Đỗ Nam, chủ một cửa hàng phụ kiện online, không dám nhận thêm yêu cầu mua “Airpods” nhái, vì hàng nhập về không đủ để trả khách.
Trong không gian chưa đến 20 mét vuông, vừa là nơi làm việc, vừa là nhà kho, của một shop bán phụ kiện online tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), 2 nhân viên đang tất bật đóng gói tai nghe để gửi cho đơn vị chuyển phát. Một người vừa gọi điện “chốt” đơn, vừa tư vấn cho khách hàng trên Fanpage.
Đỗ Nam, chủ cửa hàng nói “mình còn không dám nhận thêm ‘đơn’, vì hàng chưa kịp về”. Anh Nam cho hay, tai nghe nhái Airpods hiện là món bán chạy nhất tại cửa hàng. “Tháng vừa rồi mình bán gần 500 chiếc, hàng về còn không đủ trả khách”, Nam nói.
Sản phẩm mà anh Nam nhắc đến được biết trên thị trường với tên gọi “Airpods hàng Replica”, nhưng thực chất là những chiếc tai nghe “nhái” theo sản phẩm của Apple. Dòng sản phẩm này đã có mặt tại Việt Nam từ lâu nhưng mới nổi lại gần đây vì tính năng ngày càng được cải tiến giống sản phẩm thật.
Hiện có 2 loại tai nghe kiểu này trên thị trường: Một là y hệt sản phẩm gốc, từ vỏ hộp tới cách đóng gói và các phụ kiện bên trong. Loại này rẻ hơn nhiều so với Apple Airpods “xịn” nhưng giá cũng 1-2 triệu đồng, thường để “dụ” những người mua ít kinh nghiệm. Loại thứ hai nhái về kiểu dáng, tính năng và mang thương hiệu khác như TWS, Hoco được bán với giá vài trăm nghìn đồng. Với loại thứ hai, “khách hàng biết đây không phải là sản phẩm Apple, nhưng vẫn vui vẻ mua vì giá rẻ”, anh Nam cho biết. Với nhiều khách hàng, số tiền khoảng 4 triệu đồng cho một chiếc tai nghe như Airpods là vượt quá khả năng. Khi đó, họ chọn Airpods “nhái”.
Tai nghe thương hiệu Trung Quốc nhái Airpods cũng được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử với giá từ 200.000 đến 700.000 đồng. Các chủ đề về loại sản phẩm này thu hút được khá nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn công nghệ.
Có gian hàng bán tai nghe “nhái” Airpods trên một trang thương mại điện tử tại Việt Nam cũng ghi nhận doanh số lên tới 1,6 nghìn chiếc cho một mẫu sản phẩm chỉ trong vòng 2 tháng lên kệ.
Minh Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa mua chiếc tai nghe có tên TWS i30. Theo anh, tai nghe mới mua chẳng thua kém hàng Apple là bao, trong khi giá chỉ bằng 1/10. “Mình thích Airpods vì nó thời trang và đeo thoải mái. Thấy chiếc tai nghe i30 này cũng gần giống đồ Apple, mà giá chỉ vài trăm nghìn nên mình mua”. Quân thừa nhận có những điều không hài lòng trong quá trình sử dụng, nhưng nếu xét với số tiền vài trăm nghìn đồng thì chấp nhận được.
Trần Văn (Từ Liêm, Hà Nội) tự nhận mình là “fan” của dòng sản phẩm này. Với túi tiền của sinh viên không nhiều, Văn cho biết ban đầu anh mua một chiếc có giá chỉ hơn 100.000 đồng. “Dùng được mấy hôm thì hỏng, nhưng bỏ 100 nghìn mà biết thế nào là ‘True Wireless’ thì cũng đáng”, anh nói. Sau đó anh tiếp tục tích cóp để “lên đời” những mẫu tai nghe nhái khác và thấy thích thú vì thị trường đa này quá đa dạng. “Chỉ thêm vài chục nghìn là có thể kiếm được chiếc tai nghe với tính năng mới khác hẳn, thậm chí còn hơn cả Airpods xịn” anh kể.
Nhiều dòng tai nghe “nhái” hiện nay không chỉ copy ngoại hình của sản phẩm gốc, mà còn bổ sung thêm tính năng. Một số tai nghe giá khoảng 500.000 đồng còn có cả sạc không dây như Airpods 2 mới nhất, nhiều đèn báo hơn, điều khiển được cả điện thoại Android. Khi đưa lại gần iPhone và mở nắp, tai nghe sẽ hiện một cửa sổ pop-up trên máy và đề nghị kết nối – điều mà trước đây chỉ có những chiếc Airpods chính hãng mới làm được. Ngoài ra, các thao tác điều khiển cảm ứng trên thân tai cũng được làm y như thật.
Tuy nhiên, những chiếc Airpods “nhái” này chưa thể sao chép được những tính năng tốt nhất của sản phẩm Apple. “Chất âm trung bình, kết nối không ổn định và pin báo chưa chuẩn”, thành viên trên một diễn đàn công nghệ nhận xét. Ngoài ra do kích thước nhỏ, không có các cảm biến trên thân tai và không sử dụng chip điều khiển của hãng, chúng không thể tự động dừng nhạc khi người dùng bỏ khỏi tai, không thể tùy biến để thay đổi thao tác điều khiển như hàng thật.
Một số người cho biết, tai nghe của họ gặp lỗi một thời gian ngắn sử dụng, chẳng hạn nghe rè, sạc pin không lên, mất tiếng ở một hoặc cả hai bên tai, nhưng vì giá trị nhỏ nên họ thường không yêu cầu bảo hành.
“Tai nghe nhái dùng vài tháng là hỏng. Tổng số tiền bỏ ra cho mấy chiếc này chắc cũng đủ mua một chiếc Airpods cũ, nhưng vì mình thích trải nghiệm mà ngân sách lại không nhiều nên Airpods nhái vẫn là lựa chọn”, Trần Văn chia sẻ.
Lưu Quý – Vnexpress