Kết nối với chúng tôi:

Pháp luật

Săn lùng tên gián điệp chuyên viết sai chính tả

Đã đăng

 ngày

 
Xé mở phong bì, đặc vụ FBI thấy lá thư bắt đầu với dòng chữ “tôi là chuyên viên phân tích của CIA, sẵn sàng làm gián điệp chống lại nước Mỹ”.

“Tôi có thể cung cấp thông tin tình báo tối mật của Mỹ cho phía bạn”, lá thư tiếp tục. Phần còn lại của bức thư dài bốn trang được mã hóa bằng chữ cái và chữ số, thoạt nhìn giống như do người gõ loạn xạ trên bàn phím máy tính.

Để cho thấy sự nghiêm túc, người gửi đã gửi kèm một số ảnh chụp khu vực quân sự tại Trung Đông do vệ tinh Mỹ thực hiện. Những ảnh này rõ ràng được tải xuống từ Intelink, mạng lưới server được mã hóa có vai trò như mạng Internet riêng của cộng đồng tình báo Mỹ. Ngoài ra, người gửi còn kèm theo một số tài liệu mật khác như bản tin lưu hành nội bộ của CIA và bản hướng dẫn sử dụng vệ tinh trinh thám của Mỹ.

Các tài liệu trên chỉ là một trong ba phong bì thư mà FBI nhận được từ đặc tình tại thành phố New York vào ngày 4/12/2000. Phong bì thứ hai đựng hướng dẫn giải mã bức thư. Phong bì thứ ba chứa những đoạn mã rút gọn.

Lá thư mã hóa, phương pháp giải mã, và đoạn mã rút gọn đã được gửi đi trong ba phong bì riêng biệt. Nhưng người gửi có lẽ không ngờ cả ba phong bì đều rơi vào tay của FBI thông qua đặc tình.

Có đủ ba phong bì trong tay, FBI nhanh chóng giải mã được phần còn lại của lá thư. Trong thư, người gửi cho biết đã làm tại CIA sắp đủ 20 năm và sẽ nghỉ hưu trong hai năm tới. Người này đòi ít nhất 13 triệu USD để cung cấp thông tin tối mật về hệ thống tình báo trên mặt đất, trên không và vệ tinh của Mỹ cho phía “đối tác nước ngoài”.

Vì tên gián điệp muốn bán bí mật đặc tình báo quốc gia, FBI ý thức được độ hệ trọng của vấn đề. Qua đánh giá sơ bộ, FBI nhận định người dùng được đào tạo mật mã học. Ngoài ra, căn cứ việc dùng hệ thống mã rút gọn, FBI nhận định kẻ này đang hoặc từng là quân nhân vì mã rút gọn thường được sử dụng trong quân đội. Người gửi cũng nhiều khả năng đã có gia đình riêng vì trong thư có viết “nếu làm gián điệp, tôi sẽ đặt bản thân và gia đình vào tình thế rủi ro”.

Nhưng, điều khiến FBI chú ý là việc bảng mã rút gọn bị viết sai chính tả rất nhiều. Điều này đặc biệt quan trọng vì tên gián điệp đã đặt ra giao thức bảo mật cực kỳ cẩn trọng nhưng sao lại không biết cách viết những từ cơ bản cho đúng chính tả?

Dù tên gián điệp tự giới thiệu là chuyên gia phân tích của CIA và thậm chí gửi kèm bản tin nội bộ của cơ quan này, FBI cho rằng đây chỉ là đánh lạc hướng nên lập tức xin trát khám xét email của hắn, từ đó phát hiện được lập bốn tháng trước (8/2000). Người lập để tên là Steven Jacobs, truy cập từ thư viện công cộng tại quận Prince George, bang Maryland, nhưng lại khai báo địa chỉ cư trú tại thành phố Alexandria, bang Virginia.

Sau khi đánh dấu các địa điểm từng truy cập vào email này, FBI thấy rằng mỗi lượt truy cập đều đến từ các thư viện công cộng tập trung quanh thị trấn Bowie và Crofton, bang Maryland. Cơ quan tình báo gần nhất trong khu vực này là Cơ quan An ninh Quốc gia (viết tắt là NSA), nơi tập trung hàng nghìn nhân viên là quân nhân từng được học về mật mã học và cư trú tại thị trấn Bowie và Crofton.

