Tuy nhiên, ba tháng đã trôi qua, khu ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai lại mang tới một tia hy vọng khi số ca nhiễm mới giảm xuống nhờ một chiến lược cứng rắn tập trung vào “truy đuổi virus, thay vì chờ đợi thảm họa”, theo quan chức thành phố Kiran Dighavkar.
Khu ổ chuột lộn xộn này từ lâu đã là ví dụ điển hình cho sự chênh lệch thu nhập ở thủ đô tài chính Ấn Độ, với ước tính một triệu cư dân của Dharavi đang làm công nhân nhà máy hoặc người giúp việc và tài xế cho các gia đình giàu có của Mumbai.
Hơn chục người ngủ chung một phòng và hàng trăm người dùng chung toilet, giới chức sớm nhận ra rằng các quy định về phòng dịch sẽ khó lòng áp dụng ở đây.
“Giãn cách xã hội là không thể, cách ly tại nhà không bao giờ là một lựa chọn và truy vết tiếp xúc là một vấn đề lớn vì quá nhiều người dùng chung toilet”, Dighavkar nói.
Kế hoạch ban đầu tiến hành sàng lọc từng nhà đã bị loại bỏ sau khi thời tiết nắng nóng và ẩm ướt của Mumbai khiến các nhân viên y tế cảm thấy ngột ngạt khi mặc đồ bảo hộ len lỏi giữa các con hẻm chật chội.
Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng nhanh và chưa đến 50.000 người được xét nghiệm có triệu chứng, giới chức quyết định phải hành động nhanh và sáng tạo. Họ đề ra chiến dịch gọi là “Nhiệm vụ Dharavi”.
Mỗi ngày, các nhân viên y tế thành lập một “trại sốt” ở một khu vực khác nhau của khu ổ chuột để người dân được kiểm tra triệu chứng và xét nghiệm nCoV nếu cần thiết. Các trường học, trung tâm tiệc cưới và khu phức hợp thể thao được chuyển đổi làm các cơ sở cách ly cung cấp bữa ăn, vitamin và các khóa “yoga cười” miễn phí.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được triển khai ở những điểm nóng nơi có 125.000 người sinh sống, bao gồm dùng thiết bị bay không người lái để theo dõi việc di chuyển của người dân và báo cảnh sát, trong khi một lượng lớn tình nguyện viên tham gia phân phát khẩu phần để họ không bị đói.
Các ngôi sao Bollywood và tài phiệt đã góp tiền mua sắm các thiết bị y tế khi một bệnh viện dã chiến 200 giường được xây dựng với tốc độ chóng mặt ở một công viên bên trong Dharavi.
Đến cuối tháng 6, hơn nửa dân cư của khu ổ chuột có triệu chứng nghi ngờ đã được sàng lọc và khoảng 12.000 người dương tính với nCoV. Dharavi đến nay chỉ ghi nhận 82 ca tử vong, một tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 4.500 ca tử vong ở Mumbai.
“Chúng tôi đang bên bờ chiến thắng, tôi cảm thấy rất tự hào”, Abhay Taware, bác sĩ từng chăm sóc khoảng 100 bệnh nhân một ngày trong phòng khám nhỏ của mình vào thời kỳ cao điểm của đại dịch, nói.
Người đàn ông hai con, 44 tuổi, cũng phải tự chiến đấu với nCoV sau khi nhiễm virus hồi tháng 4, nhưng “không nghi ngờ gì” chuyện sẽ quay lại làm việc.
“Tôi nghĩ mình có thể cho các bệnh nhân thấy rằng bị chẩn đoán dương tính không có nghĩa là chấm hết”, Taware nói.
Dù các bác sĩ như Taware đang chăm lo cho người dân, sự kỳ thị vẫn tồn tại. Sau 25 ngày điều trị cách ly trong bệnh viện và thêm 14 ngày cách ly, Sushil cho biết anh bây giờ rất sợ bị phân biệt đối xử nếu mọi người phát hiện ra anh nhiễm nCoV.
Nam bác sĩ 24 tuổi cũng cảnh báo về khả năng tái bùng phát dịch.
“Mọi người càng cẩn trọng càng tốt. Những con số có thể giảm nhưng chúng có thể tăng trở lại nhanh chóng”, anh nói.
Trong bối cảnh Mumbai và Delhi đang vật lộn để khống chế dịch bệnh, với số ca nhiễm toàn Ấn Độ đã vượt 500.000, giới chức lo lắng rằng việc ăn mừng lúc này là quá sớm.
“Đây là một cuộc chiến tranh. Mọi thứ đang bùng nổ”, Dighavkar nói. “Lúc này, chúng tôi cảm thấy như mình đã kiểm soát được tình hình. Thách thức sẽ là khi các nhà máy tái mở cửa”, ông nói thêm, đề cập tới ngành công nghiệp da và tái chế trị giá hàng tỷ đôla.
Một số người ở khu ổ chuột cũng lo lắng rằng họ có thể không còn may mắn vào lần sau. Một buổi sáng nắng chói chang, nhân viên kinh doanh xe hơi Vinod Kamble xếp hàng để kiểm tra thân nhiệt, anh nhớ lại sự sợ hãi khi virus xuất hiện ở Mumbai.
“Tôi cảm tưởng như Dharavi sẽ bị phá hủy và sẽ không còn gì”, anh nói, mô tả khả năng tránh lây nhiễm ở khu ổ chuột gần như là không thể.
“Chúng tôi cần cơ sở hạ tầng tốt hơn. Nếu không, lần sau dịch bệnh nổi lên, tôi nghĩ Dharavi sẽ không thể thoát nạn”.
Anh Ngọc (Theo AFP) – Vnexpress