Kết nối với chúng tôi:

Giáo dục

10 điều du học sinh Mỹ bậc đại học cần biết

Đã đăng

 ngày

 
Làm việc ở cả đại học công và tư ở Mỹ, giáo sư bậc 1 Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ 10 điều quan trọng góp phần vào sự thành công của du học sinh.

Giáo sư bậc 1 Ellie Phương D. Nguyễn từng làm việc tại Denison University, thuộc hệ thống trường đại học khai phóng (Liberal Arts College), hiện giảng dạy ở Oklahoma State University (OSU) thuộc hệ thống trường công nhấn mạnh nghiên cứu (Research University). Ở các trường khác có thể khác biệt vì hệ thống đại học Mỹ rất đa dạng, nhưng đều cần một số tiêu chí chung để sinh viên có thể đạt được kết quả học tập tốt, phát huy tối đa năng lực.

1. Sự linh hoạt và tự do trong lựa chọn chuyên ngành

Mỗi trường đại học Mỹ, cả công lẫn tư, thường có vài trăm chuyên ngành chính (Majors) và chuyên ngành phụ không bắt buộc (Minors) cho sinh viên tự do lựa chọn theo sở thích. Các khoa trong trường cũng phân ra nhiều lựa chọn tùy theo định hướng nghề nghiệp mà sinh viên nhắm đến sau khi ra trường.

Như khoa Sinh hóa & Sinh học Phân tử ở OSU, khi mới vào nếu sinh viên định hướng sau này tốt nghiệp sẽ thi vào trường Y/Dược/Nha/Thú y (các bằng tương đương trình độ thạc sĩ ở Mỹ, nhất là trường lớn muốn nộp vào các ngành này thường yêu cầu phải có bằng cử nhân trước) thì sẽ chọn hướng gọi là “PreVet/PreMed Option” và sẽ chọn học các môn liên quan nhiều đến người và động vật, thay vì thực vật và môi trường.

Việc sinh viên thường xuyên thay đổi chuyên ngành chính và phụ là bình thường ở Mỹ, có thể diễn ra một hoặc nhiều lần, từ năm nhất đến tận năm cuối. Thủ tục để thay đổi chuyên ngành khá đơn giản và nhẹ nhàng thông qua người phụ trách học thuật (Academic Advisor) của sinh viên.

Vì vậy các bạn hãy tìm hiểu sớm và đừng ngại khám phá các môn khác nhau ở những học kỳ đầu. Nếu cần bạn có thể mạnh dạn đổi sang chuyên ngành khác phù hợp với mình hơn, nhưng cũng đừng chuyển nhiều quá sẽ kéo dài thời gian tốt nghiệp và tăng chi phí học. Các bạn hãy nhớ phương châm ở Mỹ là không bao giờ quá muộn để theo đuổi công việc mình thực sự yêu thích.

2. Lựa chọn môn học linh hoạt theo cấp độ từ thấp đến cao

Các môn học trong từng chuyên ngành thường được trường thiết kế theo nhiều mục để thỏa mãn yêu cầu ở ba cấp độ. Một là yêu cầu chung của bang dành cho tất cả sinh viên bậc đại học, bất kể chuyên ngành, bao gồm phải học các môn về toán, lịch sử, tiếng Anh, khoa học tự nhiên và xã hội. Hai là yêu cầu của trường đại học. Ba là yêu cầu của khoa dành cho từng chuyên ngành.

Các môn học chính cũng có nhiều giáo viên dạy vào các giờ khác nhau cùng một học kỳ để sinh viên có thể tự do lựa chọn giờ phù hợp. Sinh viên thường đến gặp Academic Advisor của mình để được tư vấn chọn môn học cho học kỳ sau và biết ngày có thể đăng ký lớp của học kỳ tiếp.

Bạn nên đăng ký sớm ngay giờ đầu tiên có thể truy nhập các lớp để có nhiều lựa chọn cho lớp học và giờ học tối ưu với thời gian biểu của mình, và chọn được lớp mà giáo sư dạy có nhiều phản hồi tốt từ sinh viên. Đăng ký càng muộn thì càng ít lựa chọn vì mỗi lớp đều có giới hạn sĩ số, cần liên lạc với giáo viên để xin vào danh sách chờ (waiting list) nếu lớp cần lấy đã hết chỗ.

Thời gian tốt nghiệp dài hay ngắn là tùy thuộc vào tốc độ hoàn thành số tín chỉ yêu cầu của các chuyên ngành chính và phụ mà sinh viên lựa chọn. Như ở OSU yêu cầu hoàn thành 120 tín chỉ (credits) cho một chuyên ngành chính trước khi tốt nghiệp, trung bình mất 4 năm hay 8 học kỳ chính, mỗi năm lấy khoảng 30 tín chỉ cho hai học kỳ.

Nhưng khi mới vào học kỳ đầu bạn không nên đăng ký quá 15 tín chỉ để không bị choáng ngợp và có thời gian thích nghi tốt hơn với áp lực học tập ở môi trường mới. Tốt nghiệp sớm mà điểm thấp thì không bằng tốt nghiệp đúng tiến độ hoặc chậm hơn chút với điểm số cao. Vì hồ sơ xin việc và nhất là nếu nộp lên cao học của bạn cũng cạnh tranh hơn nhiều, kiểu chậm mà chắc, còn đã nhanh thì phải xuất sắc.