Trùng hợp, NSA vừa cho nghỉ việc khoảng 2.000 người trong đợt tinh giản biên chế vừa qua nên nhân viên ở đây có thể bất mãn và nghĩ tới việc phản bội. Nếu kẻ gián điệp làm tại NSA, điều này cũng sẽ phù hợp với nhận định kẻ này tự nhận là chuyên viên CIA để đánh lạc hướng. Dù vậy, FBI vẫn bí mật thông tin cho cả NSA và CIA để hợp tác truy tìm tên gián điệp.

Ở khu vực khả nghi còn có Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO), chuyên phụ trách trinh sát và do thám qua vệ tinh, cùng loại thông tin mà tên gián điệp hứa hẹn. Nhiều thành viên của NRO đồng thời là quân nhân.

Trong số thư viện mà tên gián điệp dùng để truy cập có một lần tại thành phố Falls Church, bang Virginia, cách trụ sở NRO chỉ 15 dặm. FBI không loại trừ khả năng tên gián điệp sống gần NSA và làm cho NRO. Từ đây, NRO cũng tham gia săn gián điệp.

Tiếp theo, điều tra viên tìm gặp các thư viện nơi có máy tính truy cập địa chỉ email này để tìm manh mối. Tuy vậy, tìm kiếm theo hướng này không có kết quả vì thư viện công cộng vốn không lưu trữ lịch sử truy cập máy tính để bảo mật danh tính người dùng.

Bế tắc, đặc vụ FBI đổi hướng điều tra, tập trung tìm kiếm những người có thể truy cập Intelink và tải ảnh chụp từ vệ tinh gửi kèm trong phong bì trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, mỗi cơ quan tình báo lại có hồ sơ lưu trữ lượt truy cập riêng biệt, mỗi lượt truy cập có thể đi từ nơi này sang nơi khác trước khi tới đích nên việc rà soát rất phức tạp. Số người khả nghi có thể lên tới con số hàng trăm.

Tuy nhiên, trong một lần xem xét kỹ, đặc vụ FBI phát hiện rìa trên cùng của một bức ảnh có dòng chữ bé xíu bị cắt mất nửa trên nên không rõ nội dung, nhưng vẫn đủ để nhận ra đây là đường link của trang web. Các bức ảnh khác đều đã bị tên gián điệp cắt hết đường dẫn, nhưng hắn sơ ý để sót tờ này.

Kết hợp suy đoán và công nghệ, FBI đã có thể khôi phục lại phần chữ bị cắt. Từ thông tin trong đường link, đặc vụ biết được bức ảnh này được in ngày 8/7/1999. Giả sử gián điệp đã in tài liệu cùng ngày truy cập, điều tra viên có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm từ trong hai năm xuống chỉ còn trong một ngày.

Dựa vào đây, FBI thu hẹp chỉ còn 11 địa chỉ IP đã truy cập vào ảnh trên trong ngày 8/7/1999, trong đó 6 địa chỉ IP ở vùng Bờ Tây nước Mỹ nên bị loại vì không trong khu vực bang Virginia hoặc Maryland. Trong số còn lại, hai địa chỉ tới từ NSA, hai từ NRO, còn một từ CIA. Tuy vậy, đặc vụ chỉ có thể xác định được cụm máy tính nào đã truy cập mà không biết được máy tính cụ thể trong cụm.

Song song với cuộc điều tra của FBI, NRO cũng tổ chức rà soát lại hồ sơ nhân viên. Vì người viết thư có nói sẽ nghỉ hưu trong hai năm tới vì sắp làm đủ 20 năm, đặc vụ NRO nhận định tên gián điệp có cấp chiến sĩ trong quân đội Mỹ, không phải cấp sĩ quan hoặc thường dân vì chỉ cấp bậc này mới nghỉ hưu sau 20 năm tại ngũ.

Từ đây, đặc vụ NRO nhận định: Chỉ cần tìm những người là quân nhân đã nghỉ hưu trong vòng hai năm trở lại hoặc sẽ nghỉ trong hai năm tới. Dựa vào đó, phạm vi tìm kiếm được thu hẹp từ hàng chục nghìn người xuống còn vài trăm người. Sau khi lọc ra những người có nguy cơ (ví dụ nợ nần hoặc gặp rắc rối với bài kiểm tra nói dối), NRO lập được danh sách 30 người khả nghi.

