Sau gần một tháng xuất viện, sức khỏe nghệ sĩ dần ổn định. Ông tập đi lại, tự làm một số việc trong nhà. Sáng sớm, biết có khách tới thăm, ông chọn bộ đồ đẹp, quàng khăn cổ thật ấm, đi ra đi vào trông ngóng. Bà Minh Ngà – vợ nghệ sĩ – cho biết ông muốn xuống sảnh chung cư để chờ nhưng bà ngăn, sợ ông đi lại khó khăn, ra gió lạnh lại trở bệnh. Từ ngày bị ốm, ít được ra ngoài, ông mong có người tới nhà chuyện trò.
Đầu tháng 12/2020, nghệ sĩ Trần Hiếu nhập viện vì tai nạn giao thông. Hôm đó, ông đi xe máy từ nhà – phố Giảng Võ – sang khu vực Xã Đàn để lấy thuốc. Trong lúc di chuyển không may xảy ra va chạm, ông được người dân đưa về nhà trong tình trạng chảy nhiều máu. Thấy tình hình không ổn, vợ nghệ sĩ cho ông uống cốc sữa nóng rồi gọi xe đưa chồng tới bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Bác sĩ kết luận ông bị gãy xương sườn, tổn thương phổi. Nhiều ngày sau, bệnh tình trở nặng, ông được chuyển sang Viện 108. Nghệ sĩ khó thở, ăn uống, vệ sinh đều ở trên giường bệnh. “Lúc đó tưởng ông ấy đi rồi. Chuyển từ khoa cấp cứu về khu điều trị nhưng nhiều lúc bác sĩ phải cấp cứu tại chỗ. Đêm ông ấy khó thở, cứ hức hức, đau lắm”, bà Minh Ngà kể.
Thời gian đầu xuất viện, xương sườn chưa lành hẳn, ông đau nhức, đi lại khó khăn. Trước kia, mỗi ngày ông thường đi bộ quanh hồ Giảng Võ thể dục, bây giờ chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhiều lúc buồn chân, ông đi ra hành lang rồi đi vào. “Bà ấy nghiêm lắm, không cho đi xa”, ông chỉ vào vợ rồi cười nói. Nghệ sĩ ăn ngủ, sinh hoạt theo đúng giờ giấc, quy định bác sĩ đề ra.
Sau tai nạn, chứng đãng trí của ông thêm nặng. Những việc xảy ra trong ngày, vài tiếng sau ông quên sạch. Từ việc phải làm gì, gặp ai đến giờ nào uống thuốc, đều phải do vợ nhắc nhở. Thế nhưng, những gì liên quan đến vợ và âm nhạc, ông lại nhớ như in. Nghệ sĩ thuộc lòng ngày sinh nhật, sở thích của vợ. Ông cũng nhớ kỹ từng nốt nhạc, lời bài hát. Một ca khúc tiếng Tanzania, ông hát từ khi năm tuổi, đến nay vẫn nhớ từng từ, dù không biết nghĩa. Những bài giảng thanh nhạc cho học trò, ông cũng đọc vanh vách. “Đó là nghề của mình mà, sao có thể quên được. Tôi năm nay 85 tuổi rồi nhưng cứ lên sân khấu là hát live, không lip sync (nhép) đâu nhé”. Nói xong, nghệ sĩ cầm guitar, gẩy từng dây đàn và ngân nga ca khúc Điều giản dị để chứng minh.
Nghệ sĩ Trần Hiếu vui sống nhờ tình yêu âm nhạc và sự chăm sóc của bà xã Minh Ngà. Vài năm trở lại đây, ông nhiều lần trải qua bạo bệnh, thập tử nhất sinh. Cuối năm 2018, ông bị nhiễm siêu vi, viêm phổi nặng phải nằm điều trị hơn một tháng trong Bệnh viện Quân y 175 ở TP HCM. Nghệ sĩ ăn uống, vệ sinh ngay trên giường. Các con ở xa, bận công việc, một mình bà lo liệu cho ông. Ngày ông xuất viện, bà gầy xọp, tóc bạc trắng. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn – bác sĩ chữa trị cho ông – tặng hoa, khen bà là điều dưỡng tuyệt vời của bệnh viện, bởi nếu không có bà hỗ trợ, việc điều trị cho ông sẽ không thuận lợi như vậy. Rồi có lần nghệ sĩ bệnh nặng tưởng chết. “Ông ấy nhiều trận kinh khủng lắm, chỉ có tôi chăm sóc là chủ yếu chứ ai vào đây”, bà nói. Ông có hai con, một trai một gái. Con gái – ca sĩ Trần Thu Hà – sống ở Mỹ.
