Kết nối với chúng tôi:

Đời sống

Những ngày đầu đại dịch ở Vũ Hán

Đã đăng

 ngày

 
Một sáng giữa tháng 12/2019, Lan- chủ quầy hải sản khô ở chợ Hoa Nam vẫn dọn hàng dù cảm thấy mình mẩy đau nhức và hơi sốt. “Chắc là cảm lạnh

Cảm lạnh vốn là căn bệnh quen thuộc của những người buôn bán ở chợ này trước khi Covid-19 xuất hiện. Cũng giống như hơn 1.000 chủ quầy hàng ở đây, Lan thường tới chợ vào khoảng 3 giờ sáng và phải ngâm tay trong nước lạnh khi rửa và chuẩn bị hàng.

Khu chợ rộng lớn với hơn 20 dãy hàng, kéo dài hai bên con đường lớn thuộc một khu dân cư sầm uất của quận Hán Khẩu. Những tảng thịt được treo trên móc hoặc trải ra thảm nhựa. Người bán hàng đi ủng. Cống thoát nước chạy dọc lề đường, cạnh các cửa hàng bán đủ mọi thứ từ gia cầm đến hải sản. Chợ đông nhưng sạch sẽ.

Hôm sau Lan quá mệt, phải nghỉ ở nhà. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh sụt tới 3 kg nên quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Từ bệnh viện đa khoa Vũ Hán, anh được chuyển đến một cơ sở chuyên các bệnh truyền nhiễm và phải nhập viện vào ngày 19/12. Khi đó, anh vẫn bình thản. “Tôi chỉ bị ốm một chút. Không có gì đáng sợ”, Lan nhớ lại.

Khi đó, Lan không hề biết rằng mình sẽ “đi vào lịch sử” khi trở thành một trong những người đầu tiên được xác nhận là đã mắc chủng virus mới rất dễ lây lan và sắp giết chết hơn 2.500 người ở Vũ Hán, nhiễm bệnh cho hơn 1,6 triệu người và giết chết hơn 95.000 người trên toàn cầu cho đến nay.

Tổ chức Y tế Thế giới mô tả Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

“Tôi nghĩ mình bị cảm. Tôi không hề biết”, Lan nói.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán hồi giữa tháng 2. Ảnh: Guardian.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán hồi giữa tháng 2. Ảnh: Guardian.

Đến cuối tháng 12, trước khi Lan hồi phục sau hơn 20 ngày nằm viện, đã có thông tin về một căn bệnh bí ẩn ở Vũ Hán. Cộng đồng mạng lưu truyền ảnh chụp màn hình một cuộc trò chuyện WeChat ngày 30/12, trong đó một bác sĩ tại bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán, Liu Wen, cảnh báo các đồng nghiệp về các ca bệnh lạ. “Hãy rửa tay! Đeo khẩu trang! Găng tay!”, bác sĩ này viết.

Cùng ngày hôm đó, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán tên là Lý Văn Lượng nói với nhóm bạn học cũ ở trường y trên WeChat rằng 7 người tại bệnh viện đã bị nhiễm một căn bệnh mà anh đoán có thể là SARS – dịch bệnh xảy ra năm 2002-2003.

Thông báo khẩn cấp từ Ủy ban y tế Vũ Hán về một loạt các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân cũng bị rò rỉ và đăng lên mạng vào ngày 30/12. Văn bản yêu cầu các bệnh viện tăng cường khả năng, các lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo không ai tiết lộ thông tin cho công chúng về căn bệnh bí ẩn này.

Dưới áp lực ngày càng tăng, ngày 31/12, Ủy ban buộc phải công bố thông tin: Các nhà nghiên cứu đang điều tra 27 ca viêm phổi do virus. Đây cũng là thông báo chính thức đầu tiên về Covid-19. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng không có bằng chứng rõ ràng về bệnh lây truyền từ người sang người và dịch có liên quan đến chợ hải sản.

