Người ta nói, đến Qatar thứ không thiếu nhất chính là tiền bạc và dầu mỏ. Nhưng ít ai biết, đất nước vùng Vịnh này từng đói nghèo như thế nào.
Con đường từ nghèo đói đi lên vị trí giàu có nhất thế giới
Qatar là một quốc gia Ả Rập nằm ở phía tây châu Á, có diện tích 11.437 km². Trong phần lớn của thế kỷ 20, đất nước này là một vùng nước ngược của Vịnh Ba Tư cằn cỗi, nơi hải tặc từng ẩn nấp. Người dân ở đây rất nghèo, công việc “điển hình” là lặn tìm ngọc trai vào mùa hè và chăn lạc đà vào mùa đông. Trong nhiều thập kỷ, họ tụt lại rất xa so với các nước láng giềng Ả Rập Xê Út, những người đang ở giữa thời kỳ bùng nổ dầu lửa. Thêm vào đó, một nền chính trị bất ổn với các cuộc đảo chính diễn ra định kỳ cùng đấu đá nội bộ tàn khốc cũng là nguyên nhân khiến cuộc sống ở vùng đất này vô cùng khó khăn.
Những năm 1920, kinh tế phụ thuộc vào thương mại ngọc trai, đánh bắt cá bị sụp đổ. Bệnh tật, nghèo đói, một thế hệ suy dinh dưỡng bủa vây đất nước nhỏ bé này. Năm 1939, dầu được phát hiện tại Dukhan nhưng không là gì so với lượng khí đốt tự nhiên được tìm thấy 30 năm sau đó. Năm 1951, Qatar đã sản xuất 46.500 thùng dầu mỗi ngày, với doanh thu lên tới 4,2 triệu USD.
Việc phát hiện ra các mỏ dầu ngoài khơi cùng sự trợ giúp của tập đoàn Shell đã làm tăng sản lượng của Qatar lên 233.000 thùng mỗi ngày. Và kể từ đây, Qatar bắt đầu một quá trình hiện đại hóa chậm chạp. Trường học đầu tiên của đất nước, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy đều được mở vào những năm 1950.
Năm 1971, Qatar đã thật sự vươn mình trỗi dậy nhờ vũ khí tối thượng giờ mới thật sự phát huy tác dụng – dầu mỏ. Mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới được phát hiện ngoài khơi Qatar. “Người dân hy vọng về dầu mỏ”, ông Abdullah bin Hamad al-Attiyah, cựu bộ trưởng năng lượng cho biết. Đến thập niên 1990, công nghệ mới cho phép khí hóa lỏng và xuất khẩu dầu.
Để tận dụng được điều đó, Quốc vương trị vì Qatar đã chơi một ván bài cực lớn. Bỏ qua những ý kiến phản đối, ông đã rót 20 tỷ USD vào một nhà máy hóa lỏng khi đó còn đang ngổn ngang tại Ras Laffan, trên bờ biển phía bắc của Qatar, với sự giúp đỡ của người khổng lồ năng lượng Exxon Mobil. Trong số các giám đốc điều hành của Exxon Mobil, người đã giúp phát triển nhà máy có Rex W. Tillerson, hiện là Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
Việc đặt cược đã được đền đáp một cách ngoạn mục. Gas bùng nổ, và đến năm 2010, Qatar chiếm 30% thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Kể từ đó, công dân của Qatar, ngày nay lên tới 300.000 người, đã rất nhanh trở nên giàu có. Thu nhập bình quân đầu người là 125.000 USD. Đây là mức thu nhập cao nhất thế giới, gấp đôi so với Mỹ hoặc Ả Rập Saudi. Ở Qatar rất khó nhìn thấy một người nghèo.
Qatar thực hiện các biện pháp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nước này thúc đẩy quan hệ với các nước khác ở trong và ngoài khu vực nhằm tránh thế bị cô lập do một số nước láng giềng tạo ra. Năm 1998, chính phủ đã xây dựng Thành phố Giáo dục. Ở đây tập trung 6 trường đại học từ Mỹ và 2 trường từ Châu Âu và các trung tâm nghiên cứu lớn.
Không chỉ dựa vào nguồn thu khủng từ dầu mỏ và khí đốt, Qatar còn đầu tư hàng tỉ USD vào nhiều lĩnh vực và tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn Volkswagen, Total, Sainsbury’s và ngân hàng Barclays. Quỹ đầu tư “Qatar Investment Authority” thành lập năm 2013 đã rót hơn 100 tỉ USD đầu tư khắp toàn cầu.
Từ năm 2005, một trung tâm tài chính Qatar đã được xây dựng để phát triển ngành dịch vụ tài chính của Qatar. Đất nước này tin rằng họ có thể đi đầu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia vùng Vịnh nhờ sự ổn định tương đối và tài chính hùng mạnh. Mới đây, Qatar công bố kế hoạch thành lập một ngân hàng năng lượng lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong năm 2019.
Sống ở đất nước giàu có bậc nhất thế giới sẽ như thế nào?
Chỉ 15% trong số 1,4 triệu cư dân của Qatar là công dân nước này; phần còn lại là công nhân nước ngoài, từ các nhà tài chính phương Tây và giám đốc điều hành năng lượng đến lao động tạm thời từ Ấn Độ, Pakistan và các nước châu Á khác. Qatar rất trẻ và phần lớn là nam giới. Chỉ có 1,5% dân số trên 65 tuổi và tỷ lệ nam-nữ tương đương cứ 1,99 nam cho một nữ vì số lượng lao động nhập khẩu cao.
Công dân Qatar được hưởng nhiều đặc quyền đáng mơ ước. Họ được chính phủ miễn thuế, cung cấp miễn phí điện, nước, chăm sóc sức khỏe. Vay mượn ở đây cũng được tính lãi thấp và người dân có lương hưu. Và những người dân Qatar, từng chỉ quen với cồn cát và bãi muối, đã trở thành những người sành điệu trên sân khấu toàn cầu. Nhiều người đã trở thành những biểu tượng phong cách được tôn vinh trong Vanity Fair và Vogue.
Phụ nữ ở Qatar được phép lái xe và có sự bình đẳng hơn ở các quốc gia như Ả Rập Saudi, mặc dù nhiều người vẫn mặc trang phục truyền thống. Họ không được phép tập thể dục bên cạnh nam giới ở một số khu vực của Doha. Rượu là bất hợp pháp khi dân số theo Hồi giáo chiếm xấp xỉ 75%, nhưng bạn vẫn có thể mua nó tại một số khách sạn miễn là bạn có giấy phép. Đua lạc đà đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Qatar.
Trong lĩnh vực thể thao, bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar, cả về số vận động viên và khán giả. Các ông chủ Qatar không chỉ mua các tòa nhà chọc trời ở châu Âu, họ mua cả câu lạc bộ bóng đá. Quốc vương nước này thậm chí đã mua cả một đội bóng đá Pháp, Paris Saint-Germain, và trả 263 triệu USD cho một tiền đạo người Brazil. Đây là khoản phí chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử của bộ môn vua thể thao này.
World Cup 2022 cũng đã được đưa tới Qatar với chi phí ước tính 200 tỷ USD. Sự kiện World Cup 2020 được coi là “một cuộc đảo chính lớn” cho một quốc gia chưa bao giờ đủ điều kiện tham gia giải đấu. Sâu xa hơn, Qatar định vị mình là một trung tâm thể thao cho khu vực, tổ chức hoặc lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện thể thao toàn cầu.
Trang Trang Theo Trí thức trẻ