Kết nối với chúng tôi:

Thể thao

Hồng Sơn: ‘Tính cách của tôi không hợp làm V-League’

Đã đăng

 ngày

 
Cựu tiền vệ Thể Công và tuyển Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn chọn cách đứng ngoài vòng chiến đấu vì cảm thấy môi trường V-League khốc liệt không thể dung hoà cái tôi của anh.
Cựu tuyển thủ Hồng Sơn trong cuộc trò chuyện với . Ảnh: An Ngọc.
Cựu tuyển thủ Hồng Sơn trong cuộc trò chuyện với . Ảnh: An Ngọc.

– Lần đầu tiên trong lịch sử, Viettel vô địch V-League. Với cá nhân, một cựu cầu thủ Thể Công, anh đón nhận sự kiện này thế nào?

– Tôi cũng như những người yêu mến Thể Công nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đều mong mỏi, chờ đợi một điều gì mới mẻ. Các mùa trước, chúng ta đã thấy sự lên ngôi một cách lặp đi lặp lại của các CLB có tên tuổi, được đầu tư nhiều tiền của ở V-League, như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương. Vì vậy, chức vô địch năm nay là một bước đột phá của Viettel, và cũng là cả nền bóng đá.

Tôi nói “đột phá” với Viettel là bởi khi lên V-League 2019, mục tiêu của đội trong ba năm đầu chỉ là trụ hạng. Sau đó, đội sẽ đầu tư để hướng đến những thành công. Nhưng chỉ sau hai năm, Viettel đã thực hiện những thương vụ chất lượng từ thủ môn, trung vệ, hậu vệ biên, tiền vệ cũng như các ngoại binh. Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ trẻ của Viettel cũng trưởng thành lên nhiều, như Tiến Dũng, Đức Chiến, Hoàng Đức, Duy Thường, Tiến Anh.

– Trong thành công của Viettel, dấu ấn mà HLV Trương Việt Hoàng tạo ra rất rõ rệt. Anh đánh giá thế nào về vai trò của người bạn cũ?

– Năm nay, Việt Hoàng hội tụ đủ yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà và May mắn. Cậu ấy đã thành công như mong đợi. Từng vô địch quốc gia năm 1998 cùng Thể Công, sự nghiệp của Việt Hoàng tròn trịa hơn khi có thêm danh hiệu vô địch năm nay, trên cương vị HLV Viettel. Đó là một thành công trọn vẹn.

– Bao nhiêu năm sau khi giải nghệ, trông anh vẫn không khác nhiều so với ngày xưa. Vẫn phom người, kiểu cách và mái tóc xịt gôm chỉn chu như thế?

– Không biết các bạn còn nhớ không, chứ bạn bè, người thân từng gọi tôi là Sơn “công chúa” đấy. Nhà tôi tại phố Hàng Bông, từ ngày xưa đến bây giờ vẫn còn cửa hàng áo cưới. Hồi nhỏ, tôi cùng các bạn thỉnh thoảng lại lôi quần áo của cô dâu, chú rể trong tủ ra mặc. Mỗi người chia nhau thử cái này, cái kia. Lúc đó, tôi cũng thuộc diện mập mạp, khuôn mặt bầu bĩnh. Khi mặc váy cô dâu, chẳng hiểu sao tôi trông rất giống con gái. Các bạn hay trêu và gọi tôi là Sơn “công chúa” vì dáng vẻ bề ngoài như thế.

Cũng một phần vì tính cách của tôi luôn nhẹ nhàng, không bao giờ ồn ào, đao to búa lớn cả. Sau này đi đá chuyên nghiệp, tính cách này cũng ảnh hưởng đến tác phong thi đấu. Trong khi các cầu thủ hay bỏ áo ra ngoài quần, tôi bao giờ cũng sơ vin chỉn chu. Nếu có điều kiện, tôi thường xịt gôm lên tóc cho gọn gàng hoặc xức chút nước hoa. Tôi vẫn giữ thói quen đó trong cách sinh hoạt bây giờ.

