Những ngày đầu đại dịch ở Vũ Hán

Một sáng giữa tháng 12/2019, Lan- chủ quầy hải sản khô ở chợ Hoa Nam vẫn dọn hàng dù cảm thấy mình mẩy đau nhức và hơi sốt. “Chắc là cảm lạnh

Cảm lạnh vốn là căn bệnh quen thuộc của những người buôn bán ở chợ này trước khi Covid-19 xuất hiện. Cũng giống như hơn 1.000 chủ quầy hàng ở đây, Lan thường tới chợ vào khoảng 3 giờ sáng và phải ngâm tay trong nước lạnh khi rửa và chuẩn bị hàng.

Khu chợ rộng lớn với hơn 20 dãy hàng, kéo dài hai bên con đường lớn thuộc một khu dân cư sầm uất của quận Hán Khẩu. Những tảng thịt được treo trên móc hoặc trải ra thảm nhựa. Người bán hàng đi ủng. Cống thoát nước chạy dọc lề đường, cạnh các cửa hàng bán đủ mọi thứ từ gia cầm đến hải sản. Chợ đông nhưng sạch sẽ.

Hôm sau Lan quá mệt, phải nghỉ ở nhà. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh sụt tới 3 kg nên quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Từ bệnh viện đa khoa Vũ Hán, anh được chuyển đến một cơ sở chuyên các bệnh truyền nhiễm và phải nhập viện vào ngày 19/12. Khi đó, anh vẫn bình thản. “Tôi chỉ bị ốm một chút. Không có gì đáng sợ”, Lan nhớ lại.

Khi đó, Lan không hề biết rằng mình sẽ “đi vào lịch sử” khi trở thành một trong những người đầu tiên được xác nhận là đã mắc chủng virus mới rất dễ lây lan và sắp giết chết hơn 2.500 người ở Vũ Hán, nhiễm bệnh cho hơn 1,6 triệu người và giết chết hơn 95.000 người trên toàn cầu cho đến nay.

Tổ chức Y tế Thế giới mô tả Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

“Tôi nghĩ mình bị cảm. Tôi không hề biết”, Lan nói.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán hồi giữa tháng 2. Ảnh: Guardian.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán hồi giữa tháng 2. Ảnh: Guardian.

Đến cuối tháng 12, trước khi Lan hồi phục sau hơn 20 ngày nằm viện, đã có thông tin về một căn bệnh bí ẩn ở Vũ Hán. Cộng đồng mạng lưu truyền ảnh chụp màn hình một cuộc trò chuyện WeChat ngày 30/12, trong đó một bác sĩ tại bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán, Liu Wen, cảnh báo các đồng nghiệp về các ca bệnh lạ. “Hãy rửa tay! Đeo khẩu trang! Găng tay!”, bác sĩ này viết.

Cùng ngày hôm đó, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán tên là Lý Văn Lượng nói với nhóm bạn học cũ ở trường y trên WeChat rằng 7 người tại bệnh viện đã bị nhiễm một căn bệnh mà anh đoán có thể là SARS – dịch bệnh xảy ra năm 2002-2003.

Thông báo khẩn cấp từ Ủy ban y tế Vũ Hán về một loạt các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân cũng bị rò rỉ và đăng lên mạng vào ngày 30/12. Văn bản yêu cầu các bệnh viện tăng cường khả năng, các lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo không ai tiết lộ thông tin cho công chúng về căn bệnh bí ẩn này.

Dưới áp lực ngày càng tăng, ngày 31/12, Ủy ban buộc phải công bố thông tin: Các nhà nghiên cứu đang điều tra 27 ca viêm phổi do virus. Đây cũng là thông báo chính thức đầu tiên về Covid-19. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng không có bằng chứng rõ ràng về bệnh lây truyền từ người sang người và dịch có liên quan đến chợ hải sản.

Ngoài ra, Ủy ban đảm bảo với công chúng tất cả các bệnh nhân đã được cách ly và những người có liên hệ với họ đang được theo dõi sức khỏe. “Bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát được”, thông báo khẳng định.

Một ngày sau, chợ hải sản Hoa Nam bị đóng cửa và Công an Vũ Hán tuyên bố 8 người đã bị xử phạt vì tung tin thất thiệt, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng. Các nhà chức trách cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện sàng lọc trường hợp viêm phổi liên quan đến chợ Hoa Nam. Mãi đến ngày 20/1, những người bán hàng ở chợ mới được yêu cầu kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, phía bên kia sông Trường Giang, cách chợ khoảng 10 km, những người chưa bao giờ đến chợ Hoa Nam cũng bị bệnh. Vào tuần thứ hai của tháng 1, Coco Han, 22 tuổi, bị ho khan. Sau một tuần, ngày 20/1, cô tới một phòng khám địa phương và được chụp CT. Kết quả cho thấy phổi bị viêm. Một bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít đưa cô đến một bệnh viện khác để kiểm tra thêm.

Coco Han - người chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam cũng bị nhiễm nCoV. Ảnh: Guardian.
Coco Han – người chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam cũng bị nhiễm nCoV. Ảnh: Guardian.

Mẹ của Han cùng con gái vào một phòng chờ đông người, nơi những người khác bắt đầu hoảng loạn. Han đeo khẩu trang nhưng mẹ cô không đeo. Hôm đó, một phụ nữ trẻ đứng trước mặt họ mệt tới ngất đi.