Ngoài ra, Ủy ban đảm bảo với công chúng tất cả các bệnh nhân đã được cách ly và những người có liên hệ với họ đang được theo dõi sức khỏe. “Bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát được”, thông báo khẳng định.

Một ngày sau, chợ hải sản Hoa Nam bị đóng cửa và Công an Vũ Hán tuyên bố 8 người đã bị xử phạt vì tung tin thất thiệt, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng. Các nhà chức trách cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện sàng lọc trường hợp viêm phổi liên quan đến chợ Hoa Nam. Mãi đến ngày 20/1, những người bán hàng ở chợ mới được yêu cầu kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, phía bên kia sông Trường Giang, cách chợ khoảng 10 km, những người chưa bao giờ đến chợ Hoa Nam cũng bị bệnh. Vào tuần thứ hai của tháng 1, Coco Han, 22 tuổi, bị ho khan. Sau một tuần, ngày 20/1, cô tới một phòng khám địa phương và được chụp CT. Kết quả cho thấy phổi bị viêm. Một bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít đưa cô đến một bệnh viện khác để kiểm tra thêm.

Coco Han - người chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam cũng bị nhiễm nCoV. Ảnh: Guardian.
Coco Han – người chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam cũng bị nhiễm nCoV. Ảnh: Guardian.

Mẹ của Han cùng con gái vào một phòng chờ đông người, nơi những người khác bắt đầu hoảng loạn. Han đeo khẩu trang nhưng mẹ cô không đeo. Hôm đó, một phụ nữ trẻ đứng trước mặt họ mệt tới ngất đi.

“Tất cả chúng tôi đều biết chúng tôi có thể nhiễm virus. Mọi người đều sợ hãi. Tôi nghĩ các bác sĩ (lúc đó) biết bệnh có thể lây từ người sang người nếu không họ sẽ không ngồi cách xa chúng tôi và mở cửa sổ”, Han nói.

Han được thông báo có thể bị viêm phổi, nhưng không được xác nhận vì bệnh viện này không được phép làm vậy. Đây là vấn đề nhiều bệnh nhân đầu tiên gặp phải. Cô được bảo về nhà và tự cách ly nhưng các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cô và yêu cầu cô ba ngày đến khám lại một lần, chờ đợi xếp hàng với người khác.

Daron Hu, 35 tuổi, người chưa bao giờ đến chợ hải sản Hoa Nam, bắt đầu cảm thấy sốt và chóng mặt vào ngày 16/1. Anh nghĩ là do đã uống vài ly rượu tối hôm trước. Ba ngày sau chưa khỏe, nhưng anh vẫn bắt một chuyến tàu đến tỉnh Giang Tô để đi công tác. Anh trở về Vũ Hán rồi lại từ Vũ Hán về quê cách đó vài giờ đi xe.

Vào thời điểm Hu tới một bệnh viện ở quê, chính quyền Trung Quốc đã cử một nhóm các nhà nghiên cứu đến Vũ Hán. Zhong Nanshan, một chuyên gia hô hấp hàng đầu, từng nổi tiếng vì phản đối quan điểm của chính phủ với SARS, cho biết vào tối 20/1 rằng đã có ca lây truyền từ người sang người.

Hu lúc này đang rất mệt, bị tiêu chảy và khó thở, sốt và ho. Trong 24 ngày nằm viện, anh đã chứng kiến ít nhất ba bệnh nhân đã chết. Hu đã cân nhắc đến cả việc viết di chúc.

Vào thời điểm giới chức tiết lộ sự lây nhiễm của virus, các bệnh viện ở Vũ Hán đã tràn ngập bệnh nhân và con số tăng lên chóng mặt sau thông báo đó. Những đoạn video được quay ngày 22 và 23/1 cho thấy rất đông bệnh nhân tại bệnh viện số 6 ở Vũ Xương, một quận khác của Vũ Hán.

“Quá bận rộn. Chúng tôi không thể về nhà”, một y tá cho biết. Cô phải ngủ trong ký túc xá của bệnh viện và thay ca mỗi 4 giờ với một nhóm 6 người khác.