– Anh có cho rằng, sự chỉn chu đó là điển hình thường gặp của những người sinh ra, lớn lên ở phố cổ Hà Nội?

– Gốc của gia đình tôi là ở phố Đinh Tiên Hoàng, tại tầng hai của cửa hàng Phở Thìn, gần Hàm Cá mập bây giờ. Tới những năm 1960, bố tôi được suất mua lại nhà ở Hàng Bông, chính là căn nhà như hiện tại. Cho nên, mọi người gọi tôi là trai phố cổ cũng được. Mấy đời gia đình tôi có nghề truyền thống chụp ảnh nghệ thuật, từng sở hữu chuỗi cửa hàng nhiếp ảnh Phương Đông. Bố tôi là nhân viên nhiếp ảnh trung tâm, có nguyện vọng một trong sáu người con nối nghiệp. Anh cả theo con đường nghệ thuật, nhưng lại chọn âm nhạc. Anh thứ hai theo bóng đá.

Tôi là con trai thứ tư và cậu em thứ năm cũng thử vào buồng tối tráng phim, cũng thử tay nọ tay kia xem thế nào. Nhưng tôi cảm thấy đó không phải là nghề sôi nổi, hào hứng, khác xa những trận bóng chúng tôi chơi sau mỗi giờ tan học. Nói chung, nghề ảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, hy sinh chứ không chỉ là đam mê.

Giai đoạn xã hội ấy, thú vui của người trẻ chỉ có ba thứ là đá bóng, học võ và guitar. Ngày trẻ, tôi từng vác đàn tới nhà bác Hải Thoại – một trong những thầy dạy guitar nổi tiếng ngày xưa. Nhưng có học mới biết mình hợp chạy nhảy, chứ không thể bó buộc một chỗ. Thời bấy giờ, vỉa hè rộng lắm, đất rộng nguời thưa. Bất cứ chỗ nào cũng có thể đá bóng. Chỉ cần chúng tôi có một quả bóng nhựa hay cái gì đó tròn là có thể chơi.

– Trong trí nhớ của anh, Hà Nội của những năm 70, 80 thế kỷ trước còn đọng lại những ký ức nào?

– Tôi đã trải qua cuộc sống xếp hàng, dùng tem phiếu mua xăng, mua dầu, thực phẩm. Đó là giai đoạn cả xã hội vất vả, khó khăn. Nhà đông con nên việc ăn no đã khó, chứ đừng nói là ăn ngon.

Thời ấy nhà nào gần như cũng có một “chiếc tủ thế hệ”. Đại khái là thế này: ông cả có cái áo, mặc chật hết tuổi thì sang năm lại nhường cho ông hai. Cứ thế, chiếc áo được chuyển cho những người con sau đó, đặt trong chiếc tủ xếp từ ngăn cao nhất tới ngăn thấp nhất. Có những cái áo truyền tay nhau suốt 5 năm. Mỗi anh em cũng chỉ có một, cùng lắm là hai cái quần, mặc xong đâu dám giặt, phải treo móc cả tuần “dùng dần”.

Nguyễn Hồng Sơn từng được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á bình chọn là một trong sáu tiền vệ hay nhất lịch sử AFF Cup. Ảnh: AFF.
Nguyễn Hồng Sơn từng được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á bình chọn là một trong sáu tiền vệ hay nhất lịch sử AFF Cup. Ảnh: AFF.

– Vậy cơ duyên nào đưa anh tới bóng đá?

– Trẻ con thời đại tôi, ai cũng thần tượng hình ảnh các chú huyền thoại Thể Công – Cao Cường, Thế Anh – mặc trang phục quân đội lái xe máy. Với chúng tôi khi ấy, đó là cả một trời ước ao. Có lẽ đó, đó chính là một phần động lực khiến tôi theo đuổi con đường đá bóng chuyên nghiệp.

Năm 1980, tôi nghe tin Thể Công tuyển sinh. Những người trong lứa 1969-1971 ùa nhau đi thi. Hồi ấy số lượng đăng ký thi rất đông, có khi phải xếp hàng cả tuần mới đến lượt. Các thầy tuyển trạch cứ gom năm bạn làm một đội, đá đối kháng trực tiếp. Qua từng vòng, các thầy xem thí sinh phối hợp thế nào, kỹ thuật cá nhân ra sao rồi loại dần. May mắn là tôi qua được vòng bốn, được thầy gọi ra để lấy địa chỉ, thông tin cá nhân.

Khoảng một tuần sau, tôi tiếp tục tham gia các bài kiểm tra chạy, nhảy, bật xa, bật cao, tâng bóng. Cứ như vậy, quá trình lọc lực lượng tiếp tục, rút gọn khoảng 100 bạn. 50 bạn tập ngày chẵn, 50 bạn tập ngày lẻ, nghỉ duy nhất Chủ nhật.

Trong quân đội ngày ấy, cầu thủ từ 10-20 tuổi tập trong lớp năng khiếu nghiệp dư và đội hai. Ví dụ, từ 10-15 tuổi, chúng tôi tập ba buổi mỗi tuần. Đến 15-17 tuổi, tăng dần số lượng tập. Tới 17-18 tuổi, chúng tôi chính thức ăn ở tập trung, trong đội hình hai của Thể Công. Giai đoạn từ 18-20 tuổi là khó khăn hơn cả bởi lúc ấy đã đến tuổi nhập ngũ, bản thân mỗi người lại bước vào độ tuổi mới lớn, còn tò mò với thế giới bên ngoài nên có nhiều thú vui. Trong quá trình tập năng khiếu nghiệp dư, cứ sáu tháng tới một năm lại có một cuộc sàng lọc. Ai không có chuyên môn, thể lực, tư cách đạo đức đều bị loại. Xuyên suốt những năm tháng ấy, có nhiều người đã bỏ cuộc, quay về đi học, và rẽ hướng sang ngành khác. Nhờ giai đoạn đó, tôi được tích luỹ kiến thức về kỷ luật, kỹ chiến thuật. Các đàn anh nhìn vào lớp kế cận khi ấy để xem ai nổi trội thì sẽ lựa chọn. Trong lứa của mình, tôi là một trong ba người được đưa lên đội một sớm nhất, sau này cũng được thi đấu chính thức sớm nhất.

– Sau này, đâu là những cột mốc đánh dấu bước phát triển cũng như những thăng trầm trong sự nghiệp của anh?

– Năm 1990, khi vừa sang tuổi 20, tôi đá trận đỉnh cao đầu tiên, gặp Công an Thanh Hoá. Đó là lần đầu tiên tôi được đá trên sân Hàng Đẫy, trong vai trò cầu thủ chuyên nghiệp của Thể Công. Anh của một người bạn tặng cho tôi đôi giày trắng đã được anh sử dụng trước đó rồi. Nhưng chẳng sao cả, vì có một đôi giày để đá bóng lúc đó là quý lắm rồi. Trận đó, tôi được đá bên cạnh những danh thủ Quản Trọng Hùng, Đoàn Ngọc Tuấn, Mạnh Cường, cảm xúc càng đặc biệt. Tôi nhớ như in từng thước hình trong chiến thắng 1-0 hôm đấy.

Sau này là chiến thắng 3-0 của Việt Nam trước Thái Lan ở Tiger Cup 1998. Kỷ niệm đó đi theo thế hệ cầu thủ chúng tôi suốt cuộc đời. Đó là dấu tích đầu tiên, đánh dấu bóng đá Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ trước “anh cả” trong khu vực là Thái Lan. Trước đó, chưa đá, chúng ta đã sợ, chỉ biết hoà và thua. Ngày ấy, Thái Lan có một thế hệ đồng đều hơn, kinh nghiệm hơn và bài bản hơn. Họ hơn chúng tôi mọi thứ. Sự đồng đều từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo khiến cho lực lượng dự bị khi vào thay đội hình chính cũng quá tốt. Khoa học trong thể thao của Thái Lan cũng được đặc biệt chú trọng từ những năm 1990.

