Huyền thoại hoá những câu chuyện kể xưa cũ luôn là cái thú của con người. Chẳng hạn như việc chúng ta được thế hệ cha anh kể lại về “người nhện” Lev Yashin. Thế hệ 7x trở đi chẳng mấy ai được xem băng hình những trận đấu của thủ môn huyền thoại người Nga. Song, không ít người ôm hình bóng thần tượng chỉ vì sự tưởng tượng về họ qua những lời kể sống động của lớp người đi trước.
“Bay như vượn – Lượn như chim” là một ví von điển hình dành cho các thủ thành đại tài. Trong cái trí tưởng tượng lớn lao hơn vũ trụ đó, người thủ thành huyền ảo kia có thể cứu thua trước bất kỳ đòn dứt điểm hiểm hóc nào, kể cả ở những góc “bó tay” trong đời thực. Hình dung về người thủ thành như siêu nhân đã gắn bó với quá nhiều đứa trẻ. Để rồi khi lớn lên, mặc định trong suy nghĩ với mỗi người hâm mộ, thủ môn phải là người cản phá xuất sắc.
Tương tự là hậu vệ. Đa số đều quen với mặc định đó là những kẻ kèm người, tranh chấp tay đôi luôn chiến thắng, cắt bóng chính xác, vô hiệu hoá bất kỳ ảo thuật gia nào. Và họ được xem như những bức tường, những lá chắn thép. Phòng ngự, phòng ngự và chỉ phòng ngự. Nó mặc nhiên trở thành một nhiệm vụ xuyên suốt duy nhất của những hậu vệ. Và cũng dễ hiểu thôi, bóng đá đã đi qua những giai đoạn dài mà nhiệm vụ của phòng ngự sẽ chỉ là phòng ngự đơn thuần.
Đến bây giờ, thậm chí vẫn có những người nói đến Franco Baresi, Gaetano Scirea với ánh mắt đầy sự thán phục. Cái lấp lánh trong đáy mắt ấy nó không chỉ mang sự ngưỡng vọng, và những hoài niệm về một thời bóng đá rất lãng mạn mà còn thể hiện chính tư duy rất cổ điển rằng nhiệm vụ duy nhất của những bức tường là phòng thủ.
Nhưng giả như có một cỗ máy thời gian để đưa chàng trai trẻ Baresi ở độ chín của sự nghiệp đến với thế kỷ 21, giá của Baresi sẽ là bao nhiêu và CLB nào sẽ tậu về huyền thoại mới được France Football chọn là 1 trong 10 trung vệ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá? Có thể ông sẽ không đi khỏi Italy như ông từng gắn bó với Milan suốt 20 năm sự nghiệp. Thậm chí, có thể ông còn thất nghiệp ở Serie A cũng nên. Song, rất có thể một trung vệ hạng khá của ngày nay lại là người sẽ được lọt vào top 10 vĩ đại kia nếu cỗ máy thời gian cho anh ta ngược về thập niên 70 hay 80. Đơn giản vì thể lực, tốc độ và mánh lới hôm nay đã hơn hẳn cách đây 30, 40 hay 50 năm nhiều lần. Bóng đá hiện đại không chỉ yêu cầu mỗi một câu chuyện đại khái “cậu phải chặn đứng anh ta bằng mọi giá” đối với một hậu vệ. Nói chung, bức tường đã là một khái niệm cứng nhắc y như hình ảnh nghĩa đen của nó. Ẩn dụ bức tường thực tế đã lỗi thời.
Các thủ thành cũng vậy. Phản xạ nhanh, chính xác, ra vào hợp lý, tung hoành trước khung gỗ để chặn bất kỳ cú nã trái phá hay hiểm hóc nào cũng chỉ là thứ kỹ thuật nền tảng mà một thủ thành chuyên nghiệp phải có. Những Gordons, Yashin, Zoff… chưa chắc đã có việc ở môi trường cạnh tranh cao nhất hôm nay. Đôi găng của họ thực sự đã nhỏ hẹp quá.