Một bác sĩ chỉ vào vỉa hè bên ngoài bệnh viện và tả lại: “Chỗ này từng chật cứng bệnh nhân. Ngày nào cũng có vài người chết”.

Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa. Các khu vực xung quanh cũng lần lượt áp dụng biện pháp này, đưa tổng cộng hơn 50 triệu người bị nhốt trong nhà.

Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về thiết bị y tế, nhân viên và giường bệnh, vài tuần sau đó Vũ Hán đã vô cùng tuyệt vọng. Các bệnh viện từ chối bệnh nhân, bảo họ về nhà và nhiều người trong số họ lây bệnh cho gia đình.

Nhiều đoạn video cho thấy nhân viên y tế khóc lóc và nhiều người ngã gục trên đường phố. Các thi thể bị bỏ lại trong bệnh viện bởi các nhân viên chưa có thời gian dọn dẹp. Các diễn đàn trên mạng ngập tràn những lời cầu xin cứu người thân yêu của họ đang bệnh. Đến ngày 19/2, số người chết vì nCoV đã vượt qua 2.000.

“Virus lây rất nhanh. Ngay từ đầu, mọi thứ đã bị mất kiểm soát. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nCoV tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, nói.

Ngày 28/3, các tuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán được khôi phục hoạt động sau 2 tháng phong tỏa. Ảnh: Guardian.
Ngày 28/3, các tuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán được khôi phục hoạt động sau 2 tháng phong tỏa. Ảnh: Guardian.

Giờ đây, giới chức Trung Quốc kỉ niệm việc dỡ bỏ phong tỏa kéo dài gần ba tháng ở Vũ Hán, một sự kiện được đánh dấu bằng các chương trình biểu diễn ánh sáng và biểu ngữ ca ngợi sự thành công của cuộc chiến tranh nhân dân.

Vũ Hán đang dần trở lại với cuộc sống bình thường. Các vùng lân cận dựng cờ và treo các biển hiệu tuyên bố đã không còn ca nhiễm nCoV. Xe cộ bắt đầu lấp đầy các đường phố khi mọi người trở lại làm việc. Tuy nhiên, dấu vết dịch bệnh vẫn còn. Hàng rào kim loại cao bao quanh chợ hải sản Hoa Nam vẫn ở đó. Lối vào trước đây vẫn được canh gác và xe cảnh sát vẫn tuần tra xung quanh.

Không phải ai cũng đã sẵn sàng quên dịch bệnh. Trên một bức tường gần nhà, Han vẽ các ký tự tiếng Trung có nghĩa là “Tôi không thể, tôi không hiểu”, gợi nhớ đến việc bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị xử phạt vì cảnh báo dịch bệnh.

Bên dưới dòng chữ, một số cư dân đốt tiền vàng mã, một cách để tưởng nhớ người đã khuất.

Ánh Dương (Theo Guardian) – Vnexpress

Rate this post

Cộng đồng

Vinschool – Báo Quảng Trị: Hỗ trợ các trường học và học sinh khó khăn

Đã đăng

 ngày

Bởi

Hôm nay 16/4/2021, Hệ thống giáo dục Vinschool và Báo Quảng Trị phối hợp tổ chức chương trình hỗ trợ vật phẩm cho các trường học và trao quà cho học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn tại TP. Đông Hà và các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông bị ảnh hưởng do lũ lụt năm 2020.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng tiếp nhận bảng tượng trưng hỗ trợ vật phẩm cho các trường học từ đại diện Hệ thống giáo dục Vinschool – Ảnh: M.Đ
Lãnh đạo Báo Quảng Trị và đại diện Hệ thống giáo dục Vinschool trao quà cho học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình – Ảnh: M.Đ
Đại diện Hệ thống giáo dục Vinschool trao quà cho học sinh trên địa bàn xã Cam Tuyền – Ảnh: MĐ
Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Nguyễn Tý trao quà cho học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn Trường TH&THCS Gio Mai – Ảnh: M.Đ
Lãnh đạo Báo Quảng Trị và đại diện Hệ thống giáo dục Vinschool trao quà cho học sinh Trường TH&THCS Gio Mai – Ảnh: MĐ