– Nhưng tới chung kết Tiger Cup 1998 đó, Việt Nam thua Singapore. Một số cầu thủ góp mặt trong trận đấu ấy sau này kể lại, họ đã nghĩ tới chuyện giải nghệ vì không vượt qua cú sốc tâm lý. Anh đối diện với thất bại ấy thế nào?

– Đối thủ mạnh nhất của giải đấu là Thái Lan, chúng ta đã vượt qua. Nhưng cũng vì thắng đội mạnh nhất, mà anh em bị căng thẳng và nôn nóng. Singapore phòng ngự nhiều lớp, chơi chặt chẽ, không có bất kỳ sơ hở nào. Trong khi đó, chúng ta lại cho thấy dấu hiệu tâm lý, cứ ào ào lên tấn công, nhưng không có sự gắn kết và mạch lạc. Tất nhiên, tôi ở trong cuộc nên cũng thất vọng, buồn bực vô cùng. Nhưng không thể vì một trận đấu mà mình giã từ sân cỏ. Năm ấy tôi mới 28-29 tuổi – độ tuổi đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Tôi tự nhủ phải đứng lên, vượt qua nỗi buồn. Vị trí của tôi ngày ấy là đầu tàu, là trụ cột của đội tuyển, không thể cảm tính tới mức nghĩ quẩn. Rốt cuộc cũng chỉ là một trận bóng thôi mà.

– Trong giai đoạn anh là tuyển thủ quốc gia, đội tuyển Việt Nam trải qua năm HLV ngoại. Cá nhân anh ấn tượng nhất với ai?

– Ngày còn khoác áo ĐTQG, tôi có dịp làm việc với năm HLV ngoại. Có một người Anh là Colin Murphy, hai người Brazil là Edson Tavares và Dido, nhưng thầy Karl-Heinz Weigang (Đức) và Alfred Riedl (Áo) để lại ấn tượng nhiều hơn cả. Họ có phong cách lịch lãm đúng kiểu châu Âu, và rất khoa học. Cả hai luôn có một cuốn sổ ghi chép bên người, ghi lại từng chi tiết nhỏ nhất như khẩu phần ăn của cầu thủ. Người châu Âu tinh tế từ những cái nhỏ nhất, chẳng hạn như ho ở chỗ đông người phải thế nào, tác phong ăn uống ra sao… Tôi không hề so sánh, nhưng nhiều HLV nội ngày xưa có thói quen đột ngột xộc thẳng vào phòng cầu thủ và yêu cầu cái nọ, cái kia. HLV nước ngoài khác hẳn, luôn tôn trọng sự riêng tư của các cầu thủ.

– Sau giải năm đó, anh bước vào những năm cuối sự nghiệp. Có một tình huống xảy ra trong năm cuối anh thi đấu: Dù chia tay sân cỏ năm 2003, nửa năm sau bất ngờ tái xuất. Đằng sau câu chuyện đó là gì?

– Năm 2003, tôi đã tính đến việc nghỉ ngơi. Bởi khi đấy tôi 33 tuổi, vừa lập gia đình và cũng bị ảnh hưởng từ chấn thương. Tôi đã trải qua bốn lần phẫu thuật ở hai đầu gối cũng như mũi. Bên cạnh đó, lứa kế cận của tôi là các cầu thủ như Trương Việt Hoàng, Đức Thắng, Như Thuần, Bảo Khanh, Quốc Trung… đã tiến bộ. Tôi nghĩ mình chơi đủ rồi, tới lúc nghỉ thôi.

