Mẫu súng ‘con lai’ giữa hai huyền thoại

Với mong muốn tăng khả năng tự chủ vũ khí, Hàn Quốc phát triển súng K2 lai giữa M16 huyền thoại của Mỹ và AK của Nga.

Vào cuối thế kỷ 20, một trong những tiêu chuẩn của quốc gia có nền quốc phòng hiện đại là khả năng tự thiết kế và chế tạo súng trường cho riêng mình. Là một cường quốc quân sự đang nổi lên, Hàn Quốc đã rất chú trọng vào lĩnh vực này và kết quả là sự ra đời của K2, khẩu súng trường tấn công “con lai” giữa hai huyền thoại M16 của Mỹ và AK của Nga.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc chủ yếu được trang bị vũ khí cá nhân dư thừa của Mỹ, chủ yếu là M1 Garands và M2 Carbine có từ thời Thế chiến II. Đến cuối thập niên 1960, với mong muốn độc lập hơn trong lĩnh vực sản xuất súng, tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc ký thỏa thuận với hãng Colt của Mỹ để được cấp phép chế tạo súng M16A1.

Tuy nhiên, khi giấy phép với hãng Colt hết hạn, quân đội Hàn Quốc đã không thể tiếp tục sản xuất súng trường. Vì vậy, chính quyền Seoul quyết định sẽ tự thiết kế và sản xuất súng trường, mang những thông số kỹ thuật và tính năng riêng có của Hàn Quốc.

Thiết kế K2 ra đời vào năm 1984 và những khẩu súng K2 đầu tiên được đưa vào sử dụng trong quân đội Hàn Quốc cùng năm. Về cơ bản, Hàn Quốc đã sao chép và kết hợp những đặc điểm tốt nhất trên các mẫu súng “huyền thoại” khi đó để tạo nên K2.

Bề ngoài, súng có nhiều điểm khá giống M16, khi các kỹ sư vũ khí Hàn Quốc bắt chước hệ thống hoạt động của khẩu súng trường tấn công AR-18 của nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng người Mỹ Eugene Stoner, cha đẻ của khẩu M16. Cụm cò của súng cũng rất giống với thiết kế của mẫu AR.

Mặc dù vậy, K2 không hoàn toàn giống với AR-18. Thay vì áp dụng nguyên lý lên đạn bằng trích khí ngắn và khóa nòng xoay của súng Mỹ, mẫu súng trường Hàn Quốc lại có cơ chế nạp đạn bằng khí nén với hệ thống trích khí dài và lò xo đẩy về tương tự súng AK huyền thoại của Nga, cùng các nấc điều chỉnh trích khí tương tự súng trường FN FAL của Bỉ. 

Với trọng lượng gần 3,3 kg, khẩu K2 nặng tương đương với những khẩu súng trường cỡ nòng 5,56 mm của NATO. Các chuyên gia quân sự cho rằng K2 mang những đặc tính cơ khí chính xác của AR-15 nhưng sở hữu uy lực và độ tin cậy không kém gì AK.

Kể từ đó, khẩu K2 đã phục vụ trong lực lượng vũ trang Hàn Quốc trong suốt 35 năm qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục được nâng cấp để phục vụ trong những năm sắp tới.

Súng trường K2 của Hàn Quốc. Ảnh: Reddit.
Súng trường K2 của Hàn Quốc. Ảnh: Reddit.

Súng được sản xuất hoàn toàn bằng kim loại dập, thêm một số bộ phận bằng nhựa có độ bền cao và nổi tiếng với độ chắc chắn. Hàng trăm nghìn khẩu đã được sản xuất và trang bị cho phần lớn các lực lượng trong quân đội Hàn Quốc, ngoại trừ lực lượng dự bị vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí dư thừa của Mỹ và những khẩu M16A1 cũ kỹ trong thời gian dài.

K2 có tốc độ bắn tối đa là 750 phát/phút với ba chế độ bắn gồm phát một, loạt ba viên một hoặc hoàn toàn tự động, có thể sử dụng hộp tiếp đạn STANAG tiêu chuẩn loại 30 viên của NATO. Tầm bắn hiệu quả tối đa đạt 400 mét, giống như tầm bắn của các loại súng trường cỡ nòng 5,56 mm.

Đầu những năm 2000, công ty S&T Motiv (tiền thân là công ty Daewoo) đã bắt đầu cải tiến khẩu K2 nhằm tích hợp nhiều bộ phận mới xuất hiện trên súng trường của Mỹ và NATO. Ốp lót tay kiểu cũ được thay thế bằng ốp lót tay có rãnh Picatinny trên các khẩu súng K2A mới.

Những khẩu súng trường nâng cấp này được gắn kính ngắm điểm đỏ và có thể tích hợp đèn chỉ thị mục tiêu laze và tay cầm trước, làm cho loại súng này trở nên dễ cải tiến, giống như những khẩu súng trường hiện nay của phương Tây.

Một binh sĩ Hàn Quốc huấn luyện với súng trường K2. Ảnh: National Interest.
Một binh sĩ Hàn Quốc huấn luyện với súng trường K2. Ảnh: National Interest.

Thời kỳ này, lục quân Mỹ phát triển một loại vũ khí bộ binh mới có tên Vũ khí Chiến đấu Cá nhân Tiên tiến (OICW) lai giữa súng trường tấn công 5,56 mm truyền thống và súng phóng lựu 20 mm. Điều này đã thôi thúc Hàn Quốc phát triển một loại vũ khí riêng và kết quả là khẩu K-11 ra đời.

Về cơ bản, K-11 là sự kết hợp giữa K-2 và súng phóng lựu cỡ nòng 25 mm. K-11 được trang bị một máy tính đường đạn, kính ngắm laze và bộ phận lập trình điện tử cho lựu đạn, giúp xạ thủ có thể điều chỉnh kíp lựu đạn, cho phép lựu đạn nổ phía sau công sự của đối phương.

Trong khi lục quân Mỹ đình chỉ dự án OICW, khẩu K-11 hiện vẫn được Hàn Quốc sử dụng, giúp tăng cường đáng kể hỏa lực của bộ binh.

Hiện nay, việc tự sản xuất vũ khí cầm tay không còn là tiêu chuẩn của một cường quốc quân sự. Chẳng hạn, Pháp đang nhập khẩu súng trường mẫu mới của Đức để trang bị cho lục quân, trong khi Anh có thể sẽ mua súng trường tấn công từ nước ngoài sau năm 2030.

Đối với Hàn Quốc, khẩu K2 vẫn là vũ khí hạng nhẹ chủ chốt trong lục quân nước này. Mặc dù có tuổi đời “già nua”, vũ khí này về cơ bản vẫn hiệu quả và dễ cải tiến thành những phiên bản mới, hiện đại và phù hợp hơn. Với năng lực mạnh về công nghiệp quốc phòng cùng chính sách chú trọng xuất khẩu của mình, quân đội Hàn Quốc ít có khả năng sử dụng một loại vũ khí từ nước ngoài thay thế K2 trong tương lai gần.

Hữu Khôi (Theo National Interest) – Vnexpress