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool Times City Nguyễn Hồng Nhung cho biết, Vinschool là hệ thống giáo dục không lợi nhuận, liên cấp từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển. Vinschool hiện có 35 cơ sở uy tín trên toàn quốc tập trung tại TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng với hơn 30.000 học sinh. Vinschool đã khẳng định được vị thế tiên phong, dẫn đầu về đổi mới chương trình, triết lý giáo dục trong hệ thống các trường phổ thông tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Vinschool còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội đạt kết quả cao. Điển hình là tổ chức chương trình trao tặng quà cho các trường học và học sinh ở 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị bị ảnh hưởng do lũ lụt vào tháng 10/2020.

Tại Quảng Trị, ngày 16/4/2021, đại diện Hệ thống giáo dục Vinschool phối hợp với Báo Quảng Trị trao 228 suất tiền mặt, trị giá 500.000 đồng/1 suất cho các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do lũ lụt; trao 20 máy tính bàn, 12 quạt treo tường, 18 tivi, bàn ghế… cho Trường Tiểu học Hòa Bình (TP. Đông Hà), Trường TH&THCS Gio Quang, Trường TH&THCS Gio Mai (huyện Gio Linh), Trường TH&THCS Cam Tuyền, Trường Tiểu học Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao (huyện Đakrông), với tổng trị giá hơn 671 triệu đồng, do phụ huynh, học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên Hệ thống giáo dục Vinschool hỗ trợ.

Đây là những phần quà mà Hệ thống giáo dục Vinschool chia sẻ khó khăn với các trường và các học sinh bị thiệt hại do lũ lụt trong năm 2020; mong rằng những suất quà thiết thực, ý nghĩa này sẽ giúp cho các trường học và giáo viên, học sinh khắc phục khó khăn, có nhiều thuận lợi trong việc dạy và học được tốt hơn, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục của các trường học.

Cũng trong dịp này, đại diện cho ban phụ huynh, giáo viên và học sinh lớp 4 B1 Trường Tiểu học Vinshool The Harmony, chị Nguyễn Thị Hương Giang đã trao hỗ trợ 60 suất tiền mặt, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho 60 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn của Trường TH&THCS Cam Tuyền, Trường Tiểu học Cam Tuyền với tổng trị giá 30 triệu đồng do phụ huynh, giáo viên và học sinh lớp 4 B1 Trường Tiểu học Vinshool The Harmony hỗ trợ.

Những suất quà hỗ trợ cho các trường học và các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn của Hệ thống giáo dục Vinschool và Báo Quảng Trị đã tăng cường thêm nguồn lực cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng cho việc dạy và học cũng như giúp cho các em học sinh có điều kiện mua sắm áo quần, sách vở, dụng cụ học tập… để học tập tốt hơn.

Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cam Tuyền Trần Hữu Khương vui vẻ nói: “Tôi trân trọng cảm ơn Hệ thống giáo dục Vinschool và Báo Quảng Trị cùng các nhà hảo tâm về nghĩa cử cao đẹp này. Những nghĩa cử cao đẹp này sẽ tác động tích cực đến công tác giáo dục và đào tạo của nhà trường, đem đến niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho các em học sinh vượt khó vươn lên trong học tập, đạt kết quả cao. Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã vinh dự được nhận đúng với mục đích hỗ trợ, đạt hiệu quả cao và luôn động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện”.

