Anh chạy đua vào ngành công nghiệp không gian

Bỏ bê ngành hàng không vũ trụ nhiều năm, Anh quyết định nhảy vào ngành này vì sức ép của Brexit và cơ hội béo bở của IoT.

Cornwall, xa về phía tây nam nước Anh, được biết đến với những làng chài cổ và những bãi biển kín, có vách đá. Nhưng chẳng bao lâu nữa có thể là một nơi rất khác, với ngành công nghiệp vũ trụ nhỏ nhưng đang phát triển.

Một hoặc hai ngày trong năm, một chiếc Boeing 747 đã điều chỉnh công năng sẽ cất cánh từ đường băng tại sân bay ở đây, hướng ra Đại Tây Dương và bay lên tầng bình lưu. Ở đó, nó sẽ thả một tên lửa bên dưới cánh. Tên lửa sẽ khởi động và phóng một lượng vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo, trong khi máy bay trở lại sân bay.

Đường băng của sân bay Cornwall ở Newquay, nơi chiếc Boieng 747 của Oirgin Orbit cất và hạ cánh để phóng vệ tinh. Ảnh: NYT
Đường băng của sân bay Cornwall ở Newquay, nơi chiếc Boieng 747 của Oirgin Orbit cất và hạ cánh để phóng vệ tinh. Ảnh: NYT

Sau 6 năm lên kế hoạch và gây quỹ, việc xây dựng một sân bay vũ trụ với kinh phí khoảng 22 triệu bảng Anh (28 triệu USD) sẽ bắt đầu vào tháng này tại sân bay Cornwall ở Newquay. Khách thuê chính của nó dự kiến là Virgin Orbit, một bộ phận thuộc công ty hàng không vũ trụ Virgin của tỷ phú Richard Branson. Điểm hấp dẫn của sân bay là việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng máy bay có thể được thực hiện nhanh hơn và với ít cơ sở hạ tầng hơn so với tên lửa mặt đất.

Sân bay đã có kế hoạch mang chiếc 747 (có tên gọi Cosmic Girl) và các thiết bị khác đang được thử nghiệm ở sa mạc Mojave tới Anh với sự trợ giúp 7,35 triệu bảng Anh từ Cơ quan Vũ trụ Anh. “Lúc đầu, mọi người cười nhạo chúng tôi”, Melissa Thorpe, Người đứng đầu bộ phận phát triển của Spaceport Cornwall, cho biết, “Phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục nhiều người”.

Theo một số nhận định, hoạt động kinh doanh không gian của Anh đang giảm hai lần sau nhiều năm nước này bỏ bê. Tuy nhiên, giờ đây, cùng với Cornwall, chính phủ đang bỏ tiền cho một số địa điểm tiềm năng khác. Ở một bờ biển phía bắc xa xôi của Scotland, một bãi phóng đang được thiết kế riêng cho một loại tên lửa thân thiện với môi trường sản xuất gần đó.

Điều này là hoàn toàn mới đối với một quốc gia không có lịch sử lâu đời về tên lửa hoặc phóng vệ tinh vào không gian. Các sân bay vũ trụ ở Anh vẫn chưa được chứng minh hiệu quả. Trên thực tế, một số nhà phân tích nói rằng đã có quá nhiều cơ sở như vậy, bao gồm cả ở Mỹ.

Tên lửa mang vệ tinh đầu tiên – và cho đến nay, duy nhất – do Anh sản xuất đã được phóng từ Woomera ở Australia vào năm 1971. Chương trình đó có tên Black Arrow, đã bị loại bỏ sau 4 lần phóng vì không hiệu quả về chi phí.

“Anh sẽ cần vài năm nữa để phóng vệ tinh”, Doug Millard, Người phụ trách về không gian vũ trụ tại Bảo tàng Khoa học ở London, nhận xét. Nhưng theo ông, “đó là điều mà cách đây không lâu sẽ không bao giờ được xem xét”.

