó dịch bệnh, chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đồng thời đảm bảo hệ thống y tế vận hành nhanh chóng, tập trung điều tra lịch sử tiếp xúc với cộng đồng của các ca bệnh và thực hiện tốt công tác giám sát. “90% phản ứng của Trung quốc là như vậy”, ông cho hay.

Ngày 10/3, ông Tập lần đầu tiên thăm Vũ Hán kể từ khi dịch bùng phát, truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc đã “chiến thắng” Covid-19. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12/3 tuyên bố nước này vượt qua đỉnh dịch.

“Giờ đây, mọi thứ đã tốt lên và ông ấy muốn thể hiện rằng đường lối lãnh đạo của mình đã thành công”, Minxin Pei, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna ở California, Mỹ, bình luận. “Thông điệp phát đi là chúng ta giờ hãy nhìn xem cách phản ứng vụng về và kém cỏi của phương Tây”.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc có thể đã khống chế Covid-19 một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, ngăn nó tràn ra bên ngoài nếu giới chức kịp thời đưa ra phản ứng vào đầu tháng một, khi số ca nhiễm ở Vũ Hán tăng lên, thay vì trì hoãn 7 tuần rồi cuống cuồng phong tỏa thành phố vào cuối tháng, khi dịch bệnh có dấu hiệu mất kiểm soát.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ ca ngợi ông Tập là “lãnh đạo của nhân dân” đã dẫn dắt một “cuộc chiến toàn dân” đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời biến các nhân viên y tế trên tuyến đầu thành những người hùng quốc gia.

Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc trong những ngày qua hoạt động rầm rộ, nhấn mạnh vào con số ca nhiễm trong nước đang giảm dần, trái ngược với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng ở các nước khác. “Họ đang cố truyền đi những câu chuyện tích cực về nỗ lực xử lý tình hình của quốc gia cũng như đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Tuy nhiên, khi “gió đổi chiều”, Trung Quốc đối mặt nỗi lo mới là “nhập ngược” ca nhiễm từ nước ngoài. Tính đến 11/3, 85 người từ nước ngoài vào Trung Quốc dương tính với nCoV. Bắc Kinh ngày 11/3 ra quy định tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày. Trước đó, Quảng Đông và Thượng Hải quy định tất cả người đến từ những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải cách ly trong 14 ngày.

“Số lượng ca nhiễm ngoại nhập nhiều khả năng sẽ gia tăng”, Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Y khoa Tohoku ở Nhật Bản Toh, nói.

“Họ rõ ràng đã khống chế được Covid-19. Tuy nhiên, tình hình hiện giờ giống như dập cháy rừng, có khả năng chưa dập tắt hẳn. Dịch có thể bùng phát trở lại”, Mike Osterholm, chuyên gia tại Đại học Minnesota, Mỹ, nói.

Phương Vũ (Theo AFP/Science/Vox/WSJ/WP/SCMP) – Vnexpress

Rate this post

Thế giới

Thế giới ngủ quên trước khi ác mộng Covid-19 Ấn Độ ập đến

Đã đăng

 ngày

Bởi

Sau khi ngủ quên trước những cảnh báo về nguy cơ đại dịch, cả Ấn Độ và thế giới giờ mới gấp rút chống đỡ với cơn ác mộng tồi tệ.

Đợt bùng phát Covid-19 mạnh ở Ấn Độ là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng. Số ca nhiễm tăng vọt trong mùa xuân là một điều bất ngờ, khi chỉ vài tháng trước, Ấn Độ chứng kiến số ca nhiễm hàng ngày giảm mạnh một cách bí ẩn.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ vài tuần trước, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lên hồi giữa tháng 3. Đến tháng 4, số ca nhiễm hàng ngày đã chạm mức 100.000, cao hơn đỉnh điểm hồi tháng 9/2020. Chỉ trong thời gian ngắn, số ca nhiễm mới tăng gấp ba lần, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và chiếm 39% số ca nhiễm hàng ngày của toàn cầu. Số người chết của Ấn Độ giờ hơn 200.000, nhưng có nhiều nghi vấn số ca tử vong thực tế cao gấp 30 lần, lên tới 6 triệu.

