Kết nối với chúng tôi:

Thời sự

Bảo vật quốc gia bị hủy hoại vì vẽ bậy

Đã đăng

 ngày

 
Di tích lịch sử, bảo vật quốc gia liên tục bị vẽ, khắc bậy trong nhiều thập niên. Giới chuyên gia khẳng định hầu hết không thể phục hồi.

“Cầu cho con thi đậu Đại học sư phạm Huế. Ra trường có việc làm, học giỏi, thành đạt, thi đậu học sinh giỏi tỉnh” – Thuyên, 17 tuổi, viết lời nhắn trong Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ bằng bút xóa. Cô để lại cả ngày sinh như nội dung sớ khấn. Bài khấn đã tồn tại 8 năm trên chiếc chuông được xếp hạng Bảo vật Quốc gia.

Căn cứ vào kỳ vọng, Thuyên chắc chắn là một học sinh giỏi. Lần theo họ tên và ngày tháng năm sinh, cô còn được tìm thấy trong một khóa học Phật pháp tại Huế.

Bên trong Bảo vật Quốc gia Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ. Ảnh: Võ Thạnh.
Bên trong Bảo vật Quốc gia Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ. Ảnh: Võ Thạnh.

Thuyên chỉ là một trong số hàng nghìn người đã hồn nhiên để lại “bút tích” lên Đại Hồng Chung và các tấm bia đá cổ ở chùa Thiên Mụ. Khắp nơi tại Huế, dễ tìm thấy những vết bút xóa, vết khắc lên di tích và bảo vật quốc gia mà các nhà quản lý chưa thể, hoặc vĩnh viễn không thể phục hồi.

“Không thể xóa được”

“Di tích do tiền nhân để lại đang bị xâm hại. Nhiều hiện vật chi chít chữ viết bằng vật nhọn không thể xóa được”, tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Huế bày tỏ sự tiếc nuối.

Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương, do chúa Nguyễn Hoàng trên đường vào đất Thuận Hóa trùng hưng năm 1601. Tên chùa gắn liền với triều đại họ Nguyễn xứ Đàng Trong. Đại Hồng Chung là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng 3285 cân (hơn 2.000 kg), cao 2,5 m, đường kính miệng 1,4 m, có hình dáng cân đối; hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh vi với các hình ảnh biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.

Chuông là công trình tiêu biểu về mỹ thuật trang trí, hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Năm 2013, Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Nhưng trên chiếc chuông cổ, hiện là những lời cầu an, thỉnh nguyện, ký hiệu yêu đương, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn để lại dấu ấn của du khách. Những tấm bảng cấm viết vẽ bậy của nhà chùa đặt trước nhà chuông vô tác dụng. Trải qua năm tháng, Đại Hồng Chung hiện chi chít chữ, đơn vị quản lý không thể xóa hết.

Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ. Ảnh: David McKelvey.
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ. Ảnh: David McKelvey.

Cùng hoàn cảnh với Đại Hồng Chung, tấm bia đá cẩm thạch xám cao 2,5 m được chạm rồng, đầu và một đoạn thân uốn lượn giữa mây lửa tinh xảo khắc bài “Ngự kiến thiên mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725) nói về việc trùng tu tôn tạo chùa Thiên Mụ năm 1715 cũng bị xâm hại. Khách tham quan dùng vật nhọn viết xen kẽ với những chữ khắc từ hơn 400 năm trước, khiến một số ký tự gốc không còn đọc nổi.

Việc viết, khắc lên di tích đã trở thành một thông lệ ở Huế. Không chỉ có người Việt viết vẽ bậy lên hiện vật, tại các di tích chùa Thiên Mụ còn có cả những dòng check-in bằng tiếng nước ngoài.  

Cách chùa Thiên Mụ khoảng 1 km, các tấm bia di tích Văn Thánh – do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý – cũng chằng chịt nét vẽ bậy. Những nội dung quan trọng thể hiện minh triết của cổ nhân, như bia dụ “Ngoại thích bất đắc thân chính” của vua Thiệu Trị về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền, bị tàn phá tới mức khó đọc.

“Bảo vệ chỉ nhắc nhở”

“Từ lúc tôi lên làm trưởng phòng bảo vệ, chưa thấy một du khách hay người dân bị bắt quả tang viết vẽ bậy lên di tích và bị xử lý triệt để. Việc xử phạt hành chính do Thanh tra văn hóa và công an ra quyết định, anh em bảo vệ chỉ nhắc nhở người dân”, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Bảo vệ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói.

