Toàn cảnh hội thảo ‘An toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ’

TP HCMBác sĩ chia sẻ biến chứng, cách xử trí trong gây mê, gây tê; an toàn trong phẫu thuật; sai lầm thường gặp khi cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp… tại hội thảo diễn ra chiều ngày 30/11.

Hội thảo “An toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ” thu hút sự tham gia của nhiều bác sĩ, hàng trăm người quan tâm tìm hiểu kiến thức về an toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ, cách xử trí biến chứng.

Hội thảo thu hút hàng trăm người tham gia.
Hội thảo thu hút hàng trăm người tham gia. Ảnh: Hữu Khoa

Các tai biến, biến chứng và cách xử trí trong gây mê, gây tê

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ – Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hiện trên thị trường Việt Nam có nhiều loại thuốc tê. Tác dụng phụ của thuốc tê có thể là dị ứng nhưng khá hiếm gặp. Ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra do dùng quá liều cho phép hay do nồng độ thuốc tê tăng cao đột ngột trong máu như chích thuốc vô mạch máu. Triệu chứng thường nhanh chóng, ồ ạt, bệnh nhân choáng váng, không tự chủ, nói nhảm, tiếp theo co giật, có thể trụy tim mạch.

Khi bệnh nhân ngộ độc thuốc tê, cần ngưng ngay thuốc và gọi người hỗ trợ; quản lý đường thở (mask hay đặt nội khí quản, thở máy, oxygen 100%); chống co giật; quản lý rối loạn nhịp tim; liệu pháp nhũ dịch lipid…

Về gây mê, các biến chứng có thể diễn ra qua các giai đoạn. Giai đoạn tiền mê, người bệnh có thể bị giảm hô hấp, hạ huyết áp. Giai đoạn khởi mê thường có các biến chứng như co thắt thanh quản, phế quản; đặt nội khí quản khó (chiếm tỷ lệ 10%); tắc nghẽn đường thở; tụt huyết áp; rối loạn nhịp – ngừng tim; hít sặc; tổn thương răng (1/100 trường hợp gặp biến chứng này). Giai đoạn duy trì mê sẽ là thiếu oxy; thừa CO2; thức tỉnh trong quá trình mê; ngừng tim; mạch nhanh, mạch chậm; nấc; hạ thân nhiệt. Giai đoạn hồi tỉnh, bệnh nhân có thể bị viêm phổi – xẹp phổi; mù mắt; sốt cao ác tính…

Cách xử trí biến chứng ở giai đoạn tiền mê, nếu giảm hô hấp cần cho thở oxy lưu lượng cao qua mặt nạ trước khi khởi mê, nếu cần, đặt nội khí quản. Khi hạ huyết áp nên truyền dịch, thở oxy, cathecholamine. Giai đoạn khởi mê, khi co thắt thanh quản, phế quản có thể dùng thuốc mê hô hấp, xịt thuốc dãn phế quản và corticoid. Nếu tắc nghẽn đường thở cần giải quyết nguyên nhân, khai thông đường hô hấp, hô hấp hỗ trợ hoặc chỉ huy. Giai đoạn duy trì mê nếu thiếu oxy sẽ xử trí tùy căn nguyên; thừa CO2 cần giải tăng không khí để giảm CO2. Bệnh nhân ngừng tim cần tạm dừng phẫu thuật, hồi sinh tim phổi nâng cao, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hoặc bóp tim trong lồng ngực (khi mở ngực), truyền dịch, dùng thuốc trợ tim. Giai đoạn hồi tỉnh, nếu sốt cao ác tính cần an thần, hạ nhiệt, chống co giật, thở oxy, thông khí nhân tạo…

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ mở đầu phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề biến chứng khi gây tê.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ chia sẻ về các biến chứng có thể gặp khi gây tê, gây mê. Ảnh: Hữu Khoa

Cách đảm bảo an toàn trong phẫu thuật

Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi mổ được bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Tùng (Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam) phân tích kỹ lưỡng. Ông phân loại sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật theo 4 mức độ: 

– Chưa có tổn thương: Sự cố, sai sót gần như sắp xảy ra, có thể xảy ra. Hoặc sai sót xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến người bệnh do may mắn, do phản ứng kịp thời của nhân viên y tế.

– Tổn thương nhẹ: Tổn thương tự hồi phục hoặc không cần can thiệp điều trị.