Đợt bùng phát mới dường như là kết quả của nhiều yếu tố, từ biến chủng dễ lây lan, tiêm chủng chậm chạp và nới lỏng các hạn chế mà chuyên gia từng cảnh báo. Tuy nhiên, Adam Taylor, nhà phân tích của Washington Post, cho rằng có lẽ phần lớn thế giới đã ngủ quên trước đại dịch.

Người phụ nữ đau lòng khi chồng chưa cưới chết vì Covid-19 tại Guwahati, Ấn Độ hôm 27/4. Ảnh: AP.
Người phụ nữ đau lòng khi chồng chưa cưới chết vì Covid-19 tại Guwahati, Ấn Độ hôm 27/4. Ảnh: AP.

Khi các nước như Mỹ bắt đầu ghi nhận kết quả đáng khích lệ từ chiến dịch tiêm chủng đại trà, mạng xã hội Ấn Độ tràn ngập những câu chuyện về tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất vaccine và oxy. Những câu chuyện về biến chủng mới dễ lây lan có tên B.1.617 cũng phủ kín các trang báo toàn cầu.

Cho tới tuần trước, thế giới mới thực sự có hành động, khi các nước như Anh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE cam kết hỗ trợ máy tạo oxy hoặc máy thở. Ngay cả Trung Quốc, giữa cuộc tranh chấp biên giới với Ấn Độ, cũng đề nghị gửi vaccine cho nước láng giềng nhưng không nêu chi tiết.

Quốc gia được chú ý nhiều nhất là Mỹ. Ngày 26/3, Tổng thống Joe Biden nói với Thủ tướng Narendra Modi rằng Mỹ sẽ cung cấp nguồn cung oxy, vật liệu sản xuất vaccine và liệu pháp điều trị, đồng thời cho biết Washington sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước có nhu cầu.

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu sự giúp đỡ từ Mỹ và các nước có quá ít và quá muộn hay không. Đặc biệt, không ít người bày tỏ phẫn nộ với Mỹ vì không nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ ngay sau khi nhận định nước này là một đồng minh quan trọng ở châu Á.

Thậm chí nhiều quan chức Ấn Độ cũng tỏ ra bất ngờ với tốc độ của Mỹ. “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là phản ứng chậm chạp của Mỹ. Nó đã tạo ra một số hiểu lầm trong dư luận và đôi khi còn gây rắc rối”, một quan chức Ấn Độ nói với Wall Street Journal.

Nhiều người ở Mỹ cũng có cùng suy nghĩ. Thomas Wright, thành viên cấp cao Viện Brookings, ngày 26/4 đăng tweet rằng quyết định chia sẻ vaccine là đúng đắn, nhưng “chính quyền sẽ nhận được ít tín nhiệm hơn rất nhiều khi làm vào lúc này sau khi chịu áp lực lớn, thay vì một tuần trước đó”.

Tình huống này một lần nữa làm dấy lên các câu hỏi về chính sách vaccine của Mỹ, trong đó tập trung vào trong nước và phần lớn bỏ qua các vấn đề về nguồn cung vaccine toàn cầu, ngoại trừ cam kết hỗ trợ 4 triệu USD cho Covax. Các nhà chỉ trích, trong đó có nhà lập pháp Anh Claudia Webbe, chỉ ra rằng Mỹ và nhiều nước giàu khác đã không ủng hộ đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19.

Một vấn đề khác khiến Mỹ vấp chỉ trích là quy định kiểm soát nghiêm ngặt của nước này. Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Serum, nhà sản xuất vaccine hàng đầu Ấn Độ, nói chính các vấn đề về nguồn cung bắt nguồn từ Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, trong đó hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng để sản xuất vaccine.

Quan chức Mỹ đã phủ nhận cáo buộc về sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhưng từ chối trả lời các cẩu hỏi về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà Trắng cũng thừa nhận 10 triệu liều AstraZeneca có thể “mất vài tuần” trước khi được chuyển tới các nước có nhu cầu.