Theo ông Nam, tình trạng viết vẽ bậy lên các di tích đã diễn ra nhiều năm, thường xuyên khiến di tích không thể phục hồi, đặc biệt là các hiện vật bằng đá, đồng. “Nhiều di tích rộng lớn nên việc quản lý rất khó khăn, du khách viết vẽ bậy lên các hiện vật mà bảo vệ không hề hay biết”, ông trình bày.

Ông Nam phân tích, hiện nay luật hình sự và luật di sản có sự khác nhau về việc xử phạt người viết vẽ bậy lên các di tích. Theo điều 23 Nghị định 158/2013, hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa vẫn chưa quy định cụ thể hành vi xử phạt sẽ xử lý như thế nào.

Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung tội “hủy hoại di vật, cổ vật” vào Điều 178. Điều 345 bộ luật này cũng quy định về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, tội phạm được cấu thành khi “hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc” hoặc “hủy hoại di vật, cổ vật”. Cho đến nay, Huế chưa ghi nhận trường hợp nào bị khởi tố vì khắc vật nhọn lên di tích.

Cùng số phận với Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ, bảo vật quốc gia bia Khiêm Cung Ký tại Lăng vua Tự Đức cũng chằng chịt dấu bút khách tham quan. Lăng Tự Đức là một địa điểm du lịch trọng yếu, có nhiều bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Tấm bia Khiêm Cung Ký bằng đá thanh khắc bài văn bia do chính hoàng đế Tự Đức (1848-1883) soạn thảo năm 1871 đặt trong khu vực Khiêm Lăng, được các nhà nghiên cứu đánh giá là tấm bia độc đáo nhất trong các bia lăng hoàng đế thời Nguyễn. Với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt, đây là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất. Khiêm Cung Ký cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả, hoàng đế Tự Đức. Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

Những nét khắc chằng chịt trên bia và trong nhà bia tại Lăng Tự Đức. Ảnh: Võ Thạnh.
Những nét khắc chằng chịt trên bia và trong nhà bia tại Lăng Tự Đức. Ảnh: Võ Thạnh.

Trên Khiêm Cung Ký hiện nay là chi chít chữ của khách tham quan. Những nét chữ quốc ngữ xen lẫn vào những nét chữ Hán được khắc 250 năm trước. Chính giữa bia là một trái tim lớn được khắc kỹ lưỡng đè lên mặt chữ.

Từ hơn 20 năm trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Thừa Thiên Huế đã phải thường xuyên chủ trì việc tẩy xóa các chữ viết, ký hiệu trên các di tích, hiện vật, “tránh trường hợp người dân và du khách đến đó thấy người khác viết được thì mình cũng viết được”.

Theo ông Hoa, ngoài việc lắp đặt các biển cấm mang tính răn đe, cơ quan quản lý cũng cần có bảng thuyết minh về các hiện vật, di tích để dân biết giá trị lịch sử của hiện vật đó; xử lý nghiêm các trường hợp quả tang viết vẽ bậy lên di tích để làm gương cho người khác.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng cũng cho rằng nguyên nhân chính của việc viết vẽ bậy tại di tích, ngoài ý thức người dân, là do đơn vị quản lý chưa nghiêm. Theo ông, cần xử phạt nghiêm khắc với những người viết vẽ vậy lên di tích. Không chỉ phạt tiền, phạt tù mà cũng có thể phạt lao động công ích. Các điểm di tích cũng có thể lắp camera, phạt nguội. “Ngoài quy định của luật pháp chung và luật di sản, Huế cũng cần xây dựng nội quy riêng biệt về quản lý đô thị di sản”, ông Hằng nói.

Võ Thạnh – Vnexpress

Rate this post

Thời sự

TP HCM mở tour Củ Chi – núi Bà Đen

Đã đăng

 ngày

Bởi

TP HCM và tỉnh Tây Ninh thống nhất mở tour du lịch khép kín từ địa đạo Củ Chi – núi Bà Đen từ ngày 16/10.

Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nói tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với UBND TP HCM về công tác phòng chống Covid-19 và tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021, chiều 12/10.

