Nghệ sĩ Phú Đôn 42 năm bám trụ với nghề

Làm trợ lý trường quay để kiếm thêm thu nhập, nghệ sĩ Phú Đôn đạp xe tới nhà từng thành viên đoàn phim để báo lịch.

Nửa tháng sau khi rời Nhà hát Kịch Việt Nam về hưu, nghệ sĩ Phú Đôn thảnh thơi tận hưởng buổi sáng đầu tuần bên hồ Tây. Anh vào quán cà phê quen thuộc sau khi đưa các con đến trường, không phải đến nhà hát họp. Anh thích cuộc sống hiện tại – chủ động, tự do trong công việc và có nhiều thời gian bên vợ con ở tuổi “toan về già”. 

42 năm sự nghiệp, Phú Đôn trải qua nhiều khó khăn để bám trụ với nghề. Sinh năm 1960 tại Hà Nội, cha là NSƯT Lại Phú Cương, sáu tuổi, anh đã biểu diễn trên sân khấu. Anh thi đậu hai ngành nghệ thuật và công an sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Cuối cùng, anh chọn vào Nhà hát Kịch Việt Nam, nối gót cha trở thành nghệ sĩ. Vở diễn đầu tiên anh đóng chính là tác phẩm tốt nghiệp Người đá lạc đội hình do NSND Doãn Hoàng Giang dựng. Phú Đôn khi đó 22 tuổi, hóa thân nhân vật phản diện gần 60 tuổi. Vai diễn giúp anh đạt điểm cao, nhận nhiều lời khen của thầy cô, bạn học, mở ra sự nghiệp diễn xuất.

Nghệ sĩ Phú Đôn (ôm hoa) diện áo phông kẻ, quần jeans lửng - trang phục anh yêu thích nhất - bên các đồng nghiệp Nhà hát Kịch Việt Nam trong lễ chia tay về hưu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nghệ sĩ Phú Đôn (ôm hoa) diện áo phông kẻ, quần jeans lửng – trang phục anh yêu thích nhất – bên các đồng nghiệp Nhà hát Kịch Việt Nam trong lễ chia tay về hưu hôm 14/5. Ảnh: NHKVN.

Đầu những năm 1990, khi sân khấu gặp khó khăn, Phú Đôn tính chuyện bỏ nghề tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, tình yêu sân khấu níu anh ở lại. Để bám trụ, ngoài diễn xuất, anh nhận làm tổ chức sản xuất, phó đạo diễn, trợ lý đoàn phim, lồng tiếng, thu âm…  Anh chẳng nề hà việc gì, tiền công có khi chỉ vài chục nghìn đồng, anh vẫn nhận. Thời đó, điện thoại, phương tiện liên lạc còn hiếm, anh phải đạp xe tới nhà từng người trong đoàn phim để báo lịch. Có lần làm việc cùng đội ngũ trong TP HCM, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy nghệ sĩ tên tuổi đi làm “chân chạy vặt”, anh bỏ ngoài tai. Anh nói: “Thời buổi khó khăn, sống được bằng nghề khó lắm. Toàn tâm toàn ý vào nghề thì nghèo”. Đó là lý do anh không mong hai con theo nghệ thuật.

Phú Đôn khắt khe trong công việc, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Anh không đồng tình quan điểm khán giả đang quay lưng với sân khấu mà cho rằng “người làm nghề chưa biết đặt sân khấu trước mặt họ, nhiệm vụ của họ là tạo ra những tác phẩm hay để khán giả phải kéo đến rạp”. Bởi thế, anh kỹ lưỡng trong từng chi tiết. Dù đã đóng vai Thình trong Bệnh sĩ gần 300 suất trên khắp sân khấu lớn nhỏ, đêm nào diễn xong, Phú Đôn và các đồng nghiệp luôn trao đổi, chỉnh sửa cho nhau thêm.

 Nghệ sĩ thường góp ý về kịch bản, cách diễn để có tác phẩm tốt nhất. Anh cũng mở một số buổi “truyền nghề” – chỉ cách lấy hơi, phát âm, biến hóa nhân vật cho các nghệ sĩ trẻ. Anh không hài lòng khi thấy một số đàn em chỉ thích ăn diện, làm hình ảnh đẹp mà không trau dồi diễn xuất. Tại lễ chia tay về hưu, anh đùa rằng các đồng nghiệp trẻ vui lắm bởi từ nay không phải nghe anh cằn nhằn. 

Nghệ sĩ Phú Đôn trong vai ông Thình trong vở diễn Bệnh sĩ trên sân khấu Nhà hát Lớn hôm 23/5. Ảnh: Thanh Huế.
Nghệ sĩ Phú Đôn trong vai ông Thình trong vở diễn “Bệnh sĩ” trên sân khấu Nhà hát Lớn hôm 23/5. Dù về hưu, anh vẫn tham gia các vở diễn của nhà hát và đóng phim. Ảnh: Thanh Huế.

Vóc người gầy gò, làn da ngăm đen và gương mặt nhiều nếp nhăn, anh toát lên nét hiền lành, khắc khổ. Bởi thế, khi đóng phim truyền hình, đạo diễn thường chọn anh vào vai nghèo khó. Phú Đôn cố gắng thoát lối mòn bằng cách lựa chọn nhân vật có cá tính độc đáo, số phận đặc biệt. Mỗi khi nhận được lời mời quay phim, anh thường hỏi bộ phận casting ngoài anh ra, có ai đảm nhận được vai đó nữa không. Nếu họ nói có, anh bảo để vai cho người đó. Anh chỉ nhận những vai mà đạo diễn chỉ định hoặc vai không ai có thể thay thế. Nhờ vậy, vai diễn của anh trong Tivi về làng, Ma làng, Bão qua làng, Nàng dâu order, Hoa hồng trên ngực trái… ghi dấu ấn.

Trên trường quay, Phú Đôn không bao giờ than phiền chuyện bị thương khi hành động, vất vả vì thời tiết không thuận lợi. Anh nói. đó là nghề nghiệp, đã chọn làm nghệ sĩ, anh phải chấp nhận mọi khó khăn. Đến nay, anh không thể đếm số vai từng diễn. Anh cho biết: “Tôi luôn không bằng lòng nên khó có vai nào nhớ mãi hay ám ảnh lâu. Mỗi vai diễn, tôi đều cố gắng làm tốt hết sức có thể. Nhưng khi xem lại, tôi lại nghĩ mình có thể làm tốt hơn”.

Phim Tivi về làng
Nghệ sĩ Phú Đôn trong vai trưởng ban an ninh thôn phim “Tivi về làng”. Video: Youtube.
   

Chuyên tâm cho nghệ thuật, hạnh phúc đến với anh khá muộn. Năm 45 tuổi, qua mai mối của gia đình, anh đến với chị Hồng Vân, ít hơn 25 tuổi. Chị là fan “ruột” của anh nên dù không làm trong lĩnh vực nghệ thuật, chị cảm thông công việc của chồng. Họ có hai con, bé trai đầu học lớp tám, bé gái học mẫu giáo. Nhiều lần đưa con gái đi nhà trẻ, không ít người gọi nghệ sĩ là ông (55 tuổi). Phú Đôn cười xòa “Ờ đấy, thì có sao đâu” rồi cho qua.

Nghệ sĩ tận hưởng cuộc sống bình dị bên vợ con và công việc. Lúc rảnh, anh phụ vợ chăm con, làm việc nhà. Mỗi khi có thời gian, anh đưa vợ con đi ăn, du lịch thư giãn, hâm nóng tình cảm gia đình. Anh nói: “Ở cái tuổi này, chỉ mong mạnh khỏe, bình an bên vợ con, cống hiến thêm chút cho nghề nghiệp là mãn nguyện”. 

Nghệ sĩ Phú Đôn bên vợ và con gái. Những lúc rảnh rỗi, anh thường đưa vợ con đi ăn, du lịch để thư giãn, bồi dưỡng tình cảm gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nghệ sĩ Phú Đôn bên vợ và con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiểu Nhân – Vnexpress