Đó là những chia sẻ của ông Lê Quốc Minh – ủy viên Trung ương Đảng, phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) – khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề có nên yêu cầu các nền tảng như Facebook, Google… phải trả tiền cho các cơ quan báo chí khi sử dụng thông tin.
Phải chia sẻ nguồn thu với báo chí
* Việc Chính phủ Úc thông qua luật yêu cầu Facebook trả tiền cho các cơ quan báo chí khi đăng tải nội dung báo chí trên nền tảng của mình liệu có phải là xu thế sẽ được nhiều chính phủ áp dụng trong thời gian tới, thưa ông?
– Bước đi mạnh mẽ của Chính phủ Úc được nhiều quốc gia ủng hộ. Trong cuộc điện đàm ngày 23-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Úc Scott Morrison thậm chí thống nhất hợp tác để yêu cầu “những gã khổng lồ Internet” trả tiền cho các hãng tin. Trước đó, Ủy viên châu Âu về dịch vụ kỹ thuật số Thierry Breton đã lên tiếng ủng hộ Úc trong cuộc tranh chấp với “gã khổng lồ” Facebook.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng việc “đòi quyền lợi” cho báo chí từ miếng bánh quảng cáo của các ông lớn công nghệ là điều không hề đơn giản. Trước đó, khi Facebook bất ngờ chặn việc chia sẻ tin tức ở Úc, nhằm đáp trả bộ quy tắc thương lượng với truyền thông đang được Úc đề xuất, lượng truy cập vào các trang báo chí đã bị sụt giảm mạnh, chưa kể những trang web cung cấp thông tin thời tiết và dịch vụ công cũng bị ảnh hưởng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng những cộng đồng dễ bị tổn thương, như người già hay người sống ở khu vực nông thôn, sẽ bị thiệt hại nhất.
Dù Facebook và Chính phủ Úc đã đạt thỏa thuận khôi phục tin tức trên Facebook tại quốc gia này, sau khi Chính phủ Úc chấp thuận một số thay đổi trong bộ quy tắc. Theo thỏa thuận mới, Facebook vẫn có quyền loại bỏ tin tức ở Úc và một số chuyên gia cho rằng việc chính quyền coi trọng tài là “giải pháp cuối cùng” nghĩa là ưu thế thương lượng đang nằm trong tay Facebook.
* Theo ông, việc yêu cầu Facebook hoặc những nền tảng tương tự trả tiền cho các cơ quan báo chí khi khai thác thông tin báo chí có khiến người dùng mạng xã hội bị ảnh hưởng?
– Facebook cho rằng nội dung báo chí chỉ chiếm 4% tổng nội dung trên nền tảng này, nhưng rõ ràng đây là những nội dung chất lượng cao, được người dùng quan tâm và chia sẻ rất nhiều. Tuy tỉ lệ giảm đi trong vài năm qua nhưng vẫn có khoảng 30% người dùng xem truyền thông xã hội là nguồn quan trọng để nắm thông tin. Google và nhiều nền tảng khác rõ ràng cũng được hưởng lợi từ nội dung báo chí khi chúng xuất hiện trên công cụ tìm kiếm hoặc các ứng dụng tin tức.
Do đó, việc các ông lớn công nghệ này phải chia sẻ nguồn thu với báo chí là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh các nền tảng công nghệ ngày càng thống trị mảng quảng cáo digital. Theo những nghiên cứu mới nhất, Google và Facebook đang nắm tới 78% thị phần, trong khi các cơ quan báo chí ngày càng bị suy giảm doanh thu mà vẫn phải chi phí rất nhiều để sản xuất các nội dung chất lượng cao.
