Kết nối với chúng tôi:

Giáo dục

Nữ sinh bị lột đồ, bạo hành dã man ngay tại lớp: Có dấu hiệu ém nhẹm

Đã đăng

 ngày

Bà nội đang chăm H.Y tại bệnh viện
 

Sự việc nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn học hành hung dã man, lột hết quần áo, quay, phát tán clip từ ngày 22.3 đã khiến dư luận thực sự phẫn nộ.

Bà nội đang chăm H.Y tại bệnh viện

Bà nội đang chăm H.Y tại bệnh viện

Đáng nói, sau khi vụ việc xảy ra, đã có những dấu hiệu cho thấy vụ việc nữ sinh bị lột đồ, bạo hành dã man ngay tại lớp bị ém nhẹm.

Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ

Chiều 30.3, chúng tôi đã gặp nữ sinh H.Y tại nơi em đang điều trị – Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên. Khi chúng tôi đến, H.Y vẫn đang trong trạng thái mệt mỏi, một bên má còn sưng, bầm tím, dù em bị các bạn đánh cách đây đã 1 tuần.
Theo tường trình của 5 học sinh (HS) hành hung nữ sinh H.Y, chiều 22.3, khi đã tan học và H.Y ra về đến cổng thì 5 HS này kéo lại đưa lên lớp bắt trực nhật. Đây là nhiệm vụ của 5 HS này vào sáng thứ bảy, nhưng H.Y bị bắt làm thay. Sau khi lên lớp đã xảy ra tranh cãi nên nhóm bạn này lao vào đánh H.Y.
Nói về lý do bị đánh, nữ sinh H.Y cho biết hôm đó bạn L. bảo em cầm hộ mũ ca lô xuống tầng, nhưng em không cầm, nên buổi trưa các bạn đã gây sự. H.Y rất hoảng sợ nhưng về nhà em không dám nói với ai. Chiều đó bạn T. (trong nhóm 5 người) lại “hỏi tội” H.Y về việc viết thư cho người yêu của mình. “Em bảo em không viết thư nào cả, nhưng bạn vẫn lao vào đánh, xong bạn L. cũng lôi vụ mũ ca lô ra đánh luôn”, H.Y cho biết.
Cũng theo lời nữ sinh H.Y, ở lớp em thường xuyên bị nhóm 5 bạn này (cầm đầu là bạn Nguyễn D.Tr – lớn hơn các bạn cùng lớp 1 tuổi, chuyển từ Cao Bằng về) bắt nạt.
“Có một lần, bạn Tr. bảo em viết hộ bản cam kết, nhưng em viết chưa xong, bạn ấy bị cô giáo phạt, nên trưa hôm ấy bạn cũng đánh em. Rồi bạn ấy nghỉ học để đi chùa, bị cô giáo bắt chép phạt 300 lần, bạn ấy cũng đe dọa em, bắt em chép thay. Tại vì em hiền quá nên bạn Tr. và bạn H. thường bắt em chép phạt hộ, trực nhật hộ. Nếu em không làm thì các bạn ấy chặn đường em về, lôi vào trong lớp, đóng cửa vào đánh”, nữ sinh H.Y kể trong lo sợ: “Sau mỗi lần đánh, các bạn đều đe dọa nếu nói với ai sẽ cho em “no đòn”. H.Y cũng cho biết ở lớp em không chơi thân với ai, dù bị bắt nạt nhiều nhưng bạn bè cũng không có ai bênh vực.
Khi chúng tôi hỏi “em có tha thứ cho các bạn không”, nữ sinh H.Y nói: “Em tha thứ, nhưng bây giờ em quay lại lớp thì chắc em không học được. Gặp lại các bạn, trở lại lớp em lại nghĩ đến hôm thứ sáu và những lần đánh trước đấy, em sợ”. Dù chỉ còn vài tháng nữa là thi hết cấp, nhưng H.Y mong muốn được chuyển trường.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên, cho biết nữ sinh H.Y vào viện ngày 28.3, được chẩn đoán là phản ứng stress do sang chấn về mặt tâm lý. “Vào viện cháu vẫn lo âu, hoảng sợ. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã ăn ngủ được, tiếp xúc được, tư duy có liên quan, liền mạch, đôi khi vẫn có lo âu. 17 giờ chiều 29.3, tôi có xuống thăm bệnh nhân, tiếp xúc với cháu, cháu có kể lại nguyên nhân cháu phải vào viện là do bị các bạn đánh”, bác sĩ Tình cho biết.

