Tháng 3/2020, cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh lần đầu bị hoãn sau hàng thập kỷ, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng kiểm soát Covid-19.
Sự kiện quan trọng năm nay bắt đầu vào ngày 6/3 như thông lệ trong bầu không khí chiến thắng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập, người đã vươn lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Trung Quốc đã gần như kiểm soát hoàn toàn Covid-19, trong khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau những tổn thất nghiêm trọng từ đại dịch. Trung Quốc được dự đoán vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó.
Thành công xử lý Covid-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng minh cho đảng Cộng sản Trung Quốc và bất kỳ nhà phê bình nào rằng “thậm chí đại dịch cũng không thể ảnh hưởng tới ông ấy”, theo Steven Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS, Anh.
Giới chuyên gia cho biết ông Tập đang củng cố vị thế mình trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản vào tháng 7, có thể sánh ngang tầm người khai sinh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông.
Nhiệm kỳ 10 năm đầu tiên trong vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập sẽ kết thúc vào tháng 11/2022. Nhưng Tsang nhận định hiện tại, chỉ có một ứng viên tiềm năng duy nhất cho vị trí đó.
“Chúng ta biết chính xác ai sẽ là người kế nhiệm ông Tập Cận Bình và nó thậm chí rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính là ông Tập Cận Bình”, Tsang nói.
Theo truyền thống vào tháng 3 hàng năm, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), tức quốc hội, và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu đất nước, sẽ tổ chức họp kép, thường được gọi là “lưỡng hội”.
Kỳ họp năm nay sẽ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, vạch ra lộ trình chi tiết cho các ưu tiên của chính phủ Trung Quốc từ nay tới năm 2025 và bao gồm mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nghiên cứu công nghệ. Lưỡng hội năm nay cũng sẽ thảo luận về tầm nhìn phát triển của Trung Quốc tới năm 2035, một kế hoạch dài hạn thường không được tiết lộ chi tiết.
Bill Bishop, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, cho rằng kế hoạch dài hạn có thể chỉ ra thời gian nắm quyền của Tập Cận Bình. Nhiều chuyên gia cũng nhận định khả năng ông Tập sẽ gia tăng quyền lực sau khi Trung Quốc chiến thắng đại dịch.
Tháng 11 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo đã đạt mục tiêu xóa “nghèo cùng cực”, hoàn thành lời hứa của ông Tập năm 2015. Tại buổi lễ nhằm tôn vinh thành tựu này hôm 25/2, Chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi tầm nhìn ông đã đưa ra về vấn đề “nghèo đói thực sự”.
Trong vài tháng gần đây, truyền thông Trung Quóc đã hết lời ca ngợi vai trò của ông Tập trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. Bài viết hôm 23/2 trên trang People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi “đôi mắt của Tổng bí thư Tập Cận Bình luôn hướng về người dân”.
Chỉ vài ngày trước khi lưỡng hội bắt đầu, People’s Daily đăng một bài viết khác ca ngợi vai trò của ông Tập trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, mô tả ông là người “có tầm nhìn rộng lớn và lòng dũng cảm phi thường của chính trị gia và chiến lược gia theo chủ nghĩa Mác”.
Carl Minzner, gáo sư tại Đại học Luật Fordham, chỉ ra cách truyền thông quốc gia Trung Quốc viết về ông Tập đang bắt đầug thay đổi. “Trong các bài báo, ông Tập là trọng tâm. Ông ấy là người biến mọi thứ thành hiện thực. Đó không phải về đảng Cộng sản, các thể chế hay các lãnh đạo khác. Nó là về chính ông ấy”, Minzner nói.
Trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Bắc Kinh tháng trước khởi động “Chiến dịch nghiên cứu lịch sử đảng”. Một bài luận của hãng thông tấn nhà nước Xinhua nhận định cần phải “thống nhất tư tưởng của các thành viên và nâng cao tinh thần của họ”.
Nhưng Bishop cho rằng chiến dịch cũng nhằm củng cố vị thế của ông Tập trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, chia thành ba thời kỳ gồm thời Mao Trạch Đông, thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và giờ là thời của ông Tập.
Ben Westcott, biên tập viên của CNN, nhận định quyền lực mạnh mẽ của ông Tập được chứng tỏ rõ nhất qua việc chưa thấy ứng viên kế nhiệm. Thông lệ từ năm 2002 là các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm và sau đó trao quyền cho tổng bí thư mới.
Nhưng năm 2018, Trung Quốc đã loại bỏ giới hạn về thời gian tại nhiệm đối với vị trí chủ tịch nước, cho phép ông Tập có thể nắm quyền trọn đời nếu muốn. Ông Tập cũng là người đứng đầu đảng và quân đội Trung Quốc.
Khi chỉ còn chưa đầy 18 tháng trước đại hội đảng 2022, Trung Quốc dường như chưa có bất kỳ ứng viên tiềm năng nào có thể kế nhiệm ông Tập. Trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị gồm 7 thành viên, “cái nôi” của tổng bí thư mới, tất cả lãnh đạo đều quá già để phục vụ thêm 10 năm, khi độ tuổi nghỉ hưu không chính thức là 68.
Hầu hết chuyên gia đều có chung nhận định ông Tập sẽ chắc chắn phục vụ thêm một nhiệm kỳ. “Trừ khi có điều gì bất thường xảy ra mà chúng ta không thể lường trước, ông Tập sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba”, Tsang nói.
Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney, thậm chí còn dự đoán khả năng ông Tập có thể phục vụ nhiệm kỳ thứ 4 hoặc lâu hơn, nếu không tìm ra người kế nhiệm tiềm năng hoặc Chủ tịch Trung Quốc không đề xuất người có khả năng thay thế ông trong đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 11/2022.
“Khả năng chuyển giao quyền lực hòa bình là một trong những thành tựu lớn nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc và tôi không nghĩ ý tưởng tốt này sẽ bị ném qua cửa sổ”, McGregor nói.
Thanh Tâm (Theo CNN) – Vnexpress