3. Hệ thống tín chỉ và chuyển đổi giữa các trường đại học

Sinh viên có thể dễ dàng chuyển đổi tín chỉ (transfer credits) từ trường này sang trường khác ở Mỹ để tiết kiệm thời gian không phải học lại, thậm chí là tiết kiệm rất nhiều học phí. Ví dụ bạn có thể chuyển từ trường có học phí thấp như Đại học Cộng đồng (Community College), nơi chỉ chuyên dạy hệ hai năm đầu đại học (lower division) sang một trường đại học lớn chuyên đào tạo hệ bốn năm (Freshmen, Sophomore, Junior & Senior) để học nốt các môn cấp cao ở hai năm cuối (upper division) và tốt nghiệp với tấm bằng của trường đại học lớn.

Một lưu ý là nếu được nhận học bổng thì thường có điều kiện sinh viên phải lấy ít nhất 12 tín chỉ một học kỳ và cần duy trì điểm học (GPA, điểm cao nhất là 4.0) ở mức nhất định tùy loại học bổng. Nếu giữa kỳ muốn bỏ bớt môn nào vì thấy khả năng bị điểm thấp (để dành sang kỳ sau sẽ học lại sau) thì bạn phải nhanh chóng liên hệ người phụ trách của mình giúp tìm môn khác phù hợp thay vào cho đủ số tín chỉ yêu cầu để không bị mất học bổng sau kỳ đó.

Ở OSU và một số trường khác, sinh viên giỏi có thể đăng ký thêm tín chỉ danh dự (Honor Credits & Honor Contract) ở một số môn để tăng tính cạnh tranh trên bảng điểm và có thể tốt nghiệp bằng danh dự. Điều này đòi hỏi sinh viên làm việc trực tiếp với giáo sư của môn học đó để nhận thêm bài tập riêng hoặc công việc nghiên cứu khác ngoài các bài tập được giao chung trên lớp, và cần hoàn thành với điểm số cuối cùng là A hoặc B (nếu bị điểm C hoặc D thì sẽ mất luôn honor credits).

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

4. Liên hệ người phụ trách tư vấn học thuật (Academic Advisor)

Ở cả trường tư Denison University và trường công OSU tôi đã và đang dạy thì mỗi sinh viên từ khi mới nhập học sẽ được phân cho một giáo viên hoặc nhân viên phụ trách học thuật, gọi là Academic Advisor để theo sát và giúp đỡ sinh viên từ lúc mới vào cho đến khi tốt nghiệp. Do vậy bạn nên liên lạc ngay với Academic Advisor khi gặp khó khăn hay có việc gì đột xuất xảy ra có thể làm ảnh hưởng đến việc học, để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Academic Advisor có thể truy cập vào bảng điểm và thông tin về các môn học của sinh viên bất cứ lúc nào, nhưng hoàn toàn giữ bí mật không tiết lộ ngay cả khi phụ huynh yêu cầu nếu không được sự đồng ý của sinh viên. Chỉ trừ khi sinh viên ký vào hồ sơ nộp cho trường cho phép phụ huynh hỏi điểm thì lúc đó nhà trường mới được phép cung cấp.

5. Xây dựng hình ảnh tốt với các giáo sư

Giáo sư ở Mỹ đánh giá cao sinh viên hay phát biểu và đóng góp tích cực vào câu hỏi thảo luận trên lớp, hay xung phong lên bảng giải bài, và hay đến văn phòng để trao đổi thắc mắc về bài giảng, nhất là trước mỗi lần thi. Khi giáo sư có ấn tượng tốt về bạn và nhớ tên bạn trong số vài chục thậm chí vài trăm sinh viên trong lớp thì rất có lợi thế.

Nếu cuối kỳ chỉ thiếu ít điểm là có thể chuyển từ B lên A, hoặc C lên B, giáo sư có thể giao thêm bài tập giúp bạn cải thiện điểm nếu bạn yêu cầu (không có chuyện xin điểm). Sau này khi bạn cần thư giới thiệu (Recommendation Letters), giáo sư có ấn tượng tốt về bạn sẽ sẵn sàng viết thư với nội dung tích cực để hỗ trợ cho bạn nộp lên cao học hoặc xin việc làm.

Tính trung thực được đánh giá rất cao và là tố chất quan trọng ở Mỹ nên khi thi nếu bạn bị phát hiện gian lận thì sẽ bị đình chỉ thi hoặc zero điểm và báo lại cho Academic Advisor. Khi làm bài luận (writing essay), bạn tuyệt đối không sao chép lẫn nhau hoặc copy phần lớn nội dung từ Internet mà không biên tập lại. Vì các giáo sư sẽ dùng phần mềm của trường dễ dàng phát hiện bài viết của bạn giống bao nhiêu phần trăm nội dung nào đó trên mạng từ bất kỳ nguồn nào. Nếu giống trên 20%, bạn sẽ bị đặt vấn đề và trừ điểm do lỗi sao chép (plagiarism).

Điểm lưu ý nữa là khi email trao đổi với giáo sư, bạn nên bắt đầu bằng “Dear Professor X/ Dr. X” để thể hiện sự tôn trọng đúng mực, chứ không nên dùng “Hi/Hello/Hey” như thông thường, rất dễ gây phản cảm từ câu đầu tiên. Khi kết thúc thư, bạn nên để “Sincerely/Yours respectfully”.

