– Tại sao chị và ông xã Lương Thế Thành quyết định nhanh chóng ra miền Trung chỉ sau chưa đầy 3 ngày kêu gọi quyên góp?
– Ban đầu tôi dự định khi nào lũ rút, bão qua đi thì mình mới ra miền Trung vì đó mới là lúc bà con thật sự cần hỗ trợ để tạo dựng lại cuộc sống và chúng tôi cũng có thêm thời gian để kêu gọi quyên góp từ mọi người. Tuy nhiên, đọc báo và liên tục cập nhật tình hình của bà con khiến tôi vô cùng xót xa. Cái đêm Quảng Trị liên tục kêu cứu ở trên mạng xã hội, tôi không thể ngủ được. Ngày hôm sau lại đến Quảng Bình tiếp tục kêu cứu, tôi cảm thấy mình phải đi ngay, không thể nào chậm trễ được nữa. Tôi gọi điện cho bạn bè và cùng nhau lập tức đặt vé máy, đáp chuyến sớm nhất ra Huế và xác định có bao nhiêu tiền thì giúp bấy nhiêu, tùy theo tình huống mà xử lý chứ không lên kế hoạch nào chi tiết cả. Tôi rút hết tiền quyên góp được để mua hàng cứu trợ và chia cho các hoàn cảnh khó khăn.
Sau ba ngày, tôi và các thành viên trong nhóm quyên góp được 1,5 tỷ đồng. Số tiền cứ tăng lên từng giờ. Tôi cũng mong sẽ quyên góp được nhiều hơn để hỗ trợ được nhiều hơn cho các hoàn cảnh khó khăn.
– Trong quá trình kêu gọi quyên góp, điều gì khiến khiến chị bất ngờ nhất?
– Trước khi lên máy bay, tôi dự định chỉ mang hành lý đơn giản rồi vào Huế sẽ mua hàng hóa. Thế nhưng, hãng hàng không khi đó thông báo sẽ miễn cước phí cho hàng cứu trợ nên tôi đã vận động mọi người quyên góp mền, gối, áo ấm để chia cho bà con vào “phút thứ 89”. Chỉ sau hai tiếng, rất nhiều đồ liên tục được chuyển đến. Nhiều người còn mua đồ mới mang đến tận nơi nhờ chuyển vào cho bà con khiến tôi vô cùng cảm động. Đồ đạc chất đầy nhà tôi đến mức không còn lối đi. Trước khi ra sân bay, tôi và ông xã phải mất cả đêm để phân loại, đóng gói thành 8 thùng hàng tất thảy.
– Chị trải qua những ngày như thế nào từ khi đến miền Trung?
– Ngay sau khi đáp máy bay đến Huế, tôi liền đi phát quà cho bà con ở xã Lộc An. Tôi ban đầu được thông báo nơi mình đến bị cô lập vì lũ nhưng lúc đến, tôi mới biết tình hình ở Huế đã tương đối ổn. Vì trời quang mây tạnh nên tôi chỉ phát một số phần quà ở đó để bốn giờ sáng hôm sau đi Quảng Trị. Tuy nhiên, mưa tiếp tục ập tới, khiến cả đoàn bị cô lập. Chính quyền không cho phép các phương tiện di chuyển vì muốn đảm bảo an toàn cho các đoàn thiện nguyện. Xe không đi được nên tôi quyết định nhờ người ở Sài Gòn mua xuồng cứu hộ gửi vào để tiện di chuyển vào những nơi nước ngập để hỗ trợ bà con.
Khi đến Quảng Trị, trời tiếp tục mưa lớn nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn, có lúc nguy hiểm khi vào những khu vực khó đi. Phần quà của chúng tôi bao gồm áo phao, đèn pin và các nhu yếu phẩm như lương khô, mỳ gói… Ngoài hai vợ chồng tôi, đoàn còn có Ái Châu và một số bạn bè khác. Với những gia đình ở quá xa nên không thể đến địa điểm tập kết để nhận quà, chúng tôi đi đến tận nhà để hỏi thăm và trao. Nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm, có mấy bà cụ ở một mình mà nhà chẳng có gì. Vì thế, chúng tôi tự nhủ đi càng sâu càng tốt để hỗ trợ được nhiều người hơn. Sau khi rời Quảng Trị, chúng tôi dự định tiếp tục di chuyển đến Quảng Bình để hỗ trợ bà con.