Từ ngày chồng xuất viện, mỗi lần có việc ra ngoài, bà phải nhanh chóng về nhà. Bà sợ ông quên uống thuốc, điện, nước dùng xong không tắt, dễ xảy ra nguy hiểm. Ông mắc nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp không ổn định, người hay mẩn ngứa do dị ứng… phải kiêng khem nhiều thứ. Mỗi ngày bà tự tay chuẩn bị đồ ăn. Cá, thịt phải gỡ xương, hoa quả ăn đúng liều lượng. Chị em tới nhà thăm, thấy bà chăm chồng vất vả cũng giục thuê thêm người, bà gạt liền: “Ông ấy gần đất xa trời rồi, thèm tình cảm vợ con lắm. Tôi cũng có tiền đấy nhưng sao mà thuê người được, càng không thể bỏ. Chăm ông ấy giờ khác gì chăm đứa trẻ, nhưng ông khỏe là tôi mừng”.
Minh Ngà là người Hà Nội gốc, từng làm giáo viên. Họ quen nhau khi cả hai đều trải qua đổ vỡ trong hôn nhân. Ông là bạn của anh trai bà. Mối tình chênh lệch 18 tuổi vấp phải sự phản đối của gia đình Minh Ngà. Họ thấy ông nghệ sĩ nghèo, lại lớn tuổi, sợ sau này bà sẽ khổ. Thế nhưng vì thương ông, bà chấp nhận. Ngày cưới, họ làm 12 mâm cỗ với sự tham gia của hai bên gia đình, bạn bè.
Ban đầu, cặp vợ chồng ở nhờ nhà của nhạc sĩ Trần Tiến – em trai Trần Hiếu – tại TP HCM. Sau này, con cháu hỗ trợ, mua cho ông bà căn hộ 49 m2 ở quận Gò Vấp để định cư. Nhà chật, mỗi lần có học trò, bạn bè nghệ sĩ đến chơi, ông bà phải dọn dẹp để lấy chỗ tiếp khách. Thế nhưng, góc nhỏ ấy luôn tràn ngập nụ cười và tiếng hát. Vài năm trở lại đây, ông bà ra Hà Nội sống.
Khi khỏe mạnh, lịch trình đi diễn, đi dạy của ông đều do bà sắp xếp. Thấy bà có năng khiếu âm nhạc, ông dạy kỹ năng thanh nhạc. Thi thoảng, cả hai cùng đi biểu diễn. “Tôi không thể sống thiếu nhà tôi được. Như tôi người ta gọi là có phúc về hậu vận đấy”, ông nói.
Niềm mong ước lúc này của nghệ sĩ là sớm khỏe để được đi hát cho khán giả nghe và đi dạy cho học trò. Ông đứng dậy, lấy mấy tấm bằng khen đặt trên chiếc đàn piano ở góc nhà. Trong đó, ông thích nhất là danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân cao tuổi nhất còn biểu diễn trên sân khấu” do Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao năm 2016 và “Nghệ sĩ vì cộng đồng” do Nhà văn hóa Thanh Niên, TP HCM trao tặng. Ông coi đó là niềm tự hào trong sự nghiệp 75 năm ca hát của mình.
Nghệ sĩ khoe có một tập tài liệu dày mang tên “Sức mạnh và vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt trong âm nhạc”, được ông viết tay từ năm 1989 đến nay, đúc rút từ quá trình nghiên cứu, làm nghề. NSND Quốc Hưng – học trò của Trần Hiếu – thấy đây là tài liệu quý, đang bàn bạc kế hoạch thay ông xuất bản thành sách.
Trên sô pha, ông cầm điện thoại mở bài báo cũ viết về mình lúc tai nạn. Đến phần bình luận của độc giả, ông đọc lớn từng câu rồi cười khà khà, miệng lẩm nhẩm hát: “Đừng nói tôi già mà, tôi có già đâu/ Đừng có u sầu mà, ta sống càng lâu…”
Hiểu Nhân – Vnexpress