Nói vậy không phải để phủ nhận một thế hệ vàng son huy hoàng của những Yashin, Zoff, Scirea, Beckenbauer… Họ vĩ đại trong thời đại của họ. Bình chọn của France Football hay bất kỳ tạp chí nào khác cũng đều chính xác trong những lựa chọn kiểu này. Bởi bóng đá là tiếp nối với hiện tại dựa lưng vào lịch sử mà phát triển để mong mỏi tạo dựng nên tương lai. Và ở mỗi thời đoạn lịch sử, phải có những con người tiêu biểu của nó. Cũng như thế hệ của Cristiano Ronaldo hay Messi. Rồi một mai này, vài ba chục năm nữa, sẽ có người cho rằng cặp trời sinh kia không thể nào so bì với thế hệ tương lai.
Bởi vì bóng đá cũng như tất cả những thứ khác. Nó phải tiến hoá…
Sự tiến hoá của những thủ thành
Cũng như bất kỳ thứ gì trên trần gian này, sự tiến hoá là dần dần, từ từ nhưng luôn có một thời điểm mang chiều kích nhất định và quyết định của nó. Bóng đá cũng có những thời điểm mấu chốt như thế. Chẳng hạn như thị trường chuyển nhượng hôm nay, nó là hệ quả của vụ Bosman năm nào. Và thị trường chuyển nhượng của tương lai cũng vậy thôi, nó sẽ thay đổi vì chính Covid-19, khi mà những ứng dụng như Transferroom đã bắt đầu ra mắt và đi vào sử dụng để các CLB, giới trung gian có thể làm việc với nhau thông qua một nền tảng trên internet thay vì phải gặp gỡ trực tiếp hay gửi một bản burofax đầy sóng gió như Messi cách đây chưa lâu.
Còn những bức tường thành phòng thủ của bóng đá, chúng tiến hoá từ thời điểm nào? Đó là năm 1992, khi FIFA bắt đầu chính thức áp dụng luật mới: luật cấm chuyền về cho thủ môn bắt bóng bằng tay (tạm gọi là Luật 1992). Sau một kỳ World Cup 1990 ảm đạm và nghèo nàn bàn thắng, một kỳ World Cup mà thứ chạm vào cảm xúc sâu sắc nhất lại là cái ca khúc chủ đề của sự kiện, FIFA cảm thấy việc hậu vệ chuyền về cho thủ thành bắt bằng tay là một thứ câu giờ tệ hại khiến cho cơ hội ghi bàn càng eo hẹp hơn. Và từ 1992, không bao giờ cái cảnh cò cưa đưa đẩy đầy tiêu cực ấy còn tồn tại nữa.
Luật cấm chuyền về lập tức có tác động cực lớn. Nó khiến những thủ thành huyền thoại bỗng không còn huyền thoại nữa, chỉ vì đôi chân quá lóng ngóng của mình. Những ai từng xem bóng đá xa xưa hẳn chưa bao giờ quên cái cảnh khi phát bóng lên, nhiều thủ môn đứng yên và để nhiệm vụ phát bóng ấy cho trung vệ. Đơn giản, thủ thành ngày xưa không chú trọng vào chơi bóng bằng chân. Và vì vậy, họ bước vào năm 1992 với sự gian nan vô cùng. Có thể nói, họ đã bị buộc phải bước ra ngoài vùng an toàn của mình để đứng trước thử thách: nếu không tiến hoá thì giải nghệ.
Mà thay đổi một thói quen cố hữu là việc cực kỳ khó, đặc biệt là với những người già.
Thật đáng ngạc nhiên là khi Luật 1992 được công bố, người phản đối nó mạnh mẽ nhất lại là… Cruyff. “Đối với tôi, cái luật này thật vớ va vớ vẩn. Tất cả những gì bọn họ làm chỉ là khiến cho công việc của trọng tài, cầu thủ và HLV thêm rối rắm hơn. Họ là cả một đám chỉ đá bóng trên bàn chứ chưa bao giờ thực sự ra sân trong đời”. Cruyff phản ứng rất nặng dù ai cũng nghĩ lẽ ra một người ưa bóng đá kỹ thuật, tốc độ và cống hiến như ông phải ủng hộ điều luật này. Và Cruyff không đơn độc, để chống lại cái điều luật kia, tạp chí World Soccer thậm chí còn khởi xướng một phong trào “Save our back-pass” (Cứu lấy quyền chuyền về của chúng ta).