“Sáng nay tôi cùng Sở Du lịch làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh để bàn bạc tổ chức kết nối lại tour tham quan khép kín địa đạo Củ Chi kết hợp núi Bà Đen và thống nhất tour đầu tiên bắt đầu từ cuối tuần này”, bà Thắng nói.

Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần
Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo lãnh đạo UBND thành phố, đây là bước đi đầu tiên trong việc mở lại các tuyến du lịch “liên tỉnh”. Trong tuần sau thành phố tiếp tục làm việc với một số tỉnh, thành khác để mở lại các tuyến du lịch. Các địa phương nhận định đa số người dân thành phố được tiêm 2 mũi vaccine và khách tham gia tour phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết Sở Du lịch đã tổ chức một số chuyến tham quan Cần Giờ và địa đạo Củ Chi cho lực lượng tuyến đầu. Hoạt động này nhằm tri ân, giúp lực lượng y bác sỹ hiểu nét văn hóa của TP HCM. Sau khi tổ chức các chuyến đi, Sở Du lịch cùng địa phương và doanh nghiệp lữ hành rút kinh nghiệm, có những tính toán cho thời gian tới.

Các tour này diễn ra trong ngày, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức, phục vụ hậu cần tại các điểm đến phải tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K. Tour tổ chức theo mô hình “bong bóng”, thông qua các cung đường khép kín.

Đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề ngành du lịch TP HCM. Thống kê của các quận, huyện cho thấy 6 tháng qua 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường quốc tế ngưng hoạt động.

Sở Du lịch TP HCM đang xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động ngành trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19 giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022 theo nguyên tắc “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường nội địa sẽ giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi.

Hữu Công – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine đến Việt Nam vào 13/10

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lô vaccine Astra Zeneca 1,1 triệu liều do Chính phủ Hàn Quốc tặng, dự kiến về đến Việt Nam vào ngày mai (13/10).

Đại sứ Hàn Quốc tại việt Nam Park Noh Wan cho biết thông tin nêu trên tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 12/10. Đây là đợt hỗ trợ vaccine song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như những khó khăn tại nước này.

Đại sứ khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ y tế, trong đó có vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Park Noh Wan, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại. Dù dịch bệnh phức tạp, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng 18%. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc; đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam năm nay tăng 24% so với năm trước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngày càng phát triển đi vào chiều sâu. Ông cho biết Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, tạo cơ sở để thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng thời phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Lãnh đạo Chính phủ mong phía Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống dịch, nhất là về vaccine và thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế. Hai nước nghiên cứu sớm nối lại chuyến bay thương mại; công nhận hộ chiếu vaccine của nhau; bình thường hóa các hoạt động kinh tế, góp phần ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trước đó ngày 21/9, tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Moon Jae-in cam kết cung cấp ít nhất một triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Đến hết ngày 11/10, Việt Nam đã tiêm được tổng số 54,2 triệu liều vaccine; trong đó 38,6 triệu người tiêm mũi một; 15,5 triệu người tiêm đủ liều.  

Viết Tuân – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên

Đã đăng

 ngày

Bởi

UBND TP Hà Nội thống nhất với tỉnh Điện Biên khôi phục đường bay từ ngày 13 đến 20/10, máy bay chở khách hai chiều, khách ngồi giãn cách.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Điện Biên ngày 12/10, Hà Nội yêu cầu hành khách đi máy bay đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch của Trung ương và TP Hà Nội.

Như vậy, sau Đà Nẵng, TP HCM, Điện Biên là địa phương thứ ba nối lại đường bay với thủ đô.

Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành.
Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành

Trước đó ngày 11/10, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị nối lại đường bay giữa hai địa phương, cho phép các hãng Bamboo Airways, Vasco Airlines được mở các chuyến bay khứ hồi Hà Nội – Điện Biên trong thời gian thí điểm (13-20/10).

Theo UBND tỉnh Điện Biên, địa phương đã qua 54 ngày không ghi nhận ca mắc mới, tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho người trên 18 tuổi là 60%; mũi hai 20%.

Trước dịch Covid-19, mỗi ngày có hai chuyến bay Hà Nội – Điện Biên, khai thác máy bay ATR thân nhỏ với khoảng 70 chỗ ngồi.

Anh Duy – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.