Trung Quốc bỏ từ ‘hòa bình’ khỏi tuyên bố thống nhất Đài Loan

Thủ tướng Trung Quốc tái khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan, nhưng không còn sử dụng từ “hòa bình” như truyền thống hàng chục năm qua.

“Chúng ta sẽ khuyến khích người dân Đài Loan cùng phản đối nỗ lực đòi độc lập của hòn đảo và thúc đẩy sự thống nhất Trung Quốc. Với những nỗ lực này, chúng ta chắc chắn sẽ mang đến tương lai tươi đẹp cho hòa giải đất nước”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm nay.

Tuy nhiên, ông Lý không nhắc đến từ “hòa bình” trong cụm từ “thống nhất hòa bình” vốn luôn xuất hiện trong các bài phát biểu về vấn đề Đài Loan của các lãnh đạo Trung Quốc tại những kỳ họp quốc hội trong ít nhất 40 năm qua.

Trong phát biểu của mình, ông Lý cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối và răn đe mọi hành động ly khai đòi độc lập cho Đài Loan”, khẳng định Bắc Kinh sẽ cải thiện các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác hai bờ eo biển Đài Loan, cũng như bảo đảm phúc lợi cho người dân Đài Loan.

Tiêm kích Đài Loan bám theo oanh tạc cơ Trung Quốc hôm 10/2. Ảnh: Lực lượng vũ trang Đài Loan.
Tiêm kích Đài Loan bám theo oanh tạc cơ Trung Quốc hôm 10/2. Ảnh: Lực lượng vũ trang Đài Loan.

Tuy nhiên, một quan chức Đài Loan cấp cao cho rằng phát biểu của ông Lý không phải dấu hiệu thể hiện Bắc Kinh đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề hai bờ eo biển. “Họ vẫn đề cập tới mô hình thống nhất một cách hòa bình, nhưng sử dụng cách nói gián tiếp”, quan chức này nói.

Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc không bình luận về phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, khiến eo biển Đài Loan có nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát xung đột quân sự.

Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai, nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập không quân, hải quân quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh.

Giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm “xóa nhòa ranh giới” với hòn đảo sau khi kiểm soát được Covid-19. Các hoạt động áp sát của không quân Trung Quốc sẽ dưới ngưỡng châm ngòi chiến tranh, nhưng sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự, tương tự những gì nước này đã làm ở Biển Đông.

Vũ Anh (Theo Reuters) – Vnexpress