Kết nối với chúng tôi:

Thời sự

Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời

Đã đăng

 ngày

 
Tồn tại gần 40 năm giữa thành phố cảng, xóm chài Tam Bạc sắp được di dời khiến nhiều hộ dân lo lắng.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Đầu sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) có một xóm chài nhỏ với hơn chục thuyền cũ nát. Đây là nơi sinh sống của 41 hộ dân nghèo đến từ nhiều địa phương, chủ yếu là Hải Dương và Quảng Ninh.
Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, cho biết dự kiến tháng 5 này, quận sẽ di dời xóm chài để phục vụ dự án nạo vét và cải tạo sông Tam Bạc, chỉnh trang đô thị. “Những hộ đã ở đây lâu năm, không có đất đai nhà cửa, quận sẽ lập phương án hỗ trợ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, số hộ còn lại sẽ phải tìm khu vực neo đậu mới”, ông Ổn nói.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Những chiếc thuyền xi măng đậu trên lòng sông cạn, phía trên được chắp vá bằng nhiều loại vật liệu như gỗ, tôn, nylon… để che mưa nắng.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Nghe tin chính quyền sắp di dời, người dân xóm chài những ngày này nửa mừng nửa lo. Theo chồng phiêu dạt từ Hải Dương đến phố cảng đã gần 40 năm, cụ Nguyễn Thị Phò (76 tuổi) vẫn một mình sống trên chiếc thuyền xi măng rộng 4 m2, được cột dây chặt vào cọc gỗ.
Cụ sinh được 5 người con, nhưng cuộc sống sông nước đã cướp đi 2 người. “Người ta bảo không ai khó ba đời, chứ gia đình tôi 5 đời đều nghèo khó. Có quê nhưng không có đất, có nhà. Cuộc sống cứ lênh đênh trên thuyền”, bà cụ nói.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Ban ngày, con trai dong thuyền chài lưới, bắt tôm cá về đổi lấy gạo, cụ Phò ở nhà chạy qua, chạy lại thuyền của con để lo cơm nước. Hai năm nay, chiếc thuyền của cụ Phò bị vỡ một phần nên cứ tối đến, cụ qua thuyền của con để ngủ lại.
“Tháng 5 này, thành phố đuổi mẹ con tôi đi thì cũng chẳng biết đi đâu, tôi chỉ có nguyện vọng mong nhà nước cấp đỡ cho mẹ con tôi chút đất hoặc căn nhà nhỏ để được lên bờ”, cụ nói.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Chiếc thuyền bằng xi măng của gia đình anh Nguyễn Thanh Long (con trai bà Phò) lỉnh kỉnh đồ dùng sinh hoạt, không có thứ gì giá trị, ngoài chiếc tủ lạnh cũ và nồi cơm điện.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Nhiều gia đình trong xóm không có giấy tờ tùy thân, nhà cửa… nên những đứa trẻ tại đây phần lớn không được đi học.
Nữ tu sĩ nhà thờ Công giáo trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) đã mở lớp dành cho trẻ em xóm chài Tam Bạc và những đứa trẻ lang thang ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các lớp học tạm đóng cửa, những đứa trẻ ở trên thuyền tập vẽ.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Là con gái lớn của cụ Phò, bà Nguyễn Thị Ánh, 50 tuổi, đang sống cùng bốn người con và ba đứa cháu trên chiếc thuyền xi măng bị gãy đôi.
Bà Ánh kể, chồng mất sớm, nhà chồng nghèo cũng chẳng có gì cho. Trong các con của bà, 2 người con gái lớn bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Con gái út đến tuổi lập gia đình, nhưng thương mẹ và các chị nên chưa chịu lấy chồng. Con trai thì quá ngán cảnh sông nước, đã lên bờ kiếm việc làm.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Vợ chồng ông Đào Văn Thắng (xã Trường Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng) bỏ lại nhà cửa, xóm làng, rời quê ra thành phố làm ăn thấm thoát đã gần 20 năm. Ban ngày, họ ra sông Cấm đánh cá, tối đến về xóm chài Tam Bạc cùng mọi người trú ngụ qua đêm.
Ông Thắng cho biết, hai vợ chồng không biết chữ nên phải theo nghề “cha truyền con nối” mưu sinh. “Cá tôm giờ ngày một khan hiếm, có ngày kiếm được 500.000 đến 700.000 đồng, nhưng có ngày chẳng được con gì. Nghe thành phố sắp di dời, tôi lo lắm vì không biết mình sẽ về đâu”, người đàn ông 48 tuổi tâm sự.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Bà Nguyễn Thị Tưới (64 tuổi) chèo thuyền cho con trai – Nguyễn Văn Ngọc (26 tuổi) – giăng lưới bắt cá. Cả hai đều không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu và được chính quyền thành phố xếp vào hộ có hoàn cảnh đặc biệt.
Từng có hai người con trai chết đuối trong một đêm đánh cá trên sông Cấm, bà Tưới trở nên điên dại. Đến năm 41 tuổi, sức khỏe dần ổn định, vợ chồng bà mới sinh thêm Ngọc. Nhưng con trai vừa chào đời được ba tháng, chồng bà lâm bệnh, rồi mất. Hai mẹ con bà Tưới phải bồng bế nhau chài lưới qua ngày đoạn tháng.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Bà Tưới hàng ngày lo sinh hoạt cho con trai và ba đứa cháu nhỏ trên chiếc thuyền. Bà Tưới cho biết, bệnh thần kinh thỉnh thoảng tái phát nên không làm được gì, ngoài ở nhà cơm nước.
“Nói thật là làm không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền mà mua nhà, mua đất. Mấy năm qua, thành phố thương tình đã hỗ trợ tiền điện, thỉnh thoảng tặng cho mấy đứa cháu đồng quà, tấm bánh. Thành phố sắp đuổi, mấy mẹ con, bà cháu tôi cũng chưa biết thế nào”, bà Tưới nói.
Xóm chài Tam Bạc trước ngày di dời
Một chiếc thuyền xi măng bị nứt đôi vì mưa nắng, không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Cũng như các hộ dân trong xóm, cụ Phò, bà Tưới, bà Ánh… đều mong muốn một ngày được lên bờ, kết thúc cuộc sống tạm bợ, nhưng với họ mọi thứ vẫn vời vợi, vì tất cả đều nghèo.