Kết hợp kết quả điều tra của NRO và FBI, các đặc vụ loại trừ dần xuống còn một người khả nghi hơn cả tên là Brian Regan, chuyên viên phân tích tín hiệu làm việc tại NRO từ năm 1995 và nghỉ việc vào tháng 8/2000. Brian mang hàm thượng sĩ trong Không quân Mỹ, từng được đào tạo mật mã học. Máy tính của Brian thuộc vào cụm máy đã truy cập ảnh mật ngày 8/7/1999.

Nhưng điều khả nghi nhất là trong bức thư viết tay gửi cho cơ quan, Brian viết sai chính tả ngay ở tựa đề “Thư hồi am”. Dòng nào trong bức thư của Brian cũng có lỗi chính tả, ví dụ như từ “cái” bị viết thành “áci”.

Tổ đặc vụ thấy nếu so sánh bức thư của Brian với 3 bức thư do đặc tình chuyển thì các lỗi sai khá giống nhau.

Brian. Ảnh: FBI.
Regan Brian. Ảnh: FBI.

Qua tìm hiểu, tổ đặc vụ được biết Brian sống ở thị trấn Bowie, bang Maryland, khá gần những thư viện nơi email được truy cập. Ngày 15/3/2001, FBI chính thức mở cuộc điều tra về Brian Regan.

FBI phát hiện từ nhỏ Brian đã bị chứng khó đọc (“dyslexia”). Dù không phản ánh trí tuệ người bệnh, chứng khó đọc vẫn gây cản trở cực độ trong việc đọc và viết. Người bệnh thường thua kém chúng bạn trên trường lớp và có cảm giác ngu dốt. Có bạn bè từng nói Brian “may mắn mới tốt nghiệp cấp III”.

Brian gia nhập lực lượng Không quân Mỹ và dần thăng tiến trong vị trí chuyên viên phân tích tình báo. Năm 1993, Brian được phong hàm thượng sĩ rồi được phân tới làm tại NRO vào năm 1995. Tới tháng 8/2000, Brian nghỉ việc tại NRO rồi hai tháng sau được nhận vào làm cho tập đoàn tư nhân.

Vì máy tính được phân cho Brian tại NRO không có ai sử dụng từ khi người này nghỉ việc, tổ đặc vụ phân tích dữ liệu trong máy để tìm manh mối, qua đó xác nhận Brian từng truy cập vào nhiều đường link được bao gồm trong thư của kẻ gián điệp.

Ngoài ra, FBI còn thấy Brian thường xuyên lướt Intelink liên tục nhiều tiếng trong giờ làm việc, trong khi đồng nghiệp khác chỉ vào một lúc rồi thoát ra. Từ khóa tìm kiếm của Brian là bằng chứng cho thấy không ai khác ngoài anh ta đã lướt Intelink.

Cho rằng đã xác định tên gián điệp, tổ đặc vụ bắt đầu giám sát nhất cử nhất động của Brian. Ngày 13/6/2001, đặc vụ thấy Brian lại ngồi máy tính trong thư viện công cộng. Chờ Brian rời khỏi, đặc vụ tới xem thì rất ngạc nhiên vì kẻ nghĩ ra âm mưu gián điệp phức tạp như Brian lại có thể quên không tắt trình duyệt web.

Nhờ sai lầm của Brian, đặc vụ có thể xem lại lịch sử truy cập và phát hiện hắn ta tìm kiếm địa chỉ đại sứ quán của một số nước đặt tại Pháp và Thụy Sĩ. Theo đặc vụ, Brian có thể đang tìm cách gửi thư ra nước ngoài hoặc gặp mặt trực tiếp tình báo nước khác để rao bán bí mật.

Tuy vậy, FBI biết rõ số chứng cứ hiện có về Brian chưa đủ mạnh. Dù có trong tay phong bì thư, nhưng tài liệu này do đặc tình gửi tới. FBI không muốn gọi đặc tình tới làm chứng trước tòa để giải thích nguồn gốc chứng cứ. Để có thêm chứng cứ, FBI dặn NRO mời Brian về lại làm việc. Trước đó, các đặc vụ lắp đặt sẵn camera giám sát hướng về chỗ ngồi của Brian.