“Tất cả chúng tôi đều biết chúng tôi có thể nhiễm virus. Mọi người đều sợ hãi. Tôi nghĩ các bác sĩ (lúc đó) biết bệnh có thể lây từ người sang người nếu không họ sẽ không ngồi cách xa chúng tôi và mở cửa sổ”, Han nói.

Han được thông báo có thể bị viêm phổi, nhưng không được xác nhận vì bệnh viện này không được phép làm vậy. Đây là vấn đề nhiều bệnh nhân đầu tiên gặp phải. Cô được bảo về nhà và tự cách ly nhưng các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cô và yêu cầu cô ba ngày đến khám lại một lần, chờ đợi xếp hàng với người khác.

Daron Hu, 35 tuổi, người chưa bao giờ đến chợ hải sản Hoa Nam, bắt đầu cảm thấy sốt và chóng mặt vào ngày 16/1. Anh nghĩ là do đã uống vài ly rượu tối hôm trước. Ba ngày sau chưa khỏe, nhưng anh vẫn bắt một chuyến tàu đến tỉnh Giang Tô để đi công tác. Anh trở về Vũ Hán rồi lại từ Vũ Hán về quê cách đó vài giờ đi xe.

Vào thời điểm Hu tới một bệnh viện ở quê, chính quyền Trung Quốc đã cử một nhóm các nhà nghiên cứu đến Vũ Hán. Zhong Nanshan, một chuyên gia hô hấp hàng đầu, từng nổi tiếng vì phản đối quan điểm của chính phủ với SARS, cho biết vào tối 20/1 rằng đã có ca lây truyền từ người sang người.

Hu lúc này đang rất mệt, bị tiêu chảy và khó thở, sốt và ho. Trong 24 ngày nằm viện, anh đã chứng kiến ít nhất ba bệnh nhân đã chết. Hu đã cân nhắc đến cả việc viết di chúc.

Vào thời điểm giới chức tiết lộ sự lây nhiễm của virus, các bệnh viện ở Vũ Hán đã tràn ngập bệnh nhân và con số tăng lên chóng mặt sau thông báo đó. Những đoạn video được quay ngày 22 và 23/1 cho thấy rất đông bệnh nhân tại bệnh viện số 6 ở Vũ Xương, một quận khác của Vũ Hán.

“Quá bận rộn. Chúng tôi không thể về nhà”, một y tá cho biết. Cô phải ngủ trong ký túc xá của bệnh viện và thay ca mỗi 4 giờ với một nhóm 6 người khác.

Một bác sĩ chỉ vào vỉa hè bên ngoài bệnh viện và tả lại: “Chỗ này từng chật cứng bệnh nhân. Ngày nào cũng có vài người chết”.

Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa. Các khu vực xung quanh cũng lần lượt áp dụng biện pháp này, đưa tổng cộng hơn 50 triệu người bị nhốt trong nhà.

Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về thiết bị y tế, nhân viên và giường bệnh, vài tuần sau đó Vũ Hán đã vô cùng tuyệt vọng. Các bệnh viện từ chối bệnh nhân, bảo họ về nhà và nhiều người trong số họ lây bệnh cho gia đình.

Nhiều đoạn video cho thấy nhân viên y tế khóc lóc và nhiều người ngã gục trên đường phố. Các thi thể bị bỏ lại trong bệnh viện bởi các nhân viên chưa có thời gian dọn dẹp. Các diễn đàn trên mạng ngập tràn những lời cầu xin cứu người thân yêu của họ đang bệnh. Đến ngày 19/2, số người chết vì nCoV đã vượt qua 2.000.

“Virus lây rất nhanh. Ngay từ đầu, mọi thứ đã bị mất kiểm soát. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nCoV tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, nói.

Ngày 28/3, các tuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán được khôi phục hoạt động sau 2 tháng phong tỏa. Ảnh: Guardian.
Ngày 28/3, các tuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán được khôi phục hoạt động sau 2 tháng phong tỏa. Ảnh: Guardian.

Giờ đây, giới chức Trung Quốc kỉ niệm việc dỡ bỏ phong tỏa kéo dài gần ba tháng ở Vũ Hán, một sự kiện được đánh dấu bằng các chương trình biểu diễn ánh sáng và biểu ngữ ca ngợi sự thành công của cuộc chiến tranh nhân dân.

Vũ Hán đang dần trở lại với cuộc sống bình thường. Các vùng lân cận dựng cờ và treo các biển hiệu tuyên bố đã không còn ca nhiễm nCoV. Xe cộ bắt đầu lấp đầy các đường phố khi mọi người trở lại làm việc. Tuy nhiên, dấu vết dịch bệnh vẫn còn. Hàng rào kim loại cao bao quanh chợ hải sản Hoa Nam vẫn ở đó. Lối vào trước đây vẫn được canh gác và xe cảnh sát vẫn tuần tra xung quanh.

Không phải ai cũng đã sẵn sàng quên dịch bệnh. Trên một bức tường gần nhà, Han vẽ các ký tự tiếng Trung có nghĩa là “Tôi không thể, tôi không hiểu”, gợi nhớ đến việc bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị xử phạt vì cảnh báo dịch bệnh.

Bên dưới dòng chữ, một số cư dân đốt tiền vàng mã, một cách để tưởng nhớ người đã khuất.

Ánh Dương (Theo Guardian) – Vnexpress