‘Cuộc chiến trong nhà’ của người Italy

"Đây là một thành phố ma", Ylenia Stanzione, tiếp viên hàng không 38 tuổi, thốt lên. Mọi hoạt động đều diễn ra trong nhà, ngoài đường chỉ có tiếng còi xe cứu thương. – Star.vn Đời sống

Đối với Ylenia, chuỗi ngày ở Gallarate – một thành phố nằm gần tâm dịch Lombardy – được điền đầy với công việc và các cuộc chat WhatsApp. Một chút thời gian tập thể dục. Đọc sách, xem các show trực tuyến. Bạn bè trò chuyện trên video thay vì gặp nhau ở bar.

Một người đang chạy trên đường phố vắng lặng ở Rome, ngày 15/3. Ảnh: Vox.
Một người đang chạy trên đường phố vắng lặng ở Rome, ngày 15/3. Ảnh: Vox.

Các trường học và hầu hết công sở đóng cửa, nhưng vẫn có những công việc cần phải hoàn thành. Những người buộc phải tới công sở sẽ đeo khẩu trang, sử dụng găng tay để xử lý các vật dụng, thậm chí cả khi dùng máy pha cà phê. Tất cả mọi thứ đều được vệ sinh, khử trùng nhiều lần.

Việc tới các cửa hàng tạp hóa hay dắt chó đi dạo, là những “cuộc đào thoát” hiếm hoi của Ylenia. Chạy bộ hay đi dạo một mình được cho phép, nhưng trên thực tế điều đó phụ thuộc vào chính cảnh sát. Cảnh sát ở khắp thành phố tiến hành việc kiểm tra việc người ra đường có mang theo những giấy tờ được yêu cầu, và có đi đúng hành trình của họ hay không.

Italy trong tuần thứ hai áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi trở thành tâm dịch của châu Âu, với hơn 31.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.500 trường hợp tử vong, tính đến 18/3.

Patrick Marco Castronovo, một kỹ sư 35 tuổi sống ở Milan nói: “Cách vận hành cuộc sống mới này thực sự khác rất nhiều. Nhưng chúng ta có một chính phủ hiểu trước các nước châu Âu khác rằng Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh cúm”.

Các biện pháp của Italy sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 3/4, nhưng không phải ai cũng tin rằng nó sẽ sớm kết thúc. Giờ đây, người Italy đang tuân thủ theo các quy tắc dù chúng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Các cửa hàng giới hạn số người mua sắm trong cùng một thời điểm nên phải xếp hàng chờ đợi, mỗi người phải đứng cách xa nhau một khoảng nhất định. Người Italy cũng từ bỏ kiểu chào hỏi quen thuộc, giờ đây họ không ôm, không hôn, cả không bắt tay.

Theo Castronovo, người Italy đã trải qua ba giai đoạn: Đừng lo lắng, Lo lắng và Ở nhà. Đất nước này đã phải trả một cái giá quá đắt khi trải qua cả ba giai đoạn.

Giai đoạn “Đừng lo lắng” có lẽ kết thúc sớm hơn ở miền bắc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Lombardy trở nên rối loạn, dù đây là khu vực giàu có nhất của Italy với hệ thống chăm sóc sức khỏe ưu việt. Tình hình trở nên thảm khốc, ngày càng có nhiều người tìm đến bệnh viện.

Andrea – nhân viên ngân hàng 28 tuổi ở Bergamo, một thành phố ở Lombardy – chỉ những nhân viên y tế: “Bạn có thể thể thấy những người này mặc đồ bảo hộ trắng và đeo khẩu trang, găng tay. Tất cả giống như trong một bộ phim. Điều này đã xảy ra trong đời thực. Nó có thể xảy ra với những người hàng xóm của tôi, với bất cứ ai, bởi vì bạn nghe thấy tiếng còi cứu thương hú cả ngày”.

Ở miền nam Italy, dịch bệnh chưa bùng phát dữ dội. Tuy nhiên, các bác sĩ như Di Franco lo lắng Covid-19 cũng sẽ hoành hành ở đó, bởi hàng nghìn người miền Bắc đã chạy về phía nam ngay khi quy định hạn chế ở miền bắc chuẩn bị được đưa ra.

Đến lúc này, mọi người đều trong một tình huống như nhau và họ buộc phải điều chỉnh lối sống của mình. Sự điều chỉnh ở dây có nghĩa là học cách sống gần như hoàn toàn trong nhà.

Thành phố Turin giờ đây hoang vắng như một sa mạc. Ảnh: Vox.
Thành phố Turin giờ đây hoang vắng như một sa mạc. Ảnh: Vox.

Ngay cả những thói quen bình thường cũng đã bị đình hình lại. Di Franco ở Palermo, người thường đi làm và gặp gỡ bệnh nhân, nhưng tất cả những nhân viên ở văn phòng của anh giờ đều mặc đồ bảo hộ. Vị bác sĩ thường thân thiện chào hỏi bệnh nhân bằng cách bắt tay họ, nhưng giờ đây thì anh không thể. “Điều đó trông có vẻ ngốc nghếch, nhưng nó thực sự là một thay đổi lớn trong thói quen và hành vi của chúng ta”.

Sau những nỗ lực này, người Italy cố gắng tìm ra cách nào đó có thể làm việc ở nhà và chăm con. Công việc gây căng thẳng hàng ngày theo một cách nào đó, lại trở nên giống như một điều may mắn. Chúng giúp cho một ngày được trôi qua đỡ buồn tẻ hơn.