Đặc vụ giám sát Brian tại chỗ làm việc nhưng không có kết quả. Ảnh: FBI.
Đặc vụ giám sát Brian tại chỗ làm việc nhưng không có kết quả. Ảnh: FBI.

Ngay khi Brian quay lại làm việc, điều tra viên phát hiện anh ta tiếp tục lướt Intelink để tìm tài liệu mật. Một lần, điều tra viên thấy Brian vừa nhìn màn hình vừa viết gì đó vào trong giấy và sổ. Sau khi viết xong, Brian xé và hủy nhiều lớp giấy liền nhau nhằm xóa bỏ vết hằn do bút viết để lại. Brian cẩn thận như vậy nên điều tra viên không có chứng cứ mới đáng kể.

Tới tháng 8/2001, đặc vụ biết tin Brian sắp ra sân bay đi Zurich, Thụy Sĩ. Sợ Brian chạy trốn, việc bắt giữ được thực thi. Trên người Brian, đặc vụ phát hiện tài liệu mật, giấy ghi địa chỉ đại sứ quán một số nước tại Thụy Sĩ, bốn trang giấy chứa đầy những chữ cái và chữ số được viết theo cụm ba ký tự.

Đặc biệt, đặc vụ còn thấy Brian mang theo cuốn sổ gáy xoắn, trong đó có dòng chữ viết tay gồm 13 từ có vẻ rất ngẫu nhiên như Xe ba bánh – Găng tay – Xe máy – Công tắc – Vũ khí – Bút – Las Vegas…

Qua đối chiếu với camera giám sát, đặc vụ thấy Brian đã viết lên cuốn sổ gáy xoắn này khi nhìn vào ảnh do vệ tinh Mỹ chụp địa điểm phóng thử tên lửa của Trung Quốc nên suy luận đây là tọa độ vì các con số kinh – vĩ độ khi viết ra sẽ đủ 13 ký tự. Việc cần làm bây giờ là tìm cách chứng minh dãy 13 từ trong sổ gáy xoắn là tọa độ địa điểm thuộc thông tin mật của Mỹ.

Lúc này, một đặc vụ FBI bắt gặp tờ giấy Brian viết tên đăng nhập và mật khẩu của tài khoản đầu tư chứng khoán. Mật khẩu của tài khoản đầu tư phải là dãy số, nhưng ở đây đã được Brian viết thành “Tay — Cây – Tay – Ô tô”. Điều tra viên cho rằng người mắc chứng khó đọc như Brian thường có xu huớng nhớ chữ bằng cách gán hình ảnh cho chữ cái. Theo hướng này, đặc vụ đoán “tay” có 5 ngón nên đại diện cho số 5, “cây” đứng thẳng như số 1, còn “ô tô” có bốn bánh nên là số 4.  Điều tra viên nhập con số trên vào tài khoản của Brian tại trang web đầu tư chứng khoán thì đúng ngay lần đầu tiên.

Dựa trên nguyên lý tương tự, điều tra viên có thể “bẻ khóa” dãy 13 cụm từ của Brian, ví dụ như “vũ khí” làm liên tưởng tới khẩu súng ổ quay 6 viên nên là số 6, Las Vegas – nơi có nhiều sòng bạc – đại diện cho số 7 vì thường có câu nói “số 7 may mắn”…

Đặc vụ cho rằng đã chứng minh được Brian có hành vi mã hóa thông tin mật của chính phủ Mỹ để che giấu. Tuy vậy, điều tra viên bó tay trước bốn trang giấy được mã hóa theo cụm ba mà nhà chức trách tìm thấy trên người Brian lúc bắt giữ. Điều tra viên nghi ngờ bốn trang giấy này sẽ tiết lộ vị trí chôn giấu số tài liệu mật Brian đã in ra để bán.

Tiếp theo, điều tra viên khám xét laptop cá nhân của Brian, phát hiện bản thảo thư chào bán tài liệu mật, cũng như phiên bản đã được mã hóa, giống hệt những bức thư mà phía FBI đánh chặn được trên đường được gửi đi. Đây có lẽ là chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội Brian.