Em Hoàng Nhật Tân, học sinh lớp 9 A, Trường TH&THCS Cam Tuyền xúc động cho biết: “Em cảm ơn các bác, các cô đã trao tặng cho em phần quà thiết thực và ý nghĩa này. Em sẽ sử dụng để mua áo quần, sách vở, dụng cụ học tập. Em hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt kết quả cao trong học tập”.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao việc làm thiết thực và ý nghĩa của Hệ thống giáo dục Vinschool và Báo Quảng Trị đối với các trường học và học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua đó, góp phần giúp cho các trường khắc phục khó khăn, tổ chức hoạt động dạy học đạt kết quả cao; kịp thời động viên, hỗ trợ cho học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn do lũ lụt có điều kiện thuận lợi, vươn lên trong cuộc sống và học tập tốt hơn. Mong rằng trong thời gian tới, Hệ thống giáo dục Vinschool tiếp tục phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả vì cộng đồng, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị, hướng tới các trường học và học sinh ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều cơ hội tốt hơn trong dạy và học.

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa đối với các trường học và học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do lũ lụt, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng trao tặng Bảng Ghi nhận Tấm lòng vàng cho Hệ thống giáo dục Vinschool.

Minh Đức-Báo Quảng Trị

Rate this post
Đọc tiếp

Đời sống

Phụ nữ ngày càng ít ‘chịu đựng hôn nhân’

Đã đăng

 ngày

Bởi

Chiều cuối năm, đến thăm con gái đang ở với nhà nội, mẹ chồng cũ của Ngọc nhìn cô, thở dài bảo: “Nếu ngày đó con kiên nhẫn, nghe lời mẹ thì…”.

Đây không phải là lần đầu Ngọc được nghe lời này từ mẹ, nhưng khi kết hôn lần thứ hai, cô mới thấu. “Tôi từng tự hào vì có mối tình đầu 9 năm đẹp đẽ và cưới. Giờ tôi biết những thứ đó không phải là bảo hiểm cho một cuộc hôn nhân lâu bền”, Bảo Ngọc, 33 tuổi, giáo viên cấp hai ở Lào Cai, chia sẻ.

Ngày đó những mâu thuẫn từ khác biệt trong sinh hoạt khiến cô và chồng cũ thường xuyên cãi vã. Đôi khi giận nhau vài ngày chỉ vì nấu ăn không vừa ý hay chồng thường xuyên xem phim muộn khiến vợ không ngủ được. “Xích mích diễn ra thường xuyên từ những thứ nhỏ li ti. Và cứ mỗi khi tôi muốn trò chuyện giải quyết thì bạn ấy hoặc từ chối, hoặc nghe cho có”, cô chia sẻ. Dần dần cô không muốn ngồi lại cùng nhau giải quyết nữa.

Mẹ chồng bắt hai con dọn về ở cùng. Bà suốt ngày bảo con dâu “chồng giận thì vợ bớt lời”, mặt khác khuyên nhủ con trai dành thời gian cho vợ. Đôi trẻ “hòa bình lập lại” được một thời gian, tới khi có con, những mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao. Cả Ngọc và chồng đều thích chăm con, nhưng cách chăm của hai người “như nước với lửa”. Cô đi làm sớm nên muốn dùng thêm sữa ngoài, chồng thì muốn con chỉ dùng sữa mẹ. Mỗi lúc con quấy khóc, cô kéo chồng cùng dỗ nhưng lại khiến cãi nhau to. Một lần tức quá Ngọc ôm con bỏ về nhà ngoại. Trong khi mâu thuẫn vợ chồng chưa được giải quyết thì Ngọc phát hiện chồng có tình yêu bên ngoài. Đây không phải là lần đầu như thế nên cô quyết định dừng lại.

Giờ nhìn lại cô thấy nguyên nhân khiến hôn nhân đầu tan vỡ là do “cái tôi” của cả hai quá lớn. Khi vấp phải những trục trặc thì thất vọng. “Thay vì tìm cách giải quyết thì tôi lại cư xử theo kiểu đòi hỏi: ‘Anh trả cho tôi cuộc sống mà tôi ao ước đi’. Tôi cũng chỉ toàn nhìn vào điểm xấu của chồng cũ, còn những điều bạn ấy làm được thì không bận tâm tới. Còn bạn ấy thay vì giải quyết để hai vợ chồng hiểu nhau, lại tìm đến sự sẻ chia từ bên ngoài”, cô giãi bày.