Song, thứ Cruyff chống lại thật ra là cường quyền của FIFA chứ không phải ông chống lại buổi bình minh của một cuộc tiến hoá. Ngay trong những ngày còn chơi bóng ở cương vị cầu thủ, Cruyff đã bày tỏ quan điểm về chuyện thủ thành không nhất thiết chỉ là người bắt bóng, phá bóng, ném bóng mà phải như bất kỳ cầu thủ nào khác trên sân. Khi cần, thủ thành phải đá như một trung vệ thòng ở sau lưng hàng thủ và thậm chí, đôi khi phải dám lao lên cản phá trước khi hàng thủ kịp ra tay.
Và không chỉ Cruyff, Louis Van Gaal, người kế tục của ông về chiến thuật ở Hà Lan, cũng cùng suy nghĩ như bậc trưởng bối. Nhưng suy nghĩ của Van Gaal vượt xa Cruyff ở chỗ nếu Cruyff đòi hỏi thủ thành có lúc phải như một hậu vệ thì Van Gaal lại muốn hơn thế nữa. Đúng là người trẻ thì dễ thích nghi hơn và dấn thân hơn. Van Gaal còn thích thú với Luật 1992. Chính sự thích thú của ông, cùng với tuyên bố xanh rờn “Thủ môn cũng phải chơi bóng” đã là nền tảng của thứ bóng đá “đập tan bức tường cổ lỗ sĩ” sau này.
Khi đó, ở Ajax Armsterdam, thủ thành là Stanley Menzo, một cầu thủ đúng chất Ajax, nghĩa là được đào tạo từ học viện với đồng đều mọi kỹ năng chứ không phải chỉ chuyên biệt hoá cho một vị trí đơn thuần. Và Menzo là một thủ thành chơi chân tốt hiếm hoi thời đó. Lý do là bởi ông vốn xuất thân từ một trung vệ thòng ở học viện, rồi chơi trung vệ dập, và cuối cùng lui về bắt gôn. Ông nói: “Tôi có thể bắt gôn nhưng tôi cũng có khả năng chơi bóng. Tôi làm tốt cả hai. Và không phải tôi chọn chơi cái gì, mà tôi đã trở thành cầu thủ như thế nào”.
Nhưng những quan điểm như của Cruyff hay là sự trở thành của Menzo mới chỉ là ý niệm sơ khởi. Nó chưa có một lộ trình cụ thể để tiến hoá. Luật 1992 thúc đẩy lộ trình đó và người có công lớn nhất cho việc tạo ra lộ trình đó chính là Van Gaal. Khi ông nói về việc thủ môn phải chơi bóng, ông cũng bắt đầu phát triển thứ gọi là “ball-playing defender” mà chúng ta có thể gọi nôm na là hậu vệ biết làm bóng. Quyết định lớn nhất của ông để tạo ra những biến chuyển cho tuyến phòng ngự sau này chính là việc loại Menzo để sử dụng Van der Sar, một thủ thành trẻ hơn nhưng có tầm nhìn hơn để có thể chơi bóng đúng nghĩa chứ không chỉ đóng vai hậu vệ khi cần như Menzo.
Trong khi đó, ở châu Âu lại xuất hiện một thủ thành khác chơi chân cũng ác liệt. Người đó là Peter Schmeichel. Nhiều người tìm nhiều cách để lý giải nguyên nhân Đan Mạch vô địch Euro 1992 nhưng ít ai để ý rằng công của Schmeichel rất lớn. Trong bối cảnh các đội tuyển khác đang vô cùng lúng túng vì Luật 1992, Đan Mạch hoà nhịp một cách êm ru nhờ vào tài năng của Schmeichel.
Và cái nghề thủ môn chơi chân đã bắt đầu manh nha lúc ấy với hai bậc thầy ban đầu: Schmeichel và Van der Sar. Cả hai người đó sau này đều trở thành biểu tượng cầu môn ở Man Utd và thậm chí, chính Manuel Neuer còn nói “Van der Sar là cảm hứng của tôi. Tôi ngưỡng mộ lối chơi của anh ấy và triết lý của Ajax”. Trong khi đó, rất nhiều thủ thành đã đánh giá cực cao Van der Sar về việc nắm bắt các khoảng không gian phía trước mặt thành và có thể hoạt động như một cầu thủ hậu vệ đúng nghĩa. Còn Van der Sar thổ lộ: “Luật 1992 thay đổi đời tôi vì trước đó, tôi đã là một người chơi chân rất tốt”.
Chính Van der Sar đã được Cruyff ghi nhận rất cao trong thành công của Ajax ở Champions League 1995, thậm chí coi là quan trọng nhất trong đội hình của Van Gaal ngày ấy. Và Cruyff thực tế đã “soi” Van der Sar từ hồi 1992-1993. Ông muốn đưa anh về Barca nhưng không thể. Sau trận thua Milan ở chung kết 1994, Cruyff hết kiên nhẫn với Adoni Zubizarreta và ông đã đưa Carles Busquets (cha của Sergio Busquets) lên bắt chính. Đó cũng chính là thủ thành chơi chân tốt đầu tiên của bóng đá Tây Ban Nha và là tiền đề cho Victor Valdes sau này.
Và sự tiến hoá của những bức tường
Khi các thủ thành tiến hoá, bắt đầu có một nhu cầu phát sinh kéo theo. Thứ gọi là “triển khai bóng từ tuyến dưới” đã bắt đầu hình thành bởi những cú chuyền bóng chính xác của thủ môn đã khai tử dần các pha phát bóng lên năm ăn năm thua. Những cú chuyền bóng chính xác đó tạo một áp lực lớn kinh khủng lên hai vị trí: tuyến hậu vệ và vị trí số 6.
Nếu trước kia, hậu vệ đơn thuần phòng thủ, đoạt bóng là đưa ngay cho cầu thủ gần nhất phía trên mình theo kiểu shipper càng nhanh càng tốt hoặc phá bóng, phất bóng dài lên thì bây giờ họ phải khác. Nhận quả bóng từ thủ thành, họ phải làm gì để quả bóng đó có ích, nhất là khi các cầu thủ đối phương bắt đầu phong tỏa và tạo áp lực. Họ bắt đầu phải chơi bóng đúng nghĩa. Đòi hỏi dành cho hậu vệ về chơi bóng bắt đầu khắc nghiệt hơn.
Vào khoảng cuối thập niên 1990, người hâm mộ đều trầm trồ với khả năng chuyền dài chính xác của Frank Leboeuf, nhưng giờ đây đó chỉ còn là trò vặt vãnh của các trung vệ. Ngắn, dài, trung bình, chuyền tịnh tiến di chuyển người nhận, chuyền điểm rơi… các hậu vệ hiện đại phải nắm chắc như học trò thuộc bản cửu chương. Đó đã là yêu cầu tối thiểu chứ không còn là một biệt tài như ngày nào nữa.
Nhưng trước khi các trung vệ làm được điều đó, đã có khoảng thời gian nhiều đội bóng phải sử dụng phương án kéo một tiền vệ số 6 về đá trung vệ để khai thác khả năng chuyền bóng của họ rồi. Điển hình là Marcel Desailly. Vâng, cầu thủ xuất thân là tiền vệ số 6 ấy bây giờ được France Football bình chọn nằm trong top 10 trung vệ vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá và chính khán giả, các đồng nghiệp, HLV cũng nhớ Desailly ở vai trò này chứ không ở vị trí tiền vệ như hồi anh mới chơi cho Nantes.
