Pompeo ‘chiếm sóng’ trong khủng hoảng Iran

Một cố vấn cấp cao của Trump xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông để nói về Iran, nhưng đó không phải là lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chiếm lấy sự chú ý của công chúng Mỹ trong những ngày căng thẳng sục sôi với Iran khiến hai nước đứng bên miệng hố chiến tranh. Một số nhà quan sát coi ông như bộ trưởng quốc phòng không chính thức, làm lu mờ Bộ trưởng Quốc phòng thực tế Mark Esper.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xuất hiện trên chương trình tin tức của CNN ngày 3/1. Ảnh: CNN.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xuất hiện trên chương trình tin tức của CNN ngày 3/1. Ảnh: CNN.

Việc Pompeo trở thành tiếng nói đại diện cho chính quyền Mỹ trong căng thẳng Iran cho thấy tầm ảnh hưởng lớn mà ông nắm giữ trong nhóm phụ tá thân cận của Trump. Pompeo là “người nổi bật trong đội ngũ an ninh quốc gia, những người khác phải theo ý ông ấy”, Tom Wright, học giả Viện Brookings, nói.

Pompeo xuất hiện trên tất cả chương trình talk show lớn vào chủ nhật tuần trước để trả lời hàng loạt câu hỏi hóc búa về quyết định không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Vốn có quan điểm cứng rắn với Iran, Pompeo quyết liệt bênh vực cho cuộc tấn công, mặc dù động thái này dẫn đến đòn trả thù của Iran và một nghị quyết của quốc hội Iraq kêu gọi Mỹ rút quân khỏi nước này. Pompeo, người đứng đầu lớp khi tốt nghiệp học viên quân sự West Point danh giá năm 1986, có vẻ giống một lãnh đạo quân sự hơn là nhà ngoại giao hàng đầu.

“Chúng tôi đã loại bỏ một kẻ xấu khỏi chiến trường. Chúng tôi đã quyết định đúng. Giờ đây lực lượng Mỹ trong khu vực chịu ít rủi ro hơn nhờ cuộc tấn công đó”, Pompeo nói trong chương trình “State of the Union” của CNN.

Chỉ trong ngày chủ nhật 5/1, Pompeo đã chạy như con thoi và xuất hiện trong 5 chương trình truyền hình để thảo luận về chính sách của Mỹ với Iran sau đòn không kích hạ sát Soleimani. Ngoài “State of the Union” của CNN, ông còn tham gia chương trình “This Week” của ABC, “Meet the Press” của NBC, “Face the Nation” của CBS và Fox News Sunday.

“Các chính quyền trước đây đã cho phép các nhóm dân quân Shiite bắn vào người Mỹ. Nhưng chúng tôi hiện nay đã đáp trả, tìm cách thách thức và tấn công những kẻ xách súng chạy khắp nơi”, ông nói trên chương trình This Week. “Chúng tôi có cách tiếp cận rất khác”.

Tuy nhiên, một quan chức chính quyền Trump nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã cố tình ít xuất hiện trong những ngày qua. “Chính quyền đã chọn Bộ trưởng Pompeo, nhà ngoại giao hàng đầu, xuất hiện để giảm căng thẳng và để mở cơ hội đàm phán”, quan chức giấu tên nói.

Thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã xuất hiện trên truyền thông trong vài giờ trước cuộc tấn công Soleimani. Ông nói với phóng viên hôm 2/1 rằng Mỹ sẽ “có hành động phủ đầu để bảo vệ các lực lượng Mỹ”, cảnh báo Iran rằng “cuộc chơi đã thay đổi”. Ông cũng lên tiếng ngày 6/1 để làm rõ quân đội Mỹ không có ý định rút khỏi Iraq, mặc dù một tướng thủy quân lục chiến Mỹ đã viết thư gợi ý điều này.

Nhưng Esper sau đó gần như không xuất hiện tiếp trên truyền thông. Với tình hình nguy hiểm ở Trung Đông, sự vắng mặt của ông khiến một số phóng viên mảng quân sự thắc mắc. Họ từ lâu đã phàn nàn về việc có quá ít cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc.