– Tổn thương trung bình: Đòi hỏi can thiệp điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến chức năng lâu dài.

– Tổn thương nặng: Tổn thương đòi hỏi phải cấp cứu hoặc can thiệp điều trị lớn, gây mất chức năng vĩnh viễn hoặc tử vong.

Theo bác sĩ, có 12 nguyên nhân chính dẫn đến các sai sót, sự cố y khoa liên quan phẫu thuật gồm những lỗi đến từ con người như các nhân viên y tế bất cẩn, thiếu kinh nghiệm. Nguyên nhân còn do nhóm phẫu thuật chưa thực sự ăn ý và gắn kết; có sự hiểu nhầm giữa người bệnh với nhóm phẫu thuật do bất đồng ngôn ngữ; vấn đề trang thiết bị hay thiếu bộ phận giám sát, kiểm soát an toàn phẫu thuật… Sự cố cũng có thể xảy đến từ bản thân người bệnh khi họ bị rối loạn ý thức, thiếu sự hợp tác.

Trích số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bác sĩ Tùng cho biết mỗi năm trên toàn thế giới ước chừng có trên 230 triệu ca phẫu thuật. Biến chứng xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng của bảy triệu trường hợp, trong đó gần một triệu trường hợp tử vong liên quan đến an toàn phẫu thuật, gần 10% các biến chứng chết người xảy ra tại các phòng mổ lớn.

Cứ 150 người bệnh nhập viện sẽ có một trường hợp tử vong do sự cố y khoa và 2/3 sự cố xảy ra trong bệnh viện liên quan đến phẫu thuật. “Tuy nhiên, những sự việc mà chúng ta biết thật ra còn thấp hơn thực tế rất nhiều. Tại Việt Nam, nhiều sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật đã xảy ra”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh, trong danh mục các sự cố y khoa nghiêm trọng phải báo cáo của WHO thì sự cố do phẫu thuật, thủ thuật được đặt lên hàng đầu. Bao gồm: phẫu thuật nhầm vị trí trên người bệnh, phẫu thuật nhầm người bệnh; phẫu thuật sai phương pháp trên người bệnh; sót gạc, dụng cụ…

Để phòng ngừa sự cố y khoa trong phẫu thuật, cần xem phòng tránh sự cố như một vấn đề y tế công cộng của mọi người, đó là trách nhiệm không chỉ từng cá nhân mà cả hệ thống y tế. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu, triển khai hệ thống báo cáo sự cố… Yếu tố con người là rất quan trọng, bác sĩ gợi ý nên tổ chức các khóa học hoặc tọa đàm chủ đề sai sót, sự cố y khoa để nhắc nhở nhân viên y tế thường xuyên. Đồng thời cải thiện điều kiện làm việc và có hệ thống báo cáo sự cố thường xuyên, kịp thời. 

Tuy vậy, nhiều kết quả của nghiên cứu gần đây đã chứng minh việc an toàn người bệnh trong phẫu thuật đã có cải thiện đáng kể. Việc sử dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật của WHO đã làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng phẫu thuật của hơn 1/3 số trường hợp trên tất cả bệnh viện được chọn triển khai thí điểm. Tỷ lệ biến chứng giảm từ 11% xuống còn 7% và tỷ lệ tử vong giảm từ 1,5% xuống 0,8%.

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Tùng cho biết Bệnh viện Kangnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Ảnh: Hữu Khoa.
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Tùng cho biết Bệnh viện Kangnam tuân thủ nghiêm ngặt bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Ảnh: Hữu Khoa.

Xử trí khi ngừng tuần hoàn hô hấp

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết việc ngưng tim, ngưng tuần hoàn hô hấp cần cấp cứu khẩn cấp, dù xảy ra bất kỳ nơi nào (ở đường phố, bệnh viện, công trường, bãi biển, gia đình…).

Hồi sinh tim phổi phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật, thời gian. Hiện nay, chất lượng hồi sinh tim phổi ở Việt Nam và cả thế giới chưa cao, do 3 sai lầm: công tác tổ chức chưa tốt, bỏ phí nhiều thời gian, kỹ thuật chưa đạt.

Bất cập trong khâu tổ chức cấp cứu

Nhiều bệnh nhân ngưng tim được cấp cứu chưa đúng cách. Người chịu trách nhiệm cấp cứu không biết làm gì trước, cái nào sau; không có sự phân công cụ thể công việc cho từng thành viên.

