Căng thẳng từng khiến Mỹ bắn nhầm máy bay chở khách Iran

Ngay trước tai nạn máy bay hôm 8/1, Tổng thống Iran nhắc lại sự cố tàu chiến Mỹ bắn hạ máy bay nước này năm 1988, khiến 290 người chết.

“Những người đề cập tới con số 52 cũng nên nhớ về con số 290. Đừng bao giờ đe dọa Iran”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani viết trên Twitter hôm 7/1, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu họ trả đũa cho tướng Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ tại Iraq hôm 3/1.

Ông chủ Nhà Trắng cho hay 52 địa điểm mà Mỹ lựa chọn đại diện cho 52 công dân nước này bị bắt tại Iran vào tháng 11/1979. Sự việc bắt nguồn từ làn sóng biểu tình của người dân Iran chống lại Vua Mohammad Reza Pahlavi thân Mỹ. Pahlavi bị lật đổ hồi tháng 2/1979 và đến Mỹ vào tháng 10 cùng năm. Để phản đối Washington, sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran, giữ 52 con tin trong 444 ngày (ban đầu giữ 66 con tin, nhưng thả dần một số người sau đó).

Khủng hoảng con tin được cho là lý do Mỹ – Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1980. Không khí căng thẳng kéo dài nhiều năm sau đó và dẫn tới thảm họa năm 1988, khi tàu tuần dương Mỹ USS Vincennes bắn hạ chiếc Airbus A300 chở 290 người của hãng hàng không Iran Air tại Vùng Vịnh.

Mảnh vỡ chiếc Airbus A300 của hãng Iran Air bị Mỹ bắn hạ tháng 7/1988. Ảnh: Reuters.
Mảnh vỡ chiếc Airbus A300 của hãng Iran Air bị Mỹ bắn hạ tháng 7/1988. Ảnh: Reuters.

Hơn một năm trước sự cố, hải quân Mỹ cam kết bảo vệ các tàu thương mại di chuyển qua vịnh Ba Tư trước mối đe dọa từ “chiến tranh tàu dầu”, một phần trong cuộc chiến từ năm 1980 đến 1988 giữa Iran và Iraq. Iran nỗ lực chặn tiếp tế của Iraq qua vịnh Ba Tư với các cuộc tấn công bằng thủy lôi và rocket nhắm vào các tàu.

Cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Tehran tại khu vực khi đó vô cùng dữ dội. Từ cuối năm 1987, tàu chiến Mỹ thường xuyên đấu súng với xuồng cao tốc Iran trên eo biển Hormuz. Ngày 14/4/1988, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts của Mỹ trúng thủy lôi của Iran và gần như gãy làm đôi. 4 ngày sau, Washington tiến hành chiến dịch Praying Mantis để trả đũa, xóa sổ một nửa lực lượng hải quân Iran vào thời điểm đó.

Tàu tuần dương USS Vincennes được Mỹ triển khai tới Vùng Vịnh để lấp khoảng trống do thiếu hụt máy bay cảnh báo sớm, với hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, nằm dưới quyền chỉ huy của đại tá hải quân William C. Rogers III.

Ngày 3/7/1988, chuyến bay số hiệu 655 của Iran Air khởi hành từ thành phố Bandar Abbas để tới Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào lúc 10h47. Sân bay Bandar Abbas phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, là nơi đặt một số tiêm kích F-14 của quân đội Iran. Washington cho rằng những tiêm kích F-14 này được trang bị tên lửa Maverick có khả năng tấn công tàu Mỹ trong bán kính 16 km.

Chuyến bay xuất phát chậm hơn 27 phút so với kế hoạch và dự kiến kéo dài 28 phút. Sau khi cất cánh, đài kiểm soát không lưu Bandar Abbas yêu cầu phi công bật thiết bị phát đáp và vạch hành trình bay. Tổ lái cũng đã bật mã định danh của máy bay dân dụng và liên tục duy trì liên lạc bằng tiếng Anh với các đài kiểm soát không lưu trong khu vực.

Vào buổi sáng định mệnh đó, tàu USS Vincennes di chuyển tới gần lãnh hải Iran khi truy đuổi một xuồng cao tốc nước này. Radar trên tuần dương hạm lập tức phát hiện và bám bắt chiếc Airbus A300 sau khi nó cất cánh. Tuy nhiên, trong vài phút tiếp theo, tàu Mỹ không thể nhận dạng máy bay này. Các sĩ quan tác chiến kết luận đây là một tiêm kích F-14A của không quân Iran.

Theo báo cáo của hải quân Mỹ, nếu phi cơ này mang theo tên lửa Maverick, Hạm trưởng Rogers chỉ có chưa đầy 5 phút để xác định liệu con tàu của ông có đang gặp nguy hiểm hay không. Cuối cùng ông đã ra lệnh khai hỏa.

USS Vincennes phóng hai tên lửa phòng không SM-2MR lúc 10h54, trong đó một quả trúng máy bay của Iran Air và vỡ tan ngay trên không, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em.

Ngay sau sự việc, giới chức Mỹ cáo buộc chiếc Airbus A300 liên tục hạ độ cao và bay chệch lộ trình về hướng USS Vincennes. Tuy nhiên, báo cáo của hải quân Mỹ phủ nhận thông tin này. Việc chiếc máy bay chở khách phớt lờ liên lạc với tuần dương hạm Mỹ cũng bị bác bỏ. Quan chức quốc phòng Mỹ sau đó thừa nhận tàu chiến đã nhận diện sai và bắn rơi máy bay chở khách, đồng thời đổ lỗi cho Iran vì gây căng thẳng dẫn tới thảm kịch.

Đường bay dự kiến và vị trí chiếc A300 bị bắn hạ. Đồ họa: Wikipedia.
Đường bay dự kiến và vị trí chiếc A300 bị bắn hạ. Đồ họa: Wikipedia.

Tuy nhiên, một số nhà điều tra độc lập cáo buộc Lầu Năm Góc che đậy sự cố. Đại úy William Montford, người có mặt trên đài chỉ huy USS Vincennes hôm đó, đã cảnh báo Rogers mục tiêu có khả năng là máy bay dân dụng, nhưng đại tá này dường như tự thuyết phục bản thân rằng tàu Mỹ đang bị đe dọa và ra lệnh tấn công, dù biết hành động này có thể khiến dân thường thiệt mạng.

Iran cũng cho rằng USS Vincennes cố ý tấn công chiếc A300 và kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế. Năm 1996, hai nước đạt thỏa thuận, trong đó Washington bày tỏ “hối tiếc sâu sắc” vì sự cố và đồng ý chi trả 131,8 triệu USD để Tehran rút đơn kiện. 61,8 triệu USD dành để bồi thường cho gia đình 248 hành khách Iran, số còn lại tương đương giá trị một chiếc Airbus A300.

Chuyến bay số hiệu PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm 8/1 rơi và bốc cháy ở ngoại ô Tehran ngay sau khi khởi hành để tới Kiev, khiến 176 người thiệt mạng. Hai ngày sau, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết theo thông tin tình báo, chiếc Boeing 737-800 có thể vô tình bị tên lửa Iran bắn trúng. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng phát biểu tương tự.

Vài giờ trước tai nạn, Iran đã phóng hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa cho tướng Soleimani.

“Ai đó có thể đã phạm sai lầm. Tôi có một số nghi ngờ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới vụ rơi máy bay.

 Ánh Ngọc (Theo CNN, Foreign Policy Journal) – Vnexpress