Ngày 22-3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp trừng phạt lên 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc vì các hành vi ngược đãi liên quan quyền con người ở Tân Cương. Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên được EU áp lên Bắc Kinh, kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, theo Hãng tin Reuters.
Bị cáo buộc có dính dáng tới các trại tập trung giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các cá nhân bị nhắm tới gồm Chen Ming Guo (Trần Minh Quốc), giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương. EU nói rằng ông Chen chịu trách nhiệm cho những hành vi “vi phạm quyền con người nghiêm trọng”.
Ba quan chức còn lại là Wang Ming Shan, Wang Jun Zheng và Zhu Hai Lun. Bốn cá nhân này sẽ chịu các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Thực thể Trung Quốc bị EU trừng phạt là Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) – một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù tại Tân Cương.
Đáp trả động thái của EU, cùng ngày Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc” liên quan vấn đề Tân Cương.
Trong tuyên bố phản ứng với động thái của EU, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục EU “sửa chữa sai lầm” và không can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Theo Hãng tin AFP, biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đồng nghĩa 10 cá nhân EU trên và gia đình họ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.
Các nhóm nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương.
Truyền thông phương Tây gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị, nhưng phía Trung Quốc nói đây chỉ là các trung tâm đào tạo nghề. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của phương Tây, nói rằng họ đang thực hiện những biện pháp để chống khủng bố và đào tạo nghề tại đây.
Cùng ngày EU công bố trừng phạt Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố trừng phạt thêm 2 quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương, gồm ông Chen Ming Guo (giám đốc Cơ quan công an Tân Cương) và Wang Jun Zheng (thành viên cấp cao tại Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương – XPCC).
Trong khi đó, chính phủ Hà Lan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại nước này sau thông tin chính khách Hà Lan Sjoerd Sjoerdsma nằm trong số 10 người bị Trung Quốc trừng phạt.
Ngày 22-3, Anh cũng công bố trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc vì hành vi “ngược đãi với quy mô công nghiệp” nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Lệnh trừng phạt gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản nhắm vào các cá nhân này.
Theo BÌNH AN – Tuổi Trẻ