Một lý do lớn cho sự thay đổi là Brexit. Quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu đã nâng cao nhận thức rằng Anh, quốc gia chủ yếu dựa vào các chương trình không gian của châu Âu và Mỹ cho các dịch vụ như định vị vệ tinh, sẽ gặp rủi ro nếu không có cơ sở hạ tầng không gian của riêng mình. Năm nay, ngân sách của cơ quan vũ trụ đã tăng 10%, lên 556 triệu bảng Anh, tất nhiên vẫn là một phần nhỏ trong số 22 tỷ USD của NASA.

Trong một cuộc phỏng vấn, Graham Turnock, Giám đốc điều hành của Cơ quan Vũ trụ Anh cho biết Brexit đã tạo “một sự kích thích thực thụ để khiến chúng ta nghĩ về những gì thực sự cần, với tư cách là một quốc gia trong không gian”.

Nhưng quyết định nhìn lên bầu trời cũng đúng lúc thị trường thương mại về khai thác không gian đang phát triển trên khắp thế giới, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư giàu có như Elon Musk, Jeff Bezos và Branson, cũng như các doanh nghiệp ít tiếng tăm hơn khác.

Điều quan trọng là sự xuất hiện của các vệ tinh nhỏ và rẻ hơn nhiều, có kích thước bằng một chiếc hộp đựng giày với giá từ một triệu USD trở xuống. Một số được sử dụng để quan sát, chẳng hạn như đo lượng dầu được lưu trữ trong các kho, loại dữ liệu có giá trị cho các nhà đầu tư năng lượng. Những đơn vị khác thì lên kế hoạch cung cấp kết nối Internet vệ tinh cho xu hướng IoT (Vạn vật kết nối) ứng dụng trong ôtô tự lái hay nhà thông minh.

“Chúng ta đã đi đúng lúc bắt đầu cuộc hành trình này”, Mark Boggett, CEO Seraphim Capital (London), đang quản lý quỹ vũ trụ trị giá 90 triệu USD, cho biết. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng có tính toán của riêng mình. Hồi tháng 7, họ chi 500 triệu bảng để mua lại 45% OneWeb, một nhà điều hành vệ tinh.

OneWeb đã nộp đơn xin phá sản trong năm nay, nhưng có liên quan đến lĩnh vực nóng nhất của ngành công nghiệp vệ tinh. Đó là tạo ra chùm vệ tinh phối hợp trong quỹ đạo thấp, được thiết kế cho các mục đích như mở rộng Internet đến các vùng xa xôi. OneWeb đang chế tạo vệ tinh của mình tại một nhà máy do Airbus đồng sở hữu ở Florida. Hy vọng của chính phủ Anh là OneWeb sẽ xây dựng một thế hệ vệ tinh trong tương lai ở Anh.

Nhìn chung, chính phủ đang cố gắng hỗ trợ cái được gọi là “không gian mới”, một cách tiếp cận thương mại và nhanh nhẹn hơn đối với một ngành công nghiệp thường bị chi phối bởi các chương trình của chính phủ và quân đội.

Những gì Anh đang hướng đến là tập trung vào các vệ tinh nhỏ, hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái đất, cách mặt đất khoảng 800 dặm, so với các vệ tinh bay cách mặt đất khoảng 22.000 dặm đôi khi tốn hàng trăm triệu USD.

Các vệ tinh nhỏ cũng có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với các vệ tinh lớn, đồng nghĩa với việc cần nhiều vệ tinh hơn và nhiều lần phóng hơn. Virgin Orbit cho biết họ có kế hoạch tính phí 12 triệu USD để đưa một vệ tinh nặng gần 700 pound (hơn 300 kg) vào không gian.

Việc có các bãi phóng ở gần sẽ đáp ứng nhu cầu cho các công ty như In-Space Missions, một công ty dịch vụ không gian ở Hampshire. Doug Liddle, CEO, cho biết công ty đã đến New Zealand để phóng vệ tinh trong năm nay, nhưng thất bại vì một sự cố tên lửa.

