Lý do xin việc thất bại

Nhiều ứng viên đưa ra mức lương quá cao, xem nhẹ mục tiêu nghề nghiệp, không có chí tiến thủ hoặc đã lớn tuổi. 

Trong khi nhiều ứng viên được nhà tuyển dụng tại show truyền hình thực tế tìm việc làm Cơ hội cho ai mời về công ty với mức lương khủng thì cũng không ít người phải ra về tay trắng. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về nhân sự, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự Tập Đoàn ManPower Việt Nam – cho biết: “Một ứng viên phù hợp với môt doanh nghiệp sẽ là một sự tổ hợp của nhiều yếu tố bao gồm: năng lực, kinh nghiệm, phong cách quản lý, động lực, chế độ phúc lợi… Không có ứng viên hoàn hảo mà các nhà tuyển dụng thường sẽ nhìn nhận một bức tranh tổng quát cân nhắc giữa các yếu tố khác nhau và lựa chọn ứng viên phù hợp nhất cho doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian cho đào tạo, huấn luyện”. Dưới đây là một số lý do khiến các ứng viên khi đi xin việc bị từ chối.

1. Đưa ra mức lương không tưởng

Xuất hiện trong tập 3 Cơ hội cho ai, ứng viên Bùi Văn Dương (29 tuổi), có 6 năm kinh nghiệm làm kinh doanh và đang làm cho một công ty Mỹ. Ứng viên này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các sếp tham gia chương trình bởi sự tự tin trong lĩnh vực bán hàng và nhiều năm làm việc tại các công ty nước ngoài.

Ứng viên Bùi Văn Dương kỳ vọng mức lương lên tới 50 triệu đồng. 
Ứng viên Bùi Văn Dương. 

Đánh giá cao kinh nghiệm của Bùi Văn Dương, các sếp đưa ra nhiều mức lương hấp dẫn để mời gọi về công ty. Cụ thể sếp Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí Petrosetco đề xuất mức lương 25 triệu đồng; sếp Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CenGroup đưa ra mức lương 30 triệu đồng; sếp Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó chủ tịch Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp, thành viên thường trực HĐQT Tập đoàn Tiki đưa ra mức 45 triệu đồng; và sếp Lưu Nga, CEO Elise mức 30 triệu đồng.

Tuy nhiên ứng viên này không hài lòng với mức lương mà các sếp đưa ra và đề xuất mức kỳ vọng 50 triệu đồng. Văn Dương bày tỏ: “Với một người kinh nghiệm 6 năm như tôi mong chờ mức lương được đánh giá theo cấp quản lý”.

Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT – cho rằng không phải ứng viên cứ có kinh nghiệm và từng làm công ty nước ngoài thì đưa ra mức lương đề xuất quá cao. Nhà tuyển dụng luôn có chế độ đãi ngộ với người lao động về vấn đề lương thưởng nhưng ứng viên cần phải có thời gian chứng minh năng lực thực sự.

2. Xem nhẹ mục tiêu nghề nghiệp

Ứng viên Phùng Thị Hồng Ngọc. 
Ứng viên Phùng Thị Hồng Ngọc. 

Trong khi đó, xuất hiện trong tập 4 của chương trình, ứng viên trẻ Phùng Thị Hồng Ngọc (22 tuổi) vừa tốt nghiệp đại học ngành Luật nhưng ứng tuyển công việc lễ tân. Theo sếp Lưu Nga và sếp Hoàng Nam Tiến, thì việc ứng viên chọn công việc trái ngành là hết sức bình thường. Tuy nhiên sếp Phạm Thanh Hưng không hài lòng và cho rằng một cử nhân Luật mà lại chọn công việc lễ tân là điều đáng tiếc và ứng viên đã đặt mục tiêu công việc quá thấp.

“Bố mẹ đã mất rất nhiều tiền nong và tạo mọi điều kiện nhưng ra trường bạn không theo nghề, lại xin đi làm lễ tân. Tôi không đánh giá thấp nghề này, nhưng 4 năm tiền bạc, thời gian, đã được trang bị những kiến thức thì bạn nên nỗ lực. Tôi phê bình để cảnh tỉnh các bạn chứ không phải ác ý hay không thiện cảm”, sếp Phùng Tuấn Hà thẳng thắn nhận xét ứng viên. 

Khi được sếp Nga và sếp Hưng đồng ý tuyển dụng với công việc lễ tân thì Hồng Ngọc lại tiếp tục gây bất ngờ khi đưa ra mức lương kỳ vọng là 9 triệu đồng. Trong khi đó mức lương mà sếp Nga đề xuất chỉ là 7 triệu và sếp Hưng là 5 triệu đồng cho vị trí lễ tân bởi tính chất đơn giản và không cần nhiều kỹ năng phức tạp.

Chia sẻ về vấn đề thương lượng lương giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thu Trang – Tập đoàn ManPower Việt Nam – khuyên: “Các ứng viên cần cân nhắc việc đưa ra mức lương mong muốn phù hợp nhằm nắm bắt được các cơ hội từ nhà tuyển dụng”.

3. Dày dặn kinh nghiệm nhưng lớn tuổi

Ứng viên Võ Xuân Vinh, 39 tuổi. 
Ứng viên Võ Xuân Vinh.  

Trong tập 10 chương trình, ứng viên Võ Xuân Vinh (39 tuổi), có kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh, từng có 6 năm giữ vị trí điều hành doanh nghiệp vẫn bị tất cả 6 sếp từ chối tuyển dụng. Sếp Hưng hoài nghi năng lực của ứng viên: “Bạn gần 40 rồi, tuổi này thông thường phải có vị trí vững chắc, nếu có chuyển việc thì cũng không phải do mình xin việc”. 

Với quan điểm “Nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến cảm xúc và sự thành công của doanh nghiệp”, sếp Lưu Nga cho rằng ứng viên Xuân Vinh đã hết lửa, chưa thể hiện được niềm đam mê và khát khao cống hiến cho doanh nghiệp. Các sếp còn lại cũng không tìm được điểm chung với ứng viên này.

Một trường hợp khác là ứng viên Lê Văn Duẩn (34 tuổi) với 11 năm kinh nghiệm làm trưởng phòng và giám đốc vẫn không thể thuyết phục các sếp tuyển dụng mình. Trong khi đó đối thủ của Duẩn là Phạm Thị Nhung, người 7 năm kinh nghiệm bán hàng lại được đến 5 sếp mời về làm việc và nhận mức lương hơn 45 triệu đồng với vị trí Giám đốc kinh doanh tại công ty của sếp Hưng.

Chương trình thực tế Cơ hội cho ai là sân chơi dành cho các bạn trẻ muốn gia nhập các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam dưới sự thử thách của các lãnh đạo công ty. Đây là nơi các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm đi xin việc cũng như tìm hiểu thêm các tiêu chí tuyển dụng của các sếp lớn. Mỗi tập chương trình sẽ có 6 sếp ngồi ghế nóng. Các cặp thí sinh đối đầu trong các vòng thử thách nhằm tìm cho mình một vị trí thích hợp tại các công ty này.

Sơn Nam – Ngoisao.net