Bà Lê Thị Liên, 56 tuổi, là con gái liệt sĩ Lê Quý Quỳnh, Tiểu đoàn phó đặc công 404 – một trong 17 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam ngày 5/8/1970. Hài cốt của cha bà Liên cùng 16 liệt sĩ đặc công khác được tìm thấy vào đầu tháng 6/2020, an táng trong ngôi mộ tập thể ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn.
Bà Trần Thị Tư, vợ ông Quỳnh, kể chồng mình nhập ngũ năm 18 tuổi, tham gia nhiều chiến trường rồi xuất ngũ về quê. Khi chiến tranh chống Mỹ trở nên khốc liệt, ông lại nhập ngũ, được huấn luyện trở thành lính đặc công. Năm 1968, ông Quỳnh từ miền Bắc hành quân vào Nam. Ngang qua quê nhà, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đơn vị dừng chân nghỉ nên ông tranh thủ về thăm gia đình khoảng 15 phút.
Do lâu ngày mới được gặp ba, cô bé Liên khi đó mới 4 tuổi òa khóc, vùng chạy. Thăm gia đình được ít phút, ông Quỳnh lại ra đi, trong balô có bốn lon gạo và một con gà quà quê. Trước lúc rời nhà, ông dặn vợ: “Lần này đi anh sẽ trở khó về, vì chiến trường cam go. Em ở nhà nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Biết chồng là lính đặc công nhưng bà Tư không biết ông đóng quân nơi đâu. Nhiều năm liền, bà không nhận được lá thư nào từ chồng. Năm 1975, đất nước thống nhất, nhiều người lính trở về quê, còn ông Quỳnh biệt tăm. Bà Tư đến nhiều nơi hỏi thăm nhưng không có kết quả. Có người nói làm lính đặc công nên bí mật giấu tung tích, người nói ông đã hy sinh, nhưng bà Tư tin chồng còn sống để có niềm tin nuôi ba con gái khôn lớn.
Năm 1977, bà Tư nhận được tin báo tử nhưng không biết nơi hy sinh, hài cốt chôn ở đâu. Bà ốm liệt giường ba tháng, mái tóc rụng dần. Chị em trong xã thay phiên nhau đến nấu ăn, chăm sóc và dọn dẹp giúp bà. Năm 1992, gia đình bà Tư đi khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tìm kiếm hài cốt chồng nhưng vô vọng. Năm 2010, những cựu chiến binh Tiểu đặc công 404 tìm đến nhà thăm và kể lại trận đánh sân bay Khâm Đức.
Tìm được hài cốt ông Quỳnh, cả gia đình khóc vì hạnh phúc. Tất cả những ký ức về cha được bà Liên dồn nén, viết thành bài thơ “Đón ba về”: Đón ba về, vui lắm ba ơi…/ Thế là con đã hoàn thành tâm nguyện/ Mấy mươi năm ấp ủ trong tim/ Yên nghỉ nhé, ba cùng các chú!/ Đất nước ngàn thu sẽ nhớ mãi ơn ba/ Cùng các chú đã hy sinh bất tử/ Cho nước non mình đẹp mãi những mùa hoa.
Trong trí nhớ bà Hoàng Thị Tám, em gái liệt sĩ Hoàng Văn Mão, quê xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, anh trai bà cao gần 1,7 m, khuôn mặt tròn, da trắng. Gia đình có 10 anh em (5 trai, 5 gái), mỗi ngày anh Mão thường bày cho bà học bài, chiều xuống dẫn em gái ra bờ sông dạy tập bơi. Năm 1968, tròn 18 tuổi, anh Mão lên đường nhập ngũ và hứa với mẹ – bà Nguyễn Thị Kẹo rằng đất nước thống nhất con trở về mua cho mẹ cái đài radio.
Anh Mão dặn bà Tám ở nhà chăm ngoan, nghe lời bố mẹ, khi trở về sẽ mua quần áo đẹp cho. “Lời hứa đó anh không thực hiện được, vì sau hai năm rời quê hương vào chiến trường thì anh hy sinh”, bà nói giọng ngẹn ngào. Năm 1977, gia đình bà Tám nhận được giấy báo tử, chính quyền địa phương tổ chức lễ truy điệu nhưng không biết nơi hy sinh.
Năm 2010, đồng đội của liệt sĩ Mão tìm về quê thăm bà Kẹo. Người mẹ già gửi gắm cựu chiến binh tìm giúp hài cốt con. Bà nói cố gắng sống thật lâu để chờ tin nhưng qua nhiều năm đều vô vọng. Năm 2014, bà Kẹo qua đời ở tuổi 94. Ngồi bên ngôi mộ vừa được an táng, bà Tám trào nước mắt: “Anh ơi, ở đây cùng đồng đội, hàng năm em và gia đình vào thăm. Mẹ ở dưới suối vàng giờ đang vui lắm”.
Nhận được thông tin tìm thấy hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công, bà Nguyễn Thị Trước, vợ liệt sĩ Vũ Quang Đặc ở xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng con Vũ Thị Điểm vào ngay Khâm Đức. Bà Trước nên duyên với ông Đặc năm 1959, tháng 2/1962 ông nhập ngũ. Cuối năm đó, bà Trước sinh con gái đầu lòng Vũ Thị Điểm.
Được đào tạo lính đặc công ở Hà Nội, ông Đặc đi chiến trường miền Nam, tham gia kháng chiến ở Khe Sanh – đường 9 Nam Lào. Năm 1965, ông hoàn thành nhiệm vụ, được trở miền Bắc học sĩ quan và trong một lần về phép, bà Trước mang bầu. Năm 1969, người con thứ hai Vũ Quang Đạt chưa chào đời thì ông Đặc hành quân vào chiến trường Nam Trung Bộ với chức trung đội trưởng.
Sau hơn 50 năm, bà Điểm vẫn nhớ những lần bố về phép , cõng bà đến nhà hàng xóm chơi. Túi đồ của bố lúc nào cũng có khẩu súng lục, ông dặn con không được sờ nghịch. “Có lần cả nhà đang ngồi chơi thì bố vào bất ngờ. Bố về không ai biết, đi không ai hay”, bà Điểm nhớ lại. Có lần bà hỏi bố bằng cách nào mà làng xóm, người nhà không ai biết, ông Đặc nói chiến tranh kết thúc sẽ kể con nghe.
Trong lần về phép khác, ông Đặc mang về hộp thịt – chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ. Ông bỏ lên bếp nấu cho con gái ăn. “Trước khi bố đi vào chiến trường miền Nam, tôi dặn lần sau bố mang về cho ăn. Bố cười, dặn tôi ở nhà nghe lời mẹ rồi sẽ mang thịt hộp về”, bà Điểm chia sẻ.
Từ lần đó, bà Điểm không được gặp lại bố. Lớn lên, bà cùng gia đình đi tìm kiếm tung tích ông nhưng thất bại. “Giờ tìm thấy thì hài cốt bố lẫn lộn với đồng đội nên thân nhân các gia đình liệt sĩ mong muốn an táng một ngôi mộ tập thể. Hàng năm, ngày 5/8, chúng tôi sẽ đến Khâm Đức hương khói”, bà chia sẻ.
Đắc Thành – Vnexpress