Nền kinh tế vũ trụ mới cũng có giá cả phải chăng hơn đối với các quốc gia quy mô trung bình như Anh. “Phương pháp tiếp cận vệ tinh nhỏ hiện nay có nghĩa là chúng tôi sẽ không chi toàn bộ ngân sách quốc gia cho chương trình không gian của mình”, Martin Sweeting, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Surrey Satellite Technology, một công ty tiên phong trong lĩnh vực vệ tinh nhỏ, cho biết.

Không gian vũ trụ cũng đang dễ tiếp cận hơn đối với các công ty khởi nghiệp như Open Cosmos, công ty cung cấp dịch vụ xây dựng vệ tinh, sắp xếp việc phóng và vận hành với chi phí từ 10 triệu USD trở xuống. Công ty là một trong nhiều doanh nghiệp công nghệ tập trung tại Harwell, một cộng đồng gần Đại học Oxford.

Một vệ tinh đặt trong phòng sạch của Oxford Space Systems tại Harwell, Anh. Ảnh: NYT.
Một vệ tinh đặt trong phòng sạch của Oxford Space Systems tại Harwell, Anh. Ảnh: NYT.

Cộng đồng này còn có Lacuna Space, công ty có kế hoạch triển khai vệ tinh cho nhiều mục đích sử dụng như theo dõi gia súc trên các trang trại rộng lớn ở Mỹ Latinh. Hay như Oxford Space Systems, chuyên xây dựng các ăng-ten gắn trên vệ. “Đó là một hệ sinh thái nhỏ. Mọi người đều biết nhau”, Rafel Jordá Siquier, Nhà sáng lập 31 tuổi của Open Cosmos nói.

Nhưng không phải tất cả đều là startup. Airbus cũng là nhà sản xuất vệ tinh lớn và sử dụng 3.500 nhân viên làm việc trong bộ phận không gian vũ trụ ở Anh. Công ty từng lo lắng về tác động của Brexit, nhưng Richard Franklin, người đứng đầu bộ phận không gian tại Anh của Airbus đánh giá, khoản đầu tư vào OneWeb và sự tập trung của Anh vào không gian thực sự trấn an Airbus. “Hãy nhìn xem, Anh là một nơi thực sự tốt để đầu tư”, ông nói.

Nhưng tham vọng của Anh cũng phải đối mặt với những rủi ro và ẩn số lớn. Các công nghệ họ theo đuổi chưa được chứng minh. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của Virgin Orbit trong năm nay tại Mỹ đã thất bại khi động cơ tên lửa chính ngừng hoạt động. Và đại dịch đã gây căng thẳng tài chính lớn lên đế chế của ông Branson, bao gồm cả công ty hàng đầu, Virgin Atlantic. Để giúp tăng cường tài chính của hãng hàng không và các công ty khác, doanh nhân này đã bán khoảng 500 triệu USD cổ phiếu của Virgin Galactic, một công ty kinh doanh du lịch vũ trụ. Nhưng Will Pomerantz, Phó chủ tịch phụ trách các dự án đặc biệt của Virgin Orbit, cho biết chiếc 747 vẫn sẽ đến Cornwall “khi họ sẵn sàng và cần chúng tôi”.

Thị trường vệ tinh cũng đầy cạnh tranh và hỗn loạn. Nhà sáng lập Tesla, Elon Musk đang xây dựng hệ thống vệ tinh lớn của riêng mình, tên gọi Starlink. Các công ty công nghệ khác có thể sẽ làm theo, trong khi nhiều nước hiện có thể chế tạo vệ tinh. “Một trong những điều tuyệt vời về vệ tinh nhỏ là ai cũng có thể làm được”, Alexandre Najjar, Cố vấn cấp cao của Euroconsult, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết.

Tuy nhiên, các doanh nhân ngành không gian của Anh nói rằng việc có bãi phóng gần nhà có thể mang lại lợi thế cho họ. “Nếu chúng tôi có thể lên một chiếc xe van và chở tàu vũ trụ của mình đến Scotland hoặc Cornwall, toàn bộ quá trình sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều”, ông Liddle, người chế tạo vệ tinh cho biết.

Phiên An (theo NYT) – Vnexpress