Nhưng tới năm 2004, Thể Công có lúc thi đấu không tốt, đứng gần cuối và có nguy cơ rớt hạng. Lãnh đạo CLB đến nhà thuyết phục tôi quay trở lại sân cỏ, và tôi nhận lời. Trong nửa giai đoạn hai, đội lấy lại khí thế, vào top 5. Năm đó, tôi ghi năm bàn, kiến tạo sáu lần. Tiếc là đội thua Cảng Sài Gòn ở lượt cuối, nên không thể vào top 3 chung cuộc. Sau giải, lãnh đạo ngành họp kiểm điểm, anh em phải đi nghĩa vụ một tháng vì phong độ cũng như tinh thần trong cả mùa giải có vấn đề. Lần đó, tôi quyết giải nghệ, không thể thi đấu chuyên nghiệp thêm.

Sau bóng đá, Hồng Sơn tìm thấy niềm vui mới trên sân golf. Ảnh: Chevro.
Sau bóng đá, Hồng Sơn tìm thấy niềm vui mới trên sân golf. Ảnh: Chevro.

– Được xem là tượng đài của bóng đá Việt Nam, nhưng tại sao anh lại đứng ngoài cuộc chơi V-League – không như những người đồng đội cũ Lê Huỳnh Đức, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng…?

– Thực ra, sau một thời gian dài, tôi cũng xác định mình sẽ không dẫn dắt một đội bóng nào ở V-League. Tôi chỉ thích làm bóng đá trẻ. Kể cả khi nhận được lời mời ở các CLB chuyên nghiệp, tôi cũng không bao giờ làm. Tính cách tôi không phù hợp với nghiệp huấn luyện bôn ba. Sự khốc liệt của V-League, những bon chen ngoài xã hội, không tương đồng với con người tôi. Đó là lý do duy nhất tới giờ, tôi không dẫn dắt một đội bóng nào tại V-League.

Thực tế, tôi làm công tác huấn luyện cũng gần 20 năm. Năm 2002, tôi vừa đá cho Thể Công vừa nắm đội B. Ví dụ, đội chính đá vào Chủ Nhật, thì đội B sẽ chơi một ngày trước đó. Tôi cũng kinh qua các đội U11, U13, U17, U19 rồi U21. Sau này, tôi còn làm trợ lý cũng như cố vấn cho Viettel ở giải hạng Nhất cùng với các anh Đỗ Mạnh Dũng, Hải Biên.

Mấy năm trước, tôi nhận được lời mời từ Xuân Thành Hà Tĩnh, Ninh Bình rồi cả CLB Hà Nội của bầu Kiên. Bầu Kiên thậm chí từng mời tôi đến tận nhà để đề xuất hợp đồng. Nhưng khi ấy tôi chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức. Áp lực cầm quân tại V-League rất lớn. Bản thân tôi cũng mong mỏi làm sao mình có thể sống chết với Thể Công, muốn làm sao sau này có thể dẫn dắt Thể Công. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi đến một đội bóng khác. Từ bé, tôi đã dành tình cảm với môi trường bóng đá quân đội. Với tôi, việc chia tay nơi này là cả một sự đắn đo, suy nghĩ và hy sinh.

An Ngọc – Vnexpress

Rate this post

Bóng đá

“TRANH CÚP AN SƠN” Giải bóng đá phong trào đậm chất quê hương

Đã đăng

 ngày

Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về ngoài việc sum vầy bên gia đình, du xuân, trẩy hội, thì toàn dân thôn An Sơn lại háo hức chờ đón sự trở lại của giải bóng đá phong trào Tranh cúp An Sơn.

Thôn An Sơn là tên gọi mới của thôn 10, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh trước đây. Giải bóng đá được tổ chức thường lệ hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng, nhằm mục đích vui xuân, nâng cao tinh thần thể thao, gắn bó đoàn kết của toàn dân lối xóm. Các đội bóng là tập hợp của các thanh thiếu niên, trung niên trong toàn thôn, được phân chia theo từng tổ liên gia. Đến cuối năm âm lịch, các con em trong thôn đi làm ăn xa, các cậu sinh viên, học sinh được nghỉ học, bắt đầu lên kế hoạch, rộn ràng chuẩn bị cho giải đấu.

