Bên cạnh việc ‘nhá hàng’ vào những dòng smartphone cao cấp như Aris với mạng 5G được “Make in Việt Nam”, Vsmart cũng vẫn tiếp tục ‘xâm nhập’ vào phân khúc mà mình đang mạnh nhất: phân khúc giá rẻ. Star 4 là thành viên mới nhất của gia đình Vsmart, được định giá trong phân khúc dưới 2.5 triệu Đồng.
Nằm ở phần khúc giá rẻ như vậy, không ngạc nhiên khi Star 4 được hoàn thiện bằng nhựa. Loại nhựa hãng sử dụng là nhựa nhám, cho cảm giác sờ khá chắc chắn, ‘sướng tay’ nhưng cũng sẽ để lại dấu vấn tay nếu như bạn ra mồ hôi dầu, nên cũng cần lau sạch thường xuyên.
Mặt sau máy là một cảm biến vân tay vật lý, được trang trí bằng một vòng cắt phay xước nổi hẳn lên trên nền máy màu đen. Như đã đề cập nhiều lần, thì cảm biến dạng vật lý không cho cảm giác hiện đại như cảm biến dưới màn hình, nhưng có tốc độ mở máy nhanh hơn rõ rệt. Ở những dòng máy tầm thấp như Star 4, việc Vsmart sử dụng loại cảm biến là hợp lý hơn.
Bộ đôi camera của máy được đặt theo chiều dọc kèm với đèn Flash, bao gồm camera chính 8MP và camera góc siêu rộng 5MP. Tôi đánh giá cao hãng trong việc lựa chọn camera góc siêu rộng là camera thứ 2 thay vi một cảm biến ‘chết’ để đo chiều sâu, đem lại một tiêu cự mới để người dùng dễ dàng sử dụng trong các điều kiện cần chụp cảnh lớn, không gian chật hẹp.
Nhưng cũng phải thừa nhận là camera siêu rộng này có chất lượng không mấy ấn tượng. Trong bức ảnh phía dưới, camera này có cân bằng trắng bị ngả nhiều về màu xanh dương, kèm theo đó là chi tiết không cao ở những khung cửa kính của tòa nhà.
Camera chính tất nhiên có chất lượng cao hơn, khi có khả năng cân bằng trắng chính xác nên màu sắc cũng đúng với thực tế hơn. Ngược lại, độ nét cũng không được đánh giá cao khi làm mờ những chi tiết nhỏ, đôi lúc xảy ra hiện tượng viền tím, có lẽ là do ống kính.
Một yếu điểm khác của camera trên Star 4 đó là khả năng xử lý HDR không được cao. Trong những trường hợp chụp ngược sáng thì máy sẽ phải lựa chọn đẩy sáng để làm rõ sự vật hoặc làm tối ảnh để giữ lại bầu trời nhưng vật sẽ bị tối. Trong nhiều trường hợp, máy sẽ chọn phương án đầu tiên, ít nhất là khi chụp ta sẽ chắc chắn có sự vật đầy đủ sáng.
Tôi cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào khả năng chụp xóa phông của Star 4, và đúng là kết quả chụp cũng không thực sự mỹ mãn. Máy cắt chủ thể vẫn còn chưa chính xác, xuất hiện những đường viền xung quanh. Phần xóa phông ở phía sau nhìn cũng khá ‘mượt mà’, không thua kém những dòng máy tầm trung, nhưng nếu như không cắt được đúng chủ thể thì hiệu ứng ‘xóa phông’ cũng không thuyết phục cho lắm.
Hệ thống camera của Star 4 có thể nói là dừng lại ở mức ‘có để dùng’, sẽ phù hợp cho việc lưu lại nhanh một khoảnh khắc hay chụp lại văn bản, khó lòng có thể tạo ra những bức ảnh đẹp như smartphone tầm trung hoặc cao được.
Đi kèm với Star 4 là một dock sạc 10W, tức là sạc thường chứ không phải là sạc nhanh. Ta có thể sạc đầy được viên pin 3500mAh của máy từ trạng thái cạn kiệt trong thời gian khoảng 2 tiếng 20 phút đến 2 tiếng 30 phút, nên người dùng nên để ý sạc máy trước một ngày sử dụng nếu không muốn gặp tình trạng hết pin giữa chừng.
Điểm khiến chiếc smartphone 2 triệu Đồng này vượt mặt cả những dòng máy có giá bán gấp 10 đó là cổng nghe nhạc 3.5mm! Trong hộp hãng cũng đã tặng sẵn một cặp tai nghe nhét trong có chất lượng không hề tệ, tiết kiệm cho người dùng 1 khoản tiền đi mua phụ kiện bên ngoài.
Chuyển tới mặt trước, ta có một màn hình LCD 6.1 inch độ phân giải 720p và có một giọt nước ở phía trên.
Màn hình này có một vài điểm yếu và điểm mạnh riêng. Điểm yếu về mặt thiết kế (chưa tràn được tới mọi viền) thì có lẽ ta cũng sẽ phải chấp nhận thôi, không có smartphone nào ở tầm giá này có một thiết kế màn hình đẹp cả. Yếu điểm thứ 2 thì sẽ ảnh hưởng tới quá trình sử dụng: độ sáng màn hình có vẻ hơi thấp. Màn hình Star 4 sử dụng trong nhà không gặp trở ngại vì, nhưng sẽ không thể ‘chống chọi’ được với trời nắng gắt như mấy ngày hôm nay tại Hà Nội, ta sẽ phải đi vào bóng râm để nhìn rõ.