Bác sĩ Huy kể lại, một lần có cháu bé chết đuối ở Quảng Ninh, gần 100 vây xung quanh, hồi sinh tim phổi cho bé và mỗi người làm một cách, không có tổ chức. “Lúc đó tôi liền phân công cho những người cấp cứu, gồm cả người nước ngoài, tôi phân công 4 người làm 4-5 nhiệm vụ khác nhau, tránh tình trạng thiếu tổ chức, không có sự phối hợp từng thành viên, người ép tim và người thổi ngạt chưa phối hợp nhịp nhàng, đồng đều. Rất nhiều người ra lệnh nhưng chẳng ai làm, ai cũng có thể ra lệnh nhưng không ai đứng ra làm”, ông kể.

Khi hồi sinh tim phổi dù ở bệnh viện hay tại gia đình, đều cần phân công một người làm trưởng nhóm, luôn đứng trên đầu hoặc dưới chân bệnh nhân.

Ở bệnh viện, cần tổ chức kíp cấp cứu tại chỗ cho mỗi khoa có bệnh nhân. Việc tổ chức nhóm cấp cứu hồi sinh tim phổi tại chỗ là vô cùng quan trọng, chuẩn bị theo những kịch bản soạn sẵn để kịp ứng phó.

Trang bị máy phá rung cho các khoa nhiều nguy cơ. Nhiều sân bay ở nước ngoài trang bị máy phá rung gắn sẵn trên tường để ai cũng có thể sử dụng. Ngoài ra cần huấn luyện cho mọi cán bộ nhân viên trong bệnh viện đều biết hồi sinh tim phổi, chứ không chỉ những người trong khoa cấp cứu. Những người gián tiếp, nhân viên văn phòng cần biết cách xử trí cơ bản.

Bỏ phí nhiều thời gian

Việc bỏ phí thời gian thường do mọi người quá tập trung xác định ngưng tim, phát hiện nhịp thở. “Trong một lần huấn luyện các nhân viên y tế, tôi nhận thấy nhiều người sờ mạch lần đầu 50% sai, 20% sai lần 2, lần 3 mới đúng. Chúng ta có 10 giây để xác định bệnh nhân có ngưng tim phổi thật hay không, mỗi 10 giây trôi qua, cơ hội cứu sống giảm”, ông khẳng định. Không cần tốn thời gian sờ mạch mà chỉ cần xem xét bệnh nhân có thở hoặc thở ngáp hay không để kịp thời hồi sinh tim phổi.

Kỹ thuật chưa đạt

Nhiều nơi mất thời gian vào huy động trang bị và phương tiện hồi sinh. Nhiều bệnh viện cho máy phá rung vào tủ, khóa lại, nên rất khó tìm. Có đến 1/3 bệnh nhân ngưng tim không được hồi sinh tim phổi đúng nghĩa.

Nếu cải thiện chất lượng kỹ thuật, cải thiện cấp cứu, tỷ lệ cứu sống người bệnh có thể lên rất cao (50% trở lên). Trên thực tế có rất nhiều trường hợp hồi sinh tim phổi chưa được thực hiện chuyên nghiệp, ngay cả một số bác sĩ cũng có thể sai lầm, ép tim quá chậm, lâu.

[Caption] Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy - Phó tổng giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày về các sai lầm trong cấp cứu ngưng tuần hoàn. 
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày về các sai lầm trong cấp cứu ngưng tuần hoàn. Ảnh: Hữu Khoa

Cách khắc phục

Hiệp hội tim mạch Mỹ hướng dẫn cấp cứu hồi sinh tim phổi trân trọng từng giây một, quy định các động tác trong 30 giây. Hồi sinh tim phổi cơ bản cho người dân là không cần thổi ngạt, chỉ cần ép tim. Trong 10 phút đầu tiên chỉ cần ép tim là đủ nhằm tạo dòng máu để tim lên não.

Quy trình trong bệnh viện cần được đơn giản hóa, các dụng cụ cấp cứu trong tầm tay, máy phá rung luôn được cắm sạc pin. Người tham gia trưởng nhóm cấp cứu phải giám sát thời gian xem người ép tim có đủ 2 phút chưa, phải thay người liên tục sau 2 phút để tránh tai biến, biến chứng.