Công tố viên đưa Brian ra tòa xét xử. Công tố viên cáo buộc khi sắp chạm mốc 20 năm tại ngũ, Brian lo lắng lương hưu quân đội không thể hỗ trợ vợ đang học lấy bằng điều dưỡng và bốn đứa con, trong khi bản thân còn mang khoản nợ 116.000 USD trong thẻ tín dụng. Vì tài chính eo hẹp, Brian định rao bán bí mật chính phủ để kiếm lời. Với cáo buộc trên, công tố viên đề nghị án tử hình, cũng là lần đầu tiên án tử hình được yêu cầu cho tội danh gián điệp từ năm 1953.

Điều tra viên bất lực trước bốn trang giấy được mã hóa theo cụm ba ký tự. Ảnh: Wired.
Điều tra viên bất lực trước bốn trang giấy được mã hóa theo cụm ba ký tự. Ảnh: Wired.

Tháng 2/2003, Brian bị kết tội Gián điệp chưa thành và Thu thập tài liệu quốc phòng nhưng chỉ bị chung thân không ân xá. Sau khi lĩnh án, để không bị biệt giam và giúp vợ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Brian chịu giải mã bốn trang mật mã cụm ba kia, từ đó giúp đặc vụ tìm lại được số tài liệu mật Brian đã in ra và chôn giấu.

Hiện, Brian vẫn chấp hành án tại nhà tù liên bang quận Preston, bang West Virginia.

Quốc Đạt (Theo Wired, FBI) – Vnexpress

Rate this post

Pháp luật

Cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam: Tôi bị kết tội là hơi nặng

Đã đăng

 ngày

Bởi

Ông Mai Văn Tinh khai luôn làm việc vì lợi ích ngành thép nên kết tội ông trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên là “hơi nặng”.

Ngày thứ hai của phiên xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trả lời các cáo buộc của VKS về việc không chỉ đạo dừng, xem xét chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc khi phát hiện sai phạm, bị cáo Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), nói “không rõ vấn đề này” vì trước đó chỉ phụ trách mảng sản xuất kinh doanh.

Bị cáo Mai Văn Tinh. Ảnh: Phạm Dự
Bị cáo Mai Văn Tinh. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo khai, khi nhậm chức tháng 3/2007, dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên đang trong giai đoạn rất bế tắc. Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu hợp đồng trọn gói giá trị hơn 160 triệu USD, ký kết trực tiếp với công ty con của VNS, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Nhưng 11 tháng sau, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

Với cương vụ chủ tịch HĐQT của VNS, bị cáo khai mong muốn triển khai vì đó là dự án trọng điểm của nhà nước. “Chính Công ty Gang thép Thái Nguyên, trước đó cũng do phía Trung Quốc xây dựng và lắp đặt nên không ai có ý kiến gì việc dừng dự án cả, chỉ bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn”.

VKSND Tối cao cáo buộc, sau khi đàm phán, VNS và công ty con TISCO đã chấp nhận đề nghị của phía nhà thầu Trung Quốc, chủ động lựa chọn nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện hạng mục C, tức phần xây lắp dự án. Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) là nhà thầu phụ được lựa chọn nhưng sau đó không đủ năng lực đã trả lại các phần việc cho TISCO.

Trả lời về trách nhiệm khi lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực, ông Tinh khai “nghe theo giới thiệu” của cơ quan chủ quản của VNS là Bộ Công Thương. “Theo tôi khi đó VINAINCON là nhầu tốt nhất, hiệu quả nhất rồi. Hơn nữa, thẩm quyền chọn nhà thầu phụ không thuộc về chúng tôi mà của tổng thầu MCC”, bị cáo khai.

Nhận “có sai sót, làm việc chưa cặn kẽ sâu sát và quá tin tưởng anh em cấp dưới” nhưng ông Tinh khẳng định “chưa từng làm gì mà không được cấp trên cho phép” trong mọi quyết định tháo gỡ vướng mắc cho dự án này. “VKS quy kết tội cho tôi như vậy là hơi nặng”, ông nói.

