Đề xuất của đại biểu với tân Chủ tịch nước

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng-an ninh…, là những đề xuất của đại biểu Quốc hội với tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1945, người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – được Quốc hội bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước.

Theo quy định hiện hành, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, với 8 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh”…

Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia nghị trường, đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước như thế nào đã được quy định rõ trong Hiến pháp, tuy nhiên “người thực hiện có vai trò quan trọng”.

Theo ông, qua hai nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng và Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều thuận lợi khi đảm nhiệm cương vị thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Đó là, ông đã dày dạn kinh nghiệm điều hành Chính phủ và xử lý các vấn đề cấp bách về quốc kế dân sinh. Giai đoạn 2016 – 2020, lãnh đạo Chính phủ thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, đây là “hành trang” quý giá để Thủ tướng nhận nhiệm vụ mới và thuận lợi trong đối nội.

Về đối ngoại, đây là một trong những lĩnh vực thành công nổi bật của Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua, “kết quả này từ nỗ lực của cả hệ thống, nhưng chúng ta thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất năng động, đã xác lập được nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các nước”, theo ông Dương Trung Quốc.

“Sự cảm tình, thông hiểu, mối quan hệ được xác lập từ trước giữa các nhà lãnh đạo rất quan trọng trong quan hệ quốc tế ngày nay, vì trong giao tiếp thì một vị lãnh đạo vừa đại diện cho quốc gia nhưng cũng vừa có cá tính của mình”, ông Dương Trung Quốc phân tích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long chụp ảnh bên lề diễn đàn Vành đai Con đường tại Bắc Kinh, tháng 4/2019. Ảnh: Facebook
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long chụp ảnh bên lề diễn đàn Vành đai Con đường tại Bắc Kinh, tháng 4/2019. Ảnh: Facebook

Đại biểu Dương Trung Quốc nói, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, “những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào, cương vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn, do vậy tôi mong Chủ tịch nước sẽ để lại dấu ấn, phong cách mới trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xóa đi cách hiểu có thể chưa hoàn toàn đúng trong nhiều người dân là Chủ tịch nước ở vị trí rất cao nhưng các hoạt động còn mang tính biểu tượng, lễ nghi”.

Cũng nêu ý kiến về hoạt động đối ngoại, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất tân Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, để người dân các nước hiểu hơn về Việt Nam, từ đó góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi thu hút các nguồn lực phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền.

“Trong bối cảnh quốc tế thay đổi rất nhanh và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc nổi lên hiện nay, làm sao để thế giới hiểu thiện chí, hiểu chính nghĩa của Việt Nam là điều rất quan trọng”, ông Lợi nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện, nhấn mạnh đến trọng trách của Chủ tịch nước ở cương vị Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Theo ông, trong cải cách tư pháp cần chú ý hai phương hướng lớn là xây dựng tòa án thành trung tâm và coi tranh tụng là khâu đột phá, để từ đó tiếp tục thể chế hóa và hoàn thiện quy định pháp luật liên quan.

Từng công tác ở Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ông Nhưỡng nhìn nhận Hiến pháp đã quy định tòa án thực hiện quyền tư pháp, nhưng để thực hiện được, cần tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý và đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan xét xử, bao gồm số lượng và chất lượng cán bộ, kỹ năng làm việc, các loại phương tiện, phương pháp tranh tụng, tổ chức xét xử…

“Tôi nghĩ chúng ta cần quan tâm hơn đến chế định bổ trợ tư pháp, nâng cao vai trò của luật sư; đầu tư cho công tác giám định tư pháp vì giám định yếu sẽ kéo lùi quá trình tố tụng”, ông Nhưỡng nói và kiến nghị tân Chủ tịch nước trong thẩm quyền của mình quan tâm đến việc tăng ngân sách cho hoạt động tư pháp, thêm biên chế vì số lượng án đang tăng rất nhanh.

Từ phải qua: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Hoàng Văn Cường, Lê Công Nhường bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong
Từ phải qua: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Hoàng Văn Cường, Lê Công Nhường bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Cũng liên quan đến lĩnh vực tư pháp, ông Dương Trung Quốc nói trọng trách của Chủ tịch nước không chỉ ở các vấn đề lớn của quốc gia mà còn ở quyết định sự sống chết của phạm nhân xin ân giảm án tử hình. “Đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn phải được thực hiện hết sức thận trọng như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã báo cáo trước Quốc hội”, ông Quốc nói.

Đơn cử, việc Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định về đơn xin ân xá là “cách làm cần được duy trì, nhất là với trường hợp còn ý kiến khác nhau”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

Về thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch nước liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội) cho rằng, theo chủ trương đã được xác định, Chủ tịch nước và các cấp có thẩm quyền thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

“Lực lượng vũ trang cần tiếp tục tinh giản biên chế, đảm bảo tinh, gọn, mạnh; riêng Quân đội thực hiện chiến lược quân sự, chiến lược quốc phòng đã được phê duyệt, đưa một số quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược”, ông Nghĩa nói.

Ông cũng kiến nghị tân Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, trong đó có dân quân biển vững mạnh, rộng khắp vì “đây là lực lượng gần dân và là nền của thế trận quốc phòng toàn dân”.

Theo ông, sau thời gian đưa quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bộ đội Việt Nam được đánh giá rất cao khi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường số lượng, mở rộng địa bàn tham gia để thể hiện trách nhiệm quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

“Đối ngoại quốc phòng rất quan trọng, nhất là trong điều kiện thế giới, khu vực diễn biến khó lường, tình hình trên Biển Đông căng thẳng. Chúng ta phải chủ động về đối ngoại để giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tránh xung đột vũ trang để có môi trường hòa bình phát triển đất nước”, tướng Nghĩa nói.

Nhiệm kỳ 2016-2021 từng có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Giữa năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ 23/9 đến 23/10/2018. Ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Chiều 2/4, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, được đề cử kế nhiệm.

Hoàng Thùy – Vnexpress