Sài Gòn thiếu công viên trầm trọng

Quy hoạch 11.400 ha công viên với chỉ tiêu 7 m2/người, nhưng hiện thành phố mới đạt hơn 500 ha – tức 0,55 m2 mỗi người dân, chỉ bằng 1/16 Singapore.

5h30 ngày cuối tuần, bãi đất trống phía sau chung cư Hòa Bình, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, nhộn nhịp người tập thể dục. Lòng đường rộng hơn 3 m sát trường THPT Vĩnh Lộc có nhóm đàn ông đứng đá cầu. Trên vỉa hè, hai thanh niên tập cơ bụng, hít đất. Gần đó, hơn 10 người dựng xe máy, ngồi bệt dưới đất bắt đầu buổi thiền dài hơn 30 phút.

Ông Lê Văn Bé, 65 tuổi, sinh ra và lớn lên tại quận Bình Tân, cho biết quận không có công viên nào. Mỗi sáng ông dậy từ 4h, đạp xe 15 km xung quanh khu dân cư Vĩnh Lộc, rồi mới đến đây chơi thể thao. Ông và người dân thường phải tận dụng mặt đường, vỉa hè hoặc khuôn viên cây xanh ở các chung cư để tập thể dục.

Do thiếu công viên nên người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân phải tập thể dục trên vỉa hè. Ảnh: Hà An.
Do thiếu công viên nên người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, tập thể dục trên vỉa hè. Ảnh: Hà An.

Nhiều người dân bày tỏ mong muốn quận Bình Tân đầu tư, xây dựng công viên. Đây là quận đông dân nhất TP HCM với 784.000 người. Các công viên vừa và nhỏ, rộng từ 1.000 đến 10.000 m2 đều của doanh nghiệp xây phục vụ dự án nhà ở, chung cư.

Tình trạng này cũng diễn ra tại các quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… bởi không có công viên công cộng diện tích lớn phục vụ người dân.

Trung tâm thành phố có nhiều mảng xanh hơn, song một số nơi bị lấn chiếm, nhếch nhác. Điển hình như Công viên 23 tháng 9 (quận 1) thời gian dài bị các công trình xây dựng, quán cà phê, mua sắm, dịch vụ… bủa vây. Giữa năm ngoái, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan phải trả mặt bằng để công viên này chỉnh trang, cải tạo kết nối với tuyến Metro Số 1.

Theo Sở Xây dựng, diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch của thành phố lên đến 11.400 ha với chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên chỉ hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55 m2 mỗi người, bằng 1/16 lần so với Singapore (8 m2 công viên, cây xanh cho mỗi người).

Với tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay, thành phố sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại.

Trung tâm TP HCM có khá nhiều công viên. Trong ảnh là Công viên Cảng Bạch Đằng nằm bên bờ Tây sông Sài Gòn - nơi hiếm hoi không bị lấn chiếm. Ảnh: Nhung Nguyễn.
Trung tâm TP HCM có khá nhiều công viên. Trong ảnh là Công viên Cảng Bạch Đằng nằm bên bờ Tây sông Sài Gòn – nơi hiếm hoi không bị lấn chiếm. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM phê duyệt đề án Phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu tăng diện tích công viên, cây xanh trên đầu người từ 0,55 m2 lên 0,65 m2 vào năm 2025 và một m2 vào năm 2030.

Dự kiến năm 2030, thành phố tăng thêm 650 ha đất cho công viên. Để đạt mục tiêu này, Sở Xây dựng rà soát toàn bộ khu đất được quy hoạch làm công viên trong các đồ án quy hoạch 1/500, 1/2.000 các quận, huyện. Tùy theo tính chất từng lô đất, Sở sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư làm công viên. 

Những công viên công cộng có quy mô lớn (trên 10 ha) sẽ được khuyến khích xã hội hóa. Chủ đầu tư có thể xây dựng xen cài, khai thác các khu vui chơi có thu phí nhưng phải có một phần diện tích làm công viên công cộng. Các công trình khai thác trong công viên như quán giải khát, nhà vệ sinh, bãi xe… không được thay đổi chức năng chính của công viên.

Chủ đầu tư các dự án nhà ở phải hoàn thiện các dự án công viên, cây xanh theo đúng quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500. Đến năm 2025, các quận trung tâm thành phố sẽ trồng mới khoảng 30.000 cây xanh; năm 2030 trồng 50.000 cây. Các dự án đầu tư có công trình công viên, phát triển cây xanh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.

Theo Sở Xây dựng, ngoài huy động nguồn lực trong nước, thành phố cần phải học hỏi những tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng, phát triển công viên. Sở đề xuất UBND thành phố hợp tác với Ủy ban quản lý nhà nước lĩnh vực công viên cây xanh (National Park) tại Singapore trong việc đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, chăm sóc công viên…

Tăng tốc xây dựng công viên cho người Sài Gòn - 4
Phối cảnh Công viên 23 tháng 9 sau khi được chỉnh trang sẽ trở thành công viên hiện đại nhất TP HCM. Ảnh: Sở Quy hoạch – Kiến trúc.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Minh Nhựt (Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân) cho biết, trong 5 năm tới khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng hơn 16 ha sẽ được chuyển đổi thành công viên phục vụ người dân. Khu vực công viên tương lai gần các trục đường lớn, rất thuận lợi cho người dân đến sinh hoạt, tập thể dục, thể thao…

Cuối năm ngoái, UBND TP HCM chấp thuận đề xuất của Quận ủy quận 12 và Sở Xây dựng về việc xây dựng khu công viên cây xanh tại khu đất có diện tích khoảng 150 ha ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An. Do diện tích lớn, công viên này vừa phục vụ nhu cầu thưởng lãm, vui chơi giải trí, kết hợp các chức năng về điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực.

Hà An – Vnexpress