Đón xuân nhâm dần 2022, giải được tổ chức với quy mô 8 đội bóng, được chia làm 2 bảng đấu. Thi đấu theo thể thức vòng tròn từng bảng, và tranh bán kết, chung kết. Ban tổ chức là những thành viên đam mê bóng đá, và cựu cầu thủ từng thi đấu cho các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh, cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các đội bóng đã làm giải đấu năm nay thêm phần chuyên nghiệp và sôi động hơn.

Sau 2 ngày thi đấu với tinh thần nhiệt huyết, cao thượng, trung thực và đoàn kết fair-play, các đội bóng đã cống hiến cho khán giả nhà những trận đấu hay và những bàn thắng đẹp mắt từ các pha bóng đẹp: sút xa, đánh đầu, tình huống cố định, phối hợp nhóm…Mặc dù thời tiết có ảnh hưởng đến chất lượng các trận đấu, xong trên sân bóng các cầu thủ yêu quý của chúng ta đã cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu hay đầy kịch tính hấp dẫn có chuyên môn cao so với các năm trước, giải đấu năm 2022 đã khép lại với một trận chung kết với cặp đấu cực kì cân tài cân sức giữa “FC QUẬN 4”- “FC QUẬN 6”. Kết quả

– Huy chương vàng – Cúp vô địch thuộc về “FC QUẬN 4”.

– Huy chương bạc thuộc về “FC QUẬN 6”

– Huy chương đồng thuộc về “ FC Làng Bợp Bàu”

“FC QUẬN 4” nâng cúp vô địch
“FC QUẬN 6” nhận huy chương bạc

Giải đấu kết thúc, toàn thể chúng ta có những nụ cười của niềm vui, có những giọt nước mắt nuối tiếc xong hơn tất cả là giải đấu đã mang lại một sân chơi lành mạnh, bổ ích và tạo cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các đội bóng.

Giọt nước mắt tiếc nuối của cầu thủ
“FC LÀNG BỢP BÀU” chụp hình chuẩn bị ra sân
“FC QUẬN 2” vs “FC QUẬN 5”
“FC LÀNG ĐIỀU GA” vs “FC QUẬN 6”
Tinh thần các cầu thủ luôn tuyệt vời
Các cầu thủ tắm ngay tại sân vận động-hình ảnh chỉ xuất hiện ở giải quê hương

Xin cảm ơn tất cả các cầu thủ đã mang lại niềm đam mê, cảm hứng cho bao người yêu bóng đá. Chúng ta cũng cảm ơn tới Ban tổ chức, tới các nhà tài trợ đã có những đóng góp quan trọng để giải đấu thành công, cảm ơn các trọng tài đã hoàn thành công việc xuất sắc điều khiển các trận đấu vô tư, đúng luật. Và đặc biệt là các cổ động viên của các đội bóng đã cháy hết mình cổ vũ động viên cho các cầu thủ, chính họ đã đóng góp vô cùng quan trọng cho giải đấu thành công tốt đẹp.

Khán giả cỗ vũ rất đông mặc dù thời tiết rất mưa lạnh

An Sơn, xuân 2022

Rate this post
Đọc tiếp

Thể thao

Bầu Đức và bầu Hiển gặp nhau ở Pleiku

Đã đăng

 ngày

Bởi

Hai ông bầu nổi tiếng nhất Việt Nam nhiều khả năng sẽ cùng dự khán khi HAGL tiếp Hà Nội ở vòng 10 V-League 2021 chiều 18/4.

Theo nguồn tin của , bầu Hiển sẽ đến sân Pleiku, và có thể cùng bầu Đức theo dõi trận cầu tâm điểm tại V-League 2021 cuối tuần này.

Đây là nỗ lực của các nhà tổ chức và nếu thành hiện thực, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên hai ông bầu đam mê và chịu chơi nhất Việt Nam ngồi chung khán đài xem các CLB của họ thi đấu với nhau.

