Gavin Andresen – người phổ biến Bitcoin ra thế giới

Nếu Satoshi Nakamoto được biết đến là người tạo ra Bitcoin, Gavin Andresen là nhân vật giúp tiền ảo này trở nên phổ biến.

Gavin Andresen tên thật là Gavin Bell, sinh năm 1966 tại thành phố Melbourne (Australia). Năm 5 tuổi, gia đình ông chuyển đến Mỹ, sống tại Seattle, sau đó là Alaska và hiện ở California.

Gavin Andresen. Ảnh: CoinDesk.
Gavin Andresen. Ảnh: CoinDesk.

Trong suốt thời thơ ấu, Andresen rất quan tâm đến máy tính và đam mê lĩnh vực này. Sau đó, ông theo học Đại học Princeton và nhận bằng Khoa học Máy tính vào năm 1988 – khi 22 tuổi.

Andresen bắt đầu công việc của mình với vai trò kỹ sư tại Graphics Computer Systems (SGI) – một công ty nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Tại đây, ông là thành viên của nhóm phát triển hệ thống đồ họa 3D.

Năm 1996, Andresen quyết định kinh doanh riêng. Ông thành lập Wasabi Software và tập trung vào các hệ thống đồ họa 3D. Công ty của ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển VOIP – công nghệ truyền giọng nói trên giao thức IP, và game All inPlay cho người khiếm thị.

Năm 2009, Satoshi Nakamoto phát hành Bitcoin ra thị trường. Andresen không biết đến loại tiền ảo này cho đến tháng 5/2010 thông qua một bài báo của InfoWorld. Andresen nhanh chóng quan tâm đến dự án và đã mua 10.000 Bitcoin với số tiền 50 USD. Nếu tính theo trị giá 60.000 USD mỗi đồng hiện tại, số Bitcoin này tương đương 600 triệu USD.

Andresen bị thuyết phục bởi tiềm năng của Bitcoin và bỏ tất cả công việc để nghiên cứu loại tiền này. Ông đã liên hệ với Satoshi Nakamoto để bàn về việc phổ biến loại tiền điện tử này ra toàn cầu. Chính ông cũng là người đầu tiên tạo ra Bitcoin Faucet – hệ thống khen thưởng được triển khai dưới dạng website hoặc ứng dụng. Hệ thống này phân chia phần thưởng dưới dạng Satoshi – đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Bitcoin, bằng 0,00000001 Bitcoin – khi người dùng thực hiện một tác vụ nào đó.

Lập website “cho không” gần 20.000 Bitcoin

Tháng 6/2010 – một tháng sau khi tiếp cận Bitcoin, Andersen lập ra website có tên miền freebitcoins.appspot.com, áp dụng hình thức Bitcoin Faucet để tăng khả năng tiếp cận người dùng. Những người truy cập có thể kiếm khoảng 5 Bitcoin mỗi ngày chỉ với thao tác gõ captcha – một chương trình nhằm phân biệt người và máy tính trên Internet. Ngày nay, việc sở hữu 5 Bitcoin là niềm mơ ước của nhiều nhà đầu tư tiền ảo.

Giao diện chính của website freebitcoins.appspot.com.
Giao diện chính của website freebitcoins.appspot.com.

Theo tài khoản Reddit có tên GroundbreakLack78 – người từng nhận Bitcoin từ website của Andresen, ban đầu lượng tiền ảo được nạp là 1.100 Bitcoin. Sau khi tặng hết đợt đầu tiên, số Bitcoin tương tự được bổ sung. Một ảnh chụp màn hình chia sẻ gần đây trên Reddit cho thấy, website tặng Bitcoin có giao diện khá đơn giản, với ô nhập captcha và địa chỉ ví nhận Bitcoin.

Trong một phỏng vấn vào năm 2010 trên diễn đàn Bitcointalk, Andresen thừa nhận ý tưởng về việc tặng Bitcoin là “ngu ngốc”. Tuy nhiên, việc mong muốn dự án Bitcoin thành công là động lực giúp ông tiếp tục công việc của mình. “Tôi nghĩ rằng Bitcoin sẽ có khả năng thành công cao hơn nếu mọi người nhận một ít để dùng thử”, Andresen chia sẻ.

