Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu về các dự án dùng vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) chiều 29/6, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) kiến nghị Chính phủ cho các chuyên gia đã được xác định âm tính vào Việt Nam. Họ sẽ cách ly 14 ngày tại nơi cư trú gần công trường. Thời gian này, các chuyên gia sẽ làm việc trực tuyến dưới sự giám sát của cơ quan y tế, hết hạn cách ly mới được ra ngoài.
Theo ông Cường, khoảng 83 chuyên gia nước ngoài đang chờ nhập cảnh để thực hiện dự án. Đặc biệt, các chuyên gia Nhật Bản đi cùng với đoàn tàu Metro Số 1 chưa thể qua Việt Nam. Do đó, tàu metro cũng chưa thể nhập khẩu về nước như kế hoạch.
Lãnh đạo MAUR cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất với UBND TP HCM trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương của dự án bằng yen Nhật, trên cơ sở đó quy đổi tương đương tiền đồng theo tỷ giá lúc giải ngân thực tế.
Đồng thời, ông Cường cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân bổ tiếp vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa bố trí cho dự án hơn 3.600 tỷ đồng. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thành phố thủ tục hoàn ứng ngân sách thành phố 4.149 tỷ đồng đã tạm ứng cho tuyến Metro Số 1; xem xét thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các Hiệp định vay bổ sung vốn còn lại.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết TP HCM hiện có số dự án ODA nhiều nhất cả nước với 9 dự án lớn. Tổng số vốn ODA cấp phát cho thành phố giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 70% cả nước. Riêng trong năm nay, nguồn vốn phân bổ cho thành phố hơn 15.000 tỷ đồng.
Đánh giá cao việc thành phố tích cực thực hiện chỉ đạo Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng Phó thủ tướng đánh giá đến nay sau 6 tháng, giải ngân vốn ODA của thành phố rất thấp, chỉ đạt 10,3% vốn.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng việc giải ngân chậm do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Điển hình như vấn đề thống nhất sử dụng tiền yen Nhật hay đồng Việt Nam, từ tháng 5/2019, UBND thành phố có văn bản xin ý kiến các bộ. Ba tháng sau Bộ Tài chính trả lời, nhưng chưa có ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chưa giải quyết được. Cuối năm ngoái, thành phố lại gửi văn bản cho hai bộ nhưng vẫn chưa được trả lời nên tháng 4 vừa rồi tiếp tục xin ý kiến.
“Mong thời gian sắp tới, sau khi Phó thủ tướng kết luận, các bộ ngành Trung ương quan tâm giải quyết sớm các vướng mắc của thành phố để đẩy nhanh tiến độ các dự án”, ông Phong nói.
Trước đó, lãnh đạo MAUR cho biết theo quy hoạch, thành phố sẽ có 8 tuyến metro với chiều dài khoảng 220 km. Trong đó, thành phố tập trung đẩy nhanh dự án Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) kết nối khu vực trung tâm thành phố với Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP HCM. Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 73,5% khối lượng công việc và phấn đấu cuối năm đạt 85%.
Với dự án Metro Số 2 (Bến Thành – Tham Lương), TP HCM đang tập trung chuẩn bị các thủ tục sẽ khởi công năm 2021. Ngoài ra, trong năm nay thành phố sẽ thông qua chủ trương đầu tư công dự án Metro Số 5 – giai đoạn 1 (cầu Sài Gòn – Bến xe Cần Giuộc) kết nối 2 tuyến Số 1 và Số 2.
“Sau khi hoàn thành, 3 tuyến Metro này sẽ liên kết với nhau tạo thành tam giác tổ chức giao thông từ các hướng vào trung tâm phục vụ khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân thành phố”, ông Cường nói.
Hữu Công – Vnexpress