Sinh viên cần hiểu hệ thống hàn lâm ở các trường đại học Mỹ chia làm ba cấp bậc giáo sư theo thâm niên công tác, nhưng phần lớn đều làm công tác nghiên cứu và giảng dạy:

Giáo sư bậc 1: Assistant Professor là người vào vị trí giáo sư của trường đại học tại Mỹ trong 5 đến 7 năm đầu tiên, thuộc diện ứng cử vào biên chế hay còn gọi là “tenured-track”. Nếu dịch là “trợ lý giáo sư” là sai với nghĩa thực tế rất xa vì họ không làm trợ lý cho giáo sư nào mà đã là một giáo sư độc lập.

Giáo sư bậc 2: Associate Professor sau khi đã qua xét duyệt của hội đồng khoa học từ cấp trường lên cấp bang, và được vào biên chế chính thức hay còn gọi là “tenured” trong 5-7 năm tiếp theo.

Giáo sư bậc 3: Full Professor hoặc để ngắn gọn là Professor sau khi đã qua đợt xét duyệt cuối cùng của hội đồng, và giữ nguyên chức danh Professor cho đến khi về hưu, có thể xin lên tiếp Emeritus Professor dạng giáo sư danh dự sau khi đã qua tuổi nghỉ hưu.

6. Chủ động tìm cơ hội nghiên cứu và thực tập

Sau khi đã quen với môi trường học thì từ năm thứ hai bạn có thể bắt đầu chủ động tìm kiếm cơ hội để xin vào các lab nghiên cứu nếu học về khoa học tự nhiên, hoặc tìm cơ hội thực tập (internship) ở các công ty vào mùa hè cho tất cả chuyên ngành. Khi bạn tạo ấn tượng tốt với giáo sư như đã nói ở mục 5 thì sẽ có nhiều cơ hội được nhận vào lab để học làm nghiên cứu hoặc giới thiệu bạn đi thực tập ở nơi khác.

Ngoài việc thường xuyên xem trên website tuyển dụng và cơ hội nghề nghiệp của trường dành cho sinh viên, bạn có thể đến tham dự các seminar về khoa học thường kỳ của khoa, hoặc tự tìm hiểu trên website của các khoa xem giáo sư nào đang làm đề tài mình yêu thích và chủ động liên lạc để xin vào lab họ thực tập tình nguyện mỗi tuần vài tiếng. Tôi từng nhận nhiều sinh viên dạng này, sau khi thực tập 1, 2 học kỳ ở lab và học hết kỹ năng sinh học phân tử cần thiết, tôi sẽ bắt đầu trả lương cho các bạn ấy theo giờ làm việc.

Khi sinh viên tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu và thực tập để liệt kê trong hồ sơ xin việc thì đó là một điểm rất sáng bên cạnh điểm học tốt, khi tốt nghiệp sẽ dễ dàng xin việc hoặc xin học bổng cao học ở các trường tốt.

7. Chọn lọc các hoạt động ngoại khóa

Đa số đại học ở Mỹ có rất nhiều câu lạc bộ ngoại khóa cho sinh viên gia nhập tùy theo sở thích, định hướng nghề nghiệp, hoặc đơn giản dựa trên màu da, sắc tộc. Do vậy khi mới vào năm đầu bạn sẽ dễ bị choáng ngợp bởi hàng loạt hoạt động ngoại khóa được giới thiệu, nhưng hãy tỉnh táo lựa chọn 1-2 nhóm để tham gia thôi. Vì càng tham gia nhiều câu lạc bộ càng phải đi sinh hoạt nhiều và không còn thời gian tập trung học, dẫn đến điểm số thấp.

Nhưng bạn cũng không nên chỉ biết học thôi mà không tham gia các hoạt động ngoại khóa hay thể thao giúp thư giãn sau giờ học và giao lưu hợp tác với bạn bè quốc tế, hay tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Điều này cũng giúp giảm stress rất tốt nếu không tham gia thái quá, và cũng được đánh giá tốt khi đưa vào CV cho thấy kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và kinh nghiệm hoạt động tập thể của sinh viên.

Trước khi sang Mỹ học bạn có thể dễ dàng liên lạc làm quen với nhóm sinh viên Việt Nam của trường qua Fanpace hoặc email để hỏi thêm thông tin về chỗ ở, đưa đón ở sân bay. Có hai nhóm, sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học thường thuộc nhóm VSA (Vietnam Student Association), và sinh viên người Mỹ gốc Việt thuộc nhóm VASA (Vietnam American Student Association) gồm các bạn trẻ sinh ra hoặc lớn lên từ bé ở Mỹ nên có thể có một số khác biệt văn hóa.

8. Cơ hội học bổng và giải thưởng cho sinh viên

Các trường đại học lớn thường có quỹ học bổng khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, như ở OSU sinh viên từ năm nhất đến năm cuối có thể tìm giáo sư hướng dẫn để tham gia một đề tài nghiên cứu nhỏ và dùng đề tài này để xin học bổng 4.500 đôla một năm chi trả cho sinh hoạt phí và một phần hóa chất, dụng cụ thí nghiệm cho đề tài. Vì vậy sinh viên nào yêu thích làm khoa học hãy mạnh dạn tìm thầy và nộp hồ sơ xin học bổng từ những năm đầu.

