Vì sao Belarus chìm trong khủng hoảng?

Biểu tình ở Belarus không có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã một tuần sau khi Tổng thống Lukashenko tuyên bố tái đắc cử với gần 80% phiếu bầu.

Hàng chục nghìn người ngày 16/8 tiếp tục biểu tình tại thủ đô Minsk, Belarus, sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko có bài phát biểu khẳng định sẽ không từ chức. Biểu tình nổ ra sau khi kết quả bầu cử ngày 9/8 cho thấy ông Lukashenko, người đã nắm quyền 26 năm, giành chiến thắng với gần 80% phiếu bầu, trong khi ứng viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya chỉ có 10% phiếu ủng hộ.

Tikhanovskaya, 37 tuổi, gia nhập cuộc đua quyền lực sau khi chồng bà là Sergei Tikhanovsky, một Youtuber 41 tuổi, bị bắt hồi tháng 5 và bị truất quyền ứng cử tổng thống. Bà Tikhanovskaya đã rời Belarus sang nước láng giềng Lithuania ngay sau khi biểu tình nổ ra, trong khi chồng bà vẫn ở trong tù. Bà đã kêu gọi các chính quyền địa phương trên cả nước ủng hộ biểu tình chống lại Tổng thống Lukashenko.

Cờ Belarus được giăng bên trong hình trái tim do người biểu tình tạo ra ở thủ đô Minsk hôm 16/8. Ảnh: Reuters.
Cờ Belarus được giăng bên trong hình trái tim do người biểu tình tạo ra ở thủ đô Minsk hôm 16/8. Ảnh: Reuters.

Đám đông biểu tình ngày 16/8 tuần hành qua các con phố hướng tới Quảng trường Độc lập. Trang tin Tut.by mô tả đây là cuộc tuần hành “lớn nhất trong lịch sử Belarus độc lập”. Đụng độ giữa cảnh sát và ngưởi biểu tình nổ ra, khiến cảnh sát phải bắn đạn thật để kiểm soát tình hình. Hai người biểu tình đã chết, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn người bị bắt.

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/8 quyết định theo đuổi các lệnh trừng phạt mới đối với quan chức Belarus, theo hai nhà ngoại giao biết về cuộc thảo luận này. Họ cho biết cuộc họp của EU về vấn đề này vẫn tiếp tục.

Tổng thống Alexander Lukashenko, 65 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Belarus từ năm 1994. Ông từng nhiều lần hứng chỉ trích và cáo buộc gian lận kết quả bầu cử từ phe đối lập và quan sát viên độc lập.

EU đã áp lệnh trừng phạt Belarus vì vi phạm nhân quyền, bao gồm gian lận bầu cử và xói mòn các chuẩn mực dân chủ, ít nhất hai lần trong 15 năm qua. Các lệnh trừng phạt hầu như được dỡ bỏ năm 2016, sau khi Lukashenko thả tù nhân chính trị. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí vẫn được duy trì.

Lukashenko chưa từng xây dựng được nền tảng ủng hộ chính thức khác ngoài hiệp hội Belaya Rus, được thành lập năm 2007 bởi các đồng minh của ông và thành viên chính trị của đất nước. Hiệp hội này hoạt động như một tổ chức xã hội dân sự hơn là đảng phái chính trị chính thức, theo đánh giá năm 2016 của Belarus Digest, nhóm phân tích hiện đã giải thể.

Belarus năm nay ghi nhận kỷ lục khi có tới 55 nhóm chính trị đề cử ứng viên tranh cử tổng thống, nhưng chỉ 15 nhóm được phép tham dự.

Trong gần ba thập kỷ nắm quyền lãnh đạo, Lukashenko đã dựa vào “hệ thống mang tính cá nhân” để duy trì vị trí, theo Belarus Digest. Tuy nhiên, Maryna Rakhlei, quan chức cấp cao của Quỹ German Marshall ở Berlin, cho biết hệ thống này giờ đang bị chia rẽ.