“Tôi xem tí nữa thì ngất gục xuống”

Đang chăm cháu tại bệnh viện, bà Đặng Thị Nhường, bà nội của nữ sinh H.Y, cho biết: “Trưa thứ sáu hôm ấy, hơn 12 giờ 30 cháu mới về. Bảo cháu ăn cơm, cháu bảo không ăn được, mà sáng hôm đó đi học cháu chỉ ăn một củ khoai thôi. Gặng hỏi mãi vì sao bỏ cơm cũng không nói, tưởng cháu ốm, nhưng cũng chẳng có đồng tiền nào cho cháu ăn quà, nó lại vụt đi mất. Tôi cứ ân hận mãi. Tối ấy về cháu cũng không nói gì, chỉ bảo cháu đau đầu, ù tai, không ngủ được. Mẹ cháu đi làm may về mệt, cũng không hỏi han được nhiều, tưởng các cháu đánh nhau qua loa”.
Hình ảnh H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp gây bức xúc dư luận

Hình ảnh H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp gây bức xúc dư luận

Cũng theo bà Nhường, tại buổi làm việc sáng thứ hai (25.3), gia đình nữ sinh H.Y đã đồng ý bỏ qua cho nhóm 5 bạn kia, thậm chí xin không đình chỉ học các bạn, vì lúc đó chưa ai được xem clip.
“Đến lúc người trong làng xem, người ta mới loan báo với gia đình, bảo cháu bị đánh dã man lắm, bị lột hết quần áo, chúng tôi mới lên trường hỏi các thầy cô thì được trả lời là đã xóa hết rồi. Chúng tôi đòi quá mới đưa. Xem xong thì chúng tôi thấy không thể nhu nhược thế này được. Lần này còn lần sau. Cháu bị lột quần áo 2 lần. Tôi xem tí nữa thì ngất gục xuống. Ông nội phát điên lên vì thương cháu quá, mẹ cháu khóc khản cả giọng từ hôm đó đến nay. Vì vậy gia đình chúng tôi mới làm đơn”, bà Nhường kể thêm.
Gia đình nữ sinh H.Y hoàn cảnh rất éo le vì “bố cháu không biết chữ; mẹ cháu cũng gầy gò, ốm yếu, bị áp huyết cao”. Ông nội H.Y bị di chứng chiến tranh nên nhớ nhớ, quên quên. Khi chúng tôi đến nhà hỏi chuyện, cả bố và ông nội H.Y đều không trả lời được gì nhiều. Bố H.Y làm phụ hồ, mà “người ta thương nên cho đi làm”, vì không khỏe mạnh, tháng được 15, 20 công. Mẹ đi làm may từ sáng sớm đến tối mịt, cáng đáng gia đình, nên không có thời gian nhiều cho các con.
“Mẹ cháu thương các cháu lắm, nhưng gia cảnh eo hẹp, đi làm mệt nên cũng không hỏi han được cháu nhiều. Cháu có đứa em út nay già 2 tuổi rồi mà mới được hơn 8 cân, cũng dặt dẹo lắm”, bà Nhường nói thêm: “Mấy hôm tôi tâm sự, cháu cũng bảo lên lớp các bạn cứ chế giễu con, con không có mặt mũi nào đi học. Tôi phải động viên cháu vì cháu từng mơ là được đi học cấp 3. Tôi nghĩ rất đau lòng vì cháu còn trẻ quá, mà giờ không đi học được nữa thì tội nghiệp”.

Sự việc “không có gì nghiêm trọng” (?!)