Mâu thuẫn lặt vặt bào mòn sự kiên nhẫn của mỗi người, phóng đại nỗi thất vọng đằng sau sự không hài lòng, và khiến cho hôn nhân dần trở nên không còn tốt đẹp. Ảnh: Focusonthefamily.
Mâu thuẫn vặt bào mòn sự kiên nhẫn của mỗi người, phóng đại nỗi thất vọng đằng sau sự không hài lòng về nhau và khiến cho hôn nhân dần trở nên không còn tốt đẹp. Ảnh minh họa: Focusonthefamily.

Khảo sát hộ gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn tăng từ 1,4% năm 2009 lên 2,1% năm 2019. Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% vụ do phụ nữ đệ đơn.

Luật sư Kim Tuyến, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết năm 2020 văn phòng của chị giải quyết vài trăm án ly hôn mà nguyên nhân nhiều nhất là do những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, kế đến là ngoại tình, bạo lực gia đình và các lý do về kinh tế…

Gần đây luật sư Tuyến giải quyết cho một đôi trẻ ở Hoài Đức (Hà Nội) mới cưới nhau một tháng người vợ đã đệ đơn, dù đang mang bầu. Họ ra tòa cũng chỉ vì những khác biệt: chồng quen ăn nước tương, trong khi vợ chỉ thích nước mắm cốt. Anh chồng ngày nào cũng đòi hỏi mâm cơm phải có thịt lợn, cơm cá là bỏ bữa không ăn. Người vợ cũng không quen được kiểu chồng chỉ hơi đau đầu mà cha mẹ đã quýnh lên, ông nấu nước xông, bà lo đánh cảm. Từ những bất đồng nhỏ này họ gây gổ nhau hàng ngày.

Theo nữ luật sư, xã hội càng phát triển, phụ nữ càng độc lập, tự tin, đồng nghĩa họ ít chịu đựng hơn xưa, là một nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn tăng. “Đôi khi mâu thuẫn từ những thứ rất nhỏ nhưng quyết tâm ly hôn lại rất cao”, luật sư Tuyến nói.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, tác giả của những cuốn sách về hôn nhân, có chung quan điểm này. Thời xưa, người phụ nữ trông cậy vào sự che chở từ cha mẹ, con và gia tộc, đặc biệt từ người chồng. Thời nay, phụ nữ hoàn toàn có thể sống độc lập, có công việc, vị thế và được pháp luật, xã hội bảo vệ. Nhiều người còn có thể tạo dựng kinh tế tốt hơn đàn ông nên có thể tự lo cho con cái khi ly hôn. Bên cạnh đó, họ có nhiều lực lượng xã hội hỗ trợ trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và cuộc sống hàng ngày.

“Phụ nữ ngày càng ít phụ thuộc vào hôn nhân. Đồng thời họ có nhiều yêu cầu cao hơn với người bạn đời”, nhà tâm lý nói. Đó không chỉ là người chồng cùng vợ lo kinh tế, san sẻ việc nhà, không có các thói hư tật xấu như bạo lực, lăng nhăng, rượu chè, cờ bạc, mà còn phải là một người chồng yêu thương và gắn kết tâm hồn với vợ.

Bà Thành nhớ mãi trường hợp từng tư vấn cho một cặp vợ chồng ở Hà Nội, người chồng kiếm tiền giỏi và không có thói xấu nhưng người vợ một mực muốn ly hôn. Nhiều người không hiểu chị và ngay chính chồng cũng không hiểu chị. Chị vốn xuất thân giàu có nên không cần tiền của chồng, thứ chị cần là người bạn đời năm xưa vui vẻ ăn bữa tối, hạnh phúc ngồi bên quán cà phê vỉa hè và chia sẻ những giá trị chung. Người chồng hiện tại thì lại xem thành công sự nghiệp mới xứng đáng với vợ. Dù sau cuộc tư vấn họ cho nhau cơ hội, cuối cùng người vợ vẫn rời khỏi cuộc hôn nhân.