Svetlana Tikhanovskaya, đối thủ của Tổng thống Lukashenko, bỏ phiếu bầu tại thủ đô Minsk hôm 9/8. Ảnh: AP.
Svetlana Tikhanovskaya, đối thủ của Tổng thống Lukashenko, bỏ phiếu bầu tại thủ đô Minsk hôm 9/8. Ảnh: AP.

Nông dân và công nhân nhà máy, nhóm người mà Rakhlei gọi là “đa số im lặng” của Lukashenko đã bỏ việc để biểu tình, khiến tình trạng bất ổn lan ra ngoài thủ đô Minsk và tạo ra phong trào biểu tình lớn của người dân, không phân biệt tuổi tác, tầng lớp và tư tưởng chính trị.

Covid-19 là một trong những yếu tố dẫn đến làn sóng biểu tình lan rộng ở Belarus hiện nay, theo Rakhlei. Tổng thống Lukashenko đã bác bỏ mối đe dọa của nCoV. Ngay từ đầu đại dịch, ông tuyên bố “sẽ không có ai chết vì nCoV ở đất nước của chúng ta”. Ông khuyến nghị mọi người nên uống rượu vodka và đến phòng tắm hơi như biện pháp chống Covid-19.

Nhưng quốc gia 9,5 triệu dân đã báo cáo gần 70.000 ca nhiễm và hơn 600 ca tử vong. Giới phê bình cho rằng con số thực tế thậm chí còn cao hơn.

Hồi cuối tháng 7, Tổng thống Lukashenko tuyên bố nhiễm nCoV, nhưng không có triệu chứng và đã phục hồi. Ông khẳng định mình là “người mạnh mẽ” vượt qua Covid-19.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhiều lao động nhập cư phải trở về Belarus, đẩy họ vào cảnh thất nghiệp và không có thu nhập trang trải cho gia đình. Rakhlei cho rằng chính trải nghiệm của họ khi ở nước ngoài, cũng như là thế hệ trẻ kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài, đã thúc đẩy tư tưởng chống lại Tổng thống Lukashenko.

Ba nữ lãnh đạo đã trở thành gương mặt đại diện cho người dân Belarus bất bình với chính phủ, bao gồm bà Svetlana Tikhanovskaya, ứng viên đối lập và từng là giáo viên, cùng với Veronika Tsepkalo và Maria Kolesnikova.

Tikhanovskaya và Tsepkalo nhập cuộc đua sau khi chồng của cả hai phải từ bỏ ý định tranh cử vì áp lực chính trị. Kolesnikova trước đó là quản lý chiến dịch tranh cử cho một ứng viên tổng thống tiềm năng khác, cho tới khi ông bị bắt vào mùa hè năm nay.

“Điều mà ba người phụ nữ có thể làm là đoàn kết rất nhiều người ủng hộ họ và bạn có thể thấy qua số lượng người tham gia biểu tình chính trị. Họ được ủng hộ mạnh mẽ cho những thay đổi mà họ tuyên bố”, Emily Ferris, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia có trụ sở London, Anh, nói với NBC News.

Lukashenko nói rằng gánh nặng của cương vị tổng thống sẽ khiến một phụ nữ “sụp đổ một cách tội nghiệp”. Tuy nhiên, ba ứng viên đã gây chấn động ở quốc gia này.

“Tôi tham gia chính trị không phải vì quyền lực mà là để khôi phục công lý”, Tikhanovskaya tuyên bố. “Mục tiêu chính của tôi là tiến hành cuộc bầu cử chân thực, công bằng với tất cả ứng viên khác”.

Tsepkalo đã rời khỏi đất nước sau bầu cử, trong khi Tikhanovskaya cũng tuyên bố rời đi để bảo vệ an toàn cho các con của bà. Kolesnikova hiện vẫn ở Belarus.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, người biểu tình đã kéo xuống đường phản đối vì cho rằng có gian lận bầu cử. Hơn 6.000 người đã bị bắt và nhiều nhóm nhân quyền cáo buộc chính phủ thực hiện “chiến dịch tra tấn rộng rãi người biểu tình ôn hòa”.