Nhưng khi không thể đạt thỏa thuận, Facebook “ra tay” chặn toàn bộ tin tức trong một vùng địa lý nhất định, người dùng đương nhiên bị thiệt thòi. Nhiều người tuyên bố không cần đọc báo chí chính thống nữa, chỉ cần lên mạng xã hội là biết đủ thứ nhưng thực ra chỉ không truy cập trực tiếp vào các website tin tức chứ để nắm tin cũng phải dựa vào các nguồn chính thống, nếu không muốn rơi vào bẫy tin giả, tin thất thiệt, tin đồn thiếu căn cứ.
Cần thương lượng tập thể
* Nếu VN cũng yêu cầu Facebook hoặc những nền tảng xuyên biên giới trả tiền cho các cơ quan báo chí khi sử dụng/khai thác thông tin báo chí, theo ông có khả thi không?
– Với các nền tảng xuyên quốc gia, mô hình kinh doanh phải mang quy mô toàn cầu chứ không thể có sự phân biệt giữa từng quốc gia, nhưng lộ trình áp dụng ra sao là điều chúng ta cần theo dõi và phải chủ động hối thúc. Google đã ký thỏa thuận chi trả cho khoảng 500 cơ quan báo chí trên toàn cầu, từ châu Mỹ, châu Âu cho đến châu Á. Sau khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ Úc, Facebook có thể sẽ bắt đầu quá trình thương lượng với các cơ quan báo chí nước này, rồi mở rộng sang các quốc gia khác.
Cũng cần lưu ý rằng Google và Facebook không thiếu tiền nên việc chia một phần cho báo chí không phải là điều gì khó khăn. Thứ họ không muốn là chi trả tin tức theo cách thức có hệ thống, bởi ngoài các cơ quan báo chí còn có rất nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng đang cung cấp những nội dung giá trị lên các nền tảng này.
Họ cũng không muốn chi trả theo hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí vì nội dung giật gân, câu view của những tờ báo lá cải sẽ mang lại nguồn thu cao hơn cả những tờ như New York Times. Do đó, Google hay Facebook có thể sẽ thương lượng một khoản kinh phí trọn gói mỗi năm, tùy quy mô của mỗi cơ quan báo chí.
* VN đang là 1 trong 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất, Facebook cũng là một kênh quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại VN. Theo ông, chúng ta nên chọn cách ứng xử như thế nào đối với Facebook?
– Dù là quốc gia chỉ có số dân bằng 1/4 so với VN nhưng tổng chi phí quảng cáo trên Facebook trong năm 2019 của Úc vào khoảng 4 tỉ USD, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Xét cho cùng, Facebook là một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận nên việc hành xử hay nhượng bộ ra sao phụ thuộc vào những cân nhắc về lợi ích và rõ ràng Úc là một thị trường quan trọng.
Thực tế, Úc không phải là quốc gia đầu tiên yêu cầu các hãng công nghệ lớn trả tiền cho báo chí mà từ năm 2018, Liên minh châu Âu đã thông qua luật tương tự, nhưng các tập đoàn công nghệ vẫn đấu tranh quyết liệt để chống lại. Cuộc đối đầu giữa Úc và Facebook thu hút được sự chú ý nhờ sự quyết liệt của chính phủ nước này.
VN đương nhiên có thể tham khảo cách thức tiếp cận của Úc đối với các công ty thuộc nhóm “big tech” đang chi phối lĩnh vực quảng cáo digital và phân phối nội dung. Việc thương lượng đơn lẻ của từng cơ quan báo chí với các ông lớn nhiều khả năng dẫn đến thất bại. Do đó, cần phải thương lượng tập thể và có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng thì mới hi vọng đạt được tiến bộ.
Thời điểm cũng là yếu tố quan trọng. Không phải cứ thấy hàng xóm hành động là chúng ta cũng làm theo. Và như đã nói, mặc cả với những gã khổng lồ xuyên quốc gia không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng cũng không nên ngồi im mà phải có lộ trình hành động.
