Bức ảnh “The Buffalo Man” (Người đàn ông chăn trâu) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Alex Cao vừa đạt giải Highly Commended trong cuộc thi Drone thế giới, là một trong những cảnh đẹp từ trên cao được các hãng thông tấn lớn đăng tải.
Trong ảnh, đàn trâu được người đàn ông lùa ngang qua ngôi nhà hình trái tim, để lại một vệt bùn trên mặt nước vàng. Người đàn ông đó là Phạm Đức Quang (tên thường gọi là Đa, 55 tuổi).
“Ngôi nhà trái tim” được ông cùng vợ là bà Phùng Thị Thủy dựng lên 25 năm trước. Nhưng hạnh phúc của họ không chỉ có êm đềm và nên thơ.
Bà Thủy ở xã Tịnh Khê, còn ông Đa ở xã Tịnh Hòa (trước đây thuộc huyện Sơn Tịnh, nay nhập về TP Quảng Ngãi), cách nhau chỉ vài cây số. Nhà nghèo, bà Thủy bỏ cặp sách từ năm lớp 9 để đi buôn gà phụ giúp gia đình. Ra đời sớm, sẵn nhan sắc xinh đẹp, ở tuổi cập kê bà là cô gái lanh lợi và lém lỉnh.
Trong một lần đi ăn cưới bạn, bà gặp ông Đa ngồi cùng bàn. Anh chàng mặc quần nhung đỏ, áo sơ mi trắng và tóc lòa xòa nghệ sĩ, là mốt thời ấy. Thấy ông Đa bảnh bao nhưng rụt rè, ít cụng ly, bà Thủy trêu: “Nâng ly đi chứ anh Đa”. “Anh chàng này ăn chơi sành điệu, chắc cũng không nghiêm túc trong chuyện yêu đương gì đâu”, bà Thủy trộm nghĩ rồi cho qua. Chẳng ngờ ông Đa yêu thầm từ đó.
Thời đó chưa có điện thoại nên ông Đa làm quen với bạn của bà Thủy để tiếp cận, đi chơi chung. Lần nào đi, ông Đa cũng bảnh bao nhưng luôn mặc áo dài tay và cho hai tay vào túi quần. Bà Thủy không để ý nhiều, cứ tưởng đó là phong cách. Vài tháng sau, thấy ông Đa “tấn công” hơi mạnh, một người bạn của bà Thủy mới tiết lộ ông bị cụt một cánh tay từ khi còn nhỏ.
Nghe xong, bà Thủy ngỡ ngàng. “Công tắc tình yêu” của cô gái 20 chưa kịp bật qua đèn xanh đã sang đèn đỏ. Sau này nhớ lại, bà Thủy thật lòng: “Hồi đó mình xinh đẹp, nhiều người theo đuổi mà việc gì phải chọn người như ổng”.
Rồi bà Thủy hẹn hò người mới. Còn ông Đa không bỏ cuộc với chiến thuật “trồng cây si”. Mỗi lần bà Thủy đi xem phim chiếu bóng với bạn trai thì ông Đa lại xuất hiện, khiến bà ngại ngùng.
Thế nhưng, chuyện yêu đương của bà Thủy với những người mới cũng không suôn sẻ. Kẻ thì con trai một, nhà có điều kiện, bà Thủy ngại không tương xứng. Người thì thiếu bản lĩnh, thấy gia đình người yêu khó rồi thoái lui. Hơn một năm thất vọng với tình yêu, bà Thủy giật mình: “Vẫn còn có anh Đa, ảnh tuy không lành lặn nhưng thương mình thật lòng”. Biết bà Thủy đang cô đơn, ông Đa nhờ một người bạn khác trong làng sang nhà bà Thủy “đánh tiếng” là nếu đồng ý thì để ông về thưa chuyện với cha mẹ sang xin cưới.
Bà Thủy im lặng ngầm xuôi. Có một sự tình cờ khiến bà càng tin vào “chữ duyên” giữa mình với ông Đa. Khi bố chàng trai sang làng bên để thưa chuyện với gia đình bà Thủy, Trên đường, gặp một người đàn ông, hỏi nhà bà Thủy, ông này nói sẽ dẫn đến nơi. Đến nhà rồi, cha bà Thủy mới ôn tồn: “Tôi chính là cha con Thủy đây, anh đến đây có chuyện gì không?”. Rồi hai người cha ngồi vào bàn nói chuyện cho hai đứa con quen nhau.
Qua đám hỏi, bà Thủy lại bước vào cuộc đấu tranh nội tâm, chần chừ mãi chưa chịu cưới. Thấy con gái đắn đo, người cha khuyên nhủ, nếu con thấy khó quá thì có thể từ hôn, rồi tìm hiểu người khác, nó như vậy rồi làm sao giặt giũ khi con sinh nở, làm ăn nuôi con.
Ba năm sau đám hỏi, cha bà Thủy đột ngột qua đời. Nhà trai, phía ông Đa lại đến chung tay lo hậu sự. Ông Đa thì ở lại nhiều ngày sau đám tang để động viên vợ chưa cưới. Bà Thủy biết mình đã chọn đúng người nên đám tang xong bà dọn về nhà chồng.