Chiều 30.3, PV Thanh Niên đã đến làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên. Theo biên bản buổi làm việc sáng cùng ngày giữa Sở với UBND H.Ân Thi và Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng, thì sau khi đánh bạn, lột quần áo bạn và quay clip, khoảng 23 giờ ngày 22.3, một nữ sinh trong nhóm này là Nguyễn D.Tr (bạn được cho là cầm đầu) đã gửi các clip này cho 2 nam sinh cùng lớp là P.V.Th và P.V.T. Chính bạn nam sinh P.V.Th là người đã tố cáo với cô giáo chủ nhiệm lớp, là cô Hoa Thị Trang về sự việc này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cô giáo đã không hề thông tin đầy đủ cho gia đình em H.Y về tình trạng của em, thậm chí, theo phản ánh của một HS lớp 9A mà chúng tôi tiếp xúc được, cô Trang đã yêu cầu cả lớp không được thông tin sự việc ra bên ngoài. Một phản ứng rất khó hiểu nữa của một số thầy cô giáo của Trường THCS Phù Ủng và lãnh đạo H.Ân Thi khi chúng tôi đến làm việc, là họ đều cho rằng sự việc “không có gì nghiêm trọng”, thậm chí còn có ý kiến cho rằng em H.Y nhập viện là do “có yếu tố bên ngoài tác động”. Một số ý kiến còn cho rằng em H.Y bị bắt nạt, bị kỳ thị do “kỹ năng sống chưa tốt”.
Trong ngày 30.3, sau khi báo chí vào cuộc, dư luận bức xúc lên tiếng, rất nhiều lãnh đạo, ban, ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên đã đến động viên, thăm hỏi H.Y, trong đó có cả Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng; Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nguyễn Văn Phê, Phó giám đốc Công an tỉnh, Hội phụ nữ của xã, huyện, đoàn công tác của trường…
Yêu cầu công an tỉnh phối hợp điều tra
Ngày 30.3, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản hỏa tốc yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc. Theo đó, công an tỉnh phối hợp với UBND và Công an H. Ân Thi khẩn trương giải quyết các vi phạm theo quy định của pháp luật. Xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng.
Đối với Sở GD-ĐT, tỉnh yêu cầu phối hợp với UBND H.Ân Thi có biện pháp xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh để phòng ngừa các hành vi bạo lực học đường, nâng cao trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ quản lý giáo dục. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần kinh của tỉnh quan tâm, hỗ trợ, điều trị đối với em HS bị bạo lực; Sở LĐ-TB-XH kịp thời thực hiện các biện pháp bảo trợ trẻ em; tổ chức thăm hỏi em HS bị bạo lực và gia đình.
Trong động thái khác, sau buổi làm việc ngày 30.3, UBND H.Ân Thi đã đình chỉ học 4,5 ngày với 5 HS đánh bạn; đình chỉ Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong 15 ngày để xử lý vụ việc, giáo viên chủ nhiệm cũng bị đình chỉ chủ nhiệm để thay giáo viên khác. Công an huyện cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy 5 em HS đánh em H.Y đã phạm lỗi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Chiều 30.3 , ông Trương Thế Quy (Phó phòng Công tác HS – sinh viên Trường đại học Sư phạm – ĐH Huế) cho biết một vị mạnh thường quân giấu tên đã và đang giúp đỡ cho rất nhiều HS – sinh viên muốn ông làm người đại diện kết nối với gia đình em H.Y để bàn cách giúp đỡ nữ sinh này vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, nhất là những tổn thương về tinh thần. Ông Quy cho biết, vị mạnh thường quân muốn được giúp nữ sinh này về TP.Huế học tập cho hết bậc THPT với toàn bộ sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, học tập sẽ được hỗ trợ hoàn toàn.
T.Nguyễn – Vũ Hân – Đ.Toàn
Cần mạnh hơn cả về chế tài xử lý và giải pháp ngăn ngừa
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, nhấn mạnh tới vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lẽ ra phải là “nhân vật chính” trong giáo dục đạo đức cho HS, thì lại chưa được các nhà trường coi trọng. Đặc biệt, vừa qua, dư luận đã chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, của gia đình, của xã hội nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là chính những HS gây nên “bạo lực học đường”. TS Lâm đề xuất các HS đánh bạn trong vụ việc ở Hưng Yên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Những HS ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, tuy chưa thể bắt các em ra tòa nhưng luật pháp phải có chế tài xử lý với những HS đã gây hậu quả nghiêm trọng như giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo lao động công ích…
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, người đã có gần 40 năm trong ngành giáo dục, chia sẻ nhiều lo lắng về lối giáo dục áp đặt, thiếu dân chủ, thậm chí ra hình phạt HS bằng cách yêu cầu HS đánh bạn của giáo viên đã “gieo mầm” bạo lực và vô cảm trước cái ác vào chính các em vốn “tính bản thiện”.
“Giáo dục có nhiều cách, không nhất thiết phải dùng biện pháp trừng trị, kỷ luật. Nếu dùng cách như những sự vụ gần đây: bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng hay yêu cầu cả lớp tát một bạn trong lớp, đuổi học 1 năm vì vi phạm kỷ luật…, thì giá trị nội hàm giáo dục bằng 0”, thầy Khang nói và cho rằng mỗi HS một cá tính, nhất là các em ở lứa tuổi mới lớn, trong các mối quan hệ ứng xử với bạn bè, với cha mẹ, với thầy cô sẽ không tránh khỏi “va vấp”.
theo Thanh Niên

