Kết nối với chúng tôi:

Thời sự

Lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Đã đăng

 ngày

 
Sau lễ truy điệu diễn ra ở Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Di quan nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Lễ truy điệu và di quan nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Video: Văn Lộc
   

12h30 ngày 15/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình bắt đầu lễ truy điệu, nhấn mạnh hơn 70 năm qua, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu “đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế…

Hai ngày qua, 946 đoàn với trên 11.000 người gồm các lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, cá nhân trong nước và quốc tế… đến viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội), hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường 25B (TP Thanh Hóa).

27 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế đến viếng, gồm hai đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào, Campuchia…

Lễ di quan nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Lễ di quan nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy

Tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo người dân… cùng dự lễ truy điệu trước khi tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Trong bộ quân phục chỉnh tề, thượng úy Thái Thị Thành (74 tuổi, Hà Nội) có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia từ sáng sớm. Bà nói 4h sáng 14/8 đến nhà tang lễ để viếng và sáng nay cũng dậy từ khi mặt trời chưa mọc để dự lễ truy điệu.

Năm 16 tuổi, bà Thành đã tham gia cách mạng ở miền Trung, đầu những năm 1970 thì phục vụ nấu ăn cho thủ trưởng Lê Khả Phiêu cùng nhiều lãnh đạo khác ở Cục chính trị Quân khu Trị Thiên. Ấn tượng của bà Thành là trong lúc đất nước còn chiến tranh, thủ trưởng Lê Khả Phiêu đã đề nghị bà đi học y tá và nói “sắp thống nhất rồi, đất nước sẽ cần nhiều hơn các thầy thuốc, nhân viên y tế”. Nhờ đi học mà bà đã gặp người chồng hiện nay.

“Dù giữ cương vị nào, thủ trưởng Phiêu luôn gần gũi, quan tâm đến anh chị em cấp dưới. Trong những lúc gian khổ, thiếu đói nhất, thủ trưởng vẫn chia sẻ, động viên chúng tôi để cùng nhau vượt qua. Hôm nghe tin thủ trưởng mất, vợ chồng tôi đều bàng hoàng”, bà Thành chia sẻ.

Bà Thái Thị Thành xúc động bật khóc khi dự lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, sáng 15/8. Ảnh: Vũ Viết Tuân
Bà Thái Thị Thành xúc động bật khóc khi dự lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, sáng 15/8. Ảnh: Vũ Viết Tuân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu, có đoạn “đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và đồng chí, đồng đội, gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế”.

Theo lời điếu, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sớm giác ngộ cách mạng khi mới 16 tuổi, tích cực tham gia dạy bình dân học vụ và làm công tác tuyên truyền ở xã.

Tháng 6/1949, ông được kết nạp Đảng và phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh văn phòng chi bộ xã. Tháng 5/1950, ông tham gia quân đội và “luôn có mặt những địa bàn khó khăn, ác liệt”.

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn… Ở bất cứ cương vị công tác, chiến trường nào, ông cũng luôn “vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, xây dựng lực lượng quân đội đoàn kết nội bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội cụ Hồ…”.

Cũng theo lời điếu, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là cán bộ được tôi luyện và trưởng thành qua trận mạc, khó khăn gian khổ, qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn nào, ông “luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, nhà nước và nhân dân”.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn có những đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện chính kiến, dám chịu trách nhiệm. Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước, quân đội…

Ông Lê Minh Diễn – con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân… đã dành sự quan tâm, đến viếng và tiễn đưa nguyên Tổng bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thay mặt gia đình, ông Diễn “có đôi lời tiễn biệt bố”, “những dòng tâm sự tuy rằng rất muộn, khi bố đã đi xa mãi mãi”.