“Suốt nhiều ngày qua, thế giới chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn ở Belarus khi cảnh sát bắn đạn cao su và sử dụng hơi cay ngăn người biểu tình ôn hòa. Rõ ràng cảnh tượng đẫm máu trên các đường phố Belarus chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Marie Struthers, giám đốc Tổ chức Ân Xá Quốc tế ở Đông Âu và Trung Á, nói trong bài viết hôm 13/8.

Nhưng nỗ lực dập tắt biểu tình dường như không mang lại hiệu quả như mong đợi. Sau khi chứng kiến phản ứng của cảnh sát, người biểu tình tiếp tục chia thành từng nhóm nhỏ xuống đường biểu tình giữa ban ngày. Nhiều hình ảnh và video cho thấy người biểu tình xếp hàng dọc các tuyến phố để cho phép giao thông diễn ra bình thường.

Bộ trưởng Nội vụ Yuri Karayev đã bất ngờ lên tiếng xin lỗi vì khiến người biểu tình bị thương dù phủ nhận cáo buộc gian lận bầu cử. Karayev hôm 14/8 nói hơn 2.000 trong số 6.700 người biểu tình bị bắt đã được thả tự do, theo hãng thông tấn Tass của Nga.

Tổng thống  Alexander Lukashenko chủ trì cuộc họp ở Minsk hôm 13/8. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Alexander Lukashenko chủ trì cuộc họp ở Minsk hôm 13/8. Ảnh: Reuters.

Mỹ, EU và một số quốc gia thành viên đã xem cuộc bầu cử hôm 9/8 là không công bằng và đảm bảo tự do. Các ngoại trưởng của EU, gồm ít nhất 9 thành viên và Ủy ban châu Âu (EC) đã nhóm họp hôm 14/8 để thảo luận về các lệnh trừng phạt đối với Belarus, theo Reuters.

“Chúng tôi cần thêm lệnh trừng phạt đối với người vi phạm giá trị dân chủ và lạm dụng nhân quyền ở Belarus”, Ursula von der Leyen, chủ tịch EC đăng bài trên Twitter.

Nhiều ngoại trưởng EU cũng thống nhất áp lệnh trừng phạt đối với quan chức Belarus liên quan tới biểu tình bạo lực. Họ sẽ lập danh sách mục tiêu trong những ngày tới, theo hai nhà ngoại giao biết về cuộc thảo luận.

Về phía Nga, Điện Kremlin ngày 16/8 ra tuyên bố cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko rằng Nga sẵn sàng thực hiện hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus “giải quyết các vấn đề” nảy sinh từ cuộc bầu cử tổng thống ở nước này cách đây một tuần.

Trước đó, trong bài phát biểu chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Lukashenko hôm 10/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định mối quan hệ với Belarus, đồng thời cam kết tăng cường hiện diện quân sự ở quốc gia này.

Lãnh đạo Belarus Lukashenko tuyên bố sẵn sàng chia sẻ quyền lực và thay đổi hiến pháp, nhưng không phải dưới sức ép của người biểu tình. Trước đó, ông cáo buộc thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình ở nước này.

Chúng ta không thể trao hiến pháp cho những kẻ mà Chúa mới biết là ai, vì các thảm họa sẽ theo sau đó”, Lukashenko nói.

Nhà phân tích Rakhlei cho biết rất khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra ở Belarus trong thời gian tới, khi Tổng thống Lukashenko vẫn nhận được ủng hộ từ lực lượng an ninh và quân đội Belarus, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Karayev cam kết “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết” để đảm bảo pháp luật và trật tự.

Tuy nhiên, Rakhlei nhận định tình hình Belarus không thể quay lại như trước đây. “Đây chính là thời khắc khai sinh đất nước”, bà nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post) – Vnexpress