Rate this post

Giáo dục

Chàng trai giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học số 1 thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Là thủ khoa lớp chuyên Toán và Hóa, Minh Quân lại theo đuổi Vật lý, giành học bổng Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhờ thành tích môn này.

Sau khi hoàn thành bài tập Vật lý, Nguyễn Mạnh Quân, 18 tuổi, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chưa đi ngủ ngay. Em mở laptop, tranh thủ vào website của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đọc thêm về các khóa học, câu lạc bộ. Quân muốn hiểu rõ về ngôi trường mình sẽ học vào tháng 9 năm nay.

Trong đợt tuyển sinh của đại học Mỹ vào tháng 3, Quân được MIT trao học bổng trị giá gần 260.000 USD trong bốn năm, tương đương 6 tỷ đồng. Hiện, MIT là đại học số 1 thế giới (theo QS) và đứng thứ 4 tại Mỹ (theo US News and World report). Nhắc đến kết quả này, chàng trai dáng mảnh khảnh chỉ nói: “Em đã thực hiện được giấc mơ trong nhiều năm”.

Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng
Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng

Là con thứ trong gia đình trí thức tại Hà Nội, Quân thể hiện thiên hướng học tự nhiên ngay từ nhỏ. Em tò mò về nhiều hiện tượng tự nhiên, đặc biệt hứng thú với vũ trụ. Lên THCS, Quân đọc thêm tài liệu về khoa học, vũ trụ, các thuyết vật lý để tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc.

Đến cuối năm lớp 9, nam sinh bắt đầu định hướng du học vì muốn nghiên cứu chuyên sâu về vật lý tại các quốc gia phát triển. Dù là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán của chuyên Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa chuyên Hóa chuyên Khoa học Tự nhiên, Quân vẫn lựa chọn lớp chuyên Vật lý của Amsterdam.

Năm 2019, Quân tham gia kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn, giành huy chương vàng và là thí sinh cao điểm nhất. Sau đó, em giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý quốc gia khi mới học lớp 11, lặp lại kết quả này khi lên lớp 12.

Quân khao khát được học Vật lý ở những ngôi trường hàng đầu, một trong số đó là MIT. Em đăng ký học hai khóa ôn luyện SAT, lần đầu tiên thi đạt 1510/1600 điểm. Dù thành tích khá tốt, Quân chưa hài lòng, quyết định tự học thêm vài tháng để cải thiện kết quả. Nam sinh luyện đề để quen với cấu trúc và phân bổ thời gian làm bài hợp lý hơn. Nửa năm sau, Quân giành điểm tuyệt đối 1600 SAT.

Tuy nhiên, Quân cho rằng để giành bổng từ MIT, hồ sơ còn thiếu rất nhiều thứ. Học sinh Việt Nam đỗ MIT những năm gần đây đều có giải quốc tế, vì thế Quân quyết tâm bổ sung thành tích cho hồ sơ của mình. Không may mắn cho em vì Covid-19, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2020 bị hủy.

Trong một năm chờ đợi, Quân dành thời gian nâng cao khả năng thực hành vật lý, tìm kiếm cơ hội nghiên cứu và gặt hái thêm thành tích tại những sân chơi khác. Năm 2020, Quân dự thi Olympic Vật lý châu Âu, giành huy chương vàng.

Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục thời đại
Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục Thời đại.