Về những ưu điểm, màn hình này lại có màu sắc khá đậm đà, kèm theo đó là không bị ám màu để gây khó chịu trong quá trình sử dụng. Mặc dù ở tầm giá rẻ nhưng có vẻ như Vsmart cũng đã chọn loại LCD đủ tốt cho Star 4, trừ vấn đề độ sáng thì những thứ khác đều được thực hiện ở mức ‘khá’.
Thứ bạn sẽ thao tác trên màn hình này là bộ giao diện VOS 3.0 trên nền Android 10 của Vsmart. Bộ giao diện này có vẻ khá màu mè, khi mỗi ứng dụng lại có một màu khác nhau, còn các yếu tố như thanh công cụ, cử chỉ để gọi thực đơn ứng dụng và cả những ứng dụng mặc định như cài đặt đều rất sát với Android gốc.
Điểm tôi thích ở VOS 3.0 đó là các icon được làm lớn, dễ nhìn và dễ bấm; kèm theo đó là hãng cũng loại bỏ bớt những chuyển động không cần thiết để tránh rối mắt cũng như có hiệu năng tốt hơn trên dòng máy có cấu hình không thực sự cao như Star 4.
Vậy cấu hình của Star 4 như thế nào? Điều khiển mọi hoạt động của Star 4 là chip MediaTek Helio P35 8 nhân, với 2 phiên bản RAM là 2GB và 3GB. Phiên bản 3GB sẽ có giá bán cao hơn khoảng 300 ngàn, theo tôi là rất đáng để nâng cấp vì 2GB là thấp trừ khi bạn luôn chỉ dùng 1 – 2 ứng dụng và liên tục tắt các ứng dụng chạy nền.
Điểm qua những bài benchmark của Star 4, đúng là vi xử lý Helio P35 có hiệu năng không thực sự cao cả về điểm CPU lẫn GPU. Như đã nói ở trên, giao diện VOS 3.0 đã được đơn giản hóa nhất có thể nên các thao tác thông thường sẽ không gặp trở ngại gì.
Ta sẽ trải nghiệm nhanh với một vài tựa game nổi tiếng, bắt đầu với Angry Birds 2. Đây là một game 2D nhẹ nhàng và không có tương tác nhiều người chơi, nên ngoại trừ việc máy load bản đồ (map) mới hơi chậm thì các thao tác trong game đều được thực hiện tốt.
Liên Quân Mobile thì ta sẽ phải để hiệu ứng xuống thấp nhất, nhưng tin vui là có thể bật tính năng fps cao (60 fps). Trong game, những lúc đi từ nhà tới bụi cỏ, không có nhiều yếu tố chuyển động thì Star 4 vẫn có thể giữ được tròn 60 fps, nhưng khi có nhiều chuyển động thì sẽ tụt xuống khoảng 50 – 55 fps. Nếu muốn đồ họa đẹp hơn, bạn có thể chuyển lên mức đồ họa trung nhưng giảm tốc độ xuống 30fps.
PUBG Mobile cũng tương tự, ta sẽ chuyển xuống mức độ họa “mượt’ (tức thấp nhất), tốc độ khung hình trung bình để có trải nghiệm tốt nhất. Lúc này bản đồ sẽ được lược bớt những yếu tố hiển thị, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới việc thao tác (game-play) nên vẫn có thể chơi được.
Asphalt 9 làm mình bất ngờ vì đây là một tựa game rất ‘ngốn cấu hình’, nhưng lại có thể chơi được trên Star 4. Như thường lệ, ta sẽ phải hi sinh một chút độ ‘đẹp’ và để mức đồ họa mặc định (default), song các chuyển động như bật nitro, drift, xoay lộn đều ổn. Trong chế độ đồ họa này thì các yếu tố môi trường đều khá đẹp, chỉ riêng xe có xảy ra răng cưa.
Đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất
Trong thời đại rất nhiều smartphone vượt ngưỡng 20 triệu Đồng, thì một chiếc smartphone như Vsmart Star 4 có giá chỉ bằng 1 phần 10 có thể làm được gì? Ta sẽ phải quên đi những thiết kế bóng bẩy, quên đi màn hình AMOLED hay vi xử lý ‘nhanh như laptop’. Tất cả những gì ta có là một sản phẩm ‘vừa đủ dùng’, có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản như nghe gọi, lướt web và chơi được tốt những game nhẹ nhàng không có đồ họa quá cao.
Điểm sáng của chiếc smartphone này như đã đề cập, đó là màn hình LCD với màu sắc đậm, không bị ám màu quá mạnh cũng như giao diện VOS 3.0 khá thân thiện với người dùng và gần với Android gốc. Nếu như bạn có ý định đầu tư vào Star 4, chắc chắn sẽ phải có một bước’ điều chỉnh kỳ vọng’ nho nhỏ, cùng với đó là lưu ý ‘cố thêm chút’ để mua phiên bản RAM 3GB thay vì 2GB.
Theo Trí Thức Trẻ