Năm 2018 chứng kiến nhiều đại gia ôm khối nợ nghìn tỷ, kinh doanh bết bát như Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức, Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ,KIDO của ông Trần Kim Thành … Thậm chí, Quốc Cường Gia Lai của gia đình Cường Đô la còn bị mất đất Phước Kiển và dính vào lùm xùm đất đai liên quan tới ông Tất Thành Cang.
Lê Phước Vũ: Dự án dậm chân, công ty lỗ thảm
Được coi là con nợ “nghìn tỷ” với kết quả kinh doanh ngày càng “bết bát”, đại gia Lê Phước Vũ là một trong những tên tuổi để lại nhiều dấu ấn nhất trong năm 2018 bởi “vận đen” đeo bám.
Theo đó, tình hình kinh doanh hiện tại của Hoa Sen không “đẹp đẽ” như lịch sử vốn có. Tập đoàn này đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tiêu cực về tình hình kinh doanh kể từ đầu năm 2017 khi lợi nhuận không ngừng sụt giảm và mới đây nhất, con số lỗ đậm hơn 100 tỷ mà HSG công bố trong quý cuối cùng của niên độ 2017-2018 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014. Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014.
So với đối thủ Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long thì Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã tụt lại rất xa. Trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Hòa Phát liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2017, Hòa Phát thu về gần 47 ngàn tỷ doanh thu, lãi ròng hơn 8.000 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của công ty này là gần 42.000 tỷ đồng, lãi hơn 6.800 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu năm nay là do áp lực lãi vay quá lớn. Trong niên độ 2017-2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã phải trả mức lãi vay 812 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm. Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng đã phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn 2.635,8 tỷ đồng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.
Hiện, HSG của ông Lê Phước Vũ đang vay tại 16 ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank với dư nợ lên đến vài nghìn tỷ đồng. Dù HSG đã tất toán 8 khoản nợ tại 5 ngân hàng, giá trị các khoản vay ngắn hạn lại tăng lên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.
Kết quả kinh doanh “bết bát”, mã cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ không ngừng lao dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. So với mức giá 24.000 đồng/cp ghi nhận đầu năm 2018, giá trị của mã cổ phiếu HSG đã bốc hơi tới 75% giá trị và thổi bay hơn 5.500 tỷ đồng vốn hoá thị trường.
Khép lại phiên cuối cùng của năm 2018, HSG đứng tại 6.510 đồng/cp. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu HSG sẽ khó có sự bứt phá nếu như tập đoàn Hoa Sen không bắt tay tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bầu Đức từ kinh doanh bết bát, phong tỏa tài sản đến dính lùm xùm kiện cáo
2018 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG).
10 năm trước, người đứng đầu HAGL đưa cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 22.12.2008. Đồng thời, ông cũng nhận danh xưng người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ấy vậy mà, 10 năm sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp của bầu Đức chìm sâu trong các khoản nợ.
Tính tới cuối tháng 9.2018, HAG đang có hơn 21.000 tỷ đồng nợ vay, gồm 5.790 tỷ đồng vay ngắn hạn và gần 15.270 tỷ đồng vay dài hạn. Chi phí lãi vay 3 quý gần nhất gần 1.366 tỷ đồng, riêng quý III hơn 442 tỷ đồng.
Ảnh hưởng từ kết quả kém tích cực trong hoạt động kinh doanh, cổ phiếu 2 doanh nghiệp của “bầu” Đức trên sàn chứng khoán lao dốc. Từ mức trên 40.000 đồng (giá điều chỉnh) từng đạt được vào năm 2010, cổ phiếu HAG đã về dưới mệnh giá và hiện giao dịch quanh mức 4.000 đồng/cp.
HNG, cổ phiếu của công ty con Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng chung số phận, giảm từ mức 35.000 đồng khi chào sàn năm 2015 xuống quanh giá 16.000 đồng/cp.
Thị giá cổ phiếu liên tục sụt giảm cùng với những lần buộc bán giải chấp, bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, lao đao khi thảm hỏa vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attepau tại Lào nới có 3 doanh nghiệp của HAGL đang hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp và thủy điện.
Khó khăn chồng chất khó khăn và phải đến cuối quý III vừa qua, sau cái bắt tay với ông Trần Bá Dương tình hình nợ vay của HAGL mới được giải quyết.
Từ mức nợ vay lên trên 27.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2015-2016, tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng nợ của HAGL đã giảm xuống 21.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được cam kết đầu tư từ Thaco Trường Hải vào các công ty con.
Tuy nhiên, đi cùng với đó quyền lực của Bầu Đức cũng bị chia sẻ. Sau hợp tác, Thaco đã đưa nhân sự vào các vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp “bầu” Đức. Cuối tháng 12, HNG đã miễn nhiệm 6 Phó Tổng giám đốc và thay thế dần các đại diện từ Thaco. Các chức vụ Thành viên HĐQT, Thành viên Ban kiểm soát, Kế toán trưởng và Phó Tổng giám đốc đều có mặt các cá nhân từ Thaco.
Năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức còn dính vào những rắc rồi về pháp luật khi bị FPT Capital kiện ra tòa liên quan đến tranh chấp hợp đồng góp vốn. HAG đã cử Luật sư đại diện cho Công ty và ông Đoàn Nguyên Đức tham gia tố tụng và vụ kiện đang được Tòa án xem xét giải quyết chưa có phán quyết cuối cùng.