Yêu thích Vật lý thiên văn, Quân cùng bạn bè trong trường thành lập Câu lạc bộ Thiên văn để lan tỏa, chia sẻ kiến thức cho người trẻ. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, Quân tổ chức cuộc thi viết luận trực tuyến về khoa học giả tưởng. “Em muốn giúp mọi người có một góc nhìn khác về khoa học, thấy rằng lĩnh vực này cũng thú vị chứ không phải lúc nào cũng khô khan”, Quân nói.

Làm nhiều việc một lúc và đều muốn duy trì kết quả tốt, nam sinh thừa nhận từng gặp khó khăn trong việc cân bằng, giữ cho bản thân trong trạng thái tinh thần tốt. Chính điều này đã khiến Quân nảy ra đề tài cho bài luận chính. “Em đã viết về quá trình tìm hiểu về bản thân, làm sao để làm những điều mình muốn và giữ cân bằng cuộc sống”, Quân chia sẻ.

Trong bài luận, Quân kể về những hoạt động thường ngày như đạp xe, học Muay Thái và thể hiện những khía cạnh khác của bản thân để hội đồng tuyển sinh thấy em không chỉ biết học. Đề tài nghe có vẻ đơn giản, gần gũi, nhưng nam sinh đã mất gần nửa năm để hoàn thành bài luận.

Sau khi nộp hồ sơ vào tháng 11/2020, Quân bắt đầu luyện tập phỏng vấn. MIT và nhiều đại học top đầu của Mỹ thường tổ chức một buổi phỏng vấn online giữa giảng viên hoặc cựu sinh viên với ứng viên xin học bổng. Nội dung phỏng vấn xoay quanh hiểu biết của ứng viên về ngành dự định theo học, lý do chọn trường.

Quân khá bất an. Những lần đầu khi luyện tập với cố vấn, em ấp úng và không thể kéo dài buổi hội thoại. Vì kiệm lời, em không có thói quen lấy ví dụ để minh họa cho những luận điểm mình nói, diễn đạt cũng không trôi chảy. Quân hiểu rằng để đặt chân đến ngôi trường hàng đầu thế giới, em cần vượt qua những ám ảnh tâm lý và khắc phục hạn chế này.

Thời điểm chờ phỏng vấn, Quân đang ôn luyện để thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài giờ học trên lớp, em tự luyện tập phỏng vấn ở nhà hoặc tranh thủ nhờ cố vấn đóng vai giám khảo. Thời gian của những buổi tập từng bước được kéo dài nhờ phản xạ nhanh nhạy và những câu chuyện mà Quân kể. Em đăng ký dự thi IELTS và nhận kết quả 8.0.

Đến khi phỏng vấn chính thức, Quân có thể trò chuyện với giám khảo hơn một tiếng. “Lúc đó, dù chưa biết kết quả, em khá vui mừng vì những gì đã cải thiện được”, Quân nhớ lại.

Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một buổi sáng sớm giữa tháng 3, Quân nhận tin nhắn chúc mừng từ MIT. Trường đồng ý hỗ trợ Quân hơn 64.000 USD mỗi năm. Chàng trai mừng rỡ đến mức khi nhắn tin báo kết quả cho mẹ đã luống cuống, gõ sai liên tiếp. Em cũng được Đại học Princeton (top 1 tại Mỹ, theo US News). Do đã trúng tuyển đại học mơ ước, Quân rút hồ sơ tại các trường còn lại để nhường cơ hội cho các bạn khác.

Mạnh Quân cho rằng, trong bất kỳ hồ sơ du học nào, toàn diện chưa đủ mà cần một mặt nổi bật hơn, khiến mình trở nên khác biệt. Điểm sáng nhất trong hồ sơ của em là thành tích môn Vật lý tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Nếu được quay lại, Quân sẽ hạn chế nộp hồ sơ vào các trường ở mức an toàn để tập trung cho mục tiêu lớn. “Việc nộp nhiều trường giúp em tăng khả năng trúng tuyển, nhưng lại gây căng thẳng vì phải hoàn thành quá nhiều bài luận phụ”, nam sinh chia sẻ.

Bà Trần Phương Hoa, cố vấn của Mạnh Quân trong quá trình làm hồ sơ du học, đánh giá em có ý chí, sở hữu khả năng làm việc chịu áp lực cao. Ngoài ra, nhờ việc quen với tư duy khoa học, Quân tiếp thu rất nhanh các góp ý. “Với mỗi vấn đề, tôi đóng vai trò gợi mở và góp ý, còn lại Quân nắm bắt ý tưởng và triển khai rất nhanh”, bà Hoa nói.