Sẽ yêu cầu các ông lớn công nghệ trả phí
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đang có kế hoạch xây dựng quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google khi sử dụng, khai thác thông tin của báo chí Việt Nam phải trả phí cho các cơ quan báo chí của Việt Nam. Theo đó, vấn đề này đã chính thức được đặt ra và đang được bàn thảo tại cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí.
Cơ quan quản lý báo chí cũng đang có kế hoạch dự kiến sẽ xây dựng một liên minh kết nối các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, có lượng bạn đọc, lượng truy cập lớn và thường xuyên được khai thác, sử dụng thông tin, sản phẩm trên các nền tảng như Facebook, YouTube… để có tiếng nói chung trong việc đấu tranh đòi quyền lợi về bản quyền và chi phí đối với những nền tảng này.
Trao đổi với chúng tôi, một quan chức trong lĩnh vực quản lý báo chí cho rằng đây là một việc làm cần thiết và phù hợp với thực tế cũng như xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm bảo vệ bản quyền về thông tin cũng như lợi ích chính đáng của các cơ quan báo chí Việt Nam trên môi trường số.
“Ngay từ trước khi vụ việc giữa Chính phủ Úc và Facebook xảy ra, chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này. Và tình hình hiện nay cho thấy đây sẽ trở thành một xu hướng tất yếu, khi các nền tảng như Facebook, YouTube… hưởng lợi từ việc khai thác tin tức, sản phẩm thuộc bản quyền của báo chí Việt Nam trên nền tảng của mình phải có trách nhiệm trả tiền cho các đơn vị báo chí”, vị này nói.
Nếu đồng lòng, sẽ làm được!
Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể buộc Google, Facebook… phải trả tiền cho báo chí như Úc và nhiều quốc gia khác đang làm.
Sau căng thẳng với Chính phủ Úc về việc trả tiền để sử dụng nội dung báo chí, mạng xã hội Mỹ thông báo sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào lĩnh vực tin tức trong 3 năm, khẳng định luôn ủng hộ báo chí chất lượng.
“Chúng tôi đã đầu tư 600 triệu USD vào ngành tin tức và dự kiến đầu tư thêm ít nhất 1 tỉ USD trong 3 năm tới. Facebook sẵn sàng hợp tác với các nhà xuất bản tin tức mới. Chúng tôi hoàn toàn công nhận rằng chất lượng báo chí là cốt lõi trong cách thức hoạt động của các xã hội cởi mở – cung cấp thông tin, trao quyền cho công dân và buộc những người có quyền phải chịu trách nhiệm”, Hãng tin AFP ngày 25-2 dẫn tuyên bố của ông Nick Clegg, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook.
Tuần trước, để phản đối việc Quốc hội Úc xem xét thông qua dự thảo bộ quy tắc thương lượng truyền thông, Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Úc chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Úc không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương cũng như nhiều cơ quan khác của Úc trên nền tảng này. Đến ngày 23-2, Facebook đã khôi phục quyền truy cập tin tức tại Úc sau khi chính quyền Canberra nhất trí sửa đổi bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Đạo luật được Quốc hội Úc thông qua ngày 25-2.
Việc Facebook chặn quyền truy cập tin tức của người dân Úc đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ. Nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố sẽ có biện pháp tương tự Úc để ủng hộ các hãng tin trong nước trong việc đòi tiền cho các nội dung báo chí chia sẻ trên mạng xã hội. Sau khi Canada tuyên bố sẽ là nước tiếp theo bắt các công ty công nghệ phải trả tiền, Hãng Reuters ngày 25-2 cho biết Facebook đang tìm hiểu khả năng đạt thỏa thuận cấp phép tin tức với các hãng tin của Canada trong năm sau và tăng cường đầu tư vào báo chí tại đây.
Trong khi đó, Facebook xác nhận đang trong quá trình đàm phán với các hãng tin tại Đức và Pháp để trả phí cho nội dung trên sản phẩm tin tức của nền tảng công nghệ này. Trước đó, Hãng Google cam kết đầu tư 1 tỉ USD sau khi bị cơ quan chức năng các nước chú ý liên quan đến mô hình kinh doanh cũng như tình trạng để tin giả tràn lan trên nền tảng của mình. Theo đó, Google cho biết sẽ trả tiền để các hãng tin sản xuất nội dung đăng trên nền tảng của mình như một cách “giúp đỡ báo chí trong thế kỷ 21”.
TRẦN PHƯƠNG
4-2020: Chính phủ Úc yêu cầu Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC) soạn bộ quy tắc thương lượng bắt buộc sau khi ACCC cho biết các hãng tin trong nước khó đạt được thỏa thuận tự nguyện với các công ty công nghệ lớn trong khi đối mặt với khó khăn do COVID-19.
7-2020: ACCC ra dự thảo luật thương lượng truyền thông nhằm buộc các công ty công nghệ trả tiền cho các hãng tin địa phương.
9-2020: Facebook dọa sẽ chặn chia sẻ nội dung tin tức tại Úc nếu đạo luật được thông qua
12-2020: Dự luật được trình lên Quốc hội Úc
17-2-2021: Google đạt thỏa thuận chi trả với các hãng tin Úc
18-2-2021: Facebook chặn việc chia sẻ tin tức ở Úc như đã cảnh báo
20-2-2021: Facebook đồng ý quay trở lại đàm phán với Chính phủ Úc
23-2-2021: Úc thông báo đã đạt thỏa thuận với Facebook để điều chỉnh dự luật, Facebook khôi phục các trang tin tức tại Úc
25-2-2021: Quốc hội Úc thông qua đạo luật thương lượng truyền thông
Theo THANH HÀ thực hiện – Tuổi Trẻ
Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021 (tạm dịch: Xu hướng tiếp thị kỹ thuật số Việt Nam 2021) được thực hiện trong tháng 1-2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2020 ước khoảng 820 triệu USD (khoảng 18.860 tỉ đồng), nhưng phần lớn doanh thu từ miếng bánh quảng cáo này rơi vào tay Google và Facebook…
Chiếm gần hết “miếng bánh” quảng cáo trực tuyến VN
Trong câu chuyện đầu năm chia sẻ với chúng tôi, ông T. – chủ một chuỗi cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM – tiết lộ mỗi tháng hệ thống của ông phải bỏ ra khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) cho việc chạy quảng cáo trên Facebook. “Xu hướng của người dùng Việt mình bây giờ là cái gì cũng qua Facebook. Dịch bệnh COVID-19 càng hoành hành, người ta càng xài Facebook. Ăn, ngủ, mua sắm gì cũng ít nhiều qua Facebook. Quảng cáo trên đó thì cỡ nào cũng trúng khách hàng”, ông T. cho biết.
Tương tự, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tuyến đều vô cùng chú trọng và tập trung vào mạng xã hội Facebook. Đó là lý do vì sao hầu hết doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam hiện nay đều ít nhiều chạy quảng cáo trên mạng xã hội số 1 thế giới này.
Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 – 2025 tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh trung bình 21,5%/năm. Trong giai đoạn 2018 – 2019 với mức doanh thu tương ứng xấp xỉ 569,9 triệu USD (2018) và 715,5 triệu USD (2019).
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của ngành quảng cáo trực tuyến chững lại, nhưng vẫn duy trì tổng doanh thu ở mức 820 triệu USD. Và với đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam trong năm 2021 được dự báo sẽ đạt mức doanh thu 955,7 triệu USD.
Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo trực tuyến đều đổ phần lớn và ngày càng nhiều vào Google và Facebook. Riêng trong năm 2020, theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021: “Facebook, Google Ads, YouTube và những người nổi tiếng trên các mạng xã hội hiện đang nhận được mức đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp”.