Minh họa đơn giản quy trình BLS: khi bệnh nhân ngưng thở thì phải cấp cứu, hồi sinh tim phổi nhanh chóng, kiểm tra nhịp tim, kiểm tra máy phá rung, quy trình tối giản để cứu sống người bệnh với mục đích chủ yếu là nâng cao chất lượng hồi sinh tim phổi. Ngay cả trong quy trình hồi sinh tim phổi nâng cao cũng tiết kiệm thời gian, ép đúng kỹ thuật. Sau ép tim và tim đập lại phải chuyển đến cơ sở y tế có khả năng làm tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

Tính an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng – Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam nhấn mạnh, tạo hình thẩm mỹ luôn tiềm ẩn rủi ro và biến chứng.

“Bệnh nhân đến khám và tư vấn, nhiệm vụ của bác sĩ là hiểu bệnh nhân muốn gì và làm sao để bệnh nhân hiểu kết quả mình sẽ nhận được. Khi có sự chênh lệch giữa mong muốn hai bên, ví dụ bệnh nhân phàn nàn ‘tại sao mắt nhỏ thế sau phẫu thuật’ cũng là một rủi ro cho cơ sở y tế”, ông nói.

Tiếp theo là rủi ro do khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng qua loa. Thực ra, đây là bước rất quan trọng để phát hiện bệnh nhân có mắc HIV, viêm gan, mang thai hay không, đồng thời tránh được những rủi ro cho cơ sở thẩm mỹ.

Các tai biến và biến chứng nguy hiểm với bệnh nhân trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể đến từ việc gây tê, mê, đó là sốc phản vệ ngộ độc thuốc tê. Cần phát hiện sớm và phân biệt được là sốc hay ngộ độc để có biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời.

Ở nhóm phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ – ghép mỡ, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: giảm thể tích tuần hoàn, hạ thân nhiệt, huyết khối – thuyên tắc mạch, hội chứng tắc mạch mỡ, nhiễm trùng, viêm mô tế bào, hoại tử mỡ, sốc sepsis…

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do hút quá nhiều dịch, mất thể tích tuần hoàn, rối loạn điện giải, kỹ thuật viên không nắm được giải phẫu, không nắm lý thuyết về giải phẫu học, tàn phá mạch nuôi dưỡng tổ chức da vùng bụng, da và tổ chức dưới da bị thiểu dưỡng…

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam chia sẻ về chủ đề an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ảnh: Hữu Khoa.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng – Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam chia sẻ về chủ đề an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ảnh: Hữu Khoa.

Với mỗi loại biến chứng, cần có biện pháp xử trí thích hợp theo phác đồ. Ví dụ khi sốc giảm thể tích, cần đảm bảo hô hấp (đầu thấp, thở oxy, đặt ống…), đảm bảo tuần hoàn (truyền dịch, truyền máu…) kèm các điều trị phối hợp (truyền yếu tố đông máu, giữ thân nhiệt…). Để phòng và xử trí hạ thân nhiệt, cần để nhiệt độ phòng mổ 20-24 độ C; ủ ấm bệnh nhân, ủ ấm dịch truyền; hạn chế bộc lộ phẫy trường rộng; rút ngắn thời gian phẫu thuât.

Với nhóm phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt, người bệnh thường gặp các tổn thương mạch máu. Để dự phòng, trước mổ cần nắm vững giải phẫu, lên kế hoạch mổ tỉ mỉ, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, dự trù lượng máu sẽ mất để chuẩn bị sẵn trong trường hợp cần. Trong khi mổ cần kịp thời phát hiện và xử trí, xem xét biện pháp thắt động mạch cảnh ngoài nếu cầm máu không hiệu quả. Sau mổ phải theo dõi sát và điều trị triệt để các tình trạng phù nề, chảy máu; theo dõi tình trạng hô hấp…

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả còn tham gia phần hỏi đáp, làm rõ các thắc mắc xoay quay việc đảm bảo an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là gây tê và gây mê, nên dùng liều lượng thế nào thì phù hợp…