Sắp tới, Quân đặt mục tiêu đạt kết quả tốt trong cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, kỳ vọng có thể góp mặt trong đội tuyển thi Olympic Vật lý quốc tế. “Em ước mơ học tiếp tiến sĩ, được nghiên cứu Vật lý lý thuyết về vũ trụ”, Quân chia sẻ.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Cô giáo đưa dự án tin học vươn ra thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lồng ghép dạy kỹ năng sống vào Tin học để sinh viên hứng thú, cô Nguyễn Thị Phương đưa dự án này vào top 50 quốc gia, sau đó dự thi toàn cầu.

Sau khi đọc kỹ phần ghi chú công việc cần hoàn thành trong ngày trên máy tính, cô Nguyễn Thị Phương, 38 tuổi, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), nhận được video do cựu sinh viên, nay là giáo viên mầm non tại Thanh Hóa, gửi về. Trong video, cô giáo dạy kỹ năng xử lý tình huống khi đi lạc cho trẻ 4 tuổi. Các bé chăm chú theo dõi từng hình ảnh được trình chiếu và mô tả của cô giáo, được tham gia xử lý tình huống nên hào hứng, thi thoảng reo lên.

Xem video, cô giáo Phương mỉm cười ưng ý. Để giúp sinh viên, giáo viên mầm non thành thạo khi giảng dạy và đạt hiệu ứng như vậy, cô Phương đã dành 15 tháng tìm tòi, thực hiện dự án tăng cường năng lực dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô Phương dạy tin học cho sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng viên và giáo viên mầm non. Để giờ học bớt nhàm chán, cô thường tìm cách lồng ghép kiến thức liên ngành hoặc áp dụng phương pháp mới.

Tháng 8/2019, đọc tin tức về hàng loạt trẻ gặp tai nạn vì giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy kỹ năng sống, cô Phương giật mình. Khảo sát sinh viên các lớp sư phạm mầm non, giáo viên và phụ huynh tại các trường, cô giáo nhận ra sinh viên chưa thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy, đa số trường chưa có giáo viên chuyên biệt để dạy lĩnh vực này. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng đưa nội dung về kỹ năng sống làm chủ đề xuyên suốt trong quá trình dạy Tin học cho sinh viên sư phạm mầm non.

Để có nguồn tài liệu tin cậy, cô Phương tìm đến đồng nghiệp tại Khoa Giáo dục mầm non của trường, hỏi xin giáo án, bài giảng hoặc nhờ tư vấn về giảng dạy kỹ năng sống. Cô tập trung vào các nhóm kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, thoát hiểm… rồi lên kế hoạch cùng cả lớp thực hiện.

Với mỗi nhóm kỹ năng, cô yêu cầu sinh viên vận dụng khoảng 4-5 phần mềm để hoàn thành bộ học liệu. Chẳng hạn, paint dùng để viết thơ, sáng tác tranh vẽ theo chủ đề bài học, word để soạn giáo án dạy về kỹ năng đó, power point giúp làm bài giảng điện tử. Ngoài ra, cô cũng giới thiệu bộ công cụ trong office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.

“Tôi đặt mục tiêu sau phần tin học này, thay vì chỉ biết sử dụng word, excel hay power point, sinh viên biết thêm nhiều phần mềm khác, đồng thời nắm chắc kiến thức về kỹ năng sống để dạy cho trẻ”, cô Phương nói.

Tuy nhiên, cô giáo gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu hiện thực. Học phần tin học kéo dài 45 tiết, mỗi tuần chỉ có một buổi. Việc xây dựng giáo án như nào để vừa truyền tải hết kiến thức về kỹ năng sống, vừa giúp sinh viên thành thạo tin học là “bài toán khó”.

Cô nghĩ ra cách làm trước các video hướng dẫn sử dụng paint, word, power point và nhiều công cụ khác, đăng lên kênh Youtube cá nhân, tạo khóa học miễn phí để sinh viên có thể xem trước và sau bài học. Thời điểm đó, cô cũng đang hoàn thiện dự án tham gia E-learning, công việc ở trường cuối năm lại bận rộn nên gần như “ôm máy tính cả ngày, chẳng còn thời gian dành cho bản thân”.