Nhưng Mỹ không phải nước duy nhất hành động chậm chạp trước “cơn bão” Covid-19 của Ấn Độ. Dù nhiều người Ấn Độ tỏ ra phẫn nộ với tốc độ hỗ trợ quốc tế chậm chạp, không ít người khác chĩa mũi dùi chỉ trích vào những người thân cận hơn. Thủ tướng Modi và đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông đã hứng nhiều chỉ trích vì dỡ bỏ hạn chế quá sớm và cho phép tổ chức các sự kiện lớn, như vận động chính trị hay lễ hội tôn giáo.

Nhiều người cho rằng ông Modi có vẻ đã tuyên bố thắng trận trước khi trận chiến kết thúc. Trong một bài viết trên Financial Times, Gideon Rachman viết rằng Ấn Độ và Modi đã trở thành con mồi của Covid-19. Rachman cho rằng dù đây không phải dịch bệnh duy nhất, Modi vẫn “mắc lỗi nghiêm trọng”, trong đó có việc không thể “dùng sự suy giảm ca nhiễm sau đợt đầu tiên để dự đoán làn sóng thứ hai”.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 bên ngoài một trung tâm cách ly ở Mumbai hôm 27/4. Ảnh: Bloomberg.
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 bên ngoài một trung tâm cách ly ở Mumbai hôm 27/4. Ảnh: Bloomberg.

Ngoài ra, với tư cách là trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, phần lớn nguồn cung của Ấn Độ được xuất khẩu. Tuy nhiên, New Delhi tháng trước phải áp các hạn chế về xuất khẩu, sau khi vấp nhiều chỉ trích trong nước giữa lúc tình hình Covid-19 diễn biến nghiêm trọng.

Thay vì đối mặt với thất bại, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực che đậy chúng, thậm chí sử dụng luật địa phương khóa chỉ trích Modi trên Twitter, theo Adam Taylor. Tuy nhiên, ngay cả những người chỉ trích Modi gat gắt nhất cũng nói rằng ông không thể gánh hết trách nhiệm.

Nhà văn Vidya Krishnan tranh luận rằng đại dịch đã phơi bày những thất bại của hệ thống y tế Ấn Độ. “Những người Ấn Độ muốn tìm cách có cuộc sống khỏe mạnh hơn đã không thấy hoặc cố tình không thấy hố sâu ngày càng mở rộng. Hiện tại, họ ôm lấy những viên ngọc trai của mình khi những người thân không thể gọi xe cứu thương, bác sĩ, không có thuốc men hay oxy”, Krishnan cho hay.

Đối với một thảm họa có quy mô như Ấn Độ, có rất nhiều bên phải chịu trách nhiệm. Những hồi chuông cảnh báo đáng lẽ phải được gióng lên từ ít nhất một tháng trước, thay vì bị làm ngơ quá lâu ở cả trong nước và quốc tế.

Các hồi chuông ở Ấn Độ giờ được chú ý phần lớn nhờ đây là một quốc gia lớn, có dân số khổng lồ, cũng như quy mô đợt bùng phát lớn. Nhưng nhiều quốc gia nhỏ, nghèo và ít kết nối hơn cũng đang phải đối mặt với những đợt bùng phát đáng lo ngại.

“Chúng ta đang thấy những đợt bùng phát tại các phần còn lại của thế giới. Nepal, Colombia và Malaysia có thể là những nơi tiếp theo”, Matthew Kavanagh, một trong số những học giả tại Đại học Georgetown, nói. “Brazil vẫn chứng kiến ca nhiễm tăng. Chúng ta cũng thấy những đợt bùng phát đáng lo ngại ở Namibia và Botswana. Nó thật đáng sợ”.

“Thế giới đã ngủ quên trước các cảnh báo từ Ấn Độ và đang điên cuồng đối phó với cơn ác mộng. Nhiệm vụ bây giờ là không bỏ lỡ những lời cảnh tỉnh tiếp theo”, Taylor viết.

