Nhóm sáng lập dự án gạo hữu cơ Hoa Nắng tan rã sau chương trình Shark Tank Việt Nam nhưng doanh nhân Louis Nguyễn vẫn rót 10 tỷ, trong khi hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh từ chối vốn của ông Nguyễn Xuân Phú.
Nhóm sáng lập dự án tan rã sau Shark Tank Việt Nam nhưng nhà đầu tư vẫn rót vốn
Nhiều khán giả cảm thấy ấn tượng trước tinh thần đam mê của hai nhà khởi nghiệp gạo hữu cơ Hoa Nắng trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2. Dù chỉ nắm vỏn vẹn 6% cổ phần, trong khi 94% còn lại thuộc về người khác, Đặng Thị Trường An, Lâm Anh Tú vẫn quyết tâm cống hiến cho dự án.
“Khi bắt đầu làm dự án, chúng tôi xác định dù có % hay không thì vẫn sẽ theo để thực hiện đúng cam kết với nông dân”, An khẳng định trên sóng Shark Tank.
Sự nhiệt huyết, trung thành của hai nhà sáng lập đã lay động “cái đầu lạnh” của Louis Nguyễn. Ông là nhà đầu tư duy nhất đề nghị rót 8 tỷ đồng đổi lấy 81% cổ phần và 2 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
Đội ngũ Hoa Nắng chính thức tan rã sau buổi ghi hình Shark Tank. Tú kể rằng cổ đông chính quyết định rút vốn, dừng triển khai dự án do lo ngại nhà đầu tư sẽ không rót vốn sau vòng thẩm định, hoặc vốn không về kịp vào mùa vụ sắp tới.
“Hoa Nắng tan rã trước buổi phát sóng thương vụ trên truyền hình. Gọi vốn thành công trên Shark Tank là phao cứu sinh cuối cùng cho dự án. Tôi hụt hẫng, tuyệt vọng vì phải dừng lại khi vừa le lói tia hy vọng. Tối hôm đó, tôi ngồi xem chương trình một mình, một phần không dám xem bởi buồn”, An thổ lộ.
Không muốn dự án chết yểu, Tú tập hợp nhân viên cũ, thành lập Hoa Nắng mới. Lúc đó, An tập trung giải quyết hàng tồn kho cho hợp đồng ký kết từ mùa vụ trước. Theo chị, bản thân phải làm tốt cái cũ mới có cơ hội thực hiện tốt cái mới.
Vài tháng sau buổi ghi hình, doanh nhân Louis Nguyễn liên lạc để thẩm định Hoa Nắng. An và Tú quyết định chia sẻ về biến cố để tránh lãng phí thời gian của ông. Bất ngờ thay, ông chấp nhận sự thay đổi cơ cấu cổ đông, chính thức ký kết vào ngày 12/11.
Ý thức rủi ro nhưng doanh nhân Louis vẫn mạo hiểm rót 10 tỷ đồng vì nhận ra tiềm năng thị trường xuất khẩu hữu cơ. Đặc biệt, ông đánh giá cao sự trung thành khó mua bằng tiền của hai nhà sáng lập. Họ luôn giữ vững lập trường ý tưởng, tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội. Hơn nữa, Hoa Nắng đã đạt doanh thu làm nền tảng, đội ngũ chỉ cần chiến lược phát triển công ty mạnh hơn nữa.
Hiện tại, Hoa Nắng cung cấp gạo cho một số tập đoàn, doanh nghiệp hữu cơ. Louis nhận định, công ty không lỗ nhưng chưa phủ rộng bởi giá gạo hữu cơ gấp 2,5 lần gạo thường khiến người tiêu dùng trong nước khó chi trả. Nên ông gợi ý nhà vận hành gia tăng nhiều mặt hàng hữu cơ khác giúp mở rộng sự lựa chọn của khách hàng và đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Việt ra quốc tế.
Về xuất khẩu, ông Louis sở hữu công ty phân phối Bia Sài Gòn tại Mỹ. Đồng thời, ông kết nối với công ty Vietsway chuyên bán hàng trên Amazon. Đây là hai kênh hỗ trợ đầu ra cho Hoa Nắng tại thị trường nước ngoài.
Hoa hậu Thể thao đổi chiến lược kinh doanh, từ chối nhận vốn
Ra mắt vào 7/2014, Trần Thị Quỳnh, chủ thương hiệu bánh La Vita Bakery tham gia sân chơi Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên. Bài thuyết trình chỉn chu, mô hình sản xuất bánh chuyên nghiệp khiến 4 “cá mập” muốn đầu tư. Cuối cùng, cô chọn đề nghị 3 tỷ đồng cho 40% cổ phần của “vua chảo” Nguyễn Xuân Phú.
Nhưng hồi tháng 10, chị Quỳnh – người từng đoạt danh hiệu “Hoa hậu Thể thao”, viết trên trang cá nhân: “Tròn một năm trước, tôi đã mang La Vita Bakery – đứa con sức lực, tinh thần đến với Shark Tank. Tôi mong muốn tiệm bánh xinh xắn, ngọt ngào sẽ có thêm dìu dắt, định hướng tốt để lan tỏa rộng hơn, xa hơn những tinh túy ẩm thực bánh Âu tới khách hàng muôn phương. Đền đáp những ngày gấp rút chuẩn bị hăng say bằng hơn 200% công sức, La Vita đã nhận cam kết đầu tư từ tất cả các shark, vốn đều là doanh nhân lớn, dày dạn kinh nghiệm”.