Song, nói gì thì nói, cái nôi của những phát triển bóng đá hiện đại vẫn phải là Hà Lan nói chung và Ajax nói riêng. Thế hệ trung vệ của Van Gaal thời 1992-1997 ở Ajax toàn những hảo thủ chuyền bóng như tiền vệ. Cơ bản, Ajax duy trì một hệ thống đào tạo đa năng vì họ không bao giờ muốn thiết kế một đứa trẻ trở thành một ai đó trong tương lai. Việc trở thành một ai đó là lựa chọn tự nhiên của đứa trẻ ấy. Vì thế, những đứa trẻ của Ajax đều được trang bị kỹ nghệ đầy mình để từ đó họ vang danh ở châu Âu suốt mấy thập niên.
Mô hình Ajax đã bắt đầu được học hỏi rất nhiều ở các nước châu Âu khác. Tất nhiên, trong sự học hỏi ấy, mỗi nơi đều có biến thể riêng của mình để tạo ra đặc sản. Và bắt đầu một thế hệ cầu thủ phòng ngự phá bỏ bức tường cổ lỗ để trở thành cầu thủ hiện đại đã ra mắt vào khoảng từ sau năm 2000. Tại sao lại là sau năm 2000? Đơn giản, khi Luật 1992 ra đời, các học viện phải mất một thời gian điều chỉnh rất mạnh mẽ trong khâu đào tạo thủ thành và các hậu vệ. Lứa quả ngọt đầu tiên đến sau Luật 1992 khoảng tám năm và đó thực sự là một khoảng chờ quá ngắn.
Song, vẫn có những quốc gia khá chậm trong việc chuyển đổi mà điển hình là Italy. Một đất nước tự hào về phòng ngự đã phòng ngự đúng như một bức tường. Bởi vậy, họ không thể giới thiệu nổi một thủ thành kiểu hiện đại nào cho xứng tầm với nền bóng đá của mình. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Gianluigi Buffon là đủ. Từ năm 1995 đến giờ, Buffon vẫn sừng sững trong khung thành. Anh cũng được France Football chọn vào một trong 10 thủ thành vĩ đại kỳ này nhưng sự vĩ đại ấy để lại cho bóng đá Italy điều gì? Khi không có người kế tục xứng đáng, thảo nào Buffon chơi bóng với cả hai cha con Chiesa ở khoảng thời gian cách nhau vài mươi năm.
Trở về với thời hiện đại, và nhìn cái cách mà Liverpool phong tỏa ở ngay phần sân đối phương. Đối diện họ, khi phát bóng, đối thủ luôn dùng hai hậu vệ đứng ngay trong vòng cấm, ở hai phía của thủ thành. Với một đội bóng ép bạn phải xử lý quả bóng một cách khôn khéo ngay từ gần sát vạch đường biên sân nhà mình, cách duy nhất là thủ thành và hậu vệ của bạn phải có kỹ năng chơi bóng đỉnh cao may ra mới thoát được phong tỏa.
Không thể gọi hàng phòng ngự là những bức tường được nữa. Bóng đá đã tiến hoá rất nhiều, với cái đích cụ thể là các đòi hỏi được đặt ra để mỗi lứa cầu thủ lại phải cải thiện mình hơn nữa về năng lực. Và bởi vậy, khi nhìn vào danh sách của France Football rồi giật mình tự hỏi tại sao Neuer lại đứng ngang huyền thoại Yashin, Sergio Ramos xếp cùng huyền thoại Beckenbauer… chúng ta hãy hiểu rằng bởi họ xứng đáng, bởi họ là kết quả đúc rút bởi nhiều thế hệ liên tục nâng cấp vị trí mà họ đang chơi, sự nâng cấp được cấu thành không phải chỉ bằng kỹ năng của đôi chân, bộ óc của cầu thủ mà còn bởi cả ý tưởng nhiều khi ngỡ là điên rồ của những người đá bóng trên bàn như lời Cruyff nói.
Hà Quang Minh – Vnexpress