Vào cuối năm học, trường và khoa thường có các giải thưởng lớn, nhỏ và học bổng cho sinh viên từ năm nhất đến năm cuối có điểm học tốt, đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu hay hoạt động cộng đồng. Giải thưởng có thể từ vài trăm đến vài nghìn đôla tùy nơi và giấy chứng nhận (Certificate) như một thành tích học tập để đưa vào CV. Như ở khoa tôi các giáo sư (đồng thời cũng kiêm nhiệm Academic Advisor) sẽ ngồi họp với nhau một buổi đề cử sinh viên cho từng hạng mục giải thưởng. Vì vậy sinh viên càng tạo nhiều ấn tượng tốt với giáo sư như đã đề cập ở mục 5 thì càng dễ được đề cử.

9. Tận dụng hỗ trợ của nhà trường

Các trường đại học Mỹ đều có rất nhiều dịch vụ và trung tâm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đời sống của sinh viên trong trường. Tiền học phí của sinh viên không những dùng để trả cho tín chỉ đăng ký học mà một phần còn trả cho hoạt động của các trung tâm hỗ trợ sinh viên, dù cho bạn có sử dụng hay không. Vì thế sinh viên nên tận dụng tốt nhất dịch vụ hỗ trợ “miễn phí” này khi cần, vì chỉ cần thẻ sinh viên là được vào và thường không phải đóng thêm phí.

Như trung tâm thể thao (Recreational center) là nơi bạn nên đến đều đặn mỗi tuần để rèn luyện sức khỏe. Ở đây có trang bị đầy đủ máy tập thể thao, bể bơi chuyên nghiệp, phòng xông hơi, sân bóng rổ, bóng chuyền, tennis, các chương trình dạy yoga, karate, dance… Ngoài ra, còn có trung tâm tư vấn và giải tỏa tâm lý (Counceling Center) để gặp và nói chuyện với các chuyên gia tâm lý bất cứ khi nào sinh viên gặp vấn đề căng thẳng về tinh thần cần tư vấn.

Bên cạnh đó là trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế (International Center) giúp giải quyết các vấn đề visa, thủ tục nhập học, gửi thư mời bố mẹ sang thăm con hoặc dự lễ tốt nghiệp. Trung tâm y tế (Health center) trong khuôn viên trường sinh viên có thể đặt lịch hẹn đến khám. Trung tâm giới thiệu (Career Center) giúp sinh viên tìm việc làm trong và ngoài trường. Trung tâm hỗ trợ kỹ năng toán và viết (Math & Writing Centers) khi bạn viết luận và cần người Mỹ bản xứ đọc sửa dùm. Các chương trình dạng một kèm một cho các môn toán, lý, hóa, sinh (free tutors) sinh viên có thể đăng ký theo giờ hoặc từ đầu năm học.

Ngoài ra, sinh viên có thể đăng ký phòng miễn phí trong thư viện để học nhóm hoặc phòng quay phim để làm đề tài media, hoặc mượn máy quay, laptop, iPad từ một đến vài ngày.

10. Chuẩn bị tốt nghiệp

Khi đến năm cuối và nhất là trước học kỳ cuối, sinh viên cần nhắc người phụ trách học thuật (Academic Advisor) kiểm tra lại xem mình đã đáp ứng đầy đủ tín chỉ cho chuyên ngành chính/phụ và yêu cầu điểm tối thiểu để tốt nghiệp chưa. Sau đó vào đầu học kỳ cuối bạn sẽ phải đăng ký sớm đúng thời hạn để có tên trong lễ tốt nghiệp cuối học kỳ.

Nếu muốn mời cha mẹ, anh chị em sang dự lễ tốt nghiệp, một lý do rất dễ xin visa đi du lịch Mỹ, bạn cần đến trung tâm hỗ trợ quốc tế (International Center) để xin thư mời của trường gửi về cho gia đình cầm đi phỏng vấn.

Nếu bạn có ý định xin thư giới thiệu của giáo sư nào thì hãy xin cuộc hẹn đến văn phòng của họ để nói chuyện, xin phép được để tên và địa chỉ liên lạc của giáo sư vào hồ sơ xin việc của bạn, chứ không nên chỉ hỏi qua email vì họ có thể không nhớ mặt bạn nếu đã học nhiều học kỳ trước. Công ty tuyển dụng sẽ gọi điện cho giáo sư đó để hỏi thông tin chi tiết về bạn.

Mỗi học kỳ các trường thường tổ chức ngày hội việc làm (Career Fair) và mời vài chục đến vài trăm công ty lớn nhỏ đến để tuyển sinh viên sắp tốt nghiệp vào các vị trí đang trống, hoặc giới thiệu cơ hội thực tập (internship) cho sinh viên năm hai, năm ba.

Trước khi tham dự Career Fair, sinh viên cần chuẩn bị vài thứ quan trọng: In sẵn nhiều bản lý lịch CV trong đó liệt kê ngắn gọn các kỹ năng, thế mạnh và kinh nghiệm nổi bật của mình trong một trang A4; Xem trước danh sách công ty tham gia để chọn ra công ty mình muốn ứng tuyển và ưu tiên đến nói chuyện; Ăn mặc trang trọng và phong cách chuyên nghiệp khi đến tự giới thiệu với doanh nghiệp và để lại bản copy CV của mình cho họ liên lạc lại khi cần.

