Nhiều tài xế dừng xe ngủ trên cao tốc Trung Lương

Hàng trăm tài xế đỗ ôtô ở làn dừng khẩn cấp cao tốc TP HCM – Trung Lương để ngủ mỗi đêm, bất chấp biển cấm, camera ghi hình phạt nguội.

5h ngày 28/8, bãi đất rộng trên 300 m2 tại trạm dừng chân cao tốc TP HCM – Trung Lương (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chật kín vài chục ôtô vào dừng đỗ. Đây là điểm nghỉ quen thuộc của tài xế, dù tại trạm này chưa có bãi xe chính thức sau ba năm hoạt động.

Nhiều xe khác đến sau không có chỗ, tài xế buộc phải chạy vào làn dừng khẩn cấp gần đó đậu. Chỉ vài ôtô bật đèn tín hiệu khẩn cấp, trong khi các xe khác tắt máy, tài xế vô tư gác chân lên vôlăng nằm trong cabin ngủ.

Làn dừng khẩn cấp cả hai chiều khu vực này ôtô con, xe container, xe bồn đỗ kín, kéo dài hơn 100 m. Do lượng xe đông đến vài chục chiếc, nên các ôtô đến sau phải xếp thêm một hàng nữa, dẫn đến tình trạng có xe lấn hẳn ra làn tăng tốc.

Khoảng 40 phút sau, một số ôtô trên làn dừng khẩn cấp nổ máy rời đi, các xe khác liền lập tức lấp vào chỗ trống. Do việc dừng đỗ tùy tiện, nguy hiểm, nên nhiều ôtô đi ngang qua khu vực này phải nhấn còi, giảm tốc độ để tránh.

Hơn 6h, tại làn dừng khẩn cấp, nhiều xe vẫn còn nằm im ỉm, các tài xế vô tư nằm ngủ, bất chấp tiếng còi inh ỏi. Một số tài xế còn đậu xe, ngủ ngay dưới biển cấm dừng, đỗ.

Tài xế đỗ ôtô thành hàng hai trên làn dừng khẩn cấp để ngủ. Ảnh: Hoàng Nam

Sau khi chợp mặt được gần một tiếng lấy sức để tiếp tục hành trình vận chuyển hàng về miền Tây, tài xế container Nguyễn Thanh Mộng cho biết, anh và những đồng nghiệp ngủ trên cao tốc đều chạy đường dài từ miền Tây đi TP HCM hoặc miền Đông và theo chiều ngược lại, khi đến khu vực này họ đã thấm mệt.

“Biết sai quy định và nguy hiểm, nhưng hiện chưa có bãi đỗ trên cao tốc, chạy tiếp thì sợ ngủ quên gây tai nạn, mà ngủ chỗ khác lại sợ bị trộm, cướp trấn lột”, anh Mộng nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP HCM – Trung Lương) cho rằng, tình trạng tài xế dừng xe ngủ ở làn dừng khẩn cấp trên cao tốc đang là vấn đề nan giải. Ngoài khu vực trạm dừng chân, tại hai điểm đường dẫn cao tốc ở Bến Lức và TP Tân An (Long An) cũng có tình trạng tương tự.

Từ đầu năm đến nay, Cục quản lý đường bộ IV phối hợp với cảnh sát giao thông đã ghi hình, xử lý gần 1.000 trường hợp tài xế vi phạm. “Đơn vị chưa ghi nhận tai nạn do tài xế ngủ cao tốc. Tuy nhiên, tình trạng này hết sức nguy hiểm”, ông Thành nói.

Một tài xế dừng xe ngủ trên cao tốc. Ảnh: Hoàng Nam.
Một tài xế dừng xe ngủ trên cao tốc. Ảnh: Hoàng Nam.

Đơn vị đã cho cắm thêm các biển cảnh báo cấm dừng đỗ để nhắc nhở tài xế. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục đường bộ IV, do ý thức của tài xế hiện quá kém, cố tình vi phạm, nên hiện tình trạng dừng đỗ sai quy định vẫn tái diễn. Đơn vị đang đề xuất theo hướng tăng mức chế tài đối với hành vi này.

Theo bà Phạm Cẩm Thúy, đại diện chủ đầu tư trạm dừng chân cao tốc TP HCM – Trung Lương, quy mô trạm hiện nay khoảng gần 10 ha, nhưng chưa có bãi đỗ xe. “Khoảng hai tháng nữa trạm sẽ hoàn tất bãi đậu xe đủ rộng cho tài xế vào nghỉ, hạn chế tình trạng ngủ trên cao tốc”, bà Thúy cho biết.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ IV cho biết, do lưu lượng xe trên cao tốc rất lớn, nên ngoài trạm này, cần phải tính toán đầu tư thêm một trạm dừng chân nữa mới đủ nhu cầu của các tài xế.

Một xe tải đỗ ngay khu vực có biển cấm. Ảnh: Hoàng Nam.
Một xe tải đỗ ngay khu vực có biển cấm. Ảnh: Hoàng Nam.

Cao tốc Trung Lương dài gần 62 km, 6 làn xe với vận tốc 120 km/h, thông xe năm 2010. Được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đây là cao tốc đầu tiên tại miền Nam. 

Sau 8 tháng dừng thu phí do hết hợp đồng bán quyền, lượng ôtô trên cao tốc tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm. Các xe chạy bát nháo, không giữ khoảng cách, tốc độ quy định. Đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (tăng 1,5 lần), chết 4 người, bị thương 15 người. Tình trạng xe máy chạy vào cao tốc cũng thường xuyên diễn ra.

Khu vực đường dẫn ở hai đầu cao tốc phía Chợ Đệm (TP HCM) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) cũng bị hư hỏng nặng.

Cục quản lý đường bộ IV đã đề xuất sớm thu phí trở lại tuyến đường này.

Theo khoản 7, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt, phạt tiền 5-6 triệu đồng người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định. Hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Hoàng Nam – Vnexpress

Để lại một bình luận