Những tác phẩm về mẹ của văn học Hàn Quốc

Các nhà văn xứ kim chi mang lại cho độc giả Việt nhiều câu chuyện, hình ảnh và tâm tình gần gũi xoay quanh người mẹ.

Hãy chăm sóc mẹ

hay-cham-soc-me-8866-1440640857.jpg
hay-cham-soc-me-8866-1440640857.jpg

Tiểu thuyết của tác giả Shin Kyung-sook đến với bạn đọc Việt qua bản dịch của Lê Nguyễn Lê. Cuốn sách kể về một người mẹ đi lạc trong lúc lên thành phố thăm các con. Sự kiện ấy khiến anh chị em trong gia đình cáu gắt, cãi vã và đổ lỗi cho nhau. Vô tình đó lại là một cơ hội để họ lục tìm những ký ức về người mẹ và nghĩ đến cách cư xử của mình với mẹ trước kia.

Hình ảnh mẹ chỉ hiện qua những mảnh ký ức gián đoạn của mỗi người trong gia đình: cô con gái nhà văn, người con cả được bà yêu thương nhất, người chồng cả đời mải mê phiêu dạt để bà lại cùng bốn đứa con và cuối cùng là tâm tình của chính người mất tích về những bí mật chưa từng được chồng con biết đến. Khi bà thổ lộ tâm sự ấy cũng là lúc bà về trời. Câu chuyện giống như lời thức tỉnh dành cho những đứa con. Với mẹ cha, đừng để đến khi mất đi rồi mới cảm nhận niềm tiếc nuối.

Shin Kyung-sook nhà một nữ nhà văn sinh ra vào thập niên 60 của Hàn Quốc. Hãy chăm sóc mẹ (Please look after Mom) là cuốn tiểu thuyết ăn khách xuất bản năm 2008. Nhà xuất bản danh tiếng tại New York – Alfred A. Knopf – đã in 10.000 cuốn trong lần đầu phát hành bản tiếng Anh. Kể từ đó, Please look after Mom liên tục có mặt trên danh sách bestseller của tạp chí New York Times.

Ngoài kia dông bão, lòng  mẹ bình yên

ngoai-kia-dong-bao-5589-1440640857.jpg
ngoai-kia-dong-bao-5589-1440640857.jpg

Với văn phong có phần khô, lạnh, Cheon Myeong Kwan kể một câu chuyện giản dị về tấm lòng bao dung của người mẹ. Một phụ nữ bảy mươi tuổi vẫn hàng ngày đi bán mỹ phẩm dạo dang tay đón nhận ba đứa con thất bại trên đường đời trở về với gia đình. Người anh ngoài năm mươi tuổi từng nhiều lần vào tù ra tội, con thứ – một đạo diễn thất bại trong nghề – và một cô con gái nổi tiếng trăng hoa ly hôn lần thứ hai.

Tình mẹ trở thành một sợi dây xuyên suốt câu chuyện và là chất keo hàn gắn những vết rạn trong quan hệ gia đình. Những món ăn của mẹ, sự đón nhận bình thản, lối cư xử bao dung và triết lý giản đơn của mẹ đã trở thành động lực để những đứa con “xốc lại tấm thân mình, sau đó lại tiếp tục bước ra, chiến đấu với cuộc đời”. Đối với mẹ, một gia đình đơn giản là ở bên nhau, cùng ăn, cùng khóc và cùng cười.  

Myeong Cheon-kwang là một  biên kịch chuyển sang viết văn. Ngoài kia dông bão lòng mẹ bình yên – từng được chuyển thể sang phim điện ảnh dưới tên Boomerang Family năm 2013. Tác phẩm đánh dấu bước chuyển trong sự nghiệp viết lách của ông, thu hút sự chú ý của giới phê bình cũng như sự quan tâm của độc giả, giúp ông là gương mặt độc đáo của văn chương Hàn Quốc.

Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ

du-con-song-the-nao-6303-1440640858.jpg
du-con-song-the-nao-6303-1440640858.jpg

Tập tản văn của tác giả Gong Ji-young (dịch giả Tae Woo) là câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng được thể hiện qua những bức thư. Đều đặn vào mỗi thứ ba, Uy Nyung, cô bé đang bâng khuâng trước bậc thềm thanh xuân lại nhận được một lá thư từ mẹ, một nhà văn dằn vặt vì không thể đối thoại trực tiếp với con mình. Bằng những lời tâm tình, bằng cảm nhận và trích dẫn từ những cuốn sách yêu thích, người mẹ đã bắc nhịp cầu tới trái tim con gái. Bà đã thể hiện con mắt quan sát thầm lặng mà sâu sắc và rủ rỉ trả lời từng câu hỏi mà con gái đang vướng mắc: Nên gặp gỡ chàng trai thế nào? Làm sao tiếp nhận lời khen chê? Đâu mới là cuộc sống hạnh phúc?

Hơn cả những lời tâm tình, cuốn sách giống như một lời cổ vũ âm thầm, một ngọn đèn soi lối cho những tâm hồn non nớt đang đặt những bước chân đầu tiên vào đời.

Gong Ji-young bắt đầu sự nghiệp từ năm 1988, là một tác giả nổi tiếng của Hàn Quốc. Tác phẩm của bà từng được chuyển thể thành phim điện ảnh tạo nên cơn sốt ở Hàn Quốc. Năm 2014, Gong Ji-young là một trong bốn nhân vật có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực Văn hóa Giải trí xứ Hàn.

Mẹ ơi, con sẽ lại về

me-oi-con-se-lai-ve-7414-1440640858.jpg
me-oi-con-se-lai-ve-7414-1440640858.jpg

Tác giả, đồng thời là nhân vật chính trong sách là cụ bà Hong Young-nyeo (sinh năm 1916, mất năm 2011 tại Hàn Quốc). Bà lập gia đình từ năm 19 tuổi. Sau khi chồng mất, bà chật vật kiếm kế sinh nhai, nuôi dạy sáu đứa con nên người. Bước qua tuổi 70, bà tự học chữ và bắt đầu viết nhật ký trong suốt 10 năm.

Những trang nhật ký của bà Hong Young-nyeo chưa chuẩn mực về văn phong, viết với nét chữ vụng về song những tâm sự gây xúc động cho người đọc bởi mang nỗi niềm của một người cao tuổi.

Bên cạnh đó, sách thể hiện những lo lắng và chỉ dạy của người mẹ dành cho các con: “Sáu đứa con thân yêu của mẹ! Nhìn các con sống đầy đủ, không phải ghen tị ai khiến người làm mẹ cũng cảm thấy vui. Nhưng trong nhà càng đầy đủ vật chất thì các thành viên càng phải trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đừng lấy cớ bận rộn mà cố giải quyết mọi thứ chỉ bằng tiền. Phải cùng quây quần lại, mở lòng ra và chia sẻ những khoảng thời gian trò chuyện thật thân tình…”.

Nhật ký được cô con gái cả Hwang Anna tình cờ phát hiện trong một lần về thăm mẹ và đưa in thành sách nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi vào năm 1995. Cuốn sách có tên Những câu chuyện trái tim hằng muốn nói, xuất bản phẩm tiếng Việt lấy tên Mẹ ơi, con sẽ lại về.

Sau thành công của cuốn sách, bà Hong Young-nyeo được đài truyền hình KBS mời làm nhân vật chính trong bộ phim tài liệu dài tập có tên Khu vườn mùa thu năm ấy. Đến nay, bộ phim vẫn được phát lại hàng năm, trở thành nguồn cảm hứng động viên các cụ bà lớn tuổi ở Hàn Quốc.

Yên San – Vnexpress