Chúc các bạn sinh viên du học thành công, tận dụng tốt nhất môi trường đại học hiện đại của Mỹ để phát huy tốt đa nội lực và đam mê của mình. Hãy nhớ rằng môi trường học tập và làm việc ở Mỹ rất trọng dụng nhân tài và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho bạn làm việc, cống hiến tài năng, chỉ cần bạn phấn đấu hết mình và không ngừng nỗ lực học hỏi.

Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn
Giáo sư bậc 1 Khoa Sinh hóa & Sinh học Phân tử
Đại học bang Oklahoma tại Stillwater
– Vnexpress

Bài cùng tác giả: 10 khác biệt của giáo dục tiểu học Mỹ

Rate this post

Giáo dục

Chàng trai giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học số 1 thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Là thủ khoa lớp chuyên Toán và Hóa, Minh Quân lại theo đuổi Vật lý, giành học bổng Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhờ thành tích môn này.

Sau khi hoàn thành bài tập Vật lý, Nguyễn Mạnh Quân, 18 tuổi, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chưa đi ngủ ngay. Em mở laptop, tranh thủ vào website của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đọc thêm về các khóa học, câu lạc bộ. Quân muốn hiểu rõ về ngôi trường mình sẽ học vào tháng 9 năm nay.

Trong đợt tuyển sinh của đại học Mỹ vào tháng 3, Quân được MIT trao học bổng trị giá gần 260.000 USD trong bốn năm, tương đương 6 tỷ đồng. Hiện, MIT là đại học số 1 thế giới (theo QS) và đứng thứ 4 tại Mỹ (theo US News and World report). Nhắc đến kết quả này, chàng trai dáng mảnh khảnh chỉ nói: “Em đã thực hiện được giấc mơ trong nhiều năm”.

Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng
Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng

Là con thứ trong gia đình trí thức tại Hà Nội, Quân thể hiện thiên hướng học tự nhiên ngay từ nhỏ. Em tò mò về nhiều hiện tượng tự nhiên, đặc biệt hứng thú với vũ trụ. Lên THCS, Quân đọc thêm tài liệu về khoa học, vũ trụ, các thuyết vật lý để tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc.

Đến cuối năm lớp 9, nam sinh bắt đầu định hướng du học vì muốn nghiên cứu chuyên sâu về vật lý tại các quốc gia phát triển. Dù là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán của chuyên Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa chuyên Hóa chuyên Khoa học Tự nhiên, Quân vẫn lựa chọn lớp chuyên Vật lý của Amsterdam.

Năm 2019, Quân tham gia kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn, giành huy chương vàng và là thí sinh cao điểm nhất. Sau đó, em giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý quốc gia khi mới học lớp 11, lặp lại kết quả này khi lên lớp 12.

Quân khao khát được học Vật lý ở những ngôi trường hàng đầu, một trong số đó là MIT. Em đăng ký học hai khóa ôn luyện SAT, lần đầu tiên thi đạt 1510/1600 điểm. Dù thành tích khá tốt, Quân chưa hài lòng, quyết định tự học thêm vài tháng để cải thiện kết quả. Nam sinh luyện đề để quen với cấu trúc và phân bổ thời gian làm bài hợp lý hơn. Nửa năm sau, Quân giành điểm tuyệt đối 1600 SAT.

Tuy nhiên, Quân cho rằng để giành bổng từ MIT, hồ sơ còn thiếu rất nhiều thứ. Học sinh Việt Nam đỗ MIT những năm gần đây đều có giải quốc tế, vì thế Quân quyết tâm bổ sung thành tích cho hồ sơ của mình. Không may mắn cho em vì Covid-19, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2020 bị hủy.

Trong một năm chờ đợi, Quân dành thời gian nâng cao khả năng thực hành vật lý, tìm kiếm cơ hội nghiên cứu và gặt hái thêm thành tích tại những sân chơi khác. Năm 2020, Quân dự thi Olympic Vật lý châu Âu, giành huy chương vàng.

Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục thời đại
Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục Thời đại.

Yêu thích Vật lý thiên văn, Quân cùng bạn bè trong trường thành lập Câu lạc bộ Thiên văn để lan tỏa, chia sẻ kiến thức cho người trẻ. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, Quân tổ chức cuộc thi viết luận trực tuyến về khoa học giả tưởng. “Em muốn giúp mọi người có một góc nhìn khác về khoa học, thấy rằng lĩnh vực này cũng thú vị chứ không phải lúc nào cũng khô khan”, Quân nói.

Làm nhiều việc một lúc và đều muốn duy trì kết quả tốt, nam sinh thừa nhận từng gặp khó khăn trong việc cân bằng, giữ cho bản thân trong trạng thái tinh thần tốt. Chính điều này đã khiến Quân nảy ra đề tài cho bài luận chính. “Em đã viết về quá trình tìm hiểu về bản thân, làm sao để làm những điều mình muốn và giữ cân bằng cuộc sống”, Quân chia sẻ.

Trong bài luận, Quân kể về những hoạt động thường ngày như đạp xe, học Muay Thái và thể hiện những khía cạnh khác của bản thân để hội đồng tuyển sinh thấy em không chỉ biết học. Đề tài nghe có vẻ đơn giản, gần gũi, nhưng nam sinh đã mất gần nửa năm để hoàn thành bài luận.

