Nhật ký Vũ Hán: Những đứa trẻ bị nhốt

Nhà văn Phương Phương viết nhật ký về người già, trẻ nhỏ sống ở Vũ Hán – thành phố bị phong tỏa vì dịch nCoV.

Ngày 24/2

Chiều nay tôi đọc một bài báo nói về tình trạng của người già ở viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội trong dịch bệnh. Dù không có dịch, những người già này luôn là nhóm yếu ớt nhất. Xã hội đang bấp bênh, thường nhật của họ sẽ ra sao? Đó là câu hỏi của nhiều người. Khi virus làm đổ gục hàng loạt người khỏe mạnh, tình trạng của người già càng không dám nghĩ tới. Khoảng 10 ngày trước, tôi nghe chuyện những người già ở trung tâm bảo trợ xã hội liên tục qua đời. Nguồn tin này đáng tin cậy nhưng tôi không thể làm rõ hơn vấn đề. Bây giờ, các nhà báo phỏng vấn tường tận, nêu các con số, thời gian, địa điểm. Còn ai có thể chối bỏ sự thật này? Những từ ngữ như “nước mắt đã cạn” đã không thể biểu đạt hết sự đau đớn của chúng tôi.

Nhà báo của trang Caixin viết: “Người thân của các cụ ở trung tâm bảo trợ nhận được điện thoại thông báo một bộ phận người già được đưa đi cách ly. Cách ly ở đâu? Có ai chăm sóc không? Những người già còn lại có bị nhiễm virus? Họ liệu có được chữa trị hiệu quả? Giới chức có thể tăng thêm y, bác sĩ, vật tư cho viện dưỡng lão?”. Người thân của các cụ bồn chồn, sốt ruột chờ đợi câu trả lời.

Tôi nghĩ, muốn kiểm tra mức độ văn minh của một quốc gia, không phải xem các tòa nhà cao cỡ nào, xe chạy nhanh cỡ nào; không phải vũ khí mạnh thế nào, quân đội uy lực ra sao; không phải xem khoa học kỹ thuật phát triển đến đâu, nghệ thuật ra sao, pháo hoa rực rỡ thế nào… Mấu chốt kiểm tra mức độ văn mình là: Thái độ của anh với những người yếu thế.

Ngày 25/2

Dịch kéo dài đồng nghĩa chúng tôi phải tiếp tục ở trong nhà. Những ngày tháng thế này kéo dài bao lâu, chẳng ai biết. Làm người Vũ Hán thật khó. Ban đầu trải qua sự căng thẳng, khủng hoảng, tiếp đó là những ngày đau đớn, phẫn nộ chưa từng có. Đến hôm nay, không còn khủng hoảng cũng không còn phẫn nộ nhưng lại đến cảm giác buồn bực, bí bách. Chờ đợi đằng đẵng. Tôi tự bảo bản thân, những người xung quanh: Chúng ta hãy chờ tiếp, không còn cách nào khác. Chúng ta đã chờ lâu như thế, những ngày còn lại chắc không quá dài.

Hôm nay một người bạn của tôi kể khi ông ấy chuẩn bị ra khỏi cửa, cháu gái ba tuổi nói: “Ông ơi đừng ra ngoài, ngoài kia có virus”. Tôi xem một video đứa trẻ khoảng ba tuổi muốn ra ngoài chơi, đòi bố mở khóa cửa, bé bảo chỉ muốn tới Walmart chơi một chút. Đáng thương nhất, một đứa trẻ có ông nội qua đời, không dám ra ngoài vì “ở ngoài có virus”…

Còn nhiều đứa trẻ khác bị nhốt trong nhà, bạn có thể hình dung người lớn dọa chúng như thế nào. Virus, virus, virus ở trong tâm chúng, như một con quỷ. Tôi không biết, liệu khi được ra ngoài, có đứa trẻ nào vẫn không dám ra khỏi nhà? Không biết nỗi ám ảnh đó sẽ ở trong tâm chúng bao lâu. Những em bé yếu ớt chưa từng gây lỗi lầm gì với thế giới này, nhưng phải cùng người lớn chịu đựng khổ nạn. Hôm nay, tôi và mấy đồng nghiệp nhớ lại những gì diễn ra trước ngày 20/1, lại mắng chửi những kẻ gây họa, như thế mới bớt bức xúc một chút. Nhìn lại, chúng tôi không phải những người may mắn, chúng tôi là những người may mắn sinh tồn.

Trích đoạn phim tài liệu về cuộc chiến ở tâm dịch Vũ Hán
Trích “Tâm chấn – 24 giờ ở Vũ Hán” – phim tài liệu về nỗ lực của các bác sĩ, cùng biến động đời sống người dân trong tâm dịch nCoV. Video: CGTN.

Nhật ký của nhà văn Phương Phương,  đăng trên chuyên trang blog của trang tin tài chính Caixin từ cuối tháng 1 đến nay, thu hút nhiều bình luận của khán giả. Theo hãng thông tấn CNA, nhật ký này mở cánh cửa để người ngoài tìm hiểu cuộc sống ở Vũ Hán.

Nhà văn Phương Phương. Ảnh: Ifeng.
Nhà văn Phương Phương. Ảnh: Ifeng.

Nhà văn Phương Phương 65 tuổi, tên thật Uông Phương. Bà sinh ở Nam Kinh, theo cha mẹ tới Vũ Hán, Trung Quốc sống từ năm hai tuổi. Năm 1978, bà học khoa Văn Đại học Vũ Hán, trở thành phóng viên, biên tập viên ở Đài truyền hình Hồ Bắc sau khi tốt nghiệp. Phương Phương còn từng làm tổng biên tập tạp chí Contemporary Celebrities (Kim Nhật Danh Lưu). Bà sáng tác tiểu thuyết, tản văn từ cuối thập niên 1980. Năm 2012, tiểu thuyết Vạn kiếm xuyên tâm của bà được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, kể về cuộc đời một người phụ nữ Vũ Hán. Phương Phương là nguyên Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, hiện là ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc.

Đến chiều 26/2, toàn thế giới ghi nhận 81.133 ca nhiễm nCoV và 2.765 người chết vì dịch bệnh này, 30.242 người được chữa khỏi. Dịch xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối năm 2019, trong đó Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc là tâm dịch.

Như Anh – Vnexpress