Courtney, giáo viên 44 tuổi tại một trường quốc tế ở Rome, giờ đang dạy sinh viên từ xa. Con gái 4 tuổi của cô cũng ở nhà, từ khi trường mẫu giáo của bé đóng cửa. Courtney chia sẻ: “Chúng tôi đang rất cố gắng để giữ cho mọi thứ bình thường, tuy nhiên sự mới lạ dường như vẫn chưa có dấu hiệu bị bào mòn. Con gái tôi vẫn chưa buồn hỏi: Bạn học của con đâu, khi nào chúng ta tới trường?”.

Cuộc sống trong nhà cũng có nghĩa là nếu bạn cố gắng ra ngoài, bạn cũng chẳng thể thấy ai. Tất cả các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa. Nó giống như một sa mạc, không có ai. “Thật kỳ lạ, tôi chưa bao giờ thấy Milan như thế này”, Castronovo nói. “Nó giống như những bộ phim về virus”, anh nói.

Benedetta Norelli, một thanh niên 24 tuổi sống ở tỉnh Salerno, miền nam Italy viết trong email gửi đến phóng viên: “Thật ngột ngạt, như một nhà tù. Ý nghĩ về việc bị nhốt và bị theo dõi ăn mòn tâm hồn tôi”. Cô kể, trong một buổi sáng, khi những suy nghĩ âu lo bao trùm, cô đã quyết định đi bộ một đoạn ngắn trên con đường núi gần nhà. Hai viên cảnh sát đã ngăn cô lại và yêu cầu cô về nhà. “Tôi may mắn vì không bị phạt”, cô kể. Lúc đầu, cô đã rất tức giận vì đang đi một mình trên đường vắng, không là mối đe dọa của bất cứ ai. Tuy nhiên, sau phản ứng bốc đồng đó, cô đã tự suy nghĩ và nhận ra rằng có lẽ, kể cả cô có ghét tình huống này thế nào đi nữa, việc tuân thủ là cách thích hợp nhất để đánh bại sự lây lan của virus. Nếu 10 người đều cùng ra ngoài đi dạo trong khu vực này, khu vực ấy sẽ không còn vắng vẻ nữa.

Việc ra ngoài chỉ nên tiến hành khi hết sức cần thiết. Đề xuất được đưa ra là một nhà chỉ có một người ra ngoài mua đồ cho cả gia đình. Emilio Scoti, 47 tuổi là người lãnh trách nhiệm này trong gia đình anh. Nhà quay phim kiêm nhiếp ảnh gia đang sống tại bờ biển phía bắc Italy cùng vợ và hai con 5 tuổi, 7 tuổi, mẹ anh, vợ chồng anh họ và cô con gái của họ. Thông thường, họ đặt hàng từ các cửa hàng địa phương, đồ ăn và hàng hóa sẽ được giao và để ngoài cửa. Scoti sẽ mang vào bằng một chiếc xe cút kít, sau đó, đeo găng tay, khử trùng mọi thứ.

Scoti cảm thấy may mắn. Họ sống ở một con đường có vài gia đình, và họ có một sân rộng và vườn oliu, nơi bọn trẻ có thể vui chơi. Dù vậy, Scoti vẫn lo lắng. Anh nói: “Tưởng tượng xem, bạn cẩn thận vô cùng, làm 99% mọi thứ mình cần phải làm, và cuối cùng virus xuất hiện trong chiếc túi đựng gạo”.

Một người đàn ông đang chơi đàn ngoài ban công ở Turin. Kể từ khi toàn quốc bị phong tỏa, người dân Italy thường giải tỏa bằng cách ra ban công chơi đàn hoặc hát động viên nhau. Ảnh: Vox.
Một người đàn ông đang chơi đàn ngoài ban công ở Turin. Kể từ khi toàn quốc bị phong tỏa, người dân Italy thường giải tỏa bằng cách ra ban công chơi đàn hoặc hát động viên nhau. Ảnh: Vox.

Mọi người đều lo lắng, nhưng họ lo cho cha mẹ, ông bà là chủ yếu bởi đó mới là những “nhạy cảm” nhất với virus. Andrea ở Bergamo sống sát vách với người bà 93 tuổi của mình, tuy nhiên anh và cả gia đình đều cố gắng thận trọng không tiếp xúc quá gần gũi với bà. Họ nhắc nhở bà không ra ngoài, đồng thời trấn an bà rằng mọi thứ đều bình thường.

Nhưng những người già Italy lại cho rằng họ từng đi qua thế chiến 2 nên có thể dễ dàng vượt qua trận chiến này. Nhà làm phim, kiêm nhiếp ảnh gia Scoti nói: “Họ nhớ về những khoảnh khắc đầy sức mạnh trong quá khứ. Điều dó đã giúp đặt những nỗi lo lắng ở thời điểm này vào một chừng mực nhất định”. Trong khi đó, Di Franco nói: “Những người già từng được yêu cầu tham gia vào chiến tranh giờ đây, yêu cầu đặt ra cho họ là ở yên trong nhà, trên ghế sofa”.

Ở nhà giờ đây là trách nhiệm quốc gia. Những người Italy thường rất khó tìm tiếng nói chung khi có vấn đề, nhưng lần này đã có sự thống nhất. Những khoảnh khắc đẹp đẽ đã xuất hiện, khi người Italy cất tiếng hát từ cửa sổ, từ ban công hay ra ban công để vỗ tay cổ vũ nhân viên y tế đang về nhà sau ca làm việc dài”.

Thùy Linh (Theo Vox) – Vnexpress