Sau khi nộp hồ sơ vào tháng 11/2020, Quân bắt đầu luyện tập phỏng vấn. MIT và nhiều đại học top đầu của Mỹ thường tổ chức một buổi phỏng vấn online giữa giảng viên hoặc cựu sinh viên với ứng viên xin học bổng. Nội dung phỏng vấn xoay quanh hiểu biết của ứng viên về ngành dự định theo học, lý do chọn trường.

Quân khá bất an. Những lần đầu khi luyện tập với cố vấn, em ấp úng và không thể kéo dài buổi hội thoại. Vì kiệm lời, em không có thói quen lấy ví dụ để minh họa cho những luận điểm mình nói, diễn đạt cũng không trôi chảy. Quân hiểu rằng để đặt chân đến ngôi trường hàng đầu thế giới, em cần vượt qua những ám ảnh tâm lý và khắc phục hạn chế này.

Thời điểm chờ phỏng vấn, Quân đang ôn luyện để thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài giờ học trên lớp, em tự luyện tập phỏng vấn ở nhà hoặc tranh thủ nhờ cố vấn đóng vai giám khảo. Thời gian của những buổi tập từng bước được kéo dài nhờ phản xạ nhanh nhạy và những câu chuyện mà Quân kể. Em đăng ký dự thi IELTS và nhận kết quả 8.0.

Đến khi phỏng vấn chính thức, Quân có thể trò chuyện với giám khảo hơn một tiếng. “Lúc đó, dù chưa biết kết quả, em khá vui mừng vì những gì đã cải thiện được”, Quân nhớ lại.

Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một buổi sáng sớm giữa tháng 3, Quân nhận tin nhắn chúc mừng từ MIT. Trường đồng ý hỗ trợ Quân hơn 64.000 USD mỗi năm. Chàng trai mừng rỡ đến mức khi nhắn tin báo kết quả cho mẹ đã luống cuống, gõ sai liên tiếp. Em cũng được Đại học Princeton (top 1 tại Mỹ, theo US News). Do đã trúng tuyển đại học mơ ước, Quân rút hồ sơ tại các trường còn lại để nhường cơ hội cho các bạn khác.

Mạnh Quân cho rằng, trong bất kỳ hồ sơ du học nào, toàn diện chưa đủ mà cần một mặt nổi bật hơn, khiến mình trở nên khác biệt. Điểm sáng nhất trong hồ sơ của em là thành tích môn Vật lý tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Nếu được quay lại, Quân sẽ hạn chế nộp hồ sơ vào các trường ở mức an toàn để tập trung cho mục tiêu lớn. “Việc nộp nhiều trường giúp em tăng khả năng trúng tuyển, nhưng lại gây căng thẳng vì phải hoàn thành quá nhiều bài luận phụ”, nam sinh chia sẻ.

Bà Trần Phương Hoa, cố vấn của Mạnh Quân trong quá trình làm hồ sơ du học, đánh giá em có ý chí, sở hữu khả năng làm việc chịu áp lực cao. Ngoài ra, nhờ việc quen với tư duy khoa học, Quân tiếp thu rất nhanh các góp ý. “Với mỗi vấn đề, tôi đóng vai trò gợi mở và góp ý, còn lại Quân nắm bắt ý tưởng và triển khai rất nhanh”, bà Hoa nói.

Sắp tới, Quân đặt mục tiêu đạt kết quả tốt trong cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, kỳ vọng có thể góp mặt trong đội tuyển thi Olympic Vật lý quốc tế. “Em ước mơ học tiếp tiến sĩ, được nghiên cứu Vật lý lý thuyết về vũ trụ”, Quân chia sẻ.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Cô giáo đưa dự án tin học vươn ra thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lồng ghép dạy kỹ năng sống vào Tin học để sinh viên hứng thú, cô Nguyễn Thị Phương đưa dự án này vào top 50 quốc gia, sau đó dự thi toàn cầu.

Sau khi đọc kỹ phần ghi chú công việc cần hoàn thành trong ngày trên máy tính, cô Nguyễn Thị Phương, 38 tuổi, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), nhận được video do cựu sinh viên, nay là giáo viên mầm non tại Thanh Hóa, gửi về. Trong video, cô giáo dạy kỹ năng xử lý tình huống khi đi lạc cho trẻ 4 tuổi. Các bé chăm chú theo dõi từng hình ảnh được trình chiếu và mô tả của cô giáo, được tham gia xử lý tình huống nên hào hứng, thi thoảng reo lên.

Xem video, cô giáo Phương mỉm cười ưng ý. Để giúp sinh viên, giáo viên mầm non thành thạo khi giảng dạy và đạt hiệu ứng như vậy, cô Phương đã dành 15 tháng tìm tòi, thực hiện dự án tăng cường năng lực dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô Phương dạy tin học cho sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng viên và giáo viên mầm non. Để giờ học bớt nhàm chán, cô thường tìm cách lồng ghép kiến thức liên ngành hoặc áp dụng phương pháp mới.