Rate this post

Thời sự

TP HCM mở tour Củ Chi – núi Bà Đen

Đã đăng

 ngày

Bởi

TP HCM và tỉnh Tây Ninh thống nhất mở tour du lịch khép kín từ địa đạo Củ Chi – núi Bà Đen từ ngày 16/10.

Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nói tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với UBND TP HCM về công tác phòng chống Covid-19 và tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021, chiều 12/10.

“Sáng nay tôi cùng Sở Du lịch làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh để bàn bạc tổ chức kết nối lại tour tham quan khép kín địa đạo Củ Chi kết hợp núi Bà Đen và thống nhất tour đầu tiên bắt đầu từ cuối tuần này”, bà Thắng nói.

Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần
Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo lãnh đạo UBND thành phố, đây là bước đi đầu tiên trong việc mở lại các tuyến du lịch “liên tỉnh”. Trong tuần sau thành phố tiếp tục làm việc với một số tỉnh, thành khác để mở lại các tuyến du lịch. Các địa phương nhận định đa số người dân thành phố được tiêm 2 mũi vaccine và khách tham gia tour phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết Sở Du lịch đã tổ chức một số chuyến tham quan Cần Giờ và địa đạo Củ Chi cho lực lượng tuyến đầu. Hoạt động này nhằm tri ân, giúp lực lượng y bác sỹ hiểu nét văn hóa của TP HCM. Sau khi tổ chức các chuyến đi, Sở Du lịch cùng địa phương và doanh nghiệp lữ hành rút kinh nghiệm, có những tính toán cho thời gian tới.

Các tour này diễn ra trong ngày, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức, phục vụ hậu cần tại các điểm đến phải tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K. Tour tổ chức theo mô hình “bong bóng”, thông qua các cung đường khép kín.

Đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề ngành du lịch TP HCM. Thống kê của các quận, huyện cho thấy 6 tháng qua 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường quốc tế ngưng hoạt động.

Sở Du lịch TP HCM đang xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động ngành trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19 giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022 theo nguyên tắc “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường nội địa sẽ giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi.

Hữu Công – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine đến Việt Nam vào 13/10

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lô vaccine Astra Zeneca 1,1 triệu liều do Chính phủ Hàn Quốc tặng, dự kiến về đến Việt Nam vào ngày mai (13/10).

Đại sứ Hàn Quốc tại việt Nam Park Noh Wan cho biết thông tin nêu trên tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 12/10. Đây là đợt hỗ trợ vaccine song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như những khó khăn tại nước này.

Đại sứ khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ y tế, trong đó có vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Park Noh Wan, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại. Dù dịch bệnh phức tạp, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng 18%. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc; đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam năm nay tăng 24% so với năm trước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, ngày 12/10. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngày càng phát triển đi vào chiều sâu. Ông cho biết Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, tạo cơ sở để thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng thời phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Lãnh đạo Chính phủ mong phía Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống dịch, nhất là về vaccine và thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế. Hai nước nghiên cứu sớm nối lại chuyến bay thương mại; công nhận hộ chiếu vaccine của nhau; bình thường hóa các hoạt động kinh tế, góp phần ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trước đó ngày 21/9, tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Moon Jae-in cam kết cung cấp ít nhất một triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Đến hết ngày 11/10, Việt Nam đã tiêm được tổng số 54,2 triệu liều vaccine; trong đó 38,6 triệu người tiêm mũi một; 15,5 triệu người tiêm đủ liều.  

Viết Tuân – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thời sự

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên

Đã đăng

 ngày

Bởi

UBND TP Hà Nội thống nhất với tỉnh Điện Biên khôi phục đường bay từ ngày 13 đến 20/10, máy bay chở khách hai chiều, khách ngồi giãn cách.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Điện Biên ngày 12/10, Hà Nội yêu cầu hành khách đi máy bay đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch của Trung ương và TP Hà Nội.

Như vậy, sau Đà Nẵng, TP HCM, Điện Biên là địa phương thứ ba nối lại đường bay với thủ đô.

Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành.
Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Thành

Trước đó ngày 11/10, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị nối lại đường bay giữa hai địa phương, cho phép các hãng Bamboo Airways, Vasco Airlines được mở các chuyến bay khứ hồi Hà Nội – Điện Biên trong thời gian thí điểm (13-20/10).

Theo UBND tỉnh Điện Biên, địa phương đã qua 54 ngày không ghi nhận ca mắc mới, tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho người trên 18 tuổi là 60%; mũi hai 20%.

Trước dịch Covid-19, mỗi ngày có hai chuyến bay Hà Nội – Điện Biên, khai thác máy bay ATR thân nhỏ với khoảng 70 chỗ ngồi.

Anh Duy – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.