Website tiếp tục hoạt động đến năm 2012. Tổng cộng, có 19.700 Bitcoin đã được tặng. Theo giá trị hiện nay, lượng Bitcoin này tương đương gần 1,2 tỷ USD.

Với tất cả kinh nghiệm của mình khi triển khai Bitcoin Faucet, Andresen sau đó phát triển Bitcoin Core – một ứng dụng client hoàn chỉnh được sử dụng bởi các nút (node) hoạt động trên mạng Bitcoin. Với khả năng cung cấp mức độ bảo mật, sự riêng tư và ổn định cao, Bitcoin Core cũng được xem là “bộ não” của Bitcoin.

Thời gian này, Satoshi Nakamoto và Andresen liên tục trao đổi với nhau. Cả hai được cho là đã có những cuộc tranh luận rất căng thẳng qua email và tin nhắn để thúc đẩy sự phát triển chung của Bitcoin, nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Andresen cũng trở thành một trong những nhà phát triển kỳ cựu nhất về Bitcoin, sau Satoshi Nakamoto.

Satoshi Nakamoto biến mất, Andresen lên đứng đầu

Tháng 12/2010, Nakamoto ra thông điệp cuối cùng của mình trên diễn đàn BitcoinTalk, đề cập chủ yếu đến công nghệ blockchain và Bitcoin trước khi biến mất. Trước khi rời đi, Nakamoto nói rằng việc mình biến mất khỏi thế giới phát triển Bitcoin là để cống hiến cho “những thứ khác”.

Ngày 19/12/2010, Andresen ra thông báo mới. “Cùng với sự chúc phúc cho Satoshi, tôi sẽ bắt đầu thực hiện việc quản lý các dự án theo cách tích cực hơn cho Bitcoin. Xin mọi người hãy kiên nhẫn với tôi”, Andresen cho biết.

Trong những tháng đầu tiên làm việc, đội ngũ của Andresen tập trung vào việc viết lại và cải tiến nhiều thành phần bên trong phần mềm Bitcoin ban đầu, chủ yếu loại bỏ phần thừa, lỗi và các vấn đề bảo mật cho nền tảng. Đội ngũ có 5 thành viên đã loại bỏ hơn 2/3 số lượng mã mà Satoshi Nakamoto đã thiết kế ban đầu. Đây cũng là hệ thống hoàn chỉnh của Bitcoin Core.

Theo một số chuyên gia trong ngành, với việc thay đổi gần như toàn bộ hệ thống mã nguồn, Andresen có thể xem là “người cha thứ hai” của Bitcoin. Vai trò của ông lớn hơn Satoshi Nakamoto khi vừa đặt nền móng mới cho loại tiền điện tử này, vừa thúc đẩy nó phát triển.

Song song với việc phát triển Bitcoin Core, Andresen đã trình bày với cộng đồng tiền ảo về ý tưởng thành lập Quỹ Bitcoin – cho phép tận dụng hết khả năng của Bitcoin trong ứng dụng thực tế, đặc biệt là việc thực hiện các dự án từ thiện độc lập bằng tiền ảo. Tháng 9/2012, Quỹ Bitcoin đã trở thành hiện thực. Tuy vậy, nó đã bị giải thể năm 2014 do dính vào bê bối rửa tiền.

Andresen dần không quan tâm đến Bitcoin kể từ sau đề xuất mở rộng chuỗi khối nhằm số lượng đồng tiền ảo này trên thị trường thay vì giới hạn 21 triệu đồng bị từ chối. Kể từ tháng 2/2016, Andresen không còn đóng góp nhiều cho cộng đồng Bitcoin và Bitcoin Core. Quyền truy cập Bitcoin Core trên GitHub của ông cũng bị thu hồi sau khi tiết lộ về thân thế của Satoshi Nakamoto.

Tháng 11/2017, Andresen cho biết đang ủng hộ Bitcoin Cash – một đồng tiền ảo khác là đối thủ của Bitcoin. Tháng 2/2018, ông thừa nhận rằng mình không giàu có nhờ Bitcoin và chỉ giữ khoảng 40 đồng tiền ảo này.

Bảo Lâm tổng hợp – Vnexpress