Các giá trị nền tảng đạo đức gia đình bị giảm sút cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn tăng. Ý nghĩa gia đình gắn kết làm một, vợ chồng cùng nhau hy sinh “cái tôi” để hướng tới “cái chung” không còn được coi trọng với những người trẻ hiện đại. Không phủ nhận một nguyên nhân nữa là các cặp vợ chồng trẻ thiếu các kỹ năng cần thiết cho đời sống gia đình, ví như cách xử lý xung đột, cách điều hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Vì vậy, họ thường xuyên vấp phải xung đột và gây tổn thương cho nhau bằng những cách ứng xử không phù hợp.

Nguyễn Hoa, một kế toán ở Hà Nội là người chủ động bước chân ra khỏi hôn nhân nhưng giờ lại hối tiếc. Cô và chồng cũ yêu nhau 10 năm mới cưới, nhưng cưới nhau được một ngày đã to tiếng.

Trong bữa cơm sau ngày cưới mẹ chồng bảo: “Thằng Hòa (chồng Hoa) tính tình hiền lành, một mực đòi cưới con. Giờ con làm dâu nhà này rồi thì phải chăm lo cho gia đình, đừng có mải vui bạn vui bè như trước”. Hoa như “chết điếng” khi biết gia đình chồng từng phản đối mình. Tự ái dâng lên, cô bật lại thanh minh cho mình. “Điều khiến tôi không chấp nhận nổi là khi đó chồng đứng về phía bố mẹ. Anh bảo: ‘Em nghe thấy mẹ nói chưa'”, Hoa kể.

Mấy ngày liền đôi vợ chồng son “chiến tranh lạnh”. Khi mâu thuẫn này được giải quyết thì những mâu thuẫn sau lại xuất hiện. Lúc con được 2 tháng tuổi, Hoa phát hiện chồng có “em gái mưa”. Dù biết họ “chưa có gì”, cô quyết định rũ bỏ tất cả chỉ sau một năm kết hôn.

Giờ con Hoa đã 6 tuổi và không có một chút liên hệ nào với nhà nội. Cô trầm tính hơn và hiểu ngày đó mình còn quá trẻ để làm vợ, làm dâu. “Đổ vỡ là tại tôi ương thôi. Nếu ở hiện tại có lẽ kết cục đã không như vậy”, cô chia sẻ.

Sau 5 năm ly hôn, Ngọc đi bước nữa. Rút kinh nghiệm từ “tập một”, cô và chồng mới luôn giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa, tôn trọng nhau, đặt vào địa vị của người còn lại. “Tôi và chồng hiện tại lấy nhau hơn 2 năm, cũng có những lúc mâu thuẫn lớn hơn so với lần trước nhưng đều giải quyết ổn thỏa”, cô chia sẻ.

Phan Dương – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Đời sống

Vườn rau sân thượng nhiều loại ‘kỳ hoa dị thảo’