Mặc dù gặp khó khăn nhưng HAGL của Bầu Đức vẫn duy trì Học viện bóng đá HAGL-JMG. HAGL vẫn đầu tư bảng chục tỷ đồng cho bóng đá. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức chính là người mời và trả lương cho HLV Park Hang Seo, với số tiền 800 triệu đồng/tháng, tổng cộng lên tới gần 20 tỷ đồng trong vòng 2 năm.
Cường Đôla rút khỏi QCG, lình xình đất Phước Kiển
Năm 2018 có thể xem là một năm “kinh tế buồn” của Quốc Cường Gia Lai với hàng loạt những biến động lớn, từ lùm xùm tại dự án Phước Kiển đến việc ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đột ngột rời “ghế nóng”…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt 82 tỷ đồng, giảm 30%. Còn lợi nhuận vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, bằng gần 1% so với cùng kỳ 2017.
Đáng lưu ý, tổng giá trị tồn kho của công ty ghi nhận của QCG lên tới 7.296 tỷ đồng, tăng 380 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ các dự án bất động sản dở dang, đang xây dựng. Dự án trọng điểm của công ty trong 10 năm qua, khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, chiếm tỷ trọng tồn kho lớn nhất, ước tính trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, tổng nợ của Quốc Cường Gia Lai đã tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận ở mức 8.379 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 7.919 tỷ đồng, phần phải trả ngắn hạn chiếm phần lớn khi ghi nhận ở mức 6.492,5 tỷ đồng.
Kinh doanh “bết bát”, năm 2018, hàng loạt các dự án BĐS của Quốc Cường Gia Lai rơi vào vòng xoáy đen đủi như bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án tại Đà Nẵng sau khi dính những dự án treo 10 năm hay buộc phải trả lại tại TP.HCM.
Đáng chú ý, trong hai khu đất Phước Kiển gây xôn xao dư luận vừa qua thì có một dự án liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang, một dự án còn “treo” công nợ gần 2.900 tỷ với Sunny Island – đang khiến doanh nghiệp của mẹ con Cường đô la ngày càng lao đao.
Giữa muôn trùng khó khăn, chỉ một ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Phó Bí thư Tất Thành Cang liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất có diện tích trên 32,4ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) mà Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Quốc Cường Gia Lai đã phát đi thông tin về việc ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) rút khỏi thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu QCG cũng không ngừng lao dốc. Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 tại mức gia 4.600 đồng/cp. So với thời kỳ đỉnh cao của QCG trong 1 năm qua, gia đình bà chủ Quốc Cường Gia Lai đã đánh mất tới 1.662,4 tỷ đồng và giá trị tài sản trên sàn chỉ còn 670,9 tỷ đồng.
Sau đó không lâu, Thông cáo Báo chí Kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), kết luận “những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Ông Tất Thành Cang còn sai phạm liên quan tới dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) khi chấp thuận chủ trương giao HĐTV và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển nhượng hơn 32ha đất cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường đôla.
Chiều 26.12, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Lùm xùm đất vàng Lê Duẫn, Kido của ông Trần Kim Thành kinh doanh bết bát
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018 của CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) do ông Trần Kim Thành làm Chủ tịch HĐQT, cho thấy tổng doanh thu đạt 1.958 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mặc dù doanh thu thành phẩm đã bán của Kido xấp xỉ cùng kỳ nhưng thu từ hàng hóa đã bán lại giảm gần phân nửa, xuống mức 399.6 tỷ đồng. Hàng bán bị trả lại cũng tăng hơn gấp đôi lên gần 20 tỷ đồng trong kỳ này. Trong đó, bán cho bên liên quan tăng vọt từ mức gần 24 tỷ của cùng kỳ lên tới gần 370 tỷ đồng.
Dù giá vốn giảm gần 8% nhưng lãi gộp của Kido chỉ đạt 369 tỷ đồng, giảm hơn 15% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng giảm từ 20,45% của cùng kỳ xuống mức 19.11% trong kỳ này.
Thêm vào đó, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh hơn 44%, đồng thời chi phí lãi vay cũng giảm gần 22% khi chiếm gần 34 tỷ đồng.
Trong khi chi phí bán hàng tăng 5% lên mức 310 tỷ đồng thì Kido đã tiết giảm được chi phí quản lý tới 14.5%, về mức 103 tỷ đồng.
Mặc dù Kido của ông Trần Kim Thành đã ghi nhận mức lãi ròng khả quan hơn các quý liền trước khi đạt hơn 15 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm đáng kể tới 67% so với cùng kỳ 2017.
Theo Kido, doanh thu bán hàng thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng mảng kem và sữa chua, cùng với việc đầu tư mở rộng thị trường và đội ngũ bán hàng của ngành dầu ăn đã dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần vẫn tăng hơn 12% khi đạt 5.975 tỷ đồng chủ yếu đến từ mảng kinh doanh dầu ăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ con số lỗ gần 12 tỷ đồng của quý I.2018 nên lãi ròng của Kido chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, giảm tới 99% so mức 457 tỷ của cùng kỳ.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30.09.2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kido âm tới 149 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải trả và tiền lãi vay đã trả. Báo cáo tài chính cũng ghi nhận vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Kido không thuyên giảm so với đầu kỳ mà vẫn chiếm khá lớn, lần lượt là 1,325 tỷ đồng và 836 tỷ đồng.
Trong khi kinh doanh bết bát, Kido của ông Trần Kim Thành còn đối mặt với khó khăn trong mảng bất động sản với nhiều kỳ vọng khi giữa tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất được tiếp tục triển khai dự án xây khách sạn năm sao và trung tâm thương mại trên khu đất vàng 5.000 mét vuông tại 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM). Đây là lô đất bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi do UBND TP HCM bán cho tư nhân sai quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.