Thấy con gái vất vả, liên tục sụt cân, mẹ cô từ Thanh Hóa ra giúp nấu nướng, sắc thuốc bổ cho uống. Hơn một lần cô nghĩ đến việc từ bỏ, “cứ bình thường mà dạy có sao đâu”. Những lúc đó, cô lại cầm điện thoại, xem lại những tin nhắn và video sinh viên gửi về khi thực tập: “Cô ơi, em đi thực tập được mọi người khen lắm, dạy học sinh đều thích thú”, “Em chưa bao giờ được học nhiều công cụ thế này”, “Các thầy cô ở trường còn nhờ em dạy lại”…

“Đọc những dòng này, tôi bình tâm nghĩ lại. Tôi thấy những cái mình làm đang được đón nhận rất tốt, giúp được nhiều người nên có động lực tiếp tục theo đuổi dự án”, cô Phương tâm sự.

Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2019, sau hơn hai tháng triển khai trong quy mô lớp học cho sinh viên, cô Phương quyết định hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi dự thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Cục Công nghệ thông tin và Microsoft Việt Nam tổ chức.

Vào tuần cuối của deadline, thấy vợ bận rộn mà không thể sắp xếp công việc gia đình, chồng cô Phương nổi cáu. “Lúc đó tôi chỉ tự động viên thôi cố gắng nốt, được giải hay không thì mình cũng đã làm hết sức, rồi thuyết phục chồng. Rất may, anh hiểu cho tôi”, cô Phương nhớ lại. Kết quả, trong cuộc thi giáo viên sáng tạo năm 2019, cô Phương vào top 50 sản phẩm được đánh giá cao nhất toàn quốc.

Cô Phương định “dừng chân” tại top 50, không mang dự án tham dự thêm các cuộc thi khác vì trong thời gian hoàn thiện hồ sơ trước đó, cô sút 5 kg, không còn thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, được nhà trường thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của người thân, cô quyết định đăng ký dự thi sáng kiến đổi mới toàn cầu trong giảng dạy (Global innovations) do HundrED tổ chức, đang chờ kết quả.

Khi đến với cuộc thi quốc tế, thay vì dự thi cá nhân, cô Phương có thêm sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, các đối tác. Yên tâm hơn về khía cạnh nội dung, chuyên môn, cô Phương tập trung cải thiện hình thức, cách thể hiện dự án qua phần mềm.

Tuy nhiên, cô Phương vẫn gặp bất lợi về mặt ngôn ngữ khi toàn bộ hồ sơ phải chuyển sang tiếng Anh. Mỗi bước làm, cô đều phải nhờ đồng nghiệp phiên dịch và kiểm tra lại. Đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát, các thành viên của dự án gần như chỉ làm việc online nên không thể đạt chất lượng như gặp trực tiếp.

Cuối tháng 1, cô Phương quyết định tổ chức một buổi giao lưu online giữa 8 trường mầm non và chuyên gia tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka. Các điểm cầu lần lượt chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Buổi giao lưu thành tốt đẹp, cô Phương thở phào, tự nhận mình “liều”.

“Ý tưởng kết nối các lớp học xuyên quốc gia xuất hiện, lên kế hoạch và thực hiện chỉ trong 4 ngày. Tôi đã thử thách khả năng của bản thân khi lo liệu mọi thứ, từ việc thống nhất giáo án, nội dung chương trình, ngày giờ gặp gỡ và cách triển khai”, cô Phương nói.

Cô Phương thuyết trình về dự án của mình tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Phương thuyết trình về dự án tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 15 tháng, dự án của nhóm cô Phương đã hỗ trợ hơn 2.500 thầy cô, giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Hiện, dự án có 12 bộ chủ đề, với hơn 300 tài nguyên. Xuất phát từ mong muốn giúp giờ học tin không nhàm chán, cô Phương thừa nhận “chưa từng nghĩ ý tưởng này sẽ mang dự thi quốc tế”.

Ngoài ghi dấn ấn trong dự án dạy kỹ năng sống, cô Phương còn chủ biên sách, chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu tham khảo, công bố 28 bài viết trên các ấn phẩm trong và ngoài trường. Năm 2019, cô trở thành đại sứ E-Learning Việt Nam.