Sự hiện diện của Quỳnh trong Shark Tank rất hữu ích với thương hiệu La Vita. Cô cho biết, một số nhà đầu tư ngỏ ý hợp tác, các nhà cung cấp nguyên liệu liên tục đưa ra chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhiều bạn trẻ nộp đơn xin tham gia đội ngũ làm bánh sau buổi phát sóng.
Tuy nhiên, giai đoạn thẩm định doanh nghiệp, hoạch định lộ trình đầu tư là lúc La Vita nhận giá trị tuyệt vời nhất, thậm chí còn quan trọng hơn vấn đề tài chính. Đó là xây dựng sứ mệnh sản phẩm. Trong buổi trò chuyện thân tình, doanh nhân Phú thắc mắc, tại sao La Vita không làm thật tốt, khai thác thật tốt, phục vụ thật tốt nhóm sản phẩm hiện tại vốn dĩ đã rất chất lượng, thay vì mở rộng dòng sản phẩm, đa dạng dịch vụ? Tại sao không biến chữ chất lượng thành chất lượng nhất?
Đó là lý do khiến Quỳnh quyết định từ chối đầu tư mở rộng thương hiệu như ý định ban đầu tham gia Shark Tank. Sau đó, cô bắt đầu hành trình tìm kiếm giá trị riêng cho sản phẩm bánh Âu. Cô nhận xét, sự trở lại này tuy cũ mà mới, đầy quyến rũ, nhưng gian nan với mục đích trung thành, không ngừng chinh phục khách hàng cũ, biến chữ “chất lượng tốt” thành “chất lượng tốt nhất”.
Sang năm thứ 5, doanh số của La Vita tăng vượt bậc như cách ví von của hoa hậu là “con số tăng giống chạy thi trong những kỳ thi đấu thể thao”. Công ty phân phối qua 10 siêu thị, nhà hàng ở Quận 2 và nhiều quận khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Riêng tháng 9 vừa qua, hãng bánh đạt gần 2.000 lượt mua lẻ. Doanh thu trung bình dao động 15 – 17 triệu đồng/ngày, thời điểm cao nhất có thể lên tới 30 triệu đồng/ngày.
Doanh số trong 2 tuần bằng doanh số 18 tháng trước dù không gọi được vốn
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam tập 8 vào tối 22/8, kỹ sư Nguyễn Trường Sơn, người sáng lập Công ty TNHH Thiết bị bọt tuyết An Thịnh Phát, kêu gọi 5 tỷ đồng cho 15% cổ phần của An Thịnh Phát.
Để sản xuất bình xịt bọt tuyết, ông Sơn nhập khẩu chất tẩy rửa từ Châu Âu và nano bạc là công nghệ diệt khẩu an toàn cho người dùng, do một người bạn của ông sản xuất ra và đã được kiểm nghiệm ở Đại học Tổng hợp. Ông nói bọt tuyết giãn nở 40 lần nên khi dùng đỡ hao, và cùng với lực khí đẩy ra giúp bám chặt và đẩy chất bẩn ra. Vào thời điểm ghi hình, công ty của ông mới chỉ sản xuất thử 1.800 sản phẩm và bán 500 sản phẩm.
Bình xịt bọt tuyết của An Thịnh Phát sẽ cạnh tranh với các sản phẩm bình xịt bọt tuyết nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Các sản phẩm nhập khẩu có mức giá 150.00 – 300.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá do công ty An Thịnh Phát sản xuất tới tay người dùng chỉ 65.000 đồng/bình, chưa bằng một nửa so với hàng nhập khẩu.
Giá vốn bình bọt tuyết do An Thịnh Phát sản xuấtchiếm hơn 46% doanh thu (giá vốn là 30.000 đồng mỗi sản phẩm).
Với nhiều lý do, cả 5 nhà đầu tư đều từ chối rót vốn cho ông Sơn. Vì thế, tới ngày chương trình lên sóng, ông Sơn không hy vọng mọi người sẽ đón nhận sản phẩm với thái độ tích cực.
Bất ngờ thay, nhiều người gọi tới số điện thoại của ông để hỏi về sản phẩm, xin mẫu, đề nghị làm đại lý. Thậm chí nhiều người còn tư vấn chiến lược kinh doanh cho vị kỹ sư vì thấy ông khổ. Thời lượng mỗi cuộc gọi dao động từ 5 tới 10 phút.
Tình hình xoay chuyển quá ngoạn mục đối với vị kỹ sư gần 60 tuổi. Trước đó, ông không nhận cuộc gọi đặt hàng nào suốt vài tháng nên phải tự tìm khách hàng. Còn bây giờ khách hàng tự tìm tới ông để mua.
“Đang đi cực chậm, đột nhiên tôi phải tăng tốc đột ngột”, ông ví von.
Hai tuần sau khi chương trình mà ông Sơn tham gia lên sóng, Anh Thịnh Phát bán 500 bình – tương đương lượng hàng ông bán trong một năm rưỡi. Ngoài ra, chương trình cũng giúp người dân ở miền Bắc biết tới sản phẩm. Nhiều người ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng liên hệ với ông để mua hàng.
“Đối với tôi, Shark Tank Việt Nam là một bước ngoặt. Nó giúp tôi lấy lại niềm tin vào sản phẩm. Mặc dù nỗ lực gọi vốn của tôi thất bại, người tiêu dùng vẫn tin tưởng sản phẩm mà tôi sản xuất. Những người từng giúp tôi cũng sẽ tin tưởng tôi hơn”, ông tâm sự.
Nhạc Dương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng