“Cóc, cóc, cóc”, tiếng chiếc búa của bà Trần Thị Lê đập vào lớp vỏ cứng của con hàu tự nhiên bám chặt trên mỏm đá vừa mới lộ ra khi thủy triều vừa rút. Mũi sắt nhọn hoắc xuyên qua lớp vỏ, bà gõ mạnh cán búa khiến vỏ tách làm đôi. Tay kia cầm dao nhỏ cẩn thận móc con hàu sữa mềm mại, to bằng ngón tay trỏ bỏ vào chiếc rổ nhựa nhỏ.
Trong cái nắng 35 độ C, gió biển thốc từng hồi, người phụ nữ ngoài 50 tuổi đội hai chiếc mũ, khẩu trang bịt gần kín mặt lộ vẻ khắc khổ lặp lại hành động đập – móc hết con này đến con khác.
Bà Lê làm nghề đục hàu kiếm sống chừng 20 năm. Trước đây bãi đá mũi Nghinh Phong hàu bám tầng tầng lớp lớp, béo ngậy. Bà chỉ cần dùng chiếc dùi sắt, cục đá đóng vào dùi hàu tách từng mảng, hơn một giờ kiếm được vài bao đem về tách từng con bán chợ với giá rẻ mạt. Hôm nào ế bà mang về biếu hàng xóm ăn chơi.
Hơn mười năm nay, hàu sữa được các nhà hàng, quán ăn và khách du lịch ưa chuộng. “Bấy giờ người ta chế ra chiếc búa đục đầu nhọn dài chừng 10 cm để tách trực tiếp hàu trên mỏm đá được nhanh và nhiều hơn”, bà Lê nói.
Cách đó chừng 100 m, ông Văn Thạnh (56 tuổi, chồng bà Lê) ngồi trên mỏm đá cheo leo, cần mẫn làm việc. Sau 30 năm làm đủ thứ nghề, người đàn ông từng tự tin “khỏe không thua ai” suy kiệt sau một lần đổ bệnh. Cảnh ăn không ngồi rồi khiến ông bứt rứt, cầm búa theo vợ xuống biển.
“Buổi đầu tiên dù vợ hướng dẫn năm lần bảy lượt, song tôi đập hoài không tách được vỏ. Tức quá giáng mạnh tay thì con hàu vỡ nát”, ông Thạnh kể. Suốt ba giờ hôm đó, ông chỉ móc được 200 gram hàu. Sự nóng nảy khiến tay, chân ông bị hàu cứa rách, chảy máu.
Hai tháng sau ông Thạnh lành nghề và nay đã vượt mặt vợ. Mỗi ngày họ móc được chừng 7 kg hàu, bán gần một triệu đồng. “Tùy theo con nước, tháng chỉ làm 15 ngày đổ lại, thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày”, ông Thạnh nói.
Nghề móc hàu sữa nay đã hình thành cộng đồng chừng vài chục người sống rải rác ở TP Vũng Tàu. Họ đến từ nhiều vùng miền, nghèo khó và không có việc làm ổn định. “Nghề không vốn” không dễ dàng chút nào. “Bám trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy trượt chân là bị hàu cứa tứa máu. Rồi lê lết mấy giờ liền ê ẩm lắm, có khi say nắng, trúng gió nằm bẹp mấy ngày liền”, bà Lê Thị Phương nói.
Bây giờ không gian kiếm sống của họ cũng trở nên chật chội hơn. Người trẻ như bà Phương nhường bãi đá cho người lớn tuổi. Hàng ngày họ chạy xe máy vài chục km đến các bãi đá ở Long Hải, Đất Đỏ và tận Xuyên Mộc tìm hàu.
“Không ai được khai thác những con hàu nhỏ hay đục phá tùy tiện bãi đá vì đó là nơi nuôi mình”, bà Phương nói và đó cũng là điều mà những người móc hàu nhắc nhở nhau trong cuộc mưu sinh đầy vất vả.
Trường Hà – Vnexpress