Chỉ có 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không dùng hoặc chưa dùng Facebook làm kênh truyền thông kỹ thuật số. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho biết đã chi rất lớn, thậm chí hơn 50% ngân sách quảng cáo kỹ thuật số vào kênh Facebook.
Nhiều chuyên gia khẳng định Facebook đã sử dụng nội dung của các cơ quan truyền thông Việt Nam và thu lợi trực tiếp mà không chia sẻ lại cho các đơn vị báo chí. Trong đó, Facebook hay Google đã lợi dụng vị thế độc quyền do chiếm tỉ trọng người dùng quá lớn để ít nhiều làm khó dễ các doanh nghiệp, thậm chí có thể “đe dọa” một quốc gia bằng việc không phân phối công cụ tìm kiếm tại quốc gia đó…
“Đồng lòng, Việt Nam sẽ làm được!”
Với việc nước Úc buộc Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí sở tại, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nếu các cơ quan nhà nước, báo chí, doanh nghiệp cùng đồng lòng. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Trần Ly Na – giám đốc Công ty truyền thông Lalaland – cho biết cuộc chiến giữa Chính phủ Úc và Facebook một lần nữa đặt ra câu hỏi: Liệu các tập đoàn công nghệ sẽ có được quyền lực cao hơn cả chính phủ quốc gia?
Thực tế cho thấy sau một vài động thái quyết liệt, Facebook đã chấp nhận đàm phán. Bước đi này liệu có dẫn đến sự thỏa hiệp ở tất cả các quốc gia mà Facebook đang hoạt động, như Việt Nam hay không? Theo bà Ly Na, câu trả lời phụ thuộc vào nhiều biến số. Chẳng hạn, hiện tại có bao nhiêu trang tin tức sử dụng Facebook để tiếp cận độc giả? Có bao nhiêu độc giả tiếp cận với báo chí thông qua Facebook?
Cũng theo bà Na, quyết định dành cho các cơ quan báo chí và góc nhìn của Chính phủ Việt Nam. Trong quá khứ, Chính phủ Việt Nam đã từng yêu cầu các doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên YouTube vì nền tảng này không thanh lọc nội dung theo yêu cầu. Nhưng liệu Chính phủ Việt Nam có yêu cầu doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên Facebook chỉ vì Facebook đã không trả tiền nội dung cho các hãng truyền thông chính thống? “Về lâu dài, Facebook sẽ phải trả tiền cho các nội dung chất lượng và có tương tác cao. Nhưng có thể họ sẽ nhìn mặt đặt tên để áp dụng cho từng đối tượng”, bà Na nhận định.
Tương tự, ông Phan Thanh Giản, CEO dịch vụ truyền hình ClipTV, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể học tập Úc nhưng phải từ cơ quan nhà nước “chủ xị”. “Việt Nam sẽ phải liên kết giữa các bộ liên quan, đồng thời trao đổi với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước để thống nhất ý chí. Khi đồng lòng, Việt Nam sẽ làm được!”, ông Giản nhận định.
ĐỨC THIỆN
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh
Theo ông Nguyễn Vũ Anh, phó tổng giám đốc Công ty Cốc Cốc – đơn vị sở hữu trình duyệt Cốc Cốc, cùng với giải pháp “ứng xử” với các doanh nghiệp toàn cầu như Google và Facebook, Việt Nam cũng cần tạo điều kiện cho các sản phẩm trong nước phát triển đủ mạnh, để không phải lo phụ thuộc vào “người ngoài” trong tương lai.
“Khi Việt Nam có một trình duyệt/công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội đủ tốt sẽ khiến Google, Facebook không thể áp dụng biện pháp “đe dọa” nói trên với chúng ta. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước để họ có đủ sức cạnh tranh một cách công bằng hơn với những ông lớn trên thế giới như Google, Apple, Facebook”, ông Vũ Anh kiến nghị.