Thanh Tâm (Theo Washington Post) – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thế giới

Hành tung đội tàu Trung Quốc từng neo đậu tại bãi Ba Đầu

Đã đăng

 ngày

Bởi

Hình ảnh Philippines công bố hé lộ tung tích đội tàu dân quân biển neo đậu tại bãi Ba Đầu, đồng thời cho thấy toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cảnh sát biển Philippines hôm 15/4 công bố hình ảnh các tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong khu vực lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các bức ảnh được chụp bởi thủy thủ đoàn trên tàu tuần tra BRP Cabra đã áp sát nhóm 6 tàu Trung Quốc.

Bình luận viên Ryan Martinson và Andrew Erickson của Foreign Policy chỉ ra điểm đáng chú ý là Philippines còn đăng thêm một video, cho thấy nhóm tàu Trung Quốc chính là 6 chiếc mà thủy thủ trên BRP Cabra đã nhìn thấy trong chuyến tuần tra hơn hai tuần trước đó.

Cảnh sát biển Philippines nói ‘xin chào’ khi áp sát tàu Trung Quốc
Cảnh sát biển Philippines chạy qua nhóm tàu vỏ sắt Trung Quốc. Video: CSB Philippines.
   

“Tàu cá thực sự không thể neo đậu một chỗ suốt nhiều tuần như vậy, đặc biệt khi thời tiết vô cùng thuận lợi để đánh bắt. Các thuyền trưởng của nhóm tàu này rõ ràng không quan tâm đến tổn thất kinh tế do không đánh bắt, nên việc họ kéo dài thời gian hiện diện tại bãi Ba Đầu chỉ có thể bởi họ được giao nhiệm vụ giữ nguyên vị trí”, các bình luận viên nhận định.

Trung Quốc được cho là cấp kinh phí để ngư dân thực hiện hoạt động tương tự. Tuy nhiên, dựa trên tình hình căng thẳng tại bãi Ba Đầu trong thời gian qua, giới quan sát đánh giá chắc chắn đội tàu Trung Quốc thuộc lực lượng mà Lầu Năm Góc gọi là Dân quân Biển Vũ trang Trung Quốc (PAFMM), tương tự tuyên bố của Philippines, bất chấp những lời bác bỏ từ phía Bắc Kinh.

Các bình luận viên của Foreign Policy đã phát hiện nhiều chi tiết liên quan đến nhóm tàu neo đậu tại bãi Ba Đầu có thể hé lộ toan tính thực sự của Trung Quốc. Đầu tiên, cả 6 tàu đều được đăng ký tại tỉnh Quảng Đông, bởi số hiệu trên thân tàu bắt đầu bằng ký tự “yue”, chữ viết tắt của tên tỉnh này.

6 tàu bị nghi ngờ thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, bao gồm Yuexinhuiyu 60138 và 60139, neo đậu tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/3. Ảnh: AP.
6 tàu bị nghi ngờ thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, bao gồm Yuexinhuiyu 60138 và 60139, neo đậu tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/3. Ảnh: AP.

“Đây là điểm đáng lưu ý, bởi lực lượng dân quân biển tỉnh Quảng Đông thường được cho là không có nhiều vai trò trên Biển Đông, khác với lực lượng từ Hải Nam hoặc Quảng Tây. Quan niệm này cần phải thay đổi”, Martinson và Erickson lập luận.

Tháng 11/2013, thiếu tướng Gai Longyun, tư lệnh Quân khu Quảng Đông, đã tới thăm thành phố Đài Sơn của tỉnh này để truyền đạt trọng tâm mới từ chính quyền trung ương. “Nhà nước đang tìm cách tăng cường xây dựng các đội dân quân biển trước tình hình ngày càng cấp bách”, tướng Gai tuyên bố.

Trong vòng vài tháng, Quân khu Quảng Đông bắt đầu sử dụng “lực lượng dự bị động viên”, bao gồm dân quân, tham gia “cuộc đấu tranh” trên biển. Theo cuốn niên giám Quảng Đông năm 2015, Bắc Kinh kêu gọi đặt lực lượng PAFMM lên “tiền tuyến” trong chiến dịch gây ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc đối với những khu vực tranh chấp.

