Tập đoàn Mỹ muốn làm dự án khí hoá lỏng 15 tỷ USD ở Nam Vân Phong

Millennium muốn làm nhà máy điện khí công suất 9.600 MW và trung tâm LNG sức chứa 15 triệu m3 trên diện tích khoảng 600 ha.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hoà cho biết, hôm 31/7, lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium), doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy điện và trung tâm LNG.

Trung tâm LNG, theo giới thiệu, có sức chứa trên 10 triệu m3 và nhà máy điện có công suất 4.800 MW. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, Millennium sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa lên 15 triệu m3. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 15 tỷ USD.

Đại diện công ty Millennium cho biết muốn đưa Việt Nam nói chung, khu vực Vân Phong nói riêng trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á. Công ty đề nghị tỉnh Khánh Hoà hỗ trợ thủ tục để triển khai dự án. Trong đó, Millennium nhấn mạnh đến việc hỗ trợ quy hoạch địa điểm thực hiện dự án, đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Địa điểm Millennium đề xuất là thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.

Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án của công ty Millennium phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển công nghiệp tại khu vực Vân Phong. Theo ông, điều kiện, năng lực của nhà đầu tư cũng rất tốt, thuận lợi, tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng ký thỏa thuận để nhà đầu tư có thể nghiên cứu, triển khai.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Nguyễn Tấn Tuân đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện thỏa thuận, cho phép công ty Millennium vào khảo sát, nghiên cứu dự án. Các sở, ngành được giao khẩn trương báo cáo việc tổ chức tái định cư cho người dân ở khu vực triển khai dự án. Bên cạnh đó, ông Tuân mong muốn nhà đầu tư cần tích cực phối hợp với tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc.

Trước đó, ngày 1/6, lãnh đạo công ty Millennium Việt Nam cũng có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn giá trị 7 tỷ USD. Dự án được đầu tư bằng hình thức đầu tư trực tiếp: Xây dựng – Sở hữu – Vận hành.

Trong đó, công suất nhà máy điện là 4.800 MW, giai đoạn 1 là 2.400 MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD. Công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.

Phương Ánh – Vnexpress