(Từ trái sang) Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Tùng; Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng; Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy; bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Hữu Khoa.
Từ trái sang: bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Tùng; Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng; Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy; bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Hữu Khoa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ cho biết, một vài trường hợp sau mổ có thể lấy thuốc tê để tiêm thấm cho bệnh nhân nhằm giảm đau sau mổ. Nếu tính đủ liều lượng cho phép thì rất khó xảy ra tình trạng ngộ độc thuốc tê. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn hoặc bệnh nhân đang nói chuyện tự nhiên co giật, suy hô hấp, hôn mê thì rất dễ phát hiện. Lúc đó, bác sĩ sẽ tiếp tục cho bệnh nhân thông khí, đặt ống nội khí quản để hồi sức. Nếu đã đặt ống nội khí quản rồi thì rất khó biết bệnh nhân có ngộ độc thuốc tê hay không. Trong quá trình gây mê, bác sĩ tiếp tục theo dõi trên điện tim, điện tâm đồ để thấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.

Để làm rõ hơn vấn đề này, bác sĩ Quốc Huy cho biết bệnh nhân gây mê nội khí quản về nguyên tắc không cần thiết phải gây tê nhưng các bác sĩ lại thích dùng thuốc tê với mục đích để bóc tách, mổ xẻ cho đẹp. Nếu bệnh nhân đã gây mê rồi hoàn toàn mất ý thức thì chuẩn đoán bệnh nhân có ngộ độc hay không, không thể dựa vào chủ quan mà cần khách quan, dựa trên hai nhóm chủ yếu là thần kinh và tuần hoàn. Bệnh nhân đã gây mê rồi lên cơn co giật là biểu hiện điển hình và thường gặp nhất, tiếp theo là biểu hiện loạn nhịp chậm, có đoạn nhịp chậm nhanh, có đoạn nhịp không lý giải được.

Nhiều người tham gia hội thảo đã đặt câu hỏi cho các bác sĩ. Ảnh: Hữu Khoa.
Nhiều người tham gia hội thảo đã đặt câu hỏi cho các bác sĩ. Ảnh: Hữu Khoa.

Về phía đơn vị chuyên về thẩm mỹ, bác sĩ Lâm Hùng lý giải mục đích của gây mê nội toàn thân là bóc tách, tránh chảy máu. “Tôi biết một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ khi tạo hình thành bụng và hút mỡ không dùng gây mê nội khí quản, chính vì vậy cho nên bác sĩ giảm được biến chứng do gây mê”, ông nói thêm.

Trước đó, phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Phan Công Chiến, Phó chánh văn phòng Bộ Y tế tại TP HCM cho biết nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ của người dân có xu hướng ngày càng tăng cao. Phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến, các cơ sở hành nghề thẩm mỹ phát triển hơn và ngành này được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ông Phan Công Chiến - Phó Chánh văn phòng Bộ Y Tế tại TP HCM.
Ông Phan Công Chiến – Phó Chánh văn phòng Bộ Y Tế tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo ông, thời gian qua, Bộ Y tế triển khai nhiều hoạt động, các quy định pháp luật về chuyên ngành thẩm mỹ. Tuy nhiên những sự cố trong phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra và nguy cơ tái xảy ra trong thời gian tới. Đây không chỉ là điều mà các y bác sĩ quan tâm mà còn là vấn đề chung của Bộ Y tế, cũng là yêu cầu đối với công tác quản trị bệnh viện. Ông đánh giá cao ý nghĩa của buổi hội thảo và nhấn mạnh sự có mặt của các chuyên gia, y bác sĩ sẽ giúp hướng tới các biện pháp tăng tính an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Sau phiên thảo luận của các diễn giả là phần ký kết hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam cùng Bệnh viện Nhân dân 115 nhằm tăng cường yếu tố an toàn và kỹ năng xử lý rủi ro. Cùng với việc ký kết, Kangnam sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Bệnh viện Nhân Dân 115 khi sự cố xảy ra, hướng tới việc tự nâng cao tính an toàn trong từng ca phẫu thuật.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng - Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (trái) ký kết cùng Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Hữu Khoa.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lâm Hùng – Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (trái) ký kết cùng Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Hữu Khoa.

Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam phối hợp với giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhân Dân 115 tổ chức hội thảo khoa học “An toàn trong thẩm mỹ tạo hình”. Hội thảo với mục đích trao đổi, chia sẻ, cập nhật kiến thức về phòng tránh và cách xử trí biến cố… để giảm thiểu tai biến, rủi ro trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực gây mê hồi sức, phẫu thuật tạo hình và hơn 100 y bác sĩ trên toàn quốc.

Phát Đạt – Ngoisao.net