Bầu Đức sẽ chờ đợi bầu Hiển ở sân Pleiku vào ngày 18/4 tới khi HAGL tiếp Hà Nội. Ảnh: Đức Đồng.
Bầu Đức sẽ chờ đợi bầu Hiển ở sân Pleiku ngày 18/4 khi chủ nhà HAGL tiếp Hà Nội. Ảnh: Đức Đồng.

Bắt tay làm bóng đá 20 năm trước, ông Đoàn Nguyên Đức đã gầy dựng nên một HAGL hùng mạnh với hai chức vô địch V-League năm 2003 và 2004. Ngoài ra, ông còn bỏ tiền xây học viện, đào tạo nên lứa cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh… ghi dấu ấn với bóng đá Việt Nam bằng ngôi á quân VCK U23 châu Á 2018 hay chức vô địch AFF Cup 2018.

Bên cạnh đó, ông chủ của HAGL còn trả lương hai năm đầu tiên để thuê HLV Park Hang-seo, giúp bóng đá Việt Nam thành công vang dội ở đấu trường khu vực và châu lục.

Bầu Hiển đến với bóng đá muộn hơn, nhưng cũng tạo dấu ấn đậm nét khi Hà Nôi vô địch V-League năm lần từ 2010. Ông không ồn ào như bầu Đức nhưng cũng đóng góp rất lớn cho thành công của các đội tuyển trẻ và đội tuyển Việt Nam những năm qua, với lứa cầu thủ vàng như Đình Trọng, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Quang Hải, Văn Hậu…

Bầu Đức trước nay vẫn nghi ngờ việc V-League bị các nhóm CLB có liên quan đến bầu Hiển thâu tóm. Cách đây hai mùa ông từng đưa ra giả thuyết nổi tiếng “năm ông ốm đánh một ông mập”, ám chỉ việc TP HCM – lúc đó đang đứng đầu bảng – khó có khả năng thành công, vì chịu sức ép của liên minh gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Sài Gòn…

Tại V-League 2021, HAGL đang bay cao trên đỉnh bảng, hơn Hà Nội chín điểm.

Đông Huyền – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Thể thao

Chelsea thua Porto nhưng vẫn vào bán kết Champions League

Đã đăng

 ngày

Bởi

Rạng sáng 14-4, tiền đạo Mehdi Taremi có pha tung người móc bóng ghi bàn thắng tuyệt đẹp, giúp Porto đá bại Chelsea 1-0 ở trận tứ kết lượt về. Tuy nhiên, do thua 0-2 ở lượt đi, Porto đã bị Chelsea loại với tỉ số chung cuộc 2-1.
Chelsea thua Porto nhưng vẫn vào bán kết Champions League - Ảnh 1.
Các cầu thủ Porto (trắng) gặp rất nhiều khó khăn trước lối đá phòng ngự của Chelsea – Ảnh: REUTERS

Dẫn trước 2-0 ở trận lượt đi, Chelsea nhập cuộc thận trọng với đội hình thấp. Với lối chơi này, Chelsea đánh mất thế trận vào tay Porto nhưng bù lại khung thành của họ được bảo vệ vững chắc nhờ hàng phòng ngự nhiều lớp.

Và điều đó thể hiện rõ trên sân khi Porto cầm bóng 60% trong hiệp 1. Dù vậy, các học trò HLV Sergio Conceicao không có bất kỳ pha tấn công nguy hiểm hay cú sút nào có thể gây khó khăn cho thủ thành Edouard Mendy.

Hai cơ hội ngon ăn nhất của Porto trong 45 phút đầu đều đến từ sai lầm của hàng phòng ngự Chelsea. Tuy nhiên, do nôn nóng nên cả Sergio Oliveira và Jesus Corona đều dứt điểm ra ngoài trong tư thế trống trải, khiến Porto không có bàn thắng.

Chelsea thua Porto nhưng vẫn vào bán kết Champions League - Ảnh 2.
Jesus Corona tiếc nuối sau tình huống bỏ lỡ – Ảnh: REUTERS

Sang hiệp 2, Chelsea bất ngờ dồn đội hình lên chơi tấn công và giành lại quyền kiểm soát thế trận.