Phía sau họ, ở tuyến hai và tuyến ba, là lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc. Thành công điển hình nhất từ cách tiếp cận từng lớp, hay còn gọi là chiến thuật “cải bắp”, là việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines hồi năm 2012, sau 10 tuần đối đầu.

Trong nhóm 6 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu, hai chiếc có số hiệu Yuexinhuiyu 60138 và Yuexinhuiyu 60139, nghĩa là chúng được đăng ký tại quận Tân Hội, thành phố Giang Môn, Quảng Đông. Chữ “yu” ở cuối cùng nghĩa là “ngư”, nhằm phân loại đây là tàu cá.

Hai tàu này được trang bị bộ thu phát hệ thống nhận dạng tự động, đồng nghĩa với việc chuyển động của chúng có thể được theo dõi, ít nhất tại một số thời điểm. Các hệ thống giám sát hàng hải thương mại cho thấy hai tàu này đóng tại cảng cá Nhai Môn thuộc quận Tân Hội.

Địa điểm này nằm trên kênh Nhai Môn, ngay phía dưới bờ biển Macao. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu neo tại hai bến lớn dọc bờ phía tây con kênh. Ngay phía trên, ở bờ phía đông, là một căn cứ hải quân Trung Quốc với các tàu hộ vệ và tên lửa.

Hồ sơ của Trung Quốc xác nhận Yuexinhuiyu 60138 và 60139 đều là tàu cá. Kích thước hai tàu này khá lớn, dài khoảng 40 m, được đóng theo chính sách xây dựng đội tàu cỡ lớn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phần lớn trong số hơn 500 tàu thuộc đội tàu đánh cá Tân Hội có kích thước nhỏ, hoạt động gần bờ biển Trung Quốc, cách rất xa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Năm 2019, 6 chiếc thuộc đội tàu này được cho là đã hoạt động tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dữ liệu theo dõi cho thấy khi hai tàu Yuexinhuiyu 60138 và 60139 rời cảng Nhai Môn hôm 24/2, chúng đã đi cùng Yuexinhuiyu 60136, một trong 6 tàu trên. Theo thông tin từ cảnh sát biển Philippines, cả ba tàu đều hiện diện tại bãi Ba Đầu.

Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông
Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. Đồ họa: Tạ Lư.
   

Bình luận viên Martinson và Erickson dự đoán nếu các hoạt động năm nay tương tự 2019, Yuexinhuiyu 60138 và 60139 sẽ thực hiện 3 hoặc 4 chuyến đi đến Trường Sa. Mỗi tàu sẽ dành tổng cộng khoảng 280 ngày trong khu vực này. Chủ sở hữu của chúng sẽ nhận hàng triệu nhân dân tệ tiền hỗ trợ từ chính phủ để bù đắp chi phí nhiên liệu.

Cũng theo các bình luận viên, quận Tân Hội đã hỗ trợ lực lượng PAFMM trong ít nhất hai thập kỷ. Tháng 6/2002, văn phòng quân sự địa phương phụ trách xây dựng lực lượng dân quân đã đưa một nhóm dân quân Tân Hội xuống thị trấn Quảng Hải thuộc huyện Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, để tham gia khóa huấn luyện một tháng trên biển.

Đội dân quân này thu hút sự chú ý tại Trung Quốc hồi tháng 12/2014, khi tờ PLA Daily đăng những hình ảnh lực lượng PAFMM Tân Hội được “huấn luyện chiến thuật”, có nghĩa là với vũ khí, khi đang ở trên một tàu cá. Năm đó, cơ quan phụ trách lực lượng vũ trang quận Tân Hội đã tổ chức ba cuộc diễn tập trên biển như vậy, tập trung vào việc sử dụng thiết bị do thám, liên lạc và làm quen với các kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Đến năm 2016, Tân Hội thành lập một đội dân quân “biển xa”, thuật ngữ được dùng để chỉ khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa. 6 tàu vỏ sắt của Tân Hội, bao gồm Yuexinhuiyu 60138 và 60139, được cho là đều thuộc đội dân quân “biển xa” này.