Đã đăng

 ngày

Bởi

Vườn rau của chị Tươi ở Tân Uyên là hệ thống 160 khay thông minh, hơn 50 chậu to, chậu nhỏ, giỏ treo… trồng các loại rau có hình dáng lạ, đẹp như những bông hoa.
Hơn một năm nay, gia đình chín người của chị Trần Thị Tươi không phải đi chợ mua rau, nhờ mảnh vườn tận dụng khoảng không ở tầng trệt và sân thượng tầng 2, tổng diện tích khoảng 100 m2.
Ngày Tết chị Tươi đem các chậu rau có màu sắc sặc sỡ và hình dáng như bông hoa trưng trước nhà, khiến khách đến chơi thích thú.
Điều đặc biệt, chị trồng những loại rau quả không chỉ ăn ngon, nhiều dinh dưỡng, còn bắt mắt. Đó là các giống mới như cải kale, bắp cải tím, cải hoa hồng và nhiều các loại xà lách…
Đây là loại xà lách romaine tím và bắp cải hoa hồng (còn gọi là bắp cải sa mạc). Loại xà lách tím này giòn, ngọt, ít hăng, là nguyên liệu cho đĩa salad mà chị Tươi rất thích.
Những cây cải hoa hồng xòe tán rộng đẹp mắt. Chỉ cần một đến hai cây là đủ một bữa ăn. Mỗi lúc lên vườn, mẹ và các cháu của chị Tươi cứ xuýt xoa “chậu rau này như suối hoa”.
Chị Tươi dành một phần diện tích để trồng các loại rau má, rau thơm. Xưa kia khi còn ở quê Nam Định, chị hay đi dọc các bờ ruộng hái rau má về ăn. Ngày đó ăn rau má chỉ vì đói nhưng tới khi theo gia đình vào Nam, rau này lại trở thành món ưa thích của cả nhà. “Vườn của tôi có ba loại rau má xen lẫn nhiều loại rau thơm khác. Nhờ có đĩa rau sống trong bữa ăn hàng ngày mà nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương”, chị chia sẻ.

Trong hình là rau má thạch bích và bạc hà rủ.
Mỗi ngày chị dành 3-4 tiếng làm vườn… Khâu làm đất trước khi gieo trồng quyết định độ thành công. Chị dùng đất thịt kết hợp với tro trấu, xơ dừa, phân gà và phân bò ủ hoai mục sau đó rắc trichoderma để phòng trừ các loại nấm và rệp. Ngoài ra chị cũng bón thêm vỏ mè (vừng), đậu phộng, đậu nành.

“Trước đây chưa làm vườn, thời gian rảnh của tôi đều dành để xem phim, lướt mạng. Từ lúc trồng rau thấy vui vẻ, lành mạnh hơn hẳn”, chị Tươi, làm nghề kế toán, chia sẻ.
Thích trồng trọt nhưng chị Tươi vô cùng sợ sâu. Nhiều lần đang làm vườn đụng phải sâu róm, chị “ba chân bốn cẳng” bỏ chạy. Mẹ và chị gái phải lên dọn hộ. Vì sợ sâu róm mà chị đã không dám trồng lạc tiên và rau lang trong vườn nữa.
Sống quây quần bên cạnh bố mẹ, gia đình chị gái và em trai nhưng người phụ nữ này vẫn trồng rau đủ cho cả nhà 9 người ăn. Hơn một năm qua, đại gia đình chủ động hoàn toàn được rau xanh, mùa nào rau ấy.
Đợt Tết vừa qua, bác của chị Tươi tới thăm nhà và được tặng mấy chậu cải kale. Đến lúc về bác chị nhắn: “Rau đẹp quá không dám ăn. Bác để trưng trước nhà”.

Từ câu nói của bác, chị Tươi bỗng nhận thấy vườn rau của mình như những bông hoa đang độ rực rỡ nhất. Chị đem một số chậu bày trước nhà. “Không ngờ được là khách đến chơi ai cũng bảo ‘trồng rau hay trồng kiểng (cảnh) mà đẹp vậy”, chị Tươi kể.
Từ khi trồng rau chị Tươi tham gia vào nhóm trồng rau sạch trên mạng. Mọi người hay giao lưu, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, hạt giống, thậm chí “đua nhau” trồng vườn rau thích mắt. Trước khi có Covid-19, nhóm hay tổ chức những buổi offline định kỳ.

Mỗi lúc vậy chị Tươi háo hức tham gia. Từ trước nửa tháng, chị ươm cả trăm chậu cây con mang đến buổi gặp mặt tặng. “Ai tham gia buổi gặp mặt trở về cũng vui vẻ và tay xách nách mang”, chị chia sẻ thêm.

Phan Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.