Tháng 8/2019, đọc tin tức về hàng loạt trẻ gặp tai nạn vì giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy kỹ năng sống, cô Phương giật mình. Khảo sát sinh viên các lớp sư phạm mầm non, giáo viên và phụ huynh tại các trường, cô giáo nhận ra sinh viên chưa thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy, đa số trường chưa có giáo viên chuyên biệt để dạy lĩnh vực này. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng đưa nội dung về kỹ năng sống làm chủ đề xuyên suốt trong quá trình dạy Tin học cho sinh viên sư phạm mầm non.

Để có nguồn tài liệu tin cậy, cô Phương tìm đến đồng nghiệp tại Khoa Giáo dục mầm non của trường, hỏi xin giáo án, bài giảng hoặc nhờ tư vấn về giảng dạy kỹ năng sống. Cô tập trung vào các nhóm kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, thoát hiểm… rồi lên kế hoạch cùng cả lớp thực hiện.

Với mỗi nhóm kỹ năng, cô yêu cầu sinh viên vận dụng khoảng 4-5 phần mềm để hoàn thành bộ học liệu. Chẳng hạn, paint dùng để viết thơ, sáng tác tranh vẽ theo chủ đề bài học, word để soạn giáo án dạy về kỹ năng đó, power point giúp làm bài giảng điện tử. Ngoài ra, cô cũng giới thiệu bộ công cụ trong office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.

“Tôi đặt mục tiêu sau phần tin học này, thay vì chỉ biết sử dụng word, excel hay power point, sinh viên biết thêm nhiều phần mềm khác, đồng thời nắm chắc kiến thức về kỹ năng sống để dạy cho trẻ”, cô Phương nói.

Tuy nhiên, cô giáo gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu hiện thực. Học phần tin học kéo dài 45 tiết, mỗi tuần chỉ có một buổi. Việc xây dựng giáo án như nào để vừa truyền tải hết kiến thức về kỹ năng sống, vừa giúp sinh viên thành thạo tin học là “bài toán khó”.

Cô nghĩ ra cách làm trước các video hướng dẫn sử dụng paint, word, power point và nhiều công cụ khác, đăng lên kênh Youtube cá nhân, tạo khóa học miễn phí để sinh viên có thể xem trước và sau bài học. Thời điểm đó, cô cũng đang hoàn thiện dự án tham gia E-learning, công việc ở trường cuối năm lại bận rộn nên gần như “ôm máy tính cả ngày, chẳng còn thời gian dành cho bản thân”.

Thấy con gái vất vả, liên tục sụt cân, mẹ cô từ Thanh Hóa ra giúp nấu nướng, sắc thuốc bổ cho uống. Hơn một lần cô nghĩ đến việc từ bỏ, “cứ bình thường mà dạy có sao đâu”. Những lúc đó, cô lại cầm điện thoại, xem lại những tin nhắn và video sinh viên gửi về khi thực tập: “Cô ơi, em đi thực tập được mọi người khen lắm, dạy học sinh đều thích thú”, “Em chưa bao giờ được học nhiều công cụ thế này”, “Các thầy cô ở trường còn nhờ em dạy lại”…

“Đọc những dòng này, tôi bình tâm nghĩ lại. Tôi thấy những cái mình làm đang được đón nhận rất tốt, giúp được nhiều người nên có động lực tiếp tục theo đuổi dự án”, cô Phương tâm sự.

Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2019, sau hơn hai tháng triển khai trong quy mô lớp học cho sinh viên, cô Phương quyết định hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi dự thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Cục Công nghệ thông tin và Microsoft Việt Nam tổ chức.

Vào tuần cuối của deadline, thấy vợ bận rộn mà không thể sắp xếp công việc gia đình, chồng cô Phương nổi cáu. “Lúc đó tôi chỉ tự động viên thôi cố gắng nốt, được giải hay không thì mình cũng đã làm hết sức, rồi thuyết phục chồng. Rất may, anh hiểu cho tôi”, cô Phương nhớ lại. Kết quả, trong cuộc thi giáo viên sáng tạo năm 2019, cô Phương vào top 50 sản phẩm được đánh giá cao nhất toàn quốc.

Cô Phương định “dừng chân” tại top 50, không mang dự án tham dự thêm các cuộc thi khác vì trong thời gian hoàn thiện hồ sơ trước đó, cô sút 5 kg, không còn thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, được nhà trường thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của người thân, cô quyết định đăng ký dự thi sáng kiến đổi mới toàn cầu trong giảng dạy (Global innovations) do HundrED tổ chức, đang chờ kết quả.

Khi đến với cuộc thi quốc tế, thay vì dự thi cá nhân, cô Phương có thêm sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, các đối tác. Yên tâm hơn về khía cạnh nội dung, chuyên môn, cô Phương tập trung cải thiện hình thức, cách thể hiện dự án qua phần mềm.

Tuy nhiên, cô Phương vẫn gặp bất lợi về mặt ngôn ngữ khi toàn bộ hồ sơ phải chuyển sang tiếng Anh. Mỗi bước làm, cô đều phải nhờ đồng nghiệp phiên dịch và kiểm tra lại. Đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát, các thành viên của dự án gần như chỉ làm việc online nên không thể đạt chất lượng như gặp trực tiếp.

Cuối tháng 1, cô Phương quyết định tổ chức một buổi giao lưu online giữa 8 trường mầm non và chuyên gia tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka. Các điểm cầu lần lượt chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Buổi giao lưu thành tốt đẹp, cô Phương thở phào, tự nhận mình “liều”.