Các cựu quan chức quân đội và các nhà quan sát cho rằng Esper dường như cho rằng ông tốt nhất là nên ở sau hậu trường, vì ông làm việc cho một chính quyền mà bất cứ điều gì các quan chức nói cũng có thể bị đảo ngược chỉ bằng một dòng tweet của Tổng thống ngay sau đó.

Esper từng làm việc cho quốc hội và vận động hành lang cho nhà thầu quốc phòng Raytheon. Khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông có ít kinh nghiệm làm việc cho nhánh hành pháp so với những người tiền nhiệm. Dù ông tốt nghiệm học viện West Point và từng là sĩ quan Sư đoàn Dù 101 trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, một số nhà quan sát cho rằng cả những yếu tố đó cũng không giúp ông nổi trội so với Pompeo.

Pompeo và Esper là bạn cùng lớp tại học viện West Point. Một số người từ khóa tốt nghiệp sĩ quan năm 1986 của West Point đang giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Trump. Vì Pompeo là người đứng đầu lớp, các nhà quan sát cho rằng rất có thể các bạn học cũ chịu lép vế trước ông.

“Có nỗi lo ở Lầu Năm Góc là Esper chiều theo ý Pompeo”, Mark Perry, tác giả một cuốn sách về mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và các tổng thống Mỹ, nói. Ông cho biết thêm “Pompeo có thể thuyết phục được Trump nhưng Esper thì không”.

“Tôi tranh luận với tất cả mọi người”, Trump nói năm 2018 trong cuộc phỏng vấn với New York Magazine. “Ngoại trừ Pompeo, tôi nghĩ tôi chưa từng tranh cãi với Pompeo!”

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tại Florida ngày 29/12/2019. Ảnh: AFP.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tại Florida ngày 29/12/2019. Ảnh: AFP.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Trump xác nhận chính Nhà Trắng đã yêu cầu Pompeo xuất hiện trên các chương trình tin tức. Vì Pompeo rất am hiểu vấn đề Iran nên ông không cần phải chuẩn bị nhiều.

Một số người bác bỏ nhận định cho rằng Esper và Lầu Năm Góc “lép vế” trước Pompeo. Họ cho rằng các quan chức Lầu Năm Góc đang bận rộn tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông trong bối cảnh các mối đe dọa từ Iran gia tăng, nên Esper cần tập trung nhiều vào vấn đề đó hơn là quan hệ công chúng.

Việc Pompeo tích cực xuất hiện cũng có thể liên quan đến yếu tố chính trị. Pompeo từng là nghị sĩ bang Kansas và được cho là có tham vọng tái tranh cử vào quốc hội, dù những dấu hiệu mới nhất cho thấy ông sẽ không tranh cử vào thượng viện năm nay. Đảng Cộng hòa có thể coi ông là ứng viên tổng thống tiềm năng năm 2024. Việc xuất hiện trên truyền hình quốc gia, đặc biệt để thể hiện sự cứng rắn với Iran, quốc gia nhiều cử tri Cộng hòa không có cảm tình, có thể giúp ích cho cơ hội chính trị trong tương lai của ông.

Pompeo cũng làm điều khác thường đối với một ngoại trưởng là không ngại nhấn mạnh vấn đề đảng phái. Ông đổ lỗi cho chính quyền Barack Obama, người thuộc đảng Dân chủ, để lại những thách thức trong việc đối phó với Iran ngày nay. Ngày 5/1, ông gọi đây là “chính quyền Obama – Biden”, đề cập đến cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ hàng đầu của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Pompeo cũng nhấn mạnh mối quan hệ của mình với Tổng thống. “Tôi đã đồng hành với Tổng thống Trump trong suốt quá trình hoạch định chiến lược liên quan đến toàn bộ chiến dịch – ngoại giao, kinh tế và quân sự”, ông nói trên CNN. “Người dân Mỹ nên biết rằng chúng tôi sẽ không chùn bước”.

 Phương Vũ (Theo Politico) – Vnexpress