– Trong hành trình ấy, hình ảnh nào khiến chị cảm thấy ám ảnh nhất?
– Đó là hình ảnh bà cụ nằm chèo queo một mình trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, nhà chẳng có gì, con cái không còn ai. Bà chỉ nằm đó và chờ người đến cứu. Khi đoàn đến, bà khóc và nói rằng bà đói, bà lạnh, bà chỉ biết niệm Phật và chờ Phật đến cứu, dường như Phật đã nghe lời cầu cứu của bà khi để chúng tôi xuất hiện. Lúc ấy tôi thấy xót xa vô cùng và cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa, mình càng phải đi nhiều hơn nữa để giúp đỡ nhiều người hơn.
– Chị làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân cũng như các thành viên trong đoàn khi vào vùng lũ?
– Vừa quyết xong là đi liền nên tôi cũng khá lo về vấn đề an toàn cho đoàn. Tôi may mắn có sư thầy kết nối nên nhận được sự hỗ trợ, chỉ dẫn rất lớn từ địa phương. Đi đến đâu chúng tôi cũng được chào đón, ủng hộ nhiệt tình. Chi phí khách sạn, xe di chuyển đều được hỗ trợ, miễn phí nên nhóm quyết định dành toàn bộ số tiền quyên góp được cho bà con vùng lũ.
Nếu như ngày đầu tiên ở Huế rất yên bình, khiến chúng tôi yên tâm là bão sắp tan thì ngày thứ hai đến Quảng Trị, thời tiết lại rất âm u, mưa liên tục và lũ dâng cao. Nghe thông tin có đoàn cứu trợ gặp nạn, tôi rất lo lắng nên đã cố gắng tìm xuồng để đi phát quà cứu trợ cho bà con.
– Những bức hình chị chụp khi đi cứu trợ ở Huế nhận một số ý kiến trái chiều, chị nghĩ gì về điều đó?
– Khi ra Huế, cả đoàn thấy thời tiết trong xanh quá nên đã chụp hình để thông báo cho các mạnh thường quân rằng mình tới nơi. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng mạng lại trách móc chúng tôi đi từ thiện mà cười nói vui vẻ như đi hội. Đọc những ý kiến như thế, tôi thấy buồn lắm. Trong hoàn cảnh miền Trung phải gánh nhiều khó khăn, tôi hy vọng mọi người cùng nhìn về một hướng và động viên tinh thần cho tất cả những người lên đường đi cứu trợ bà con. Tôi mong người ở nhà hãy nói những lời để người đi có thêm động lực để làm việc tốt.
Đi với nhau nên chúng tôi càng phải động viên nhau giữ tinh thần vui vẻ để vượt qua những khó khăn. Tất cả bảo nhau “Thôi kệ đi, mình cứ làm những điều mình thấy đúng là được”. Chúng tôi chạnh lòng khi vừa đến nơi đã bị bình luận tiêu cực nhưng sau đó lại thấy vui ngay vì mình đã giúp được nhiều người.
– Vợ chồng chị sắp xếp chuyện con cái, gia đình thế nào khi cả hai cùng nhau vào miền Trung?
– Chuyện vào miền Trung cứu trợ bà con là chủ ý của tôi. Nhìn hình ảnh đứa bé cỡ tuổi con trai Bảo Bảo bị vùi trong bùn khiến tôi xót xa, đau đớn không chịu được. Lúc đó, tôi đã quyết định gác hết mọi công việc, không cần biết gì hết để đi. Thấy tôi quá xúc động và rối lên không biết bắt đầu từ đâu, ông xã đã giúp sắp xếp mọi thứ và đi cùng. Chúng tôi nhờ ông bà nội trông con giúp rồi khoác ba lô lên đi. Tôi thấy mình rất may mắn khi có ông xã sẵn sàng đồng hành trong mọi suy nghĩ và hành động.
Chi Anh – Ngoisao.net