“Ý tưởng kết nối các lớp học xuyên quốc gia xuất hiện, lên kế hoạch và thực hiện chỉ trong 4 ngày. Tôi đã thử thách khả năng của bản thân khi lo liệu mọi thứ, từ việc thống nhất giáo án, nội dung chương trình, ngày giờ gặp gỡ và cách triển khai”, cô Phương nói.

Cô Phương thuyết trình về dự án của mình tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Phương thuyết trình về dự án tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 15 tháng, dự án của nhóm cô Phương đã hỗ trợ hơn 2.500 thầy cô, giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Hiện, dự án có 12 bộ chủ đề, với hơn 300 tài nguyên. Xuất phát từ mong muốn giúp giờ học tin không nhàm chán, cô Phương thừa nhận “chưa từng nghĩ ý tưởng này sẽ mang dự thi quốc tế”.

Ngoài ghi dấn ấn trong dự án dạy kỹ năng sống, cô Phương còn chủ biên sách, chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu tham khảo, công bố 28 bài viết trên các ấn phẩm trong và ngoài trường. Năm 2019, cô trở thành đại sứ E-Learning Việt Nam.

TS Trịnh Thị Xim, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đánh giá cao tính thực tiễn của dự án dạy kỹ năng sống qua tin học. “Việc xây dựng kho học liệu về giảng dạy kỹ năng sống có ý nghĩa quan trọng, cần thiết với trẻ mầm non hiện nay”, bà nói.

Cùng quan điểm, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định dự án đã khai thác hiệu quả các giải pháp, nền tảng công nghệ mang tính tích hợp, kho học liệu mang tính tương tác cao.

Sắp tới, cô Phương sẽ bổ sung ngôn ngữ ký hiệu cho tài liệu dự án dạy kỹ năng sống và đưa lên website LMS, đặt mục tiêu giúp học sinh khiếm thính, khiếm thị không có điều kiện đến trường cũng được học tập. “Ngoài các trường mầm non trong nước, tôi cũng muốn kết nối với nhiều trường học dành cho người Việt trên thế giới để chia sẻ miễn phí bộ học liệu này. Tôi mong có thể phần nào giúp đỡ giáo viên mầm non nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, dạy kỹ năng sống một cách thú vị và an toàn”, cô Phương nói.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Đề nghị điều tra sai phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng

Đã đăng

 ngày

Bởi

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuyển toàn bộ “hồ sơ sai phạm” về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, sử dụng tài chính của Đại học Tôn Đức Thắng sang cơ quan điều tra.

Chiều 22/3, ông Vũ Anh Đức (Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, động thái trên được đưa ra theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc cần “làm rõ, xử lý dấu hiệu tiêu cực” tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Sau khi làm việc với các tập thể và cá nhân liên quan, sai phạm được cho là “có tính chất rất nghiệm trọng”, bao gồm: thực hiện không đúng các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng, quyết toán đối với các công trình; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

“Chúng tôi nhiều lần đôn đốc cá nhân khắc phục sai phạm, song chưa có kết quả. Quan điểm của Tổng Liên đoàn là xử lý làm sao để thu hồi được tài sản thất thoát hiệu quả nhất, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của trường”, ông Đức cho biết.

Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.
Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.

Về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh (cựu Hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng), đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết vẫn giữ nguyên quyết định cách chức, sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.

Theo đề nghị của Thành ủy TP HCM, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã chuyển hồ sơ sai phạm liên quan cá nhân ông Danh cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trước đó, trả lời về những cáo buộc sai phạm cơ quan chủ quản công bố khi đưa ra quyết định cách chức mình, ông Lê Vinh Danh nói: “Tôi không sai”.

Về một số dự án đầu tư xây dựng, mua sắm của Đại học Tôn Đức Thắng được cho là không đúng quy định về đấu thầu trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Danh cho biết, khoảng 10 năm nay gần đây, trường triển khai 137 dự án, tất cả đều đấu thầu, chỉ có 3 dự án chỉ định thầu bởi “những lý do riêng”. “Từ năm 2016 đến 2018, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra nhiều lần, nếu chúng tôi làm sai thì họ phải có ý kiến rồi chứ”, ông Danh nói.

Theo ông Danh, Đại học Tôn Đức Thắng từ mô hình dân lập chuyển sang bán công, được quản lý bởi Hội đồng quản trị, sau này là Hội đồng trường. Các Hội đồng này sẽ duyệt chủ trương dự án, Hiệu trưởng lựa chọn nhà thầu, thiết kế, thi công. Do vậy, các dự án của trường từ trước đến nay đều được Hội đồng trường thông qua, có sự cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Trường sử dụng vốn có nguồn ngân sách nhà nước, có quyền tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm.

Hiện, Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường sau nhiều lần trì hoãn cuộc họp thành lập hội đồng. Đề án thành lập Hội đồng trường do tập thể lãnh đạo trường chuẩn bị, đã được thống nhất trong với các thành viên đương nhiên và đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động.

Dự kiến ngày mai 23/3, trường tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự để bầu Hội đồng trường vào đầu tháng tới.

Ban lãnh đạo trường này hiện có 3 người gồm Phó bí thư phụ trách Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ và ông Trần Trọng Đạo – Phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019.

Mạnh Tùng – Hoàng Phương – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.