Như vậy, chỉ từ hai con tàu, giới quan sát đã thu được nhiều thông tin mới có giá trị về hoạt động của PAFMM trên Biển Đông, như tần suất và khoảng thời gian triển khai hoạt động, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc và đơn vị PAFMM chủ chốt hoạt động tại các “điểm nóng”.

“4 tàu Quảng Đông còn lại tại bãi Ba Đầu cũng sẽ có tiểu sử, giúp cung cấp nhiều thông tin hơn về tổ chức và các hoạt động của PAFMM. Trên thực tế, mọi thông tin về đội tàu cá, dân quân hay lực lượng khác của Trung Quốc tại Trường Sa đều giúp hé lộ chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhờ những hình ảnh của cảnh sát biển Philippines, chúng ta có thể bắt đầu nắm được câu chuyện”, các bình luận viên của Foreign Policy đánh giá.

Họ còn kết luận chỉ với những nguồn thông tin mở, luận điệu của Trung Quốc về sự hiện diện của nhóm tàu tại bãi Ba Đầu đã bị phản bác. Do đó, các nước được cho là cần theo dõi sát tình hình và tăng cường cung cấp thêm thông tin kịp thời, nhằm ứng phó với những toan tính của Trung Quốc.

“Philippines có sự thay đổi chính sách rõ ràng khi chia sẻ lượng thông tin nhiều chưa từng có về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Dù chưa rõ động cơ của Manila, sự minh bạch mới mẻ này đang mở ra cơ hội tìm hiểu chiến lược hàng hải của Bắc Kinh”, các bình luận viên nhận định.

Ánh Ngọc (Theo Foreign Policy) – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thế giới

Mỹ điều tra công nghệ vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson

Đã đăng

 ngày

Bởi

Giới khoa học Mỹ đang tìm hiểu liên hệ tiềm tàng giữa công nghệ vector virus trong hai vaccine bị ngừng sử dụng và tình trạng đông máu sau tiêm.

Thế giới đã ghi nhận 137.938.231 ca nhiễm nCoV và 2.969.893 ca tử vong, tăng lần lượt 668.126 và 11.503, trong khi 110.836.328 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Các nhà khoa học Mỹ đang tập trung nghiên cứu liệu công nghệ vector virus được sử dụng để phát triển vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson có liên quan đến nguy cơ đông máu sau tiêm chủng hay không, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết hôm 13/4.

Vaccine Johnson & Johnson được triển khai ở bang California hôm 25/3. Ảnh: AFP.
Vaccine Johnson & Johnson được triển khai ở bang California hôm 25/3. Ảnh: AFP.

Công nghệ vector sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và chứa gene từ nCoV. Khi tiêm vào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.

Các nhà khoa học Mỹ đang tìm kiếm cơ chế có thể giải thích nguyên nhân xuất hiện đông máu, trong đó giả thuyết hàng đầu là vaccine đã kích hoạt phản ứng miễn dịch hiếm gặp liên quan đến vector virus. Các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ phân tích dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng của nhiều loại vaccine dùng công nghệ vector virus, bao gồm cả vaccine Ebola của Johnson & Johnson, để tìm manh mối, quan chức FDA cho hay.

Vaccine Sputnik V của Nga cũng ứng dụng công nghệ vector virus, nhưng chưa ghi nhận tình trạng đông máu sau tiêm.

Tiến sĩ Peter Marks, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học thuộc FDA, không khẳng định đông máu là vấn đề chung của mọi vaccine dùng vector adenovirus, nhưng thừa nhận vẫn có sự tương đồng giữa các trường hợp được ghi nhận.

