Quân đội Iran ngày 11/1 thừa nhận bắn hạ nhầm máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines khiến 176 người thiệt mạng hôm 8/1. Trước đó, Ukraine đã nhận ra máy bay bị trúng tên lửa nhưng lãnh đạo nước này chọn con đường ngoại giao thận trọng.
Sau khi máy bay rơi, các quan chức Mỹ, lãnh đạo Canada và Anh nói rằng họ tin máy bay có khả năng bị Iran bắn hạ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu họ chia sẻ thông tin nhưng không công bố bất kỳ kết luận nào. Đây là một quyết định chiến lược, Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết.
Thực tế, “chúng tôi đã đi đến kết luận máy bay trúng tên lửa trước người Mỹ và Canada”, ông nói.
Ukraine muốn các nhà điều tra của mình tự thu thập bằng chứng. Giới chức tránh chỉ trích mạnh mẽ Iran trong thời gian này để đảm bảo họ hợp tác trong cuộc điều tra. Zelensky có nhiệm vụ khó khăn là “đảm bảo sự hợp tác của cả phương Tây và Iran mà không bị lôi kéo về phe nào trong căng thẳng Mỹ – Iran”, Katharine Quinn-Judge, nhà phân tích tại Kiev của International Crisis Group, nói.
4 ngày sau khi máy bay rơi, Zelensky thông báo ông và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã “đồng ý hợp tác kỹ thuật và pháp lý đầy đủ, bao gồm các vấn đề bồi thường”.
“Một lần nữa, Zelensky đã ‘giữ thăng bằng trên dây’ mà không bị ngã”, Nina Jankowicz, học giả tại Trung tâm Wilson nói. “Dù là người ít kinh nghiệm chính trị, ông ấy biết chính xác cách xoa dịu các phe đối nghịch để bảo vệ lợi ích của Ukraine”.
Ukraine từng hứng chịu thảm kịch năm 2014 khi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khởi hành từ Amsterdam rơi ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát. Máy bay trúng một quả tên lửa phòng không, vỡ thành hàng trăm mảnh.
Một nhóm nhà điều tra từ Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine xác định tên lửa có nguồn gốc từ lữ đoàn quân đội Nga tại Kursk, miền tây nước này và nó được chuyển vào Ukraine trước vụ rơi máy bay. Họ truy tố một số công dân Nga và Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ liên quan đến vụ này.
“Khi một chiếc máy bay khởi hành từ một thủ đô của châu Âu cách đây 5 năm rơi, châu Âu vẫn chưa thể kết thúc cuộc điều tra và chưa chỉ rõ ai là thủ phạm”, Danilov nói. “Trong trường hợp vụ rơi ở Iran, chúng tôi chỉ cần mất ít thời gian để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra”.
Một nhóm gồm 45 chuyên gia và nhân viên tìm kiếm cứu hộ người Ukraine, bao gồm một số người đã làm việc trong vụ MH17, đến Tehran vào sáng 9/1 để điều tra nguyên nhân và nhận dạng thi thể. Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko ngày 10/1 nói rằng nhóm điều tra không hài lòng với điều kiện công tác và muốn được tiếp cận hiện trường nhanh hơn, nhiều hơn và nắm được nhiều thông tin hơn.
Trên mạng xã hội Iran lan truyền hình ảnh cho thấy mảnh vỡ tên lửa đất đối không Tor-M1 do Nga sản xuất ở hiện trường. Nga đã xuất khẩu hệ thống tới một số quốc gia, bao gồm Iran năm 2005. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu trong phạm vi ngắn đến trung bình. Danilov viết trên Facebook ngày 9/1 rằng ông muốn các nhà điều tra kiểm tra hiện trường để xác minh.
Thách thức mà các nhà điều tra phải đối mặt là hiện trường nhanh chóng bị thu dọn và san phẳng. Các bộ phận phi cơ được đưa đến một nhà chứa máy bay gần đó. Ukraine không được tiếp cận hộp đen cho đến ngày 10/1. Prystaiko khi đó cho biết các nhà điều tra đang kiểm tra mảnh vỡ của máy bay và dư lượng hóa chất trên đó. Họ cũng có mặt ở bệnh viện để phân tích thi thể nạn nhân.
“Công nghệ hiện đại, trao đổi thông tin nhanh chóng và các nguồn thông tin là những yếu tố giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi rất khó”, Danilov nói. “Chúng tôi tin Iran hiểu rằng họ không thể phủ nhận trách nhiệm”.
Tránh một rạn nứt quốc tế lớn hơn là thách thức mà Zelensky đã vượt qua. Xuất thân là diễn viên hài, chỉ mới nhậm chức vài tháng ông đã vướng vào rắc rối khiến Trump bị xem xét bãi nhiệm. Ông đang đàm phán với Nga, Pháp và Đức về việc chấm dứt cuộc xung đột với phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine.
Trong video gửi đến người Ukraine ngày 12/1, một ngày sau khi Iran thừa nhận bắn nhầm máy bay, Zelensky thể hiện tâm thế của người chiến thắng. “Chúng tôi đã làm việc một cách có hệ thống, không kích động căng thẳng để đạt được kết quả và tìm ra sự thật”, ông nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post) – Vnexpress