Hóa ra, bà lo lắng hơi thừa, vì ông Đa có tật có tài. Bà Thủy mang thai sau vài năm về chung sống, đến khi bụng lớn thì ông lo cơm nước, giặt giũ “êm ru” mà những người đàn ông lành lặn chưa chắc đã làm được.
Công việc đồng áng, ông Đa cũng tháo vát. Ông chèo đò, đánh trâu đi cày, cuốn, chất rạ…chỉ có cắt lúa và đi cấy là ông không làm được do chỉ còn một tay lành lặn. Ngoài 17 sào ruộng (mỗi sào 500 m2), ông còn làm được nhiều nông cụ như mũng, nia, cào…để bán kiếm thêm thu nhập.
Nhà ở bờ này sông Diêm Điền, nhưng đồng ruộng lại ở bên kia bờ sông. Nên đến mùa lúa, mùa gặt, vợ chồng phải mướn thêm hàng xóm, cùng chèo thuyền qua bên đó. Thấy họ “thuận vợ, thuận chồng”, những người trước đây bày tỏ lo lắng cho bà Thủy giờ lại ngưỡng mộ và thầm ghen tị vì “chồng bà Thủy làm giỏi hơn mấy ông khác”.
25 năm trước, ông Đa nảy ra ý định đắp gò ở bãi cạn giữa sông (sông rộng 400 m) để làm một trạm dừng chân khi đi làm đồng, vừa ở vừa nuôi vịt. Nghe ý tưởng có vẻ hơi kỳ nhưng bà Thủy cũng nghe theo chồng, cùng xúc đất lên thuyền rồi ra sông đắp gò.
Nước sông Diêm Điền vốn êm vì đã trị thủy và có nhiều lau sậy, nhưng hai vợ chồng phải trồng rất nhiều cây như: ổi, xanh, bình bát để chống xói lở. Kiên trì suốt 10 năm, diện tích gò đất được mở rộng lên 400 m2. Vợ chồng chia thành hai khoảnh, một khoảnh để dựng nhà tạm và một khoảnh để nuôi vịt.
Vợ chồng ông Đa thường ra nhà giữa sông ăn cơm và buổi trưa và cắt cử một người ở lại chăm vịt, người còn lại về nhà. Những lúc có chuyện riêng hoặc mâu thuẫn, họ ra đây nói với nhau để tránh làm phiền con cái. Ông Đa còn câu cả điện từ nhà sang giữa sông để có thể bật quạt, xem tivi ở đây.
Sông Diêm Điền từ hơn nửa thế kỷ qua được ngăn với biển bằng đập Bờ Đắp để nước sông không nhiễm mặn, giúp người dân hai xã Tịnh Khê và Tịnh Hòa trồng lúa ở cánh đồng hơn 100ha phía trên.
Thấy ông Đa hay đề nghị điều chỉnh nắp ngăn của Đập để xả nước tránh ngập úng và ngăn mặn kịp thời, bốn năm qua, ngành nông nghiệp giao cho ông công việc điều chỉnh nắp đập. Nên mỗi ngày, sau khi cùng vợ cho vịt ăn làm việc nhà, ông còn phải làm “chuyện xã hội” với phụ cấp 6 triệu đồng một năm.
Vợ chồng họ còn được ngành nông nghiệp tặng hơn 200 con giống vịt trời, những con vịt lớn nhanh nhờ vừa được cho ăn đầy đủ, vừa được bơi trong phạm vi các tấm khoanh bằng tre và lưới mà ông Đa bà Thủy dựng quanh nhà.
Tháng 5/2020, các thành viên của CLB Nhiếp ảnh trẻ Quảng Ngãi đang đi tìm những cảnh đẹp của quê hương thì bắt gặp ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm giữa mênh mông nước. “Ban đầu tôi cứ tưởng đây là nhà hoang nhưng không, đó là ngôi nhà có trái tim hạnh phúc được tạo nên từ tình yêu và đôi bàn tay không lành lặn của chú Đa”, anh Alex Cao, tác giả bức ảnh đoạt giải chia sẻ.
Thì ra, những tấm khoanh rào để nuôi vịt, lại cùng ngôi nhà tạo thành hình trái tim, mà chỉ khi chụp trên cao mới nhìn thấy rõ.
“Càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tôi lại thấy rốt cuộc, tất cả những gì chúng ta tìm kiếm không phải là hai chữ bình yên sao? Hạnh phúc từ trong bình yên lặng lẽ, giống như hai vợ chồng trong ngôi nhà nhỏ ấy”, nghệ sĩ nhiếp ảnh nói.
Còn bà Thủy thì tâm sự: “Chú theo đuổi cô cũng kiên trì mà làm cái nhà này cũng kiên trì?”. Chồng bà trêu lại: “Cô theo đuổi chú chứ, bà ấy từ Tịnh Khê qua ở với chú ở Tịnh Hòa thì không phải theo là gì”.
Phạm Linh – Vnexpress