Trong vụ án, ông Tinh bị cáo buộc là người chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm tội khi đã không chỉ đạo xem xét chấm dứt gói thầu với MCC; ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chi phí phần lắp đặt của dự án; chủ trương chấp nhận nhà thầu phụ VINAINCON không đủ năng lực; phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, dù biết rõ đây là hợp đồng trọn gói.

Các hành vi của ông Tinh dẫn đến việc TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư, không ràng buộc được các nhà thầu về tiến độ dự án. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện TISCO cho biết, hợp đồng với nhà thầu MCC vẫn chưa chấm dứt. Từ 29/3, TISCO đã tái đàm phán để MCC tiếp tục hoàn thiện dự án.

Cũng theo vị này, thiệt hại của TISCO trong vụ án lớn hơn nhiều con số cáo buộc 830 tỷ đồng. “Số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn, nghĩa là TISCO vẫn đang vay thông thường và phải trả lãi”.

Đại diện Bộ Công Thương cũng phủ nhận việc Bộ giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ cho dự án. Trong khi đó, ông Hoàng Chí Cường, cựu Tổng giám đốc VINAINCON, không có mặt theo triệu tập. Ông uỷ quyền cho một nữ nhân viên tới tòa song không được HĐXX chấp nhận.

HĐXX cũng triệu tập hai cựu thứ trưởng Bộ Xây dựng song đều vắng mặt.

Các đại diện VKSND Tối cao thực hiện hiện quyền công tố tại phiên toà. Ảnh: Phạm Dự
Các đại diện VKSND Tối cao thực hiện hiện quyền công tố tại phiên toà. Ảnh: Phạm Dự

Cáo trạng xác định, năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng. TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT của VNS.

Ngày 12/7/2007, Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng, ký một hợp đồng trọn gói, không thay đổi, có giá trị hơn 160 triệu USD với đơn vị trúng thầu,Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Sau 11 tháng khởi công, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

VKSND Tối cao cáo buộc, biết rõ việc MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, lãnh đạo TISCO vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, sai phạm của 19 bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng, dự án sau 14 năm vẫn chưa hoàn thành.

Thanh Lam – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Pháp luật

Hai đầu nậu xăng ở Sài Gòn và Long An bị bắt

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lê Hùng Phong và Đỗ Văn Ba bị Công an Đồng Nai bắt về hành vi Buôn lậu do liên quan đường dây làm 200 triệu lít xăng giả, ngày 29/3.

Hai người này điều hành Công ty TNHH thương mại Huỳnh Khang (TP HCM) và doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bình Long (tỉnh Long An).

Động thái này được Công an Đồng Nai đưa ra sau khi phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP HCM, Công an Long An bao vây 6 điểm kinh doanh xăng dầu, trụ sở làm việc của Phong và Ba hôm 28/3.

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn chứng từ và các chứng cứ liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP HCM chiều 28/3. Ảnh: Thái Hà
Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP HCM chiều 28/3. Ảnh: Thái Hà.

Chuyên án 920G được Công an Đồng Nai lập cuối năm 2020 từ những phản ánh xăng kém chất lượng từ người dân. Với sự hỗ trợ của Cục cảnh sát Hình sự, hơn 500 cán bộ chiến sĩ từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả tối 6/2.

Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng bị khám xét, hàng loạt người liên quan bị bắt.

Điều tra bước đầu xác định có hơn 200 triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường từ tháng 8/2020 đến ngày 6/2.

Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố 42 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.

Tang vật thu giữ gồm: 10 tàu thủy, sáu xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỷ đồng, cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Phước Tuấn – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Pháp luật

Luật sư đề nghị trả tự do cho bà Diệp Bạch Dương

Đã đăng

 ngày

Bởi

Bảo vệ bà Diệp Bạch Dương, luật sư cho rằng thân chủ không gian dối khi hoán đổi cũng như chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, đề nghị tòa trả tự do.

Ngày 22/3, là người đầu tiên trong 6 luật sư bảo vệ bà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, tức Diệp Bạch Dương, Giám đốc công ty cùng tên), ông Phan Trung Hoài cho rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao buộc tội bị cáo lừa đảo chiếm đoạt nhà đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ) là không có cơ sở.

