Tại sao tìm phổi ghép bệnh nhân phi công từ người chết não?

Phổi người lớn có kích thước lớn, khối lượng phổi từ người cho để ghép do đó cũng lớn, không đảm bảo an toàn cho người hiến sống. 

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, ngày 19/5, cho biết có hai nguồn tạng hiến để ghép phổi cho một người. Thứ nhất là nguồn cho từ người chết não, tùy bệnh lý bệnh nhân cần ghép có thể lấy một bên phổi hoặc cả hai bên phổi người hiến. Ca ghép nguyên tạng sẽ đơn giản hơn.

Trường hợp thứ hai là ghép phổi từ người hiến còn sống. Phương án này chỉ phù hợp ghép cho trẻ em.

Ở Việt Nam, bệnh nhi đầu tiên được ghép phổi từ người cho sống là bé trai 7 tuổi ở Hà Giang, tháng 2/2017. Bé trai hỏng toàn bộ phổi do giãn phế quản, phải cắt bỏ. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã lấy một thùy phổi từ bố đẻ và một thùy từ bác ruột để ghép cho bé. Sau ghép, phổi bệnh nhi nở dần.

Ca ghép phổi cho bệnh nhi từ người cho sống kéo dài 11h. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Ca ghép phổi cho bệnh nhi từ người cho sống, tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

“Với người lớn, về nguyên tắc có thể ghép phổi từ người cho sống, nhưng phổi người lớn kích cỡ lớn, khối lượng cho lớn, như vậy người hiến sẽ biến từ một người bình thường thành tàn phế”, phó giáo sư Ước giải thích. Do đó thường không ghép phổi từ người hiến còn sống cho người lớn.

Nếu ghép phổi người lớn từ người hiến còn sống, sẽ cần ít nhất 3 đến 4 người cho. Trường hợp thành công, việc chăm sóc bệnh nhân sau ghép, đặc biệt về miễn dịch, sẽ vô cùng khó khăn.

Do đó, bệnh nhân người lớn chỉ có thể ghép phổi từ người hiến chết não. 

Khi ghép phổi từ người hiến chết não, thể tích phổi người tặng phải tương đương phổi của người nhận, không được chênh lệch quá 30%. Nguồn tạng ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hòa hợp khác.

Bệnh viện Việt Đức đến nay đã thực hiện 5 ca ghép phổi, đều từ nguồn người hiến chết não. Trước mổ ghép, các bác sĩ phải đo đạc kích thước phổi để phù hợp giữa người nhận và người cho. Trong khi phẫu thuật ghép, 4/5 ca phải cắt bớt phổi người cho.

Bác sĩ Ước đánh giá thành công của ca ghép phổi đến 85-90%, tuy nhiên khả năng bệnh nhân sống lâu dài chỉ bằng 50% so với ghép tim. 50% bệnh nhân ghép phổi sống trên 5 năm, ghép tim thì hơn 10 năm.

Do cắt một phần nhỏ phổi, chức năng phổi của người hiến không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên người hiến phổi sau đó không thể làm việc nặng hay chơi các môn thể thao gắng sức.

“Bệnh nhân 91”, phi công người Anh, 43 tuổi, nặng 100 kg, cao 1,81 m, là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay. Bệnh nhân đang sống phụ thuộc hệ thống ECMO, rối loạn đông máu, hội chứng hệ miễn dịch phản ứng thái quá, phổi đông đặc chỉ còn 10-20%. Bộ Y tế chỉ định ghép phổi từ nguồn tạng hiến người chết não. Hơn 40 người sống mong muốn hiến một phần phổi cứu bệnh nhân.  

Theo Vnexpress