TS Trịnh Thị Xim, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đánh giá cao tính thực tiễn của dự án dạy kỹ năng sống qua tin học. “Việc xây dựng kho học liệu về giảng dạy kỹ năng sống có ý nghĩa quan trọng, cần thiết với trẻ mầm non hiện nay”, bà nói.

Cùng quan điểm, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định dự án đã khai thác hiệu quả các giải pháp, nền tảng công nghệ mang tính tích hợp, kho học liệu mang tính tương tác cao.

Sắp tới, cô Phương sẽ bổ sung ngôn ngữ ký hiệu cho tài liệu dự án dạy kỹ năng sống và đưa lên website LMS, đặt mục tiêu giúp học sinh khiếm thính, khiếm thị không có điều kiện đến trường cũng được học tập. “Ngoài các trường mầm non trong nước, tôi cũng muốn kết nối với nhiều trường học dành cho người Việt trên thế giới để chia sẻ miễn phí bộ học liệu này. Tôi mong có thể phần nào giúp đỡ giáo viên mầm non nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, dạy kỹ năng sống một cách thú vị và an toàn”, cô Phương nói.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Đề nghị điều tra sai phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng

Đã đăng

 ngày

Bởi

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuyển toàn bộ “hồ sơ sai phạm” về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, sử dụng tài chính của Đại học Tôn Đức Thắng sang cơ quan điều tra.

Chiều 22/3, ông Vũ Anh Đức (Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, động thái trên được đưa ra theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc cần “làm rõ, xử lý dấu hiệu tiêu cực” tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Sau khi làm việc với các tập thể và cá nhân liên quan, sai phạm được cho là “có tính chất rất nghiệm trọng”, bao gồm: thực hiện không đúng các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng, quyết toán đối với các công trình; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

“Chúng tôi nhiều lần đôn đốc cá nhân khắc phục sai phạm, song chưa có kết quả. Quan điểm của Tổng Liên đoàn là xử lý làm sao để thu hồi được tài sản thất thoát hiệu quả nhất, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của trường”, ông Đức cho biết.

Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.
Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.

Về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh (cựu Hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng), đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết vẫn giữ nguyên quyết định cách chức, sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.

Theo đề nghị của Thành ủy TP HCM, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã chuyển hồ sơ sai phạm liên quan cá nhân ông Danh cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trước đó, trả lời về những cáo buộc sai phạm cơ quan chủ quản công bố khi đưa ra quyết định cách chức mình, ông Lê Vinh Danh nói: “Tôi không sai”.

Về một số dự án đầu tư xây dựng, mua sắm của Đại học Tôn Đức Thắng được cho là không đúng quy định về đấu thầu trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Danh cho biết, khoảng 10 năm nay gần đây, trường triển khai 137 dự án, tất cả đều đấu thầu, chỉ có 3 dự án chỉ định thầu bởi “những lý do riêng”. “Từ năm 2016 đến 2018, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra nhiều lần, nếu chúng tôi làm sai thì họ phải có ý kiến rồi chứ”, ông Danh nói.

Theo ông Danh, Đại học Tôn Đức Thắng từ mô hình dân lập chuyển sang bán công, được quản lý bởi Hội đồng quản trị, sau này là Hội đồng trường. Các Hội đồng này sẽ duyệt chủ trương dự án, Hiệu trưởng lựa chọn nhà thầu, thiết kế, thi công. Do vậy, các dự án của trường từ trước đến nay đều được Hội đồng trường thông qua, có sự cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Trường sử dụng vốn có nguồn ngân sách nhà nước, có quyền tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm.

Hiện, Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường sau nhiều lần trì hoãn cuộc họp thành lập hội đồng. Đề án thành lập Hội đồng trường do tập thể lãnh đạo trường chuẩn bị, đã được thống nhất trong với các thành viên đương nhiên và đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động.

Dự kiến ngày mai 23/3, trường tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự để bầu Hội đồng trường vào đầu tháng tới.

Ban lãnh đạo trường này hiện có 3 người gồm Phó bí thư phụ trách Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ và ông Trần Trọng Đạo – Phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019.

Mạnh Tùng – Hoàng Phương – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.