“Rõ ràng những gì chúng ta thấy với vaccine Johnson & Johnson rất giống với điều xảy ra cùng vaccine AstraZeneca. Chúng tôi chưa thể đưa ra tuyên bố bao quát nào, nhưng chúng đều thuộc nhóm vaccine dùng vector virus”, ông nói.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.063.430 ca nhiễm và 577.131 ca tử vong do nCoV, tăng 71.589 ca nhiễm và 770 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ hôm 13/4 khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson sau khi ghi nhận 6 ca bị chứng rối loạn đông máu hiếm gặp sau khi tiêm. Dù đây là khuyến cáo của giới chức y tế, chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ ngừng sử dụng vaccine này tại mọi điểm tiêm chủng liên bang.

Sự cố được đánh giá có thể làm phức tạp thêm nỗ lực tiêm chủng ngay tại thời điểm nhiều bang đang đối mặt số ca nhiễm nCoV mới gia tăng. Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 14/4 cho rằng điều này không ảnh hưởng đáng kể tới chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.871.321 ca nhiễm và 172.115 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 185.248 và 1.026 ca. Đợt bùng phát dịch thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.

Chính quyền bang Maharashtra, bang giàu có nhất của Ấn Độ và hiện là tâm dịch, đã ra lệnh đóng cửa phần lớn địa điểm công cộng và nơi tập trung đông người, chỉ trừ những nơi được coi là thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, ngân hàng và sàn chứng khoán. Mọi nhà máy và cơ sở công nghiệp cũng phải ngừng hoạt động, chỉ trừ một số đơn vị xuất khẩu hoặc sản xuất thiết bị cho những dịch vụ thiết yếu.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng dịch bùng phát trở lại do tình trạng tập trung đông người và không đeo khẩu trang kể từ khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ tháng 2. Nhiều bang đã lên tiếng về tình trạng thiếu vaccine, dù chương trình tiêm chủng hiện nay chỉ áp dụng cho khoảng 400 triệu trong tổng số 1,35 tỷ người dân Ấn Độ.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.599.994 ca nhiễm và 358.425 ca tử vong, tăng lần lượt 78.585 và 3.394.

Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.

Bất chấp ca nhiễm gia tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng. Tòa án Tối cao Brazil hôm 8/4 yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra cách chính phủ Bolsonaro xử lý đại dịch. Tổng thống Brazil sau đó lên tiếng phê phán cuộc điều tra, cho rằng đây là nỗ lực làm suy yếu chính phủ.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.106.329 ca nhiễm và 99.480 ca tử vong. Tất cả các nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã bị đóng cửa 5 tháng qua. Pháp tuần này bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng.

Việc mở rộng triển khai vaccine đã mang lại sự lạc quan cho những người dân đã mệt mỏi vì phong tỏa. Tất cả người trên 55 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm vaccine.

Anh, báo cáo 4.375.814 người nhiễm và 127.123 người chết, tăng lần lượt 2.472 và 23 trường hợp.

Anh, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, có tia hy vọng khi các quán rượu và nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời từ ngày 12/4. “Thật tuyệt khi gặp lại mọi người và gặp lại tất cả người dân địa phương”, Louise Porter, chủ quán ở Askrigg, miền bắc nước Anh, nói. “Cuộc sống của chúng tôi vừa bị đảo lộn, giống như mọi người khác”.

Các tiệm làm tóc, phòng tập thể hình và bể bơi cũng được mở cửa trở lại.

Từng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm chủng thành công cùng với các biện pháp ngăn chặn, giúp giảm 95% ca tử vong và 90% ca bệnh từ tháng 1.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.577.526 ca nhiễm, tăng 5.702, trong đó 42.782 người chết, tăng 126.

Jakarta cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca.

Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 13,5 triệu liều. Khoảng 4,43 triệu người, chiếm 1,6% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 884.783 ca nhiễm và 15.286 ca tử vong, tăng lần lượt 8.571 và 137 ca.

Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau các báo cáo về tình trạng đông máu ở nhiều nước, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.

Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.

Campuchia ghi nhận thêm 181 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.696, trong đó 33 người đã tử vong. Phần lớn ca nhiễm gần đây ở Campuchia là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.

Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo nước này đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do Covid-19. “Ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày và chúng tôi đang chạy đua với virus. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát”, bà cho hay.

Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.

Vũ Anh (Theo Reuters) – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.