Bà Diệp bị cho là dùng khu đất 57 Cao Thắng (đã thế chấp nhân hàng) để hoán đổi căn 185 Hai Bà Trưng, sau đó tiếp tục đem trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) vay 160 tỷ đồng. Việc này khiến Nhà nước mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.

Luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ bà Diệp, ngày 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ bà Diệp, ngày 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Đưa ra các căn cứ cho quan điểm của mình, luật sư Hoài nói, nhu cầu hoán đổi là có thật, đến từ hai phía, hai bên (bà Diệp và TP HCM) cùng có lợi. Từ quá trình hình thành chủ trương, triển khai thực hiện đến việc bàn giao tài sản đã kéo dài hơn 5 năm, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân – lãnh đạo cao nhất lúc đó.

Theo luật sư, bà Diệp không gian dối trong việc cung cấp bản chính giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà 57 Cao Thắng khi làm thủ tục hoán đổi trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Bởi hồ sơ vụ án thể hiện, công ty bà Diệp bị coi là thế chấp căn nhà “có đăng ký giao dịch đảm bảo với Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên – Môi trường” nên thông tin này là công khai, do cơ quan Nhà nước quản lý và nắm được. Như vậy, các cơ quan liên quan đến quá trình hoán đổi như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND TP HCM bắt buộc phải nắm rõ cơ sở dữ liệu về căn 57 Cao Thắng vì quản lý trực tiếp về đất đai và xây dựng, cả về pháp lý lẫn thực tế.

“Suốt quá trình thực hiện hoán đổi, trong các cuộc họp để thống nhất hoán đổi, Trung tâm Ca nhạc nhẹ và các ban ngành liên quan, lãnh đạo của UBND thành phố không ai hỏi bà Diệp về việc tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp hay chưa”, luật sư Hoài nói.

Ngoài ra, tại các cuộc họp do Sở Tài chính chủ trì, không có cơ quan chức năng nào thực hiện việc thẩm định tính pháp lý của tài sản mang ra hoán đổi; không có người nào yêu cầu bà Diệp xuất trình bản chính giấy tờ căn nhà, trong khi các thành viên đều được xem hồ sơ.

Trên thực tế, bà Diệp đã bàn giao nhà và cơ sở vật chất. Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã và đang sử dụng tài sản từ thời điểm bàn giao cho đến nay với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Việc bà Diệp không bàn giao bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng là vì “chưa có quyết định chính thức của UBND thành phố”, chưa tiến hành bàn giao về mặt pháp lý.

Đối với việc cáo trạng quy buộc bà Diệp đã chiếm đoạt nhà 185 Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỷ đồng (theo kết quả định giá năm 2010, lúc hoán đổi), luật sư cũng cho là không có căn cứ. Bởi giá trị tài sản này được hiểu là giá trị quyền sử dụng đất, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, đến nay Nhà nước chưa có thiệt hại gì khi công ty bà Diệp có quyền sử dụng tài sản này (đã cầm cho Ngân hàng Phương Nam – đã sáp nhập Sacombank). Nếu Nhà nước thấy giao đất cho bà Diệp là sai thì có quyền thu hồi, đồng thời trả lại các khoản tiền và tài sản đã nhận từ công ty bà Diệp.

Tại tòa, bà Diệp cũng đề nghị hủy bỏ việc hoán đổi, hai bên có trách nhiệm hoàn trả lại những gì đã nhận của nhau, trên cơ sở giải quyết các quan hệ dân sự liên quan các hợp đồng tín dụng đã ký với Agribank và Ngân hàng Phương Nam.

“HĐXX cần xem xét thận trọng, xác định sự thật khách quan, tuyên bố bà Dương Thị Bạch Diệp không phạm tội, trả tự do cho bà tại phiên tòa, khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định”, ông Hoài nêu quan điểm bảo vệ thân chủ.

Bà Diệp tự bào chữa, chiều 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Bà Diệp tự bào chữa, chiều 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Diệp phạm tội như cáo buộc và đề nghị mức án tù chung thân.

Liên quan đến vụ án, cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm bị đề nghị từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều nay, các luật sư của bà Diệp tiếp tục nêu quan điểm bào chữa.

Hải Duyên – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.