Ông Diễn cho biết sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố, ký ức tuổi thơ chỉ là những buổi sơ tán, những buổi học trong cảnh trốn đạn bom, những buổi tối mắt nhắm mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm… Ông cũng quen với những trận mưa bão tốc mái, bung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngõ ngách trong căn nhà vách đất. Vật lộn chống chọi với bom đạn, mưa bão, chỉ có mẹ và bốn bà cháu. Những hiểu biết của ông về bố chỉ là chú bố đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ về.

“Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao người lính và tiếp tục lên đường với cuộc chiến biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính. Con ra biên giới. Ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị. Những năm 90, bố, con và em mới được về Hà Nội, gia đình mới được xum vầy đoàn tụ, nhưng vì là người lính, do điều kiện công tác, con cũng chưa có lần nào được tâm sự dài với bố”, ông Diễn nói.

Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy
Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Ông Diễn nhắc lại lời dạy của bố mình với các con, “được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng nghìn gia đình đã mất người thân, nhiều nghìn người đã không còn thân thể ngày trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình đến tận bây giờ”.

Dù tổng thời gian gần gũi và tâm sự với bố tính ra chưa đến một năm, ông Diễn cho biết đã học được ở bố rất nhiều, “trong công việc và cuộc sống luôn lấy chữ tâm làm trọng”. “Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu. Con xin hứa sẽ luôn sống đúng như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con”, ông Diễn nói và xin lỗi bố vì đã không thực hiện được ý nguyện “rải tro cốt ở ba dòng sông, nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố”.

Ông xúc động nói “bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân; dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính”.

Tại TP HCM, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được cử hành trang trọng tại hội trường Thống Nhất.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên… cùng nhiều vị lãnh đạo và cán bộ, nhân dân thành phố dự lễ truy điệu.

Tại Thanh Hóa, từ sáng nay 15/8, hàng trăm người dân và lãnh đạo tỉnh dự lễ truy điệu tại hội trường 25B TP Thanh Hóa.

Hôm qua tại TP Thanh Hóa mưa lớn nhưng sáng nay trời tạnh ráo, có nắng và gió nhẹ. Trước và trong giờ truy điệu, an ninh trên tuyến đường Quang Trung dẫn về trung tâm hội nghị 25B được thắt chặt, cảnh sát phân luồng phương tiện để các đoàn di chuyển thuận lợi.

Trong hội trường 25B, khoảng gần một nghìn người dự lễ truy điệu. Bên ngoài, ban tổ chức bố trí màn hình cỡ lớn phục vụ người dân theo dõi.

Tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), trời mưa nhỏ và ngớt dần lúc lễ an táng bắt đầu. 14h05, đội danh dự chuyển linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào vị trí. Sau khi linh cữu được hạ huyệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến… đi vòng quanh, thả những nắm hoa tiễn biệt ông.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp hương tại lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Võ Hải
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp hương tại lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Võ Hải

>>Ảnh lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần lúc 2h52 ngày 7/8 ở tuổi 89, tại Hà Nội. Ông sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.

Năm 1991 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban bí thư; đến tháng 1/1994, được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 4/1996 được phân công là Thường trực Ban bí thư.

Năm 1996, tại Đại hội lần thứ VIII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.

Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.

Viết Tuân – Hoàng Thùy – Võ Hải – Giang Huy – Bá Đô – Lê Hoàng – Hữu Công – Vnexpress

Rate this post

Thời sự

TP HCM mở tour Củ Chi – núi Bà Đen

Đã đăng

 ngày

Bởi

TP HCM và tỉnh Tây Ninh thống nhất mở tour du lịch khép kín từ địa đạo Củ Chi – núi Bà Đen từ ngày 16/10.

Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nói tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với UBND TP HCM về công tác phòng chống Covid-19 và tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021, chiều 12/10.

“Sáng nay tôi cùng Sở Du lịch làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh để bàn bạc tổ chức kết nối lại tour tham quan khép kín địa đạo Củ Chi kết hợp núi Bà Đen và thống nhất tour đầu tiên bắt đầu từ cuối tuần này”, bà Thắng nói.

Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần
Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo lãnh đạo UBND thành phố, đây là bước đi đầu tiên trong việc mở lại các tuyến du lịch “liên tỉnh”. Trong tuần sau thành phố tiếp tục làm việc với một số tỉnh, thành khác để mở lại các tuyến du lịch. Các địa phương nhận định đa số người dân thành phố được tiêm 2 mũi vaccine và khách tham gia tour phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết Sở Du lịch đã tổ chức một số chuyến tham quan Cần Giờ và địa đạo Củ Chi cho lực lượng tuyến đầu. Hoạt động này nhằm tri ân, giúp lực lượng y bác sỹ hiểu nét văn hóa của TP HCM. Sau khi tổ chức các chuyến đi, Sở Du lịch cùng địa phương và doanh nghiệp lữ hành rút kinh nghiệm, có những tính toán cho thời gian tới.

Các tour này diễn ra trong ngày, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức, phục vụ hậu cần tại các điểm đến phải tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K. Tour tổ chức theo mô hình “bong bóng”, thông qua các cung đường khép kín.

Đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề ngành du lịch TP HCM. Thống kê của các quận, huyện cho thấy 6 tháng qua 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường quốc tế ngưng hoạt động.

Sở Du lịch TP HCM đang xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động ngành trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19 giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022 theo nguyên tắc “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường nội địa sẽ giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi.

Hữu Công – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine đến Việt Nam vào 13/10

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lô vaccine Astra Zeneca 1,1 triệu liều do Chính phủ Hàn Quốc tặng, dự kiến về đến Việt Nam vào ngày mai (13/10).

Đại sứ Hàn Quốc tại việt Nam Park Noh Wan cho biết thông tin nêu trên tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 12/10. Đây là đợt hỗ trợ vaccine song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như những khó khăn tại nước này.

Đại sứ khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ y tế, trong đó có vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Park Noh Wan, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại. Dù dịch bệnh phức tạp, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng 18%. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc; đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam năm nay tăng 24% so với năm trước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngày càng phát triển đi vào chiều sâu. Ông cho biết Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, tạo cơ sở để thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng thời phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Lãnh đạo Chính phủ mong phía Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống dịch, nhất là về vaccine và thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế. Hai nước nghiên cứu sớm nối lại chuyến bay thương mại; công nhận hộ chiếu vaccine của nhau; bình thường hóa các hoạt động kinh tế, góp phần ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trước đó ngày 21/9, tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Moon Jae-in cam kết cung cấp ít nhất một triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Đến hết ngày 11/10, Việt Nam đã tiêm được tổng số 54,2 triệu liều vaccine; trong đó 38,6 triệu người tiêm mũi một; 15,5 triệu người tiêm đủ liều.  

Viết Tuân – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên

Đã đăng

 ngày

Bởi

UBND TP Hà Nội thống nhất với tỉnh Điện Biên khôi phục đường bay từ ngày 13 đến 20/10, máy bay chở khách hai chiều, khách ngồi giãn cách.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Điện Biên ngày 12/10, Hà Nội yêu cầu hành khách đi máy bay đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch của Trung ương và TP Hà Nội.

Như vậy, sau Đà Nẵng, TP HCM, Điện Biên là địa phương thứ ba nối lại đường bay với thủ đô.

Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành.
Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành

Trước đó ngày 11/10, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị nối lại đường bay giữa hai địa phương, cho phép các hãng Bamboo Airways, Vasco Airlines được mở các chuyến bay khứ hồi Hà Nội – Điện Biên trong thời gian thí điểm (13-20/10).

Theo UBND tỉnh Điện Biên, địa phương đã qua 54 ngày không ghi nhận ca mắc mới, tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho người trên 18 tuổi là 60%; mũi hai 20%.

Trước dịch Covid-19, mỗi ngày có hai chuyến bay Hà Nội – Điện Biên, khai thác máy bay ATR thân nhỏ với khoảng 70 chỗ ngồi.

Anh Duy – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.