Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt nội dung trên, ngày 23/10. Theo đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đề nghị trên được đưa ra để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm “hiệu quả, kịp thời”. Mục đích khác là “khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân”.
Bộ Tài chính được giao khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành liên quan và tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định nêu trên để thay thế nghị định 64 hiện hành.
UBND các tỉnh, thành khẩn trương phối hợp với UBMTTQ VN cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa những người hưởng cứu trợ.
Trước đó, trả lời , ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) cho biết, các quy định của nghị định 64 và thông tư 72 (hướng dẫn thi hành) mục đích để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền kêu gọi hỗ trợ và phân phát tiền cứu trợ một cách hiệu quả; đảm bảo các đơn vị cơ quan nhà nước làm đúng trách nhiệm khi nhận tiền quyên góp.
Việc một số cá nhân huy động tiền dựa trên lòng tin của cộng đồng và trực tiếp làm từ thiện, không thuộc diện quy định của nghị định 64 và thông tư 72.
“Trong khi người dân đang lao đao vì lũ lụt, nhiều cá nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp huy động được tiền và trực tiếp làm từ thiện là việc tốt”, ông Hưng nói và cho rằng nhà nước không ngăn cấm cũng như không ép buộc tất cả dòng tiền từ thiện muốn tới tay người dân phải đi qua Ban cứu trợ (do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trung ương và các cấp thành lập). Nhà nước chỉ khuyến khích cá nhân, tổ chức quyên góp vào các tổ chức chính thống nhằm xác định đúng những người cần hỗ trợ nhất, tránh việc trùng lặp. Có những vùng rất nhiều nhà tài trợ đến nên người dân được hỗ trợ nhiều lần, trong khi rất nhiều người gặp nạn khác lại bị bỏ qua.
“Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đang tham khảo ý kiến để chắp bút sửa đổi nghị định 64 vì phía Mặt trận tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang có những quy định chưa ăn khớp nhau. Ngoài ra, quy định mới sẽ tính tới việc quy định mức hỗ trợ một cách cụ thể và phù hợp hơn”, ông Hưng nói.
Theo điều 5 của nghị định 64/2008, ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
– Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
– Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Viết Tuân – Quốc Thắng – Quỳnh Trang – Vnexpress