Facebook cam kết đầu tư mạnh cho báo chí
Sau căng thẳng với Chính phủ Úc về việc trả tiền để sử dụng nội dung báo chí, mạng xã hội Mỹ thông báo sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào lĩnh vực tin tức trong 3 năm, khẳng định luôn ủng hộ báo chí chất lượng.
“Chúng tôi đã đầu tư 600 triệu USD vào ngành tin tức và dự kiến đầu tư thêm ít nhất 1 tỉ USD trong 3 năm tới. Facebook sẵn sàng hợp tác với các nhà xuất bản tin tức mới. Chúng tôi hoàn toàn công nhận rằng chất lượng báo chí là cốt lõi trong cách thức hoạt động của các xã hội cởi mở – cung cấp thông tin, trao quyền cho công dân và buộc những người có quyền phải chịu trách nhiệm”, Hãng tin AFP ngày 25-2 dẫn tuyên bố của ông Nick Clegg, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook.
Tuần trước, để phản đối việc Quốc hội Úc xem xét thông qua dự thảo bộ quy tắc thương lượng truyền thông, Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Úc chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Úc không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương cũng như nhiều cơ quan khác của Úc trên nền tảng này. Đến ngày 23-2, Facebook đã khôi phục quyền truy cập tin tức tại Úc sau khi chính quyền Canberra nhất trí sửa đổi bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Đạo luật được Quốc hội Úc thông qua ngày 25-2.
Việc Facebook chặn quyền truy cập tin tức của người dân Úc đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ. Nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố sẽ có biện pháp tương tự Úc để ủng hộ các hãng tin trong nước trong việc đòi tiền cho các nội dung báo chí chia sẻ trên mạng xã hội. Sau khi Canada tuyên bố sẽ là nước tiếp theo bắt các công ty công nghệ phải trả tiền, Hãng Reuters ngày 25-2 cho biết Facebook đang tìm hiểu khả năng đạt thỏa thuận cấp phép tin tức với các hãng tin của Canada trong năm sau và tăng cường đầu tư vào báo chí tại đây.
Trong khi đó, Facebook xác nhận đang trong quá trình đàm phán với các hãng tin tại Đức và Pháp để trả phí cho nội dung trên sản phẩm tin tức của nền tảng công nghệ này. Trước đó, Hãng Google cam kết đầu tư 1 tỉ USD sau khi bị cơ quan chức năng các nước chú ý liên quan đến mô hình kinh doanh cũng như tình trạng để tin giả tràn lan trên nền tảng của mình. Theo đó, Google cho biết sẽ trả tiền để các hãng tin sản xuất nội dung đăng trên nền tảng của mình như một cách “giúp đỡ báo chí trong thế kỷ 21”.
TRẦN PHƯƠNG
4-2020: Chính phủ Úc yêu cầu Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC) soạn bộ quy tắc thương lượng bắt buộc sau khi ACCC cho biết các hãng tin trong nước khó đạt được thỏa thuận tự nguyện với các công ty công nghệ lớn trong khi đối mặt với khó khăn do COVID-19.
7-2020: ACCC ra dự thảo luật thương lượng truyền thông nhằm buộc các công ty công nghệ trả tiền cho các hãng tin địa phương.
9-2020: Facebook dọa sẽ chặn chia sẻ nội dung tin tức tại Úc nếu đạo luật được thông qua
12-2020: Dự luật được trình lên Quốc hội Úc
17-2-2021: Google đạt thỏa thuận chi trả với các hãng tin Úc
18-2-2021: Facebook chặn việc chia sẻ tin tức ở Úc như đã cảnh báo
20-2-2021: Facebook đồng ý quay trở lại đàm phán với Chính phủ Úc
23-2-2021: Úc thông báo đã đạt thỏa thuận với Facebook để điều chỉnh dự luật, Facebook khôi phục các trang tin tức tại Úc
25-2-2021: Quốc hội Úc thông qua đạo luật thương lượng truyền thông
Theo THANH HÀ thực hiện – Tuổi Trẻ