Tuy nhiên, sau khoảng 10 phút gia tăng sức ép nhưng không thể chọc thủng lưới Porto, các học trò HLV Thomas Tuchel lại lui đội hình về phòng ngự để bảo vệ lợi thế, nhường thế trận lại cho Porto.

Dù Porto chơi không tốt khi không tung ra được cú dứt điểm trúng khung thành nào trong 90 phút, nhưng với sức ép liên tục, các cầu thủ đội khách cũng đã có được bàn thắng khi trận đấu bước vào những phút đá thêm giờ.

Chelsea thua Porto nhưng vẫn vào bán kết Champions League - Ảnh 3.
Pha tung người móc bóng ghi bàn của Taremi – Ảnh: REUTERS

Phút 90+3, từ pha lên bóng bên cánh phải, Nanu thoát xuống tạt bóng vào vòng cấm. Các cậu vệ Chelsea bỏ lỏng Mehdi Taremi, tạo cơ hội cho tiền đạo này tung người thực hiện pha móc bóng đẳng cấp. Trái bóng bay về góc xa, đánh bại mọi nỗ lực của thủ môn Edouard Mendy, ghi một bàn thắng tuyệt đẹp.

Ngay sau khi Taremi ghi bàn, trọng tài cũng đã nổi còi kết thúc trận đấu. Dù thắng 1-0, nhưng do thua 0-2 ở trận lượt đi, Porto đã để Chelsea vượt qua với tỉ số chung cuộc 2-1 và giành vé vào bán kết Champions League. Đây là lần đầu tiên Chelsea có mặt ở bán kết Champions kể từ mùa giải 2013-14.

Đối thủ của Chelsea ở bán kết là đội giành chiến thắng trong cặp đấu giữa Real Madrid và Liverpool (Real thắng Liverpool 3-1 ở lượt đi).

Theo T.VĨ – Tuổi Trẻ

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement
Điện ảnhcách đây 6 ngày

CẢ SHOWBIZ VIỆT ĐỔ DỒN VỀ THẢM ĐỎ LỄ RA MẮT  BỘ PHIM “ĐÓA HOA MONG MANH”

Âm nhạccách đây 2 tuần

GIÁM ĐỐC ÂM NHẠC PHIM “ĐÓA HOA MONG MANH”: CÁC CA KHÚC CÓ GIÁ TRỊ VÀ XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC

Điện ảnhcách đây 3 tuần

ĐẠO DIỄN MAI THU HUYỀN BẬT MÍ NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT TRƯỚC KHI “ĐÓA HOA MONG MANH” CÔNG CHIẾU TẠI MỸ

Điện ảnhcách đây 1 tháng

NHÀ SẢN XUẤT “ĐÓA HOA MONG MANH” JACQUELINE THU THẢO HÃNH DIỆN VÌ ĐƯỢC CÁC LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ  ĐÓN NHẬN

Giải trícách đây 1 năm

Đại sứ Saffron-Collagen extra white Amy Lê Anh tham dự chương trình cập nhật kiến thức Y Khoa tại Cần Thơ

Giải trícách đây 1 năm

Diễn viên Mai Thu Huyền tổ chức cuộc thi tìm kiếm “Streamer Siêu đẳng” với giải thưởng “khủng”

Âm nhạccách đây 1 năm

Madam Bạch Phượng-Ceo Phượng Amina Entertainment gửi lời tri ân đến khán giả và các nhà tài trợ “Dạ Vũ Mùa Thu”

Âm nhạccách đây 1 năm

Ca sĩ Amy Lê Anh – Giám đốc CIECA tận hưởng những ngày nghỉ ngơi trên đất Pháp

Tin tứccách đây 2 năm

Tài chính COMB của ngân hàng Phương Đông OCB là công ty tài chính bỉ ổi chuyên khủng bố khách hàng vay dù chưa đến hạn thanh tóan, mọi người cần tránh

Công nghệcách đây 2 năm

Khắc phục lỗi windows 10 mkdir permission denied

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.