Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết “bệnh nhân 812” cũng là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất đang điều trị tại viện.
“Bệnh nhân 812” lây từ “bệnh nhân 447” (cũng là nhân viên tiệm bánh pizz, đi du lịch Đà Nẵng về). Ngày 3/8, ông khởi phát sốt, mệt mỏi, chán ăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính nCoV.
Bác sĩ Phúc cho hay, sau hai ngày điều trị ở Khoa, bệnh nhân tạm thời cắt sốt nhưng tình trạng vẫn rất nặng. Các chỉ số huyết động và oxy ở giới hạn bình thường, tuy nhiên cần hỗ trợ máy ở mức cao. Hiện tại, chức năng phổi của người này đã tổn thương đến khoảng 70%. Các bác sĩ đang nỗ lực dùng kháng sinh kháng virus và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân bởi máy móc.
Bệnh nhân nặng thứ hai là 867, 63 tuổi. Bác sĩ Phúc cho biết, người này mới được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực hôm qua, sau 4 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân hiện có đáp ứng với biện pháp thở không xâm nhập, tạm thời cắt được sốt, tình trạng hô hấp cải thiện nhưng không nhiều. Chức năng phổi của bệnh nhân bị tổn thương khoảng 60%.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở oxy và điều trị tại Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh dần diễn tiến nặng hơn, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp khi thở máy không xâm nhập. Người bệnh được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực đêm 12/8 và phải đặt ống thở máy.
Bệnh nhân thứ ba là 793 được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực trong ngày 14/8 với tình trạng nặng. Bác sĩ Phúc cho biết, bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại từ ngày 13/8. Bệnh nhân đang được hỗ trợ thở oxy mask, điều trị bằng kháng sinh và thuốc kháng virus, chức năng phổi tổn thương khoảng 60%.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh, cả ba bệnh nhân trên đều có điểm chung là bệnh nền tăng huyết áp và bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài Covid-19 khiến bệnh nhanh tiến triển nặng. Covid-19 không chỉ gây tổn thương phổi mà còn gây tổn thương tất cả cơ quan nội tạng còn lại. Đặc biệt, bệnh nhân gặp tình trạng máu tăng đông, có thể gây các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp, nhồi máu… dễ tử vong.
“Chúng tôi luôn theo dõi sát những trường hợp này 24/24h để có thể kịp thời cấp cứu nếu diễn tiến xấu”, bác sĩ Phúc nói.
Thúy Quỳnh – Vnexpress