Giữa trưa ngày giáp Tết, xưởng làm bánh phồng rộng trên 1.000 m2 của anh Lê Trúc Lâm (37 tuổi, Hưng Nhượng, Giồng Trôm) vẫn rộn vang tiếng chày quết bánh phồng, dậy mùi thơm của nếp, khoai mì nấu. Trên mái nhà tôn và quanh sân, những chiếc chiếu đầy bánh phồng thành phẩm được công nhân mang đi phơi, sau đó cho vào túi nylon để kịp giao hàng. Dịp Tết, đơn hàng tại xưởng này tăng lên gấp hai, ba lần, do vậy lúc nào cũng có khoảng 10 công nhân thay phiên nhau túc trực.
Anh Lâm cho biết, nghề làm bánh phồng của gia đình đã được truyền lại từ đời ông cha, đến nay đã trên 100 năm. Tại địa phương có hơn 20 hộ vẫn còn theo nghề. Trước đây, các khâu quan trọng như quết và cán bánh đều phải làm bằng tay, chất lượng mỗi chiếc bánh vì thế đều phải phụ thuộc rất lớn vào độ lành nghề của người thợ. Cả làng bánh phồng Sơn Đốc nức tiếng gần xa một thời nhưng số lượng thợ quết bánh có tay nghề cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Vài năm nay, tôi và nhiều xưởng đã đầu tư hệ thống máy quết và cán chạy bằng điện chi phí hơn 100 triệu đồng, mỗi ngày cho ra trên 10.000 chiếc bánh, năng suất cao gấp năm lần so với làm tay”, anh Lâm nói.
Do phần lớn các công đoạn đều dùng máy, nên ai cũng có thể làm bánh. Vì vậy, để có một bánh ngon, lựa chọn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng. Thường anh Lâm có mối quen đặt nếp ngon từ các tỉnh lân cận và khoai mì có độ dẻo cao ở địa phương. Khoai mì đem về được rửa sạch, lột vỏ, nấu chín, bóc bỏ xơ, sau đó đem xay nhuyễn, tiếp tục được bỏ vào cối quết nhiều lần để bột có được độ dẻo dai tốt nhất. Bánh phồng nếp cũng được làm với cách thức tương tự.
Trong khi quết bột, thợ sẽ lần lượt trộn thêm đường, mè, nước cốt dừa cùng một số nguyên liệu bí truyền khác. Bột tiếp tục được đưa sang hệ thống máy cán tạo hình, bên dưới băng chuyền, các công nhân dùng những chiếc chiếu cói sạch để hứng bánh.
Sau khi đi qua băng chuyền, được tạo hình, hai công nhân túc trực nhanh tay loại bỏ các phần bột thừa. Mỗi chiếu gần 30 chiếc bánh thành phẩm sau đó được đem đi phơi. Nếu nắng tốt, khoảng một buổi bánh khô, còn khi mùa mưa, bánh sẽ được đem vào lò sấy. Khi bánh khô, công nhân tiếp tục mang vào gỡ, loại bỏ những sản phẩm lỗi và cho vào túi nylon giao khách hàng.
Đang giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhãi, ông Đặng Văn Út (50 tuổi) vẫn đều đặn vác từng chiếu bánh, sau đó bắc lên thang lên mái nhà phơi. Do mái nhà bằng tôn, ông phải mang dép để chân khỏi bị bỏng. “Làm gần chục năm rồi, mỗi ngày từ 7h sáng đến 5h chiều, khoảng trên 200 nghìn đồng, vất vả nhưng cũng có thu nhập ổn định”, ông Út nói.
Gần xưởng anh Lâm, cơ sở làm bánh phồng của bà Bùi Thị Sậm công nhân cũng đang hối hả làm việc những ngày cuối năm, cho ra lò khoảng 12.000 chiếc bánh mỗi ngày, trong đó có loại bánh phồng chuối “độc nhất vô nhị”.
Chủ xưởng cho hay, do muốn tìm hướng đi mới, tám năm trước, gia đình đã thử nghiệm phối hợp nhiều loại trái cây vào bánh và thành công với trái chuối. Chuối phải là loại chuối sứ, được mua lúc còn xanh, không bị dập, sau đó đem về ủ hai đến ba đêm cho chín, được cắt cẩn thành từng lát mỏng. Người thợ sau đó sẽ đều tay dán từng lát chuối lên mặt chiếc bánh đã được cán mỏng, rồi đem phơi hoặc sấy, đóng bao bì. Mỗi túi nylon sẽ có 5 chiếc bánh, giá 15.000 đồng.
Hai năm trước, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoàng Nam – Vnexpress