Sai lầm khiến lính Đồng minh thảm sát lẫn nhau năm 1943

Quân Mỹ và Canada cùng đổ bộ lên đảo Kiska năm 1943, nhưng lính Nhật đã rút hết, khiến binh sĩ Đồng minh bắn lẫn nhau vì trời sương mù.

Mùa hè năm 1943, liên quân Mỹ – Canada phát động cuộc đổ bộ mang mật danh “Cottage” (Nhà tranh) lên đảo Kiska ở phía bắc Thái Bình Dương nhằm chiếm lại cứ điểm cuối cùng do đế quốc Nhật kiểm soát ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, chiến dịch này được coi là một thất bại thảm hại, khi quân Đồng minh hứng chịu thiệt hại nặng nề dù không có lính Nhật trên đảo.

Kiska thuộc quần đảo Aleutian, chuỗi đảo núi lửa trải dài từ đất liền Alaska đến rìa phía tây biển Bering. Cằn cỗi, lộng gió và bị bao phủ bởi sương mù quanh năm, quần đảo Aleutian là nơi có thời tiết khắc nghiệt nhất và lãnh thổ hoang vắng nhất trên lục địa Bắc Mỹ.

Vị trí quần đảo Aleutian trên Biển Bering. Đồ họa: Arsof.
Vị trí quần đảo Aleutian trên Biển Bering. Đồ họa: Arsof.

Bất chấp điều đó, Nhật Bản rất quan tâm đến quần đảo Aleutian bởi vị trí địa lý của nó. Các đảo tạo thành một hành lang tự nhiên giữa bán cầu Đông và Tây. Đế quốc Nhật hy vọng việc chiếm giữ các địa điểm chiến lược quan trọng dọc quần đảo này sẽ giúp họ kiểm soát và bảo vệ khu vực phía bắc lãnh thổ mà nước này kiểm soát trên Thái Bình Dương.

Quân Nhật chiếm đảo Kiska và Attu thuộc quần đảo Aleutian ngày 7/6/1942. Động thái này giáng đòn tâm lý đáng kể vào nỗ lực chiến tranh của Mỹ, bởi chưa từng có lực lượng nào chiếm đóng lãnh thổ Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh với Anh năm 1812. Sự hiện diện của quân Nhật tại Aleutian cũng đe dọa tuyến phòng thủ bờ tây Canada, thể hiện qua vụ tàu ngầm Nhật nã pháo vào hải đăng trên đảo Vancouver ngày 20/6/1942.

Ngày 30/5/1943, Mỹ tái chiếm Attu và bắt đầu lên kế hoạch cùng quân đội Canada giành lại đảo Kiska. Trong suốt tháng 7/1943, không quân và hải quân Mỹ dội hơn 700 tấn bom đạn xuống hòn đảo để mở đường cho chiến dịch đổ bộ. Chiến dịch dội bom tiếp tục kéo dài sang tháng 8 và chỉ gián đoạn do thời tiết xấu.

Lực lượng Mỹ tập kết trước cuộc tấn công giành lại đảo Kiska. Ảnh: US Navy.
Lực lượng Mỹ tập kết trước cuộc tấn công giành lại đảo Kiska. Ảnh: US Navy.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, các chiến lược gia Nhật Bản nhận thấy đảo Kiska không còn đủ khả năng phòng thủ và bắt đầu lên kế hoạch sơ tán lực lượng đồn trú. Phân tích không ảnh cho thấy các hoạt động thường ngày trên đảo giảm đi đáng kể và quân Nhật hầu như không có động thái nào trong bến cảng. Các thiệt hại do bom dường như không được khắc phục. Ngày 28/7, tín hiệu vô tuyến từ Kiska đã ngừng hoàn toàn.

Nhưng các tướng chỉ huy quân đội Mỹ và Canada vẫn quyết định mở chiến dịch chiếm lại đảo Kiska. Từ ngày 15/8/1943, họ huy động lực lượng hùng hậu gồm ba thiết giáp hạm, hai tuần dương hạm và 19 khu trục hạm với tổng quân số 34.426 người, trong đó có 5.300 binh sĩ Canada, tiến hành chiến dịch.

Trước cuộc đổ bộ, đô đốc Mỹ Thomas Kinkaid tự tin tuyên bố chiến dịch này là “một cuộc diễn tập tốt cho mục đích huấn luyện”.

Ngày hôm đó, quân Mỹ gồm Sư đoàn Bộ binh số 7, Trung đoàn Bộ binh số 4, Trung đoàn Bộ binh Sơn cước số 87 và Đơn vị Biệt kích số 1 đổ bộ lên đảo, trong khi Lữ đoàn Bộ binh Sơn cước số 13 của Canada đổ bộ một ngày sau.

Lính Canada ngắm bắn vị trí quân Nhật trên đảo Kiska. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Lính Canada ngắm bắn vị trí quân Nhật trên đảo Kiska. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Lực lượng đổ bộ luồn sâu vào đảo trong hai ngày tiếp theo mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào, dù họ ước tính có khoảng 11.000 lính Nhật phòng thủ trên đảo.

Trong làn sương mù dày đặc, binh sĩ Mỹ và Canada tưởng nhầm nhau là quân Nhật nên giao tranh dữ dội, dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên mà không biết rằng họ đổ bộ lên hòn đảo không người. Những ngày sau đó, có thêm nhiều quân Mỹ và Canada thiệt mạng do trúng mìn.

Tổng cộng 32 binh sĩ đã thiệt mạng và 121 người bị thương do bắn nhầm và các lý do khác nhau sau nhiều ngày lùng sục trên hòn đảo không người. Hải quân Mỹ cũng chịu thiệt hại lớn khi tàu khu trục USS Abrner Read trúng thủy lôi trong lúc tuần tra ngoài khơi đảo Kiska ngày 18/8. Sự việc khiến 71 thủy thủ thiệt mạng và 47 người bị thương, chiến hạm cũng bị hư hại nghiêm trọng.

Chiến dịch Cottage kết thúc khi lực lượng Mỹ – Canada xác nhận kiểm soát toàn bộ đảo, họ ghi nhận tổng cộng 313 người thương vong, đa số là do bắn nhầm đồng đội. Số khác thiệt mạng do trúng mìn hoặc bom hẹn giờ quân Nhật để lại. Lúc này, quân Mỹ – Canada mới nhận ra toàn bộ 5.183 lính Nhật trên đảo đã sơ tán từ ba tuần trước khi họ